3.644. Dù khó vẫn phải đòi doanh nghiệp trả tiền thuê đất ở bãi tắm Thùy Vân

(Zing) – Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định địa phương sẽ đòi các doanh nghiệp trả hơn 309 tỷ đồng tiền nợ khi thuê đất kinh doanh ở bãi tắm Thùy Vân.

Liên quan đến việc 9 doanh nghiệp kinh doanh tại “khu đất vàng” hơn 28 ha ở bãi tắm Thùy Vân (TP Vũng Tàu) nợ tiền thuê đất, lãnh đạo nhiều cơ quan liên quan thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá việc truy thu tiền nợ từ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về trách nhiệm để xảy ra sai phạm, luật sư cho rằng một số sở, ngành và cơ quan thanh tra về việc quản lý ngân sách, hoạt động kinh doanh dịch vụ có vai trò liên quan.

Tài khoản có số dư 0 đồng

Ông Trần Quang Hưng, Cục phó Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết đơn vị đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các doanh nộp tiền thuê đất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chây ì không chịu nộp. Do đó, để truy thu số tiền thuê đất trên, Cục Thuế đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp đang nợ tiền thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân.

Qua trích tiền để phong tỏa, cơ quan thuế phát hiện tài khoản của các doanh nghiệp nợ tiền ở trên đều có số dư 0 đồng.

Khu vực Bãi Sau dọc theo đường Thùy Vân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khu vực Bãi Sau dọc theo đường Thùy Vân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng số tiền nợ khi thuê đất của 9 doanh nghiệp đang kinh doanh là hơn 355,8 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp đã nộp được hơn 46 tỷ. Tính đến hết ngày 31/12/2017, số tiền các doanh nghiệp còn nợ là hơn 309 tỷ đồng.

“Việc truy thu tiền mà các doanh nghiệp đang nợ khi thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân dù khó cũng phải đòi”, một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết 9 doanh nghiệp thứ phát đang hoạt động tại bãi tắm trên đều có vi phạm về trật tự xây dựng.

Theo ông Thuấn, tổng diện tích đất mà các doanh nghiệp xây dựng không phép, sai phép là gần 2,3 ha. Địa phương này đang kiểm tra, rà soát hiện trạng xây dựng tại các doanh nghiệp thứ phát được cấp phép để làm cơ sở đền bù.

“Những công trình xây dựng đã được cấp phép khi tháo dỡ sẽ đền bù, bồi thường theo đúng quy định. Còn công trình xây dựng không phép, sai phép thì yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ, nếu không địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế”, ông Thuấn khẳng định.

Theo kết luận thanh tra, năm 1996, UBND tỉnh giao 30 ha đất cho Công ty CP Xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu (hiện là Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân theo hình thức cho thuê đất trong 50 năm.

Doanh nghiệp phải trả tiền thuê gần 1,7 tỷ đồng mỗi năm. Chủ trương ban đầu của tỉnh là cho Công ty CP Xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân. Sau đó, công ty nộp tiền thuê đất để thu hút đầu tư. Nhưng trên thực tế, công ty này và các đơn vị thứ phát thuê đất không nộp tiền.

Công ty CP Xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu và các doanh nghiệp thứ phát đã thuê, sử dụng đất tại bãi Thùy Vân nhưng chưa ký hợp đồng thuê và không nộp tiền thuê đất.

Trong tổng số tiền các doanh nghiệp còn nợ hơn 309 tỷ đồng, cơ quan thanh tra xác định đơn vị nợ nhiều nhất là Công ty CP Du lịch tỉnh (hơn 94,6 tỷ đồng). Đơn vị nợ ít nhất là Công ty TNHH Janhold-OSC (trên 4,4 tỷ đồng).

Quên nộp tiền có thoát trách nhiệm?

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Đây là đơn vị được UBND tỉnh giao ký hợp đồng với các doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý về mặt Nhà nước đối với đất cho thuê tại Bãi Sau.

Trách nhiệm tiếp theo thuộc về một số cơ quan liên quan như Sở Du lịch, Sở Tài chính và các cơ quan thanh tra liên quan đến việc quản lý ngân sách, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở bãi tắm.

Theo luật sư, 9 doanh nghiệp thuê và khai thác, sử dụng diện tích đất cùng hạ tầng ở bãi biển trong thời gian khá dài, tại vị trí sầm uất. Tuy nhiên, địa phương không quản lý tài sản Nhà nước, không kiểm tra nắm bắt hồ sơ, không tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với những doanh nghiệp để phát hiện, xử lý sai phạm kịp thời.

“Điều khó hiểu là trong 26 năm, các doanh nghiệp hoạt động công khai nhưng cơ quan quản lý lại quên việc họ không nộp tiền thuê đất một cách đơn giản như vậy”, luật sư thắc mắc.

Đến giữa cuối tháng 2, hầu hết cơ sở thuộc diện bị thu hồi đất vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đến giữa cuối tháng 2, hầu hết cơ sở thuộc diện bị thu hồi đất vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông, doanh nghiệp hoạt động cho thuê khách sạn, dịch vụ du lịch phải sử dụng nhiều nhà đất, phải nộp thuế và tuân thủ nhiều quy định. Vì vậy, trong quá trình quản lý Nhà nước và thanh tra, kiểm tra, không thể không quan tâm đến các chi phí rất lớn của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng đất, bất động sản khác.

Để xác định cơ quan, tổ chức và cá nhân nào có sai phạm trong quá trình khu vực bãi tắm bị “xài chùa” đất, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần xét lại toàn bộ hồ sơ, quy trình quản lý, bàn giao, cho thuê đất ngay trước thời điểm “bỏ quên” đó. Từ quy định, giấy tờ, hợp đồng cụ thể để truy ra trách nhiệm sai sót, vi phạm làm thiệt hại cho ngân sách.

Theo luật sư, nguyên nhân vụ việc chính là sự “bỏ quên” trong thời gian dài của địa phương, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vô tư khai thác, sử dụng, kinh doanh dịch vụ và hạ tầng bãi tắm mà không phải nộp tiền thuê đất. Thậm chí, có thể doanh nghiệp hiểu rằng địa phương đang tạo điều kiện ưu đãi thuận lợi cho họ kinh doanh để phát triển du lịch, chỉ phải nộp thuế mà chưa phải nộp tiền sử dụng đất.

“Nếu các doanh nghiệp có sai phạm thì ở mức độ là đã không tích cực chủ động xin thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai”, luật sư nêu quan điểm.

Về việc truy thu nợ, luật sư cho rằng doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ vì pháp luật không cho miễn trách. Nếu doanh nghiệp không trả tiền, cơ quan chức năng có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án để thu hồi nợ cho Nhà nước. Song, vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp có còn tiền để thanh toán hay không. 

Luật sư phân tích đối với pháp nhân có khả năng tài chính và tiếp tục hoạt động thì việc truy thu không khó khăn. Còn những đơn vị thua lỗ hay đã ngừng hoạt động thì có thể không thu được. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu xử lý theo thủ tục phá sản. Khi đó, trách nhiệm khắc phục hậu quả thuộc về những cá nhân để xảy ra sai phạm.

Khoa QuýHoàng Lam

—————————–

Zing (Thời sự) 26-02-2022:

https://zingnews.vn/du-kho-van-phai-doi-doanh-nghiep-tra-tien-thue-dat-o-bai-tam-thuy-van-post1296920.html

(639/2.226)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738