Làn sóng DN bán lẻ trực tuyến tràn vào thị trường: Cần tính thuế nhập khẩu qua kênh online.
Người tiêu dùng toàn thế giới đang được sống trong kỷ nguyên của Thương mại điện tử phát triển như vũ bão. Việt Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng của cơn bão ấy với quy mô 70 triệu người dùng mạng xã hội và 75% trong số đó thường xuyên mua sắm online.
Bán lẻ truyền thống đang bị hệ thống bán lẻ trực tuyến lấn át. Đồ hoạ: Green Biz.
Trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024, công ty nghiên cứu này đã nhấn mạnh Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hóa) theo năm là gần 53%. Câu chuyện ở đây là trong “cơn bão” đổ bộ ngày một ồ ạt của các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến Trung Quốc thì chúng ta được gì và mất gì?
Hàng rẻ, lại miễn phí giao hàng
Chắc chắn nhiều ý kiến sẽ đồng ý rằng để sản xuất ra những chiếc ốp điện thoại với đủ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và lại được bán tới tay người tiêu dùng chỉ với giá mươi ngàn đồng, hoặc những chiếc khuyên tai xinh xắn mạ hợp kim vàng bạc, bắt mắt cũng chỉ đến tay người dùng với giá khoảng 50.000 đồng/10 đôi…được bán ê hề trên các sàn Shopee, Lazada và TikTok Shop thì quả là không có cách gì doanh nghiệp (DN) của chúng ta sản xuất được để cạnh tranh với các DN sản xuất Trung Quốc. Thực tế, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, thao tác đặt hàng khá đơn giản… là những lợi ích mà thị trường Trung Quốc mang lại cho người tiêu dùng Việt.
Đó là còn chưa kể đến việc không những sản phẩm có giá rẻ, không có cơ hội cạnh tranh đã đành, mà hàng hóa còn được vận chuyển đến tận tay người mua miễn phí. Cho dù nó được sản xuất và bán ra cách người mua tới hàng 10.000 km ngoài biên giới.
Ông Nguyễn Xuân Hùng trưởng ban logistics cho thương mại điện tử (TMĐT) của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: Một container đầy từ Trung Quốc sang Việt Nam, chi phí 20 triệu đồng, chứa gần 15.000 đơn hàng, tính ra chi phí vận chuyển chỉ khoảng 1.400 đồng/đơn hàng.
Trước người tiêu dùng quen thuộc với Shopee, Lazada, TikTok, Tiki thì gần đây đã có thêm Taobao, SHEIN, 1688 và mới nhất là Temu. Và Temu tân binh trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Việt Nam với giao diện tiếng Việt trang web tràn ngập trên MXH những ngày vừa qua.
Chưa bao giờ mua hàng lại rẻ và dễ dàng như bây giờ. Hàng hóa Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên các nền tảng TMĐT.
Chị Huyền Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) chủ một shop bán hàng online chuyên về sản phẩm quần áo, giầy dép cho biết: Trước việc đặt hàng từ Trung Quốc giúp chị có thu nhập lên tới 40-50 triệu/tháng. Gần đây khi hàng hóa thông qua các DN bán lẻ đổ bộ vào Việt Nam chị gặp khó khăn thực sự vì không thể cạnh tranh với tốc độ vận chuyển hàng và giá cả. “Khách hàng đặt hàng về đến tay nhanh nhất chỉ 4 ngày và lâu nhất chỉ 7 ngày, trong khi trước đây là 3-4 tuần”, chị Trang cho biết.
Từ khi có sự tham gia của các DN bán lẻ trực tuyến Trung Quốc người tiêu dùng được hưởng những tiện ích và giá trị bất ngờ. Nhiều sản phẩm rẻ đến mức không tưởng với chất lượng hoàn toàn chấp nhận được. Anh T.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể anh mua một chiếc ghidong xe máy qua ứng dụng Taobao và nhận được hàng sau 5 ngày kể từ ngày đặt với giá 425.000 đồng + phí ship 25.000 đồng. Trong khi nếu ra tận cửa hàng tại Hà Nội mua thì được bán với giá 850.000 đồng. Anh T.T cũng cho biết thêm: Hầu hết mọi nhu cầu mua sắm của anh đều diễn ra quanh các trang thương mại điện tử. Và khi biết đến các trang mới như Temu, 1688… thì anh chắc chắn sẽ thử để được hưởng những ưu đãi về giá tới 90% như quảng cáo khi tải các nền tảng này.
