306. Bình luận Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô.

(CIEM) – Hội thảo về Dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải ô tô               Hà Nội 21-8-2018  

Ý kiến phát biểu tại Hội thảo:

  1. Gần đây, tôi đã đọc được thông tin trên báo thấy mấy Hiệp hội vận tải gửi báo cáo phản đối Luật sư Trương Thanh Đức có quan điểm trái với Bộ trưởng GTVT. Nếu không trái thì khỏi phải mất công cho Hội thảo hôm nay. Nếu không trái thì Chính phủ đã ban hành Nghị định từ 2016 rồi, chứ không đợi đến cuối 2018, chưa chắc đã qua.
  2. Trong khi chỉ có 1 luật, nhưng đã có tới 3 Nghị định, chuẩn bị Nghị định thứ 4 với những nội dung rất khác nhau. Như vậy là Nghị định đã vô hiệu hoá Luật. Đang sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Ngay sau đó, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 thì Nghị định này sẽ lại hết hiệu lực & sẽ buộc phải có Nghị định khác thay thế.
  3. Không chỉ đơn thuần là 4 dự thảo như các văn bản khác, mà là 4 lần trình 4 Dự thảo khá khác nhau, suýt được ban hành nhưng đều đã thất bại. Góp ý hôm nay để xây Dự thảo trình Chính phủ lần thứ 5, trong khi vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau. Như vậy, không chỉ tắc đường, tắc xe, mà tắc Nghị định. Và thực chất là tắc tư duy, tắc giải pháp. Do vậy, tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất, cần xem lại & làm lại theo đúng tiêu đề Hội thảo mà CIEM đưa ra.
  4. Điều kiện kinh doanh là cái có trước khi kinh doanh nên Tờ trình lý giải rằng Dự thảo đã cắt giảm rất nhiều điều kiện kinh doanh là không sai. Tuy nhiên, đi sâu vào cụ thể thì chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí, thậm chí đánh tráo khái niệm, chứ thực chất bỏ 1 thêm 3. Nếu nó chỉ là hạn chế quyền tự do kinh doanh có lý do chính đáng thì còn chấp nhận được. Nhưng nó đã ngăn cản sự phát triển, tiến bộ & không nhìn thấy tác hiệu quả
  5. Quy định theo hướng thắt chặt hơn, chặt chẽ hơn, lúng túng hơn, xa rời thực tế hơn.
  6. Mâu thuẫn, bất cập là quy định nhiều về điện tử, công nghệ 4,0 nhưng lại không quản theo hướng công nghệ hiện đại, mà quản kiếu 0.4.
  7. Quá nhiều điểm vô lý, bất cập từ Dự thảo hiện nay. Cần thay quan điểm chứ không chỉ đổi từ ngữ.
  8. Rất nhiều quy định hạn chế cùng với lý giải ngăn chặn xe dù, ben cóc không đúng. Những giải pháp đã đưa ra quá nhiều, từ lâu rồi, mà vẫn không thay đổi tình trạng. Vậy thì phải xem lại, không nên hoài cổ & cố đẻ thêm rào cản, dây trói, biển cấm,…
  9. Cần bỏ ít nhất 1/2 các điều kiện trói buộc trong dự thảo. Như xe tải mà phải có biển xe tải thì đó là giáo trình trực quan để tây học tiếng Việt. Vậy thì khác nào mỗi người phải gắn thêm 1 tấm biển tôi là người? Xe hợp đồng phải gửi báo cáo chi tiết đến Sở GTVT trước mỗi chuyến đi thì khác nào xe tạm biệt Việt Nam, nhập cảnh vào nước bạn?
  10. Những vấn đề khác tôi đã nêu và chưa nêu trong 4 trang tài liệu bình luận.

  ———————————-

Tham luận gửi từ 08-8-2018  

BÌNH LUẬN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH KINH DOANH VẬN TẢI Ô TÔ

Luật sư Trương Thanh Đức

Trọng tài viên VIAC

1. Nhận xét chung:

1.1. Trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 giữ nguyên, nhưng 3 Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009, Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08-11-2012, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 và Dự thảo Nghị định mới thay thế quá khác nhau. Thậm chí nếu tiến độ soạn thảo văn bản nhanh hơn, thì tốc độ thay đổi còn lớn hơn nữa. Chẳng hạn việc khởi động sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã được chính thức triển khai theo Quyết định số 680/QĐ-BGTVT ngày 09-3-2016 của Bộ Giao thông vận tải.

