307. Cảnh giác kẻo lừa đảo… chồng lừa đảo

(QĐND) – LTS: Mới đây, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) bị các đối tượng lừa đảo mạo danh hoặc lợi dụng hình ảnh để quảng cáo dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”, hòng lừa nạn nhân thêm một lần nữa. Để hiểu rõ hơn các chiêu trò tinh vi của bọn tội phạm, chúng tôi giới thiệu bài viết của luật sư Trương Thanh Đức xung quanh vấn đề này.

Tôi đã bị mạo danh khá nhiều lần với những kiểu khác nhau. Mấy năm trước, còn bị một trang Facebook giả mạo y chang mọi thông tin. Tôi cứ đăng gì là lập tức trang đó đăng lại nguyên xi, chỉ khác mỗi dấu hiệu là Facebook của tôi có tích xanh (dấu xác nhận chính chủ).

Gần đây, tôi bị một số trang Facebook mạo danh hoặc lợi dụng hình ảnh rồi hứa hẹn thu hồi tiền cho nạn nhân bị lừa đảo trên mạng. Ngoài trường hợp của tôi, các đối tượng cũng giả mạo nhiều luật sư và công ty luật khác. Thậm chí, họ còn sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) dựng nhiều video clip như thật, mà trường hợp của tôi là một đoạn video dài 27 giây chỉ từ duy nhất một bức ảnh bình thường. Chính tôi cũng giật mình với hình ảnh, khẩu hình, giọng nói cứ như của mình. Việc đầu tiên tôi làm là lập tức cảnh báo trên trang web và Facebook cho mọi người, đồng thời nhờ bạn bè báo cáo để xóa trang giả mạo. Ngăn chặn được sự việc giả mạo mình, nhưng tôi càng hoang mang khi hàng chục trường hợp khác cũng bị giả mạo tương tự; không khỏi giật mình khi họ ngang nhiên đăng thế này: “Liên kết thành công với Cục Tài chính, các ngân hàng và hợp tác với Cục An ninh mạng nhằm kiểm soát-triệt phá các nền tảng online phức tạp hiện nay và mang tài sản về lại cho khách hàng”.

 Trang Facebook có tên “Lsư. Nguyễn Tiến Hùng” nhưng lại sử dụng hình ảnh luật sư Trương Thanh Đức nhằm thực hiện chiêu trò lừa đảo “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”. Ảnh: Giám đốc Công ty Luật ANVI

Các đối tượng giả mạo từ luật sư, công ty luật cho đến VAMC (Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), thậm chí cả Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Chúng còn “nổ”: “Tự hào là đơn vị đã hỗ trợ thành công hơn 30.000 bộ hồ sơ”. Công thức để các đối tượng dễ dàng lừa đảo là mạo danh các luật sư có ảnh hưởng, uy tín nhất định, nhất là những người hay xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội, cộng với thủ đoạn mồi chài rất hấp dẫn là hỗ trợ hay tư vấn “miễn phí”, “không thu phí”, “phí trả sau”, “không tính bất cứ khoản phí nào cho đến khi chúng tôi giúp bạn lấy lại tiền”… Nếu “con mồi” sa bẫy thì tất cả đều dẫn đến một kết cục giống nhau là mất thêm tiền mà không thể lấy lại được đồng nào đã bị chiếm đoạt trước đó. Một bạn đã gửi cho tôi xem tin nhắn của các đối tượng lừa đảo rằng, chúng đã thu hồi được 27 triệu đồng mà bạn bị lừa trước đó, nếu không nộp “phí” để nhận lại thì chúng sẽ chuyển số tiền này cho Bộ Tài chính(!?). Hiện nay, không có bất kỳ luật sư, công ty luật nào có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng, do vậy mọi thông tin quảng cáo kiểu đó đều là lừa đảo.

Chủ tài khoản hay ngân hàng thấy dấu hiệu lừa đảo bị rút mất tiền cũng rất khó ngăn chặn, còn khi tiền đã bị tội phạm chuyển đi thì chỉ còn biết hy vọng mong manh vào kết quả điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng chức năng. Ngay khi việc mất tiền vừa mới xảy ra cũng đã rất khó lấy lại, chứ chưa nói đến việc đã xảy ra nhiều ngày, vì khó kiểm soát hoạt động chuyển tiền điện tử chỉ diễn ra trong tích tắc qua nhiều tài khoản hay tài khoản “ma”. Ngân hàng cũng rất khó ngăn chặn và không dễ dàng cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người khác vì những quy định bảo mật tại Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cùng với nhiều quy định khác. Đáng tiếc là luật mới chỉ đáp ứng được một vế là bảo mật thông tin mà chưa có cơ chế cần thiết, hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng gian lận, lừa đảo.

Có nhiều dấu hiệu để nhận biết việc lừa đảo thu hồi tiền bị mất trên mạng, đó thường là: Trang mới lập một vài tháng gần đây, kể cả trang có hàng nghìn người thích và theo dõi (nếu lập lâu thì chỉ có ít bài, đã bị sửa tên trang và nội dung); có những bình luận khen ngợi và cảm ơn đã lấy được tiền; có nhiều quản trị viên (trang cá nhân thì thường chỉ của một người); liên quan đến danh tính, hình ảnh luật sư, công ty luật (với nhiều clip dựng bằng trí tuệ nhân tạo); quảng cáo đã xử lý được hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ… Để tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân phải nêu cao cảnh giác bởi mọi thứ trên mạng đều có thể có nguy cơ bị lừa đảo; cần kiểm tra, xem xét vấn đề một cách cẩn trọng, không phải một lần mà nhiều lần, không phải bằng một mà bằng nhiều biện pháp. Nếu lỡ bị lừa mất tiền, cần nhanh chóng khóa tài khoản, báo cho ngân hàng và cơ quan công an, không thực hiện theo các chỉ dẫn, đe dọa của các đối tượng…

Luật sư Trương Thanh Đức

————–

Quân đội Nhân dân (Bạn đọc) 07-12-2023:

https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/canh-giac-keo-lua-dao-chong-lua-dao-754476

(1.088)

————–

Bài gốc:

Lừa chồng lên lừa

Là một trong những luật sư có uy tín lớn, thường xuyên xuất hiện trên báo chí, mới đây, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) bị các đối tượng lừa đảo mạo danh để quảng cáo “dịch vụ  hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” hòng lừa nạn nhân thêm một lần nữa. Để hiểu rõ hơn các chiêu trò tinh vi của bọn chúng cũng như một số quy định liên quan đến giao dịch ngân hàng, Báo Quân đội nhân dân chia sẻ bài viết của luật sư Trương Thanh Đức xung quanh vấn đề này.

Tôi đã bị mạo danh khá nhiều lần với những kiểu khác nhau. Mấy năm trước, còn bị một trang Facebook giả mạo y sì mọi thông tin, tôi cứ đăng gì là lập tức chúng đăng lại nguyên si, chỉ khác mỗi dấu hiệu là facebook của tôi có tích xanh (dấu xác nhận chính chủ).

Gần đây, tôi đã bị một số trang Facebook mạo danh hứa hẹn thu hồi lại số tiền cho người đã bị mất do bị lừa đảo trên mạng. Ngoài trường hợp của tôi, bọn chúng đã giả mạo rất nhiều luật sư và công ty luật khác. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) dựng nhiều video clip như thật, mà trường hợp của tôi là một đoạn video dài 27 giây chỉ từ duy nhất một bức ảnh bình thường. Chính tôi cũng giật mình hoang mang với hình ảnh, khẩu hình, giọng nói cứ như của mình. Việc đầu tiên phải làm là lập tức cảnh báo trên trang web và Facebook cho mọi người, đồng thời nhờ bạn bè báo cáo để xoá trang giả mạo.

Sau khi ngăn chặn được sự việc giả mạo của mình thì càng thấy hoang mang khi mở Facebook ra tại một thời điểm mà thấy tràn lan hàng chục trường hợp bị giả mạo tương tự. Không khỏi giật mình khi chúng ngang nhiên đăng thế này: “Liên kết thành công với Cục tài chính, các ngân hàng và hợp tác với Cục an ninh mạng nhằm kiểm soát – triệt phá các nền tảng online phức tạp hiện nay và mang tài sản lại về cho khách hàng”.

Chúng giả mạo từ Luật sư, công ty luật, cho đến VAMC (Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), thậm chỉ cả C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao). Rồi chúng còn nổ đến mức “Tự hào là đơn vị đã hỗ trợ thành công hơn 30.000 bộ hồ sơ”.

Công thức để chúng dễ dàng lừa đảo là mạo danh các luật sư có ảnh hưởng, uy tín nhất định, nhất là những người hay xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội, cộng với thủ đoạn mồi chài rất hấp dẫn là, hỗ trợ hay tư vấn “miễn phí”, “không thu phí”, “phí trả sau”, “không tính bắt cứ khoản phí nào cho đến khi chúng tôi giúp bạn lấy lại tiền”,… Nếu “con mồi” sa bẫy thì tất cả đểu dẫn đến một kết cục giống nhau là, mất thêm tiền mà không thể lấy lại được đồng nào đã bị chiếm đoạt trước đó. Một bạn đã gửi cho tôi xem tin nhắn của bọn lừa đảo cứ như thật nhưng rất hoang đường rằng, chúng đã thu hồi được 27 triệu đồng, nếu bạn không nộp phí để nhận lại thì sẽ chuyển số tiền đó cho Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo. Nạn nhân dễ bị nhầm tưởng rằng, đó là lúc nộp phí vì đã lấy được tiền đúng như quảng cáo, nhưng phí thì mất mà tiền thu về thì không hề có.

Hiện nay, không có bất kỳ luật sư, công ty luật nào có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng, do vậy mọi thông tin quảng cáo kiểu đó đều là lừa đảo. Cũng không tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư nào dám ngang nhiên quảng cáo vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp “Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng”.

Chủ tài khoản hay ngân hàng thấy dấu hiệu lừa đảo bị rút mất tiền cũng rất khó ngăn chặn, còn khi tiền đã bị tội phạm chuyển đi mất rồi thì chỉ còn biết hy vọng mỏng manh vào kết quả điều tra xử lý tội phạm của Công an. Ngay khi việc mất tiền vừa mới xảy ra cũng đã rất khó lấy lại, chứ không nói gì đã xảy ra nhiều ngày, vì khó kiểm soát việc chuyển tiền điện tử chỉ diễn ra trong tích tắc qua nhiều tài khoản hay tài khoản “ma”. Chính ngân hàng cũng rất khó ngăn chặn và không dễ dàng cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người khác vì những quy định bảo mật tại Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cùng với nhiều quy định khác. Đáng tiếc là luật mới chỉ đáp ứng được một vế là bảo mật thông tin, mà chưa có cơ chế cần thiết, hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng gian lận, lừa đảo.

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết việc lừa đảo thu hồi tiền bị mất trên mạng, mà đó thường là: Trang mới lập một vài tháng gần đây, kể cả trang có hàng ngàn người thích và theo dõi (nếu lập lâu thì chỉ có ít bài, đã bị sửa tên trang & nội dung); có những bình luận khen ngợi và cám ơn đã lấy được tiền; có nhiều quản trị viên (trang cá nhân thì thường chỉ của một người); có chạy quảng cáo (được tài trợ, nội dung lèo tèo mà có khi hàng ngàn người thích và theo dõi); dính đến danh tính, hình ảnh luật sư, công ty luật và pháp lý gì đó (với nhiều clip trí tuệ nhân tạo – AI); đã xử lý được hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ (nếu có thì nên hiểu đã lừa được nhiều nạn nhân);…

Để tránh bị lửa đảo qua mạng thì đành phải mặc định rằng, tất cả mọi thứ là đều có thể là cạm bẫy và đều nguy cơ bị lừa đảo; những cái tin tưởng nhất cũng phải kiểm tra, xem xét lại. Kiểm tra không phải một lần mà nhiều lần, không phải bằng một biện pháp mà nhiều biện pháp. Nếu có người nào đấy mời chào chỉ dẫn, tư vấn, hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo trên mạng thì hãy lập tức nghĩ đến khả năng lừa đảo. Ngay lập tức dừng lại trước các dấu hiệu lừa đảo, với nguy cơ tăng lên như sau: Khi bị đòi hỏi cung cấp thông tin này khác, vòng vo, mập mờ; khi bị yêu cầu cung cấp mật khẩu; khi bị yêu cầu chuyển tiền.

Nếu mà lỡ bị mất tiền lần đầu hay bị lừa thêm một lần nữa thì nạn nhân cần phải nhanh chóng khóa tài khoản lại và báo cho ngân hàng để chặn, tiếp nữa là báo cho cơ quan công an, không thực hiện theo các chỉ dẫn, xúi bẩy, đe dọa; tối thiểu nhất khi bị lừa thì cũng phải cảnh báo cho người thân, bạn bè để mọi người đỡ bị lừa. Nếu im lặng thì sẽ ảnh hưởng đến người khác, tiếp tay (dù là vô tình), nhưng đó là trách nhiệm xã hội, còn anh em bạn bè thì bảo vệ mình và hỗ trợ nhau./.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,777