Đặc biệt hàng hóa, sản phẩm Trung Quốc đánh mạnh vào phân khúc tiêu dùng giá rẻ nên thu hút phần đông lựa chọn. Lâu nay năng lực sản xuất, sao chép mẫu, mẫu mã đa dạng từ các dòng thương hiệu đắt tiền vẫn là thế mạnh khó cạnh tranh với các DN sản xuất và bán lẻ Trung Quốc. Cùng một đôi dép thương hiệu của Mỹ có giá tới vài triệu nhưng nếu mua sản phẩm Trung Quốc qua các sàn TMĐT giá chỉ còn bằng 10-20%.
Chị Phương Hà (Thành Công, Hà Nội) nhận xét ngắn gọn nhưng đủ nói lên những khó khăn khó giải quyết của các DN Việt cũng như cơ quan quản lý. “Chỉ mua món hàng 7.000 đồng cũng được miễn phí ship hàng”.
Vậy các DN Việt lấy gì để cạnh tranh trong bối cảnh nhìn đã thấy thua ngay trên sân nhà?
Và “quả bóng”đến chân các cơ quan quản lý
Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO ACCESSTRADE cho rằng: Phải tạo ra giá trị khác biệt mà các nền tảng TMĐT Trung Quốc không thể có… Đó là bài toán then chốt mà DN cần giải quyết”.
Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt của NielsenIQ Việt Nam cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online, cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hằng tháng của người Việt Nam.
Trong khi một ý kiến người tiêu dùng cho rằng: Các công ty Việt Nam nên tập trung các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm tận dụng nguyên vật liệu địa phương chứ làm các sản phẩm kỹ thuật công nghệ sản xuất hàng loạt sẽ không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và chuỗi công nghệ bán hàng của Trung Quốc.
Theo thống kê từ một số đơn vị bưu cục thuộc các DN bưu chính, trung bình mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam, bán qua các sàn thương mại điện tử với giá trị ước tính trung bình khoảng 45-63 triệu USD/ngày, tương ứng tổng giá trị hàng hóa từ 1,3 – 1,9 tỉ USD/tháng.
Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt của NielsenIQ VN cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online, cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hằng tháng của người Việt Nam.
Điểm mấu chốt “thất thoát” chính là việc số lượng các đơn hàng với giá trị rẻ này hầu hết thuộc diện miễn thuế VAT vì dưới 1 triệu đồng. Trong khi các DN sản xuất trong nước khó lách được qua cánh cửa hẹp để cạnh tranh thị phần giá cả, mẫu mã thì nay mất thêm cả yếu tố “sân nhà”, do vẫn phải chịu thuế VAT.
Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn TMĐT có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết hiện nay ở một số cửa khẩu, hàng ngày có 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hóa có giá trị nhỏ.
“Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng sản xuất trong nước”, ông Hòa nói và đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này phù hợp với thực tế.
Cùng quan điểm cần phải đánh thuế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ trong một tọa đàm hồi cuối tháng 9. Ông dẫn chứng, Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế, hay với Anh, hàng hóa dưới 135 bảng Anh bây giờ cũng phải đóng thuế.
“Quốc gia cùng khu vực như Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra – vào với mức 7%. Không kể nhỏ hay lớn, nếu mỗi ngày có 4-5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn”, ông Thịnh nhìn nhận.
Và quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thực tế, việc đánh thuế qua sàn TMĐT, kênh online không hề dễ dàng mà cần các công cụ về công nghệ, sự phối hợp của các bên. Tuy nhiên, khi đánh thuế hàng hóa nhập khẩu qua kênh online sẽ giúp tạo công bằng cho người sản xuất, người bán hàng ở các kênh thương mại truyền thống trong nước.
Đặc biệt các nhà quản lý cần nhìn nhận nghiêm túc về các vấn đề liên quan đến thuế để xây dựng nên chính sách phù hợp. Ông Kelvin, Chủ tịch Hiệp hội Định cư Canada, đại diện cho nhiều DN kinh doanh cho rằng: Chúng ta không chống lại phương pháp xuyên biên giới nữa, tại sao chúng ta không mượn hệ thống này của Trung Quốc để bán hàng sang các nước khác. Đây là cách để lấy lại hệ thống thương mại tại Việt Nam.
