3.780. Thúc đẩy sáng tạo, sáng chế

(ĐBND) – Với 476/477 ĐBQH biểu quyết tán thành, chiếm 95,58% tổng số đại biểu, sáng 16.6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia và cử tri kỳ vọng, những quy định mới sẽ mang lại một thị trường minh bạch, lành mạnh, ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, ngày càng thu hút các nhà đầu tư, sáng chế vào Việt Nam. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Sớm có văn bản hướng dẫn luật cụ thể, rõ ràng

Có thể thấy, một trong những nội dung quan trọng và nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đó là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do Nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm…

Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống thì còn cần nhiều bước phải thực hiện như quy trình thực thi, bảo vệ ra sao, xử lý vi phạm hành chính, hình sự, tòa án như thế nào, các doanh nghiệp có ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình hay không…? Do đó, tôi cho rằng, muốn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thực sự có hiệu lực, hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp tiếp cận và nắm được nội dung, tinh thần của luật, hiểu về luật, qua đó thực hiện cho tốt. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường xử lý vi phạm, hỗ trợ kinh tế thị trường, để ngày càng tạo ra một thị trường lành mạnh. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, kịp thời làm rõ như nội hàm cần làm rõ, tránh tình trạng văn bản hướng dẫn xong nhưng vẫn chung chung, mập mờ thì thực thi không hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu tinh thần luật

Như chúng ta đã biết, Việt Nam năm 2021 được thế giới xét vào nhóm an toàn về bảo đảm sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng cho thấy, thể chế về sở hữu trí tuệ được Việt Nam rất quan tâm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, vừa được Quốc hội thông qua tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn như: Quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp…; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập… Những vấn đề này làm tốt sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà sáng chế muốn vào Việt Nam.

Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng thực hiện luật trên đúng, dưới chệch, công tác tuyên truyền luật phải được tăng cường và được thực hiện đến nơi đến chốn để người dân hiểu tinh thần của luật. Bên cạnh đó, cần học hỏi, tham khảo quốc tế những cách thức thực hiện sở hữu trí tuệ; thể chế hóa các quy định, làm sao để các hoạt động của các đơn vị liên quan đi vào quy củ. Bởi từ việc hiểu đúng, làm đúng, tuân thủ đúng thì luật mới đi vào hiệu quả.

Luật sư Trần Mạnh Hùng – Công ty Luật TNHH Baker McKenzie Việt Nam: Quốc hội cần chú trọng giám sát việc thi hành luật

Qua quá trình dài theo sát dự án Luật này, chúng tôi thấy rằng, dự thảo Luật đã được các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Quốc hội rà soát, chỉnh lý rất công phu, nghiêm túc, đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Luật dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2023.

Chúng tôi thấy rằng, nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ còn có khá nhiều quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, ví dụ: trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm này; việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng…

Điều này đặt ra khá nhiều băn khoăn, lo ngại về việc liệu dự án Luật này có bảo đảm khả năng được thi hành, áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực vào đầu năm 2023 hay không. Để nâng cao tính thực thi, góp phần giúp cho Luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, tôi cho rằng, Chính phủ cần ngay lập tức chỉ đạo các Bộ quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thống kê, đề xuất số lượng văn bản cần phải ban hành để hướng dẫn Luật, và thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng các dự thảo văn bản này, trình Chính phủ trước tháng 12.2022. Mặt khác, Quốc hội, Chính phủ, và các Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần lên một chương trình hành động tổng thể để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về việc ban hành, tinh thần cũng như nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đến nhân dân, đặc biệt là khối các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với tài sản trí tuệ của mình.

Bên cạnh đó, củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm các bên liên quan tới tổ chức thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thông qua cơ chế giao và quy trách nhiệm công khai, minh bạch. Sự thực thi nghiêm túc và có trách nhiệm của các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm quyền sẽ giúp phát huy vai trò của pháp luật về sở hữu trí tuệ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, và tổ chức.

Ngoài ra, cần tăng cường, đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc ban hành những văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung) để kịp thời chấn chỉnh hoặc góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc chậm trễ trong quá trình đưa Luật vào cuộc sống.

Những giải pháp nêu trên, nếu được chú trọng và kết hợp một cách thường xuyên, đồng thời và ngay lập tức sẽ phát huy vai trò của pháp luật sở hữu trí tuệ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.

Song Hương thực hiện

—————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế phát triển) 17-6-2022:

https://daibieunhandan.vn/Kinh-te-phat-trien/thuc-day-sang-tao-sang-che-i292160/

(213/1.595)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924