3.687. Pháp luật cần bổ sung điều gì để thị trường chứng khoán lành mạnh hơn?

(Zing) – Chuyên gia nhận định cần có cơ chế, chế tài để đảm bảo tuyệt đối tính trung thực ở báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, từ đó giúp thị trường chứng khoán trở nên lành mạnh hơn.

Ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Quyết định tố tụng được đưa ra sau khi cơ quan chức năng nhận định ông Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1. Hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên thực tế vẫn có hành vi thao túng, lái hay đẩy giá cổ phiếu tạo cơn sốt ảo rồi bất ngờ thả rơi tự do trên thị trường. Vì sao tình trạng này xuất hiện? Pháp luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung những quy định gì để thị trường lành mạnh hơn?

Chuyên gia nói gì sau vụ Trịnh Văn Quyết bị bắt

Chuyên gia nói gì sau vụ Trịnh Văn Quyết bị bắt Chuyên gia nhìn nhận sự thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng chế tài chưa đủ mạnh của pháp luật tạo điều kiện cho tình trạng lái giá xuất hiện trên thị trường.

Ba yếu tố tạo điều kiện cho hành vi ‘lái’ giá

Trao đổi với Zing, Luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Việt Nam – VIAC) nhìn nhận không khó để bắt gặp hành vi “lái” giá cổ phiếu trên thị trường. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có 3 nguyên nhân cơ bản như sau: 

Thứ nhất, ông cho rằng rất nhiều doanh nghiệp sở hữu số lượng lớn cổ phiếu trên thị trường làm việc chưa bài bản, thiếu chuyên nghiệp. Họ muốn tìm mọi cách để đạt lợi nhuận không chính đáng, không dựa vào bản chất và giá trị của công ty nên đã “bắt tay” với các đội lái để làm giá cổ phiếu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: Hoàng Linh.

Thứ hai, ngoài việc doanh nghiệp làm việc chưa bài bản, luật sư chỉ ra rằng rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện tại cũng thiếu chuyên nghiệp. Thay vì phân tích yếu tố kỹ thuật, giá trị và hiệu quả doanh nghiệp, họ chủ yếu “đánh” ăn theo phong trào, chơi theo tin đồn, tạo sóng đánh theo nên dễ bị những đội “lái” đưa đẩy, làm giá. 

Thứ ba, dưới góc độ pháp lý, ông Đức nhận định chế tài đối với những hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động chứng khoán còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Nhiều người vì lợi ích quá lớn mà chấp nhận nộp phạt, sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm để trục lợi cho bản thân. 

“Xét về câu chuyện thao túng giá, một cá nhân chỉ có thể thực hiện một vài hành vi, khó có thể điều khiển thị trường. Tuy nhiên, họ sẽ dựa vào lực lượng là đội lái, với hành vi điển hình là nhiều tài khoản câu kết với nhau để làm giá cổ phiếu. Đó có thể là những người có ảnh hưởng, có hiểu biết, họ nắm được tâm lý nhà đầu tư và dễ dàng điều khiển thị trường, tạo giao dịch gây nhầm lẫn. Về bản chất, đây mới là lực lượng thực tế thao túng thị trường còn một vài cá nhân như trường hợp của ông Quyết khó có thể thực hiện hành vi một cách đơn lẻ”, ông Đức phân tích. 

Vị trọng tài viên cũng cho rằng chế tài hành chính và hình sự dành cho các hành vi vi phạm quy định về chứng khoán còn nhẹ, chưa thực sự chặt chẽ và phản ánh đúng bản chất, hậu quả mà hành vi để lại. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện quy định về pháp luật, tạo tính răn đe nhằm ngăn chặn ý đồ thao túng, tác động thị trường của những cá nhân. 

Pháp luật hiện hành cần bổ sung những gì?

