3.950. Uống rượu bia lái xe trong dịp Tết bị xử phạt ra sao?

(LĐTV) – Tết đến xuân về là dịp người thân, bạn bè có nhiều cơ hội gặp gỡ sau một năm làm việc. Để hạn chế các trường hợp gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, trong những năm qua, mức phạt khi sử dụng rượu bia tham gia giao thông đã tăng đáng kể, có tác dụng răn đe vi phạm.

BẢO BÌNH – DƯƠNG ANH

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn phóng viên Tường tự quay ngày 13-01-2023 tại ANVI, 44 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

————–

Lao động TV (Video) 30 Tết Quý Mão 21-01-2023:

https://laodong.vn/video/uong-ruou-bia-lai-xe-trong-dip-tet-bi-xu-phat-ra-sao-1140163.ldo

—————

Hỏi đáp:

1. Một hành vi vi phạm pháp luật vào dịp Tết mà người dân dễ mắc phải là việc uống rượu, bia sau đó lại điều khiển xe đạp, xe gắn máy, xe ôtô. Vậy mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe như thế nào?

1.1. Đối với người lái xe ô tô và tương tự uống rượu, bia:

Các khoản 6, 8 và 10, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định việc xử phạt hành chính người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà máy đo được như sau:

– Phạt từ 6 – 8 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức thấp nhất;

– Phạt từ 16 – 18 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức trung bình.

– Phạt từ 30 – 40 triệu, nếu nồng độ cồn ở mức cao hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

1.2. Đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện uống rượu, bia:

Các khoản 6, 7 và 8, Điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà máy đo được như sau:

– Phạt từ 2 – 3 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức thấp;

– Phạt từ 4 – 5 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức trung bình.

– Phạt từ 6 – 8 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức cao hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

1.3. Đối với người lái xe đạp xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), uống rượu bia:

Các khoản 1, 3 và 4, Điều 8 quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà máy đo được như sau:

– Phạt từ 80 – 100 nghìn đồng, nếu có nồng độ cồn ở mức thấp;

– Phạt từ 200 – 300 nghìn đồng nếu có nồng độ cồn ở mức trung bình;

– Phạt tiền từ 400 – 600 nghìn đồng nếu có nồng độ cồn ở mức cao hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

1.4. Tóm lại, khi đã uống rượu, bia, dù không say, dù uống không nhiều, mà lái xe đạp xe máy, ô tô, nếu vẫn đo được nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì dù lái xe ô tô, xe máy hay xe đạp thì cũng có thể bị xử phạt với mức nặng, với xe đạp 80 – 600 nghìn, đối với xe máy là từ 2 – 8 triệu, đối với ô tô 6 – 40 triệu đồng.

2. Nếu phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia thì bị xử lý ra sao?

2.1. Việc sử dụng rượu bia phạm tội này được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều 13 về “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” quy định:

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

2.2. Một số tội thường gặp liên quan đến rượu, bia là “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, Điều 260 BLHS.

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 – 10 năm.

2.3. Điều 263 & 264 về “Tội điều động hoặc giao cho người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông”.

Người nào có thẩm quyền nếu biết rõ người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông hoặc giao cho người đó tham gia giao thông dẫn đến làm chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác thì bị phạt tiền từ với các mức 10 – 20 triệu hoặc 50 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 – 03 năm.

3. Luật sư có lời khuyên gì cho người dân để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết?

Để an toàn cho bản thân và người khác, không bị xử phạt khá nặng về tiền, phạt tù, thì hạn chế uống rượu, bia; nếu uống rượu bia rồi thì không lái xe cho đến khi bảo đảm không còn nồng độ cồn trong máu.

#CSGT

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,761