3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp.

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp.

(ĐTM) – Theo các đại biểu Quốc hội, nếu vốn điều lệ không được xác định rõ ràng ngay từ đầu sẽ gây tổn hại lớn cho nhà đầu tư. Do đó, việc quy định yêu cầu kiểm toán vốn điều lệ sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Sáng ngày 7/11, Quốc hội bước vào phiên thảo luận trực tiếp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của loạt luật quan trọng, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, và Luật Dự trữ quốc gia.

Vốn điều lệ cũng cần kiểm toán

Trong phần thảo luận liên quan đến Luật Chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu sửa đổi về hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng.Cụ thể, dự thảo đề xuất các công ty khi thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải nộp báo cáo về vốn điều lệ đóng góp trong vòng 10 năm trước đó, được xác nhận bởi kiểm toán độc lập.

Đồng tính với quy định mới, ông Toàn khẳng định, việc kiểm toán vốn điều lệ gốc là yếu tố cốt lõi để xác định chính xác vốn thực có của doanh nghiệp và số cổ phần phát hành. Bởi lẽ, nếu vốn điều lệ không được xác định rõ ràng ngay từ đầu, điều này sẽ gây tổn hại lớn cho nhà đầu tư, từ đợt mua đầu tiên đến những lần mua tiếp theo.

Ông Toàn dẫn ví dụ cụ thể về Công ty Faros của Tập đoàn FLC, từ mức vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỉ đồng đã tăng lên 4.300 tỉ đồng chỉ trong giai đoạn 2011-2016 thông qua các “thủ thuật” ủy thác vốn từ doanh nghiệp cho cá nhân,khiến dòng tiền liên tục quay vòng bằng cách chuyển vào rồi lại rút ra nhiều lần.

Sau đó, công ty này được đưa lên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư đã gây tác động đáng kể đến thị trường. Một trường hợp khác được ông đề cập là siêu dự án Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí, trong đó vốn điều lệ cũng được tăng lên 2.000 tỉ đồng qua các thủ thuật “bơm – rút tiền”.

nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm toán vốn điều lệ

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho biết, vốn điều lệ là một thông tin quan trọng để đối tác và khách hàng xem xét trước khi hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường vẫn tồn tại quan niệm vốn điều lệ càng lớn thì vị thế uy tín càng cao.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể về mức vốn điều lệ đối với các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tự do quyết định mức vốn điều lệ dựa trên khả năng tài chính và mục tiêu hoạt động của mình. Theo đó, họ có thể nâng vốn điều lệ mà không cần cổ đông phải góp thêm vốn thật, thông qua các thủ thuật tài chính.

Cũng theo ông Hùng, những hiện tượng trên xuất phát từ lỗ hổng trong cơ chế giám sát. Cụ thể, hiện chưa có quy định chặt chẽ về cơ chế ủy thác đầu tư cho cổ đông cũng như việc giám sát và kiểm tra định giá tài sản góp vốn. Ngoài ra, mức xử phạt đối với hành vi khai khống vốn điều lệ dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm thu được.

Từ những thực tế này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn khẳng định, việc quy định yêu cầu kiểm toán vốn điều lệ sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Tăng trách nhiệm của kiểm toán

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, từ năm 2014, pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp được tự điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế. Việc tăng vốn đến mức nào là do doanh nghiệp quyết định, nhưng cần có chứng minh rõ ràng. Nếu không có tiền thật mà khai tăng vốn là hành vi gian lận.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có đơn vị nào thực sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tăng vốn thực hay ảo. Mặc dù đã có các công ty kiểm toán tham gia, nhưng vẫn có trường hợp vì một số lý do mà các sai phạm này không bị phát hiện.

Khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và phát hành cổ phiếu, họ phải tuân thủ các điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp vốn điều lệ không thực mà vẫn được niêm yết, trách nhiệm giám sát thuộc về các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dù báo cáo kiểm toán có phản ánh sai phạm, nhưng bằng một cách nào đó những sai phạm này đã bị che giấu.

Đồng tình, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn FLC…cũng đã chỉ ra có trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó gồm cả công ty kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực.

Vốn điều lệ của FLC Faros  từ mức khởi đầu 1,5 tỉ đồngđã tăng lên 4.300 tỉ đồngchỉ trong giai đoạn 2011-2016 với các “thủ thuật” tài chính

Theo đó, dự thảo Luật Kiểm toán độc lập sửa đổi quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự. Nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập từ 100 triệu đồng lên 2 tỉ đồng đối với tổ chức, 50 triệu lên 1 tỉ đồng đối với cá nhân, tức tăng gấp 20 lần so với hiện tại. Thời hiệu xử phạt tối đa được đề xuất là 5 năm nhằm tăng cường tính răn đe. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng bắt buộc kiểm toán.

Tuy nhiên, bà An Chung cho rằng cần cân nhắc mức xử phạt sao cho phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm cũng như đối tượng vi phạm. Nếu áp dụng mức phạt như dự thảo, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kiểm toán độc lập tại Việt Nam, một ngành hiện cần tăng nhân sự lên gấp 3-4 lần so với quy mô thị trường. Vì vậy, bà đề xuất chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa lên gấp 2 lần so với hiện tại và thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Cùng với đó, để “bịt lỗ hổng” nâng khống vốn điều lệ cần sửa đổi, bổ sung quy định về ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp cho cổ đông cá nhân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền doanh nghiệp, đảm bảo vốn góp là thật và chỉ dùng cho mở rộng sản xuất kinh doanh. Tài sản góp vốn cần được thẩm định giá bởi tổ chức chuyên nghiệp. Bổ sung quy định về trách nhiệm và giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan đến vốn điều lệ, ngoài cơ quan quản lý nhà nước.

Quang Đăng

————-

Đô thị mới (Tiêu điểm) 07-11-2024:

https://dothi.reatimes.vn/mo-rong-pham-vi-kiem-toan-de-dep-nan-tang-von-ao-cua-doanh-nghiep-7809.html

(73/1.432)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.405. Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị...

Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao...

Trích dẫn 

3.951. Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt...

Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng. (MK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,139