3.693. Luật sư Trương Thanh Đức: Kể cả có mục đích thâu tóm, FLC cũng phải chấp nhận nếu đúng luật

(DT) – Đã là doanh nghiệp thì phải chấp nhận câu chuyện thâu tóm, sáp nhập, giao dịch cổ phiếu. Trên thị trường, rủi ro của người này có thể là cơ hội của kẻ khác, theo ông Trương Thanh Đức. 

Chiều 1/4, Tập đoàn FLC bất ngờ có văn bản do ông Đặng Tất Thắng – tân Chủ tịch Hội đồng quản trị ký – gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Theo nội dung văn bản, phía doanh nghiệp cho biết phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC.

Cụ thể, trong phiên giao dịch, FLC được khớp lệnh với khối lượng đột biến hơn 100 triệu đơn vị.

Còn trước phiên giao dịch, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin giả về việc ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.

Lãnh đạo FLC đặt vấn đề: “Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với TTCK của nhiều nhà đầu tư”.

Phía FLC đề nghị UBCKNN và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp) tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Sáng nay, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – về tình huống hy hữu này.

FLC hiện đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ông có suy nghĩ thế nào về phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và văn bản của FLC gửi cơ quan chức năng? 

– Tôi thấy, nói phiên giao dịch đó “bất thường” nhưng là bất thường trong con mắt của FLC mà thôi. Trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thì việc FLC thông báo như thế không ổn. Có thể trong thâm tâm phản ứng như thế nhưng cần hành động dựa trên luật và phải chấp nhận. Thử hỏi, tại thời điểm này thì ai dám làm bậy?

Bản thân giao dịch chứng khoán là công khai minh bạch, là tự do. Trừ trường hợp các tổ chức tín dụng chỉ cho phép sở hữu cổ đông nước ngoài là 30% mà nước ngoài họ mua thêm, sở hữu cao hơn mức đó thì vi phạm, còn với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa tư nhân thì chuyển nhượng 100%, bán bao nhiêu mua bấy nhiêu. Kể cả một người mà gom mua hết cũng không có gì bất hợp pháp ở đây cả.

Vấn đề là có vẻ như người ta lo ngại đến tình huống thâu tóm?

– Tôi thấy hoạt động thâu tóm doanh nghiệp diễn ra công khai trên thị trường cũng rất tốt và rất cần thiết. Bản chất là doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên TTCK là để mua bán cổ phiếu, mua càng nhiều càng đắt.

Chỉ khi thao túng, làm giá cổ phiếu thì mới vi phạm, chứ còn người nào đó họ thấy có cơ hội họ mua hết cổ phiếu nhằm thâu tóm doanh nghiệp thì cũng có vấn đề gì đâu!

Đã là doanh nghiệp thì phải có câu chuyện thâu tóm, sáp nhập, phải giao dịch cổ phiếu chứ không thể có chuyện cổ phần trong tay ai người đó khư khư giữ, vậy thì còn gì khái niệm thị trường chứng khoán hay công ty đại chúng nữa? Nếu đã thế thì cứ mãi làm chủ một doanh nghiệp tư nhân, đừng cổ phần hóa hay niêm yết gì nữa cả!

Đây là một cuộc chơi hoàn toàn sòng phẳng.

Sao ông lại nói chuyện gom mua khối lượng lớn như thế này là tốt?

– Có những tình huống trên thị trường, đối với người này là rủi ro còn đối với người kia là cơ hội. Khi giá cổ phiếu xuống sâu, người mua nhìn thấy cơ hội và họ mua vào, biết đâu sau này họ thắng đậm. Đó là vấn đề mà nhà đầu tư họ sẽ cân nhắc, tính toán.

Trường hợp này có thể họ thấy rằng cơ hội tăng lên gấp nhiều lần, bởi khi họ gom mua được cổ phần lớn, họ có đủ khả năng chi phối và vào ban điều hành. Nếu được như vậy thì tốt quá! Các nhà đầu tư lẻ thì đơn thuần là ăn theo thôi, còn nếu đây là nhà đầu tư lớn thì cực kỳ khuyến khích.

Một công ty đại chúng cần rất nhiều nhóm cổ đông lớn để cạnh tranh, để cùng hợp sức phát triển chứ không nên là một chi phối. Một người chi phối toàn bộ thì không còn là đại chúng nữa. Trường hợp có những nhóm cổ đông nắm được số cổ phần lớn hơn để chi phối công ty, nhằm đạt được quyền phủ quyết – trường hợp này là cực tốt.

Còn nếu tất cả là cổ đông nhỏ lẻ thì lại cần có một Chủ tịch Hội đồng quản trị rất chuyên nghiệp, rất vô tư thì mới đạt được mục tiêu chung. Chứ nếu đã có lợi ích nhóm mà lại không chi phối thì doanh nghiệp khó phát triển.

Mọi vấn đề đều có nguyên do của nó, không có ai sai ở đây cả, thị trường luôn luôn đúng.

FLC đang đà bị “khóa sàn” nhiều phiên, mà mỗi phiên giảm sàn thì cổ phiếu giảm 7%. Nếu có ý đồ thâu tóm thì vì sao không để cổ phiếu giảm sàn thêm vài phiên nữa hẵng mua để có giá rẻ hơn? Luật sư có thấy vô lý không?