1.2. Vậy câu hỏi đặt ra là nội dung nào đúng, nội dung nào trái với Luật Giao thông đường bộ? Chưa kể một loạt Thông tư hướng dẫn khác nhau lại tiếp tục quy định các nội dung khác nhau. Việc 10 năm phải thay đổi tới 4 Nghị định đã chứng tỏ quy định bất cập, vô lý, vướng mắc. Đặc biệt Nghị định 86 đã tạo ra quá nhiều quy định bất hợp lý, gây rất nhiều khó khăn, tiêu cực, đội chi phí, tăng giá thành vận chuyển, như cấp phép vận tải nội bộ (tức không kinh doanh vận tải), quy mô kinh doanh (số lượng xe),… Dự thảo Tờ trình Chính phủ viết “Nghị định số 86/2014/NĐ-CP có tổng số 51 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó: Điều kiện chung có 21 điều kiện, tuyến cố định 04 điều kiện, xe buýt 06 điều kiện, taxi 13 điều kiện, hợp đồng, du lịch 05 điều kiện, hàng hóa 02 điều kiện”. Như vậy riêng xe taxi có tới 34 điều kiện kinh doanh. Có thể nói, các Nghị định trước đây đã bóp méo Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

1.3. Những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển. Vì vậy, Dự thảo này đã trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị là lần thứ 5, tức là đã được soạn đi soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu. Lần đầu trình Chính phủ vào ngày 30-12-2016. Nếu như khi ấy được Chính phủ ban hành, thì giờ cũng lại phải sửa đổi lần nữa. Vì vậy, dù Dự thảo Nghị định này được hay không được ban hành trong thời gian tới, thì cũng cần cấp bách sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, vì đã ban hành được 10 năm, trong đó có những cái đang bị vô hiệu hóa như bên nhận thế chấp xe ô tô được quyền giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, trái với quy định của Luật.

2. Về tên gọi Nghị định (Dự thảo):

2.1. Tên gọi là “Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, là không hợp lý, dài dòng, vì “điều kiện kinh doanh” đương nhiên nằm trong “kinh doanh”. Chỉ trường hợp không quy định về kinh doanh nói chung thì mới cần có cụm từ “điều kiện kinh doanh”.

2.2. Đề nghị đặt tên là “Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” là đủ bao quát, rõ ràng và ngắn gọn.

3. Về tên các Chương của Dự thảo:

3.1. Các tên Chương trong cả Nghị định là không hợp lý, cần đặt lại. Chẳng hạn tên Chương II “Quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” đã bao trùm Chương III “Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

3.2. Tên Chương V quá dài, thiếu tính khái quát “Quy định về cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; công bố bến xe hàng; đăng ký khai thác, ngừng hoạt động, đình chỉ khai thác tuyến vận tải hành khách cố định”.

4. Về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Dự thảo):

4.1. Điều 1 của Dự thảo quy định như sau: “Nghị định này quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe ô tô” là thiếu lô gic, vừa khái quát, vừa liệt kê, cuối cùng vẫn chưa bao quát hết nội dung cần điều chỉnh.

4.2. Đề nghị viết như sau: Nghị định này quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô, bao gồm điều kiện kinh doanh và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe ô tô.

5. Về khái niệm kinh doanh vận tải (Điều 3.3 Dự thảo):

5.1. Khoản 1 của Dự thảo quy định như sau “ Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

5.2. Bất hợp lý thứ nhất là đưa thêm “mục đích sinh lợi” nhằm loại bỏ việc vận chuyển nội bộ. Tuy nhiên, mục đích vận chuyển nội bộ vẫn là sinh lợi, chỉ có không trực tiếp. Bất hợp lý thứ hai là câu thứ hai “Trong đó, có công đoạn…” là không hợp lý, cần phải viết liền với câu thứ nhất hoặc muốn tách câu cho đỡ dài thì phải diễn đạt lại.

5.3. Tuy nhiên, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải như ý kiến trong Dự thảo Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải. Vì như vậy, thì cùng với đơn vị có xe, có song song 2 đơn vị đồng thời cùng kinh doanh vận tải theo từng chuyến xe là không hợp lý.

5.4. Cần phải nhìn nhận đây đúng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sự kết hợp giữa kinh doanh vận tải ô tô và kinh doanh công nghệ, chưa có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nên cần quy định các điều kiện khác. Đúng ra phải sửa Luật Giao thông đường bộ.

6. Về quy định đối với xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (taxi điện tử); xe hợp đồng điện tử (các điều 6, 7 và 16 Dự thảo):

6.1. Nghị định quy định xe taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử, cùng với ứng dụng tính tiền thông qua phần mềm thay thế cho đồng hồ tính tiền trên xe taxi là cần thiết, hợp lý, không trái Luật và phù hợp với thực tế. Không những thế cần phải khuyến khích hình thức hợp đồng điện tử.

6.2. Việc yêu cầu gắn 2 loại biển xe taxi và taxi điện tử là không cần thiết, vì taxi thường thì vẫn có thể chạy ứng dụng của taxi điện tử. Hơn thế quy định taxi điện tử thì lại biến thành taxi thường. Đặc biệt là không phù hợp đối với loại taxi không chuyên nghiệp, mang tính kết hợp, tận dụng khai thác theo mô hình kinh tế chia sẻ. Việc phân biệt này, nếu có thì chỉ cần thiết cho việc quản lý của Nhà nước, chứ không có ý nghĩa đối với hành khách, là đối tượng hàng đầu cần hướng tới phục vụ một cách đơn giản, thuận tiện, chất lượng.

6.3. Vấn đề bất hợp lý tương tự là đối với xe hợp đồng và xe hợp đồng điện tử; xe du lịch và xe du lịch điện tử.

7. Về quy định hợp đồng vận tải (điểm e, khoản, 1 Điều 7 và điểm c, khoản 2, Điều 8 Dự thảo);

7.1. Quy định đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng nhằm để chống xe trá hình tuyến cố định, khó dẹp bỏ “xe dù, bến cóc” là không hợp lý, phủ nhận thực tế tốt, hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, đi ngược lại cách thức kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí tận dụng tối ưu năng lực, phương tiện và khuyến khích nền kinh tế chia sẻ.

7.2. Đề nghị tăng cường giải pháp quản lý theo cách thức, công nghệ hiện đại. Không thể dùng biện pháp áp đặt, suy diễn. Tờ trình không thể lấy ví dụ xe 45 chỗ thì sẽ bị lách luật thành 45 hợp đồng, trong khi không bỏ qua hiện tượng phổ biến như xe taxi 4 chỗ thì có thể hợp đồng với 2 – 3 người hay nhóm người kết hợp đi 1 chuyển.

8. Về hạn chế đón, trả khách tại điểm cố định (điểm d và đ, khoản 1, Điều 7; điểm d và đ, khoản 1, Điều 8 Dự thảo):

8.1. Dự thảo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại một địa điểm cố định và mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó/tháng, vơi lý do .

8.2 Đề nghị bỏ quy định này vì mục tiêu không rõ ràng, gây khó khăn cho dịch vụ đưa đón nhân viên theo hợp đồng vì lý do ngăn chặn “xe dù, bến cóc”.

9. Về quy định phải thông báo về Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng (tại khoản 4, Điều 7 và khoản 5, Điều 8 Dự thảo):

9.1. Dự thảo quy định trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi đã được thể hiện trong hợp đồng vận chuyển.

9.2. Đề nghị bỏ quy định trên vì mục tiêu ngăn chặn “xe dù, bến cóc” là không rõ ràng, không hữu hiệu, không cần thiết; gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, chậm trễ cho hành khách. Thậm chí cần phải tính tới khuyến khích các xe ít ghế ngồi phục vụ tại nhà, để thuận lợi cho hành khách, nâng cao chất lượng phục vụ như loại hình Limosine, thay vì cứ phải đi xe to, sau đó lại phải bố trí xe taxi 4 chỗ trung chuyển.

10. Về quy định điều kiện về đối tượng được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử (khoản 2, Điều 13 Dự thảo):

10.1. Việc Dự thảo quy định “ Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.” là không hợp lý, nhất là lại quy định việc kinh doanh phần mềm phục vụ chung cũng là kinh doanh vận tải.

10.2. Vì vậy, đề nghị cho phép cả các hộ kinh doanh được sử dụng hợp đồng điện tử khi kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ, đồng thời áp dụng quản lý bằng điện tử.

—————————–

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,930