Tăng vai trò của ban kiểm soát để ngăn rủi ro
(ĐBND) – Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giảm tỷ lệ sở hữu, yêu cầu sở hữu 1% phải công bố thông tin… là cần thiết để kiểm soát chặt việc thao túng ngân hàng. Song, điều đó chưa đủ, mà cần tăng cường vai trò của ban kiểm soát.
Sẽ khắc phục tình trạng thao túng ngân hàng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một trong những điểm nhấn của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là đã đưa ra nhiều quy định để kiểm soát việc thao túng tổ chức tín dụng của cổ đông.
Cụ thể, Điều 63 quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ; cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
Hay tại Điều 49 về cung cấp, công bố thông tin, quy định: cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin (bao gồm cả thông tin về người có liên quan; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và của người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó).
Cùng với đó, Luật cũng đã giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan (Điều 136) so với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo lộ trình. Cụ thể, từ 1.7.2024 đến hết 2025, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng là 14% vốn tự có; đối với khách hàng và người có liên quan là 23% vốn tự có. Sau đó, sẽ giảm lần lượt theo từng năm và từ 1.1.2029 còn 10% và 15%.
“Đây là quy định rất cần thiết để hạn chế thao túng của cổ đông với hoạt động của tổ chức tín dụng”, ông Hùng bình luận.
Phân tích rõ hơn, vị đại diện hiệp hội cho rằng, trên thực tế, có những cổ đông “gần như không thấy xuất hiện” vì tên trong danh sách cổ đông nhưng người khác đại diện; cũng bởi không công bố thông tin minh bạch nên không biết người đại diện đó là ai. Vì thế, Luật quy định tỷ lệ từ 1% sở hữu vốn điều lệ bắt buộc phải cung cấp thông tin là cần thiết để thấy cổ đông đó có thực lực, qua đó hạn chế tình trạng chi phối tổ chức tín dụng.
Chia sẻ với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bổ sung, trên thực tế, để tránh tiêu cực, lũng đoạn ngân hàng dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là tỷ lệ sở hữu cổ phần, bởi khi cổ đông và người có liên quan chiếm tỷ lệ sở hữu lớn thì dĩ nhiên họ sẽ chi phối hoạt động ngân hàng. Thứ hai là tỷ lệ cho vay. Thứ ba là quản trị, điều hành.
Như vậy, chiểu theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có thể thấy các quy định đã khá rõ và chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng thao túng hoạt động của ngân hàng.
Ảnh minh họa ITN
Thiết kế quy định chi tiết cần tạo thuận lợi nhất để tiếp cận vốn
Tuy vậy, vấn đề được vị luật sư đặc biệt lưu tâm là khâu thực thi. Ông lý giải, so với thế giới, từ trước đến nay tỷ lệ sở hữu ngân hàng của Việt Nam được khống chế rất chặt, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ án thao túng ngân hàng. Do đó, cần thiết quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu. Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường, để bảo đảm quy định được thực thi đúng.
Về phía ngân hàng, “nếu muốn chuyên nghiệp, bền vững phải tự làm đúng, kể cả mức cho vay thấp nhất cũng phải đủ chuẩn”, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hùng bổ sung, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc thao túng ngân hàng không phải chỉ có quy định giảm tỷ lệ sở hữu, giảm giới hạn cấp tín dụng hay yêu cầu sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin. Đó là các quy định cần thiết, song chưa đủ. Cần phải nâng cao vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, tăng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Nhấn mạnh việc thanh tra, giám sát là cần thiết và phải vào cuộc khi có hiện tượng, biểu hiện bất thường, song Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, không thể quá đặt nặng khâu này, mà cần phát huy vai trò ban kiểm soát của tổ chức tín dụng. “Vai trò của ban này rất quan trọng. Ban phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời với hội đồng quản trị, thậm chí báo cáo Ngân hàng Nhà nước về các vi phạm của hội đồng quản trị”, ông Hùng nêu quan điểm.
Thừa nhận khi thực hiện Luật này, các tổ chức tín dụng phải làm chặt chẽ hơn và sẽ ảnh hưởng tới tiếp cận vốn của người dân cũng như doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn triển khai thực hiện cho tốt. “Các quy định trong nghị định, thông tư cần theo hướng tạo thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn; ứng dụng chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra lộ trình giảm giới hạn tín dụng là rất cần thiết và phù hợp, để hạn chế vốn tín dụng tập trung vào một hoặc một nhóm khách hàng nhằm tránh rủi ro. Các tổ chức tín dụng cùng cần cam kết đồng tài trợ vốn cho một dự án có hiệu quả. Khi áp dụng cơ chế đồng tài trợ vốn cũng sẽ tạo sự minh bạch khi nhiều bên sẽ cùng kiểm soát.
Việc đưa ra lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp khi thực hiện dự án, bởi doanh nghiệp có thời gian để tiếp cận tổ chức tín dụng khác, hoặc tổ chức tín dụng đầu mối có thể mời các tổ chức tín dụng khác tham gia tài trợ tiếp cho khách hàng/nhóm khách hàng đó.
Về lâu dài, cần phát triển thị trường vốn ổn định, không thể đặt áp lực vốn kinh doanh lên các tổ chức tín dụng. Cần khẳng định lại rằng, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải là vốn đầu tư trung và dài hạn, vì ngân hàng huy động phần lớn vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu đặt tất cả nhu cầu vốn vào tổ chức tín dụng ngân hàng là không hợp lý!
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng
Đ. Thanh
————-
Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 11-02-2024:
https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tang-vai-tro-cua-ban-kiem-soat-de-ngan-rui-ro-i359809/
(231/1.361)