Mai Hương
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Hệ thống thương mại không rẻ hơn Trung Quốc sẽ thất bại
Tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam thành lập DN. Trong lĩnh vực kinh doanh của mình tôi đã làm nhiều sản phẩm, và các lĩnh vực đều đem lại thành công. Nhưng từ năm 2020, cũng như nhiều DN khác, tôi cũng gặp khó vì COVID-19. Vấn đề tôi muốn đề cập là hệ thống thương mại, cạnh tranh để bán hàng.
Năm 2015, tôi có 1 đề án là xây dựng một trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng cho các DN trong nước. Để làm được đề án này tôi đã sang nhiều nước để tham khảo cách họ thực hiện. Tôi thấy rằng, quan trọng nhất DN phải có chỗ bán hàng, trung tâm này sẽ mua bảo hiểm hàng hóa, đây sẽ là biện pháp hỗ trợ DN.
Chúng tôi đang có đề án làm đường vành đai 4 với mức giá thấp hơn khoảng 60%. Khi làm vành đai 4 diện tích đất phía dưới có khoảng 5 triệu m2, hàng năm TP. Hà Nội phải bỏ tiền xử lý môi trường. Chúng tôi có dự án sẽ làm kênh dẫn nước, trên mặt đường xây dựng hệ thống trung tâm thương mại (có thể làm 4,5 triệu m2).
Chúng tôi sẽ miễn phí tiền thuê mặt bằng cho DN. Khi chúng ta có trung tâm thương mại, thế giới đến đó mua hàng. Nếu không có hệ thống thương mại, hoạt động không tốt, không rẻ hơn sẽ thất bại. Làm thế nào để DN phát triển? Hiện nay DN Trung Quốc đang thừa hàng và rẻ hơn chúng ta 50-60%. Hiện nay, chúng tôi không dám sản xuất gì cả, tập trung làm nhà ở xã hội nhưng nếu có hệ thống thương mại tốt, DN sẽ phát triển nhanh hơn.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE: Phải có chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa DN FDI với DN trong nước
Cần thiết đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, chính phủ số.
Về phía Nhà nước, Nhà nước vừa có chức năng dẫn dắt DN chuyển đổi số, vừa tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích DN chuyển đổi số. Do đó cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như TMĐT, tài chính số, ngân hàng số.
Cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập DN công nghệ số, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ DN phát triển.
Nhà nước có chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa DN FDI với DN trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với SMEs để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Nhà nước khuyến khích thành lập các công ty tư vấn công nghệ, dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ DN nhất là SMEs thực hiện chuyển sang DN số với chi phí hợp lý cho từng gói dịch vụ. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở đào tạo mở các khoá bồi dưỡng chuyên gia, kỹ thuật viên, đào tạo nghề, hình thành mô hình đào tạo liên kết giữa DN – viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng – cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng đội ngũ chuyên ngành TMĐT, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông.
DN nhất là SMEs, startup cần giao tiếp với các công ty công nghệ, dịch vụ để thực hiện chuyển sang DN số nhờ các gói hỗ trợ có chất lượng cao nhưng chi phí thấp đối với quản trị DN, kế toán, nộp thuế, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân lực.
Ngoài nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và quản trị DN bằng công nghệ số thì chủ DN, chuyên viên công nghệ và chuyên viên kinh tế phải có sự quyết tâm sâu sắc, để cho cả bộ máy của DN vận hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của DN.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương: Hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng là những vi phạm cũng xuất hiện trên môi trường MXH, TMĐT
TMĐT đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy DN nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.
Hiện nay, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 DN là minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này. Có trên 47.000 website, ứng dụng TMĐT bán hàng được duyệt điện tử và gần 1.000 website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận. Với tốc độ phát triển nhanh của TMĐT nêu trên, đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý, trong đó có Cục TMĐT và Kinh tế số.
Các hành vi vi phạm tồn tại trong môi trường thực tế thì đều xuất hiện trên môi trường mạng xã hội, TMĐT như: Hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Thách thức lớn với cơ quan quản lý là vi phạm trên môi trường mạng xã hội, TMĐT dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng, cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan, y tế.
Phía Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã có sự hợp tác trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, do TMĐT là lĩnh vực mới, đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh tại Việt Nam trong những năm qua, do đó việc quản lý hoạt động, kinh doanh, trong đó có việc giám sát quản lý thu thuế còn nhiều khó khăn, đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế, tìm kiếm giải pháp.
P.H (tổng hợp)
————-
Đại đoàn kết (Kinh tế) 20-10-2024:
(76/3.083)