3.694. Vay 8,55 triệu sau 11 năm thành nợ 8,83 tỉ đồng, điểm sai của Eximbank

(LĐ) – Dù cách tính nợ đúng, nhưng chuyên gia tài chính – ngân hàng chỉ ra nhiều điểm sai “tai hại” khiến Eximbank mất nhiều hơn được.

Nợ 8,55 triệu thành 8,83 tỉ đồng, chuyên gia chỉ cái sai tai hại của Eximbank.

Công thức tính lãi không sai

Như đã thông tin, ông Phạm Huy Anh (Quảng Ninh) được Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) thông báo khoản nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,8 tỉ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,5 triệu đồng.

Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh – Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM – cho biết thẻ tín dụng với nguyên tắc cơ bản là mua trước trả sau.

Khi khách hàng chậm trả tiền vay, khách hàng phải trả một khoản phí phạt. Đây là thỏa thuận về thẻ tín dụng đã được ký kết hợp đồng giữa ngân hàng và người dùng.

Phần phí phạt chậm trả và lãi suất chậm thanh toán sẽ tùy thuộc vào mỗi ngân hàng nhưng lãi suất chậm trả không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Phần lãi này nếu không được trả sẽ nhập vào gốc và tiếp tục được tính trong kỳ tiếp theo. Đây được gọi là lãi kép. Vì vậy số tiền trả cuối cùng rất cao.

“Ta có: công thức tính lãi suất kép ngân hàng cơ bản hàng năm như sau: FV = PV*(1 + i)^n

Công thức tính lãi kép theo tháng là: FV = PV (1+i/12) ^ (12 x n)

Trong đó:

FV (Future Value – giá trị trong tương lai) là số tiền bạn nhận được trong tương lai.

P = PV (Present Value – giá trị trong hiện tại) là số tiền gốc bạn đầu tư ban đầu.

r là lãi suất hằng năm.

n là số chu kỳ thực hiện lãi kép.

Khoảng thời gian nợ lên tới 11 năm, nhìn ở góc độ tài chính, việc tính lãi là hoàn toàn phù hợp. Với công thức tính như trên nên khoản nợ đã lên đến con số khủng khiếp như vậy” – TS Linh cho biết.

Cùng chia sẻ với Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – cũng có cùng nhận định: “Với vụ Eximbank, có thể ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc, tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng là hoàn toàn có thể, nếu lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm”.

“Quy trình xử lý nợ có vấn đề”

Công thức tính lãi và phí phạt của Eximbank có thể không sai nhưng không có nghĩa là Eximbank hoàn toàn đúng.

TS Châu Đình Linh cho biết, ở góc độ ngân hàng, điểm sai của ngân hàng đầu tiên đó là về quy trình mở thẻ; tiếp theo là quy trình nhắc nợ, và cách xử lý nợ quá hạn khi phân loại nợ.

Theo TS Linh, thông thường khi một khách hàng chậm trả nợ thẻ tín dụng, ngân hàng liên tục có tin nhắn, thông báo gửi về cho khách hàng để nhắc nợ. “Thậm chí, nợ nhảy sang nhóm 2, ngân hàng đã phải có can thiệp rốt ráo chứ không phải để đến 11 năm và đẩy thiệt hại cho chủ thẻ” – TS Linh nói.

“Thẻ tín dụng cũng có phân loại nợ theo từng nhóm, mỗi nhóm nợ ngân hàng sẽ có trích lập dự phòng và sẽ có biện pháp can thiệp và xử lý nợ kịp thời, không có lý gì Eximbank để đến tận 11 năm như vậy. Vậy có nghĩa là quy trình xử lý nợ của Eximbank có vấn đề, vướng trong cách tiếp cận khi thu hồi nợ. Đây là cái sai của Eximbank.

Vấn đề Eximbank đang gặp phải là khủng hoảng truyền thông. Ngân hàng gắn liền với uy tín, gắn liền với lòng tin. Việc để xảy ra vụ việc lần này, uy tín của Eximbank bị tổn hại rất lớn. Đáng lẽ Eximbank cần phải xử lý một cách nhanh chóng và bảo vệ quyền lợi các bên có liên quan.

Qua vụ việc lần này, Eximbank cần xem lại quá trình thu hồi nợ, sao cho vẹn toàn cho cả đôi bên” – TS Linh diễn giải.

Cùng quan điểm, Luật sư Đức cho biết, thông thường ngân hàng sau khi chuyển thành nợ xấu sẽ phải tìm mọi biện pháp để xử lý như phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ, khởi kiện và tất toán, xóa nợ.

“Ngân hàng Eximbank đã để dềnh dàng tới 11 năm” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Eximbank khó khởi kiện khách hàng

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đây là quan hệ dân sự nên nếu khách hàng không đồng ý với cách tính lãi suất của Ngân hàng Eximbank, một trong các bên có quyền đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư Cường cho biết, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Nếu trong thời hạn 3 năm khi mà người vay không trả nợ, bên cho vay không nhắc nợ, không khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết trong thời hạn này, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, ngân hàng có khởi kiện có thể tòa án cũng không giải quyết.

Minh Ánh

————-

Lao động (Kinh doanh) ngày 18-3-2024:

https://laodong.vn/kinh-doanh/vay-855-trieu-sau-11-nam-thanh-no-883-ti-dong-diem-sai-cua-eximbank-1316583.ldo

(131/1.006)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.744. Tín hiệu tích cực của ngành bảo hiểm...

(DĐDN) - Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.284. Hủy lệnh ngăn chặn giao dịch nhiều bất...

(TT) - Được bà Trương Mỹ Lan nhờ người đứng tên hộ, sau đó bất...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 209,835