Bàn luận về sự việc, tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Việt Nam – VIAC) đánh giá đây là sự việc đáng tiếc bởi ông Quyết hiện là chủ tịch HĐQT của một tập đoàn lớn. Việc ông Quyết bị bắt tạm giam có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực tới không chỉ FLC mà còn nhiều doanh nghiệp khác.

Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao. Ảnh: Duy Anh. 

Nói về hành vi thao túng giá cổ phiếu, ông cho rằng việc xuất hiện nhiều hiện tượng như “lái”, “tay to” để thâu tóm cổ phiếu, dẫn tới việc nhà đầu tư bị thiệt hại là hiện tượng có thực. Điều này khiến thị trường đang trở nên không lành mạnh.

Rà soát các quy định của pháp luật, luật sư cho biết pháp luật hiện hành có cả chế tài hành chính và hình sự đối với hành vi này. Tuy nhiên, đó chưa phải giải pháp mà chỉ là biện pháp xử lý hậu quả khi hành vi vi phạm đã bị phát hiện. Ông cho rằng vấn đề cốt lõi của sự việc nằm ở bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

“Trên thực tế, có những doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, nợ sâu, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ ‘tô hồng’ báo cáo tài chính cùng việc kết hợp với những đội ‘lái’, giá cổ phiếu của họ vẫn được đẩy lên rất cao, tạo niềm tin lớn cho nhiều người. Tới khi cổ phiếu trở về giá trị thật, nhiều nhà đầu tư tỉnh ngộ thì đã quá muộn”, ông Giao chia sẻ. Từ đó, vị trọng tài viên đặt ra 2 vấn đề pháp lý cần thực hiện để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, cần rà soát sự minh bạch, chính xác của báo cáo tài chính hàng năm. Độ trung thực của báo cáo tài chính là rất quan trọng bởi đó sẽ là căn cứ, yếu tố tác động tới quyết định mua bán của các nhà đầu tư. Một bản báo cáo gian dối hoặc sai có thể dẫn tới hiểu lầm, gây thua lỗ cho nhiều người.

Các cơ quan quản lý cũng cần có thêm cơ chế kiểm soát sự chính xác của báo cáo tài chính, đồng thời bổ sung chế tài với hành vi làm giả báo cáo. Việc hạn chế làm giả báo cáo tài chính cần có chế tài và thực tế pháp luật đã có. Đây là hành vi có thể xếp vào nhóm thao túng thị trường, song vấn đề hiện tại là cơ quan, tổ chức nào sẽ kiểm soát việc làm báo cáo của doanh nghiệp? Phương thức kiểm soát ra sao? Và cơ chế nào kiểm soát hành vi đó?

Do đó, theo ông Giao, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm quản lý doanh nghiệp, đảm bảo độ trung thực khi họ công bố báo cáo tài chính ra thị trường.

Thứ hai, ông cho rằng Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan cần xây dựng những quy định mới, phát triển việc quản lý bằng công nghệ thông tin, giao trách nhiệm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát việc giao dịch hàng ngày. Khi có hiện tượng giao dịch bất thường và thường xuyên xảy ra với những mã cổ phiếu nhất định, cơ quan quản lý có thể theo dõi và áp dụng chế tài phù hợp trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm.

“Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc theo dõi giao dịch không phải điều quá khó. Khi một mã được bán ra hoặc mua vào với số lượng lớn một cách bất thường, các cơ quan quản lý có thể sử dụng công nghệ tin học để nhận diện, giám sát. Qua một thời gian theo dõi, trường hợp có vi phạm, cơ quan quản lý sẽ áp dụng chế tài phù hợp”, luật sư Giao phân tích.

Hoàng Linh

————–

Zing (Pháp luật) 31-3-2022, Video clip & bài:

https://zingnews.vn/video-chuyen-gia-noi-gi-sau-vu-trinh-van-quyet-bi-bat-post1306328.html

https://zingnews.vn/phap-luat-can-bo-sung-dieu-gi-de-thi-truong-chung-khoan-lanh-manh-hon-post1306230.html

(468/1.493) #TPDN #chungkhoan #anvi

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661