– Ồ, chuyện này không đơn giản như thế. Nếu mà tính được thì không ai thiệt, không ai lợi, cũng chẳng ai làm giàu được, vậy không phải thị trường rồi.

Người ta sẽ phân tích rằng tại sao giá cổ phiếu lại giảm? Và liệu rằng cổ phiếu có thể giảm về 0 đồng hay không, hay là giảm đến mức nào đó thì giá lại “ngóc đầu lên”? Tôi nghĩ, người muốn gom mua nhiều cổ phiếu là người sẽ có sự tính toán chuẩn nhất.

Nếu họ tính lệch đi, giá cổ phiếu sau đó vẫn về 0 thì họ phải chịu. Tuy vậy, có thể là họ đã đánh giá mức giá hiện tại của cổ phiếu đó đã đủ hấp dẫn để mua. Hôm nay mua rồi, ngày mai có thể họ sẽ lại mua tiếp, giá giảm hơn thì tốt còn giá tăng lên cao hơn họ vẫn mua, vì mục tiêu của người mua là chi phối được doanh nghiệp đó. Họ đánh giá doanh nghiệp vẫn có cơ hội tăng trưởng dựa trên dự án, công trình… Thậm chí không chi phối nhưng họ nghĩ đơn giản là thị giá cổ phiếu hiện tại ở mức thấp so với định giá của họ với doanh nghiệp, họ mua để đó không làm gì cả, vài năm sau bán đi vẫn bội thu.

Dù có thế nào thì cũng là tính toán của họ miễn họ không vi phạm pháp luật, không làm gì sai.

Vậy ông thấy đề xuất hủy giao dịch phiên hôm đó có khả thi không?

– Tôi thấy đề nghị hủy giao dịch là “rất bậy”. Không có cơ sở nào để hủy. Việc hủy giao dịch phải có căn cứ trên luật, ít nhất cũng dựa trên nghị định, thông tư thì mới xác đáng, chứ không thể chỉ dựa trên Điều lệ của HoSE.

Trong một phiên giao dịch người ta mua nhiều, bán nhiều thì dựa vào đâu để nói là có dấu hiệu vi phạm? Nếu mà chỉ ra được dấu hiệu vi phạm thì còn có cơ sở thuyết phục, còn nếu chỉ vì người ta mua nhiều mà quy kết vi phạm thì không được.

Còn nguy cơ thâu tóm, nếu người ta làm đúng luật thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận thôi.

Thế còn cái văn bản lan truyền trên mạng xã hội tối 31/3 về việc Chủ tịch mới của FLC đăng ký mua cổ phiếu, FLC đã khẳng định đây là thông tin sai sự thật và đặt giả thiết người tung tin có ý định thâu tóm?

– Có hai khả năng, một là có văn bản đó thật, hai là văn bản giả trôi nổi trên mạng thì đây cũng chỉ là một tin đồn và lãnh đạo FLC đã bác bỏ.

Tôi thì thấy cái văn bản đó chẳng có tác động gì tới mục tiêu thâu tóm cả, thậm chí còn tác dụng ngược với ý định đó (nếu có). Giả sử như người ta có ý định gom mua nhằm mục đích thâu tóm thì họ tung văn bản đó ra làm gì để khiến giá cổ phiếu tăng lên và người ta phải mua đắt? Phải tung tin ngược lại chứ, tung tin cổ phiếu không có ai mua, vô giá trị thì khi đó cổ phiếu rớt xuống nữa rồi mới gom chứ?

Vì thế, thú thật là tôi cũng không hiểu vì sao lại lập luận như vậy được! Ví dụ có văn bản giả đó xuất hiện và FLC công bố thông tin bác bỏ, xác nhận là không mua. Ở đây đâu có liên quan gì đến vấn đề gom mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp?

Vậy “gút lại” góc nhìn của ông là…

– Trong một phiên giao dịch, chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia mua là bình thường, có 1.000 nhà đầu tư mua cũng là bình thường vì người ta đâu có làm giá, họ mua thật, bán thật cơ mà.

Nếu người đó làm giá cổ phiếu nhằm trục lợi theo định nghĩa các dấu hiệu của tội thao túng thì mới vi phạm, còn nếu người đó thực sự muốn mua và huy động người khác cùng mua hộ thì lại là điều tốt đấy chứ!

Cần phải tư duy thế này: Rủi ro của người này là cơ hội của người khác, thế mới gọi là thị trường. Phải có người mua người bán thì mới ra khái niệm thị trường, chứ lúc lên thì tranh nhau mua, lúc xuống tranh nhau bán, chỉ một chiều như vậy làm sao gọi là thị trường. Chả lẽ cứ phải để giá cổ phiếu xuống mãi đến lúc không còn gì nữa thì doanh nghiệp phá sản sao?

Có người bán thì phải có người mua. Đó cũng là mấu chốt của kinh tế thị trường, là cái hay và vẻ đẹp của thị trường chứng khoán!

Xin cảm ơn ông.

Mai Chi

———-

Dân trí (Kinh doanh) 02-4-2022:

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ke-ca-co-muc-dich-thau-tom-flc-cung-phai-chap-nhan-neu-dung-luat-20220402121751065.htm

(1.463/1.987)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,170