3.656. Nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Ý: Ngân hàng nói gì?

(GT) – Đại diện 5 ngân hàng trong nước được các doanh nghiệp xuất khẩu điều sang Ý nhờ thu trả tiền lên tiếng trước nguy cơ đơn hàng bị mất trắng…

“Lúc này ngân hàng không thể đứng ra phát ngôn một cách phũ phàng…”

Năm ngân hàng trong nước được các doanh nghiệp xuất khẩu điều nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) đều là những ngân hàng lớn và có truyền thống trong lĩnh vực thanh toán xuất nhập khẩu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 10/3, đại diện một trong năm ngân hàng này cho biết, hiện cả năm ngân hàng đều không muốn đưa ra bất cứ phát ngôn hay thông tin nào về vụ việc vì xét về quyền lợi, trách nhiệm thì vai trò của ngân hàng trong trường hợp này rất ít.

Các doanh nhiệp xuất khẩu 100 container điều có nguy cơ mất trắng. Ảnh minh hoạ

Theo phương thức D/P, phía ngân hàng chỉ là bên được doanh nghiệp uỷ quyền để chuyển chứng từ cho ngân hàng phía bên nhập khẩu, đồng thời thu tiền giúp cho doanh nghiệp trong nước khi ngân hàng nước ngoài được doanh nghiệp nhập khẩu uỷ quyền.

Phương thức D/P này khác với phương thức thư tín dụng (Letter of Credit – L/C). Bởi L/C là thư do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của người nhập khẩu, cam kết với người bán về việc thanh toán tiền trong một khoảng thời gian nhất định nếu người bán xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ theo quy định trong L/C.

Còn với phương thức D/P, ngân hàng chỉ là bên thực hiện dịch vụ trung gian và hưởng phí khi đối tác chuyển tiền mà không bị ràng buộc hay cam kết nào về trách nhiệm.

“Lúc này ngân hàng không thể đứng ra phát ngôn một cách phũ phàng là không có trách nhiệm trong vụ việc vì hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn và có khả năng mất hàng trăm tỷ đồng”, đại diện này nói.

Ngân hàng đã có thông tin cảnh báo? 

Về việc các bộ chứng từ gốc bị thất lạc, đại diện một ngân hàng khác thông tin, theo quy trình khi được doanh nghiệp uỷ quyền, các ngân hàng đều đã gửi bộ chừng từ sang cho ngân hàng tại nước ngoài mà các doanh nghiệp nhập khẩu uỷ quyền.

“Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi lại nhận được hồi đáp của các ngân hàng này là chứng từ họ đã nhận được nhưng khi kiểm tra thì không có doanh nghiệp nhập khẩu nào có tên như vậy. Nên họ đã gửi trả lại bộ chứng từ. Và tất cả các ngân hàng trong nước đều nhận được phản hồi như vậy”, đại diện này nói.

Tuy nhiên, theo đại diện này, có ngân hàng trong nước nhận được bưu kiện trả lại nhưng khi mở ra lại là giấy trắng, có ngân hàng thì đến nay vẫn không nhận được bưu kiện gửi trả lại.

“Việc chứng từ hiện đang ở đâu thì vẫn chưa thể xác nhận được. Hiện không thể biết ai đã đánh tráo bộ chứng từ hay vấn đề nằm ở khâu nào”, đại diện này nói.

Khi được hỏi, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, phía ngân hàng có phát hiện thông tin bất thường về phía đối tác hay phía ngân hàng nước ngoài hay không? Đại diện này cho biết, các ngân hàng đều có bộ phận thực hiện nghiệp vụ ngân hàng về xuất nhập khẩu nên khi nhận uỷ quyền thực hiện vụ việc này đã phát hiện ra phía ngân hàng nước ngoài đều là các ngân hàng nhỏ không có tên tuổi; Đồng thời tên doanh nghiệp đối tác nhập khẩu hàng cũng rất lạ.

“Lúc đó, phía ngân hàng cũng trao đổi nội bộ và sau đó có thông tin lại và cảnh báo doanh nghiệp tìm hiểu kỹ và cảnh giác vì trường hợp doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng bị lừa đảo mất hàng không phải chưa từng xảy ra. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp vẫn yêu cầu ngân hàng tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ thanh toán như đã uỷ quyền”, đại diện này cho biết.

Đại diện này cũng nêu quan điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều đều là khách hàng quen của ngân hàng, nên nếu bị thiệt hại thì đều là thiệt hại của doanh nghiệp trong nước và của khách hàng của ngân hàng.

Do đó, đại diện ngân hàng này cho biết hiện nay cách thức chia sẻ của ngân hàng là cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu điều, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cùng với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phối hợp để thông qua cơ quan điều tra xác minh vụ việc và tìm lại bộ chứng từ gốc.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI:

L/C là hình thức an toàn hơn vì có sự bảo lãnh từ phía ngân hàng, nếu phát hiện có sai sót thì ngân hàng sẽ dừng thanh toán ngay. Nhưng L/C thủ tục chặt chẽ, phức tạp, chi phí cao và cũng đòi hỏi điều kiện hơn ví dụ như uy tín doanh nghiệp, nợ xấu… mới mở được. Ở đây có thể hiểu giống như một khoản tín dụng. 

Còn dùng D/P thì thủ tục đơn giản nhưng rủi ro cao hơn vì không có sự bảo đảm; Ngân hàng thu được tiền cho doanh nghiệp thì hưởng phí còn không thu được thì thôi. Doanh nghiệp dùng phương thức này có thể do thói quen, có thể do đối tác lựa chọn hoặc có thể vì thủ tục đơn giản.

Liên quan tới vụ xuất khẩu 100 container, nếu vụ việc xảy ra trong nước thì việc xử lý đơn giản qua toà án trong nước. Còn khi xảy ra ở nước ngoài thì phải yêu cầu toà án nước ngoài. Nhiều trường hợp xảy ra ở nước ngoài, doanh nghiệp trong nước không đủ căn cứ pháp lý và chịu thiệt.

C.Sơn  

———

Giao thông (Thị trường) 10-3-2022:

https://www.baogiaothong.vn/nghi-lua-dao-100-container-hat-dieu-xuat-sang-y-ngan-hang-noi-gi-d545299.html

(206/1.061) #LC #hatdieu #vinacas

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,411