308. Bình luận danh ngôn thượng tôn pháp luật.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, bình luận tại Hội thảo “Thượng tôn pháp luật trong thời đại Công nghệ 4.0”.

1. Thực trạng vi phạm:

1.1. Một công ty ngành may hàng nghìn lao động ở Thái Nguyên, đóng báo hiểm vài chục tỷ đồng/năm. Từ năm 2018, vẫn đóng “Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương” theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH59/2015/ TT-BLĐTBXH và số 59/2015/TT-BLĐTBXH. Nhưng lại bị Bảo hiểm xã hội thanh tra cho rằng đóng thiếu, phải đóng thêm hơn một chục tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018. Luật thì không rõ ràng, làm đúng như Thông tư nhưng lại đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ, bị xử phạt vi phạm hành chính và đặc biệt là nguy cơ hình sự.

1.2. Một xã hội văn minh, một đất nước hiện đại, một nhà nước pháp quyền thì đương nhiên là phải hành xử theo pháp luật và thượng tôn pháp luật, không có gì cao hơn pháp luật, không thể không tuân thủ pháp luật. Mọi người nói chung, doanh nghiệp nói riêng, không ai muốn vi phạm pháp luật. Nhưng do pháp luật bất cập với sự chồng chéo, mâu thuẫn, rắc rối, đánh đố, vô lý,… nên quá nhiều trường hợp buộc phải vi phạm. Dường như luật xúi người ta phạm pháp. Có những loại quy định của pháp luật dường như buộc người ta phải vi phạm nếu còn muốn kinh doanh. Chẳng hạn như việc nhận thế chấp hàng triệu tài sản là nhà đất lâu nay nhưng sổ đỏ không có nhà, thì kiểu gì cũng sai. Với hệ thống pháp luật phức tạp, bất cập, lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo,… như lâu nay, nếu cơ quan hành pháp không thiện chí, thì chẳng thiếu gì lý do, lý trấu để hành tỏi doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chấp hành đúng mọi quy định pháp luật gần như là việc không thể.

1.3. Kinh doanh ngày nay, không thế không tuân thủ pháp luật, càng doanh nghiệp lớn, càng muốn thành công, càng phát triển bền vững, thì càng phải thượng tôn pháp luật. Nhưng mặt khác, thực trạng hiện nay “Kinh doanh, đó là cuộc chơi mà chiến thắng thường thuộc về người sành