3.963. Gỡ vướng từ đâu trong Nghị định 65?

Gỡ vướng từ đâu trong Nghị định 65?

(ĐTTC) – Trao đổi với ĐTTC, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp (DN), nhưng mấu chốt là cần điều chỉnh lại một số khái niệm quy định chưa phù hợp với bản chất thực tế của thị trường vốn, thay vì cứng nhắc như hiện nay.
Gỡ vướng từ đâu trong Nghị định 65?
PHÓNG VIÊN: Vậy theo ông điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ ngay của NĐ 65 là gì?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng trong lần sửa đổi, bổ sung này cần nới các điều khoản trong NĐ65, đặc biệt là các điều khoản quy định DN huy động vốn. Bên cạnh đó, cũng cần nới điều khoản đang hạn chế các nhà đầu tư (NĐT) được cho là không chuyên nghiệp khi mua TPDN (có thể áp dụng nhưng cần có lộ trình 2-5 năm nữa). Bởi lẽ NĐ65 đang có sự nhầm lẫn về bản chất thị trường vốn hiện nay, vì gọi là NĐT “chuyên nghiệp” rất ít, như vậy gần như khách hàng mua TPDN trên thị trường sẽ bị cắt giảm rất mạnh.

Hay như việc đặt ra quy định TPDN khi mua/bán phải từ 100 triệu đồng trở lên cũng không phản ánh đúng bản chất thị trường. Về lâu dài chúng ta có thể có quy định như thế, nhưng cần có lộ trình, và với đặc thù thị trường vốn Việt Nam hiện nay sẽ cần ít nhất 5 năm, thậm chí 10 năm nữa.

Thực ra NĐT chuyên nghiệp sẽ không có hoặc rất hiếm khi họ mua TP, mà họ mua cổ phiếu. Trong khi đó DN thường chỉ bán TP để huy động vốn và cũng không mua vào. Các ngân hàng cũng chỉ là kênh phát hành, họ cũng không hoặc ít khi mua TPDN. Nói thế để thấy đây là sự bất hợp lý trong một số quy định của NĐ65.

Trước kia, tôi đã phản đối một số quy định ngay từ NĐ153. Sau đó ban hành NĐ65, dù có những quy định mới được bổ sung, nhưng lại vẫn phải sửa sai. Do vậy cái chính là cần thay đổi tư duy, nhìn thẳng vào thực trạng thị trường vốn của Việt Nam, để từ đó đặt ra chính sách cho phù hợp, không phải áp một khung quản lý với những quy định cứng nhắc.

– Quy định xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP trong NĐ65 hiện cũng được cho “quá chặt”, ông đánh giá thế nào về việc này?

– Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ65. Theo dự thảo, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, và từ ngày 1-1-2024 sẽ thực hiện, thay vì từ 1-1-2023 như quy định tại NĐ65.

Trước đó, NĐ65 yêu cầu từ ngày 1-1-2023, hồ sơ chào bán TP của DN phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, được áp dụng với những DN có tổng giá trị TP huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu, hoặc có tổng dư nợ TP lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

Thực tế, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên hình thành quỹ bình ổn thị trường TP, giống cách làm của Trung Quốc, Hàn Quốc, hay chương trình mua TP thứ cấp tại Mỹ. Tuy nhiên, mô hình này không khả thi trong điều kiện của Việt Nam.

Tôi cho rằng, mấu chốt trong việc xử lý vấn đề TP hiện nay là câu chuyện niềm tin. Những giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn. Ngoài chủ động công khai thông tin về triển khai dự án, tiến độ sử dụng vốn, DN phát hành cũng nên làm việc với đại diện người sở hữu TP hoặc trái chủ lớn về lãi suất, gia hạn kỳ hạn thanh toán.

Còn xét về lâu dài, tính chuyên nghiệp và trung thực là yếu tố tiên quyết giúp thị trường phát triển tốt. Trong đó, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm DN phát hành TP là một trong những giải pháp quan trọng. Thay vì quản lý hàng ngàn DN phát hành, hàng triệu NĐT, chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm, chấn chỉnh kịp thời vi phạm.

Trong đó, thông tin cung cấp cho NĐT phải thật, đúng, nêu rõ DN triển khai dự án nào, thời hạn, nguồn vốn, sử dụng vốn ra sao, có nhập nhèm đảo nợ hay không… Còn hiện nay mọi thứ tù mù, thật giả lẫn lộn, gây nhiều hệ lụy.

Trước mắt, dù chưa thể áp dụng toàn thị trường ngay, nhưng nhà quản lý phải đặt điều kiện, phải đánh đổi, khi đó một vài năm mới phát triển được thị trường xếp hạng tín nhiệm. Tôi hy vọng với lần sửa đổi này, sẽ mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các TPDN tới hạn và DN phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ TP.

– Xin cảm ơn ông.

LƯU THỦY (thực hiện)

——————-

Đầu tư tài chính (Kinh tế) 06-02-2023:

https://www.saigondautu.com.vn/go-vuong-tu-dau-trong-nghi-dinh-65-post101652.html

(906/962) #TPDN #NĐ65

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.419. Áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian...

Áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới. (VTV.vn) - Theo báo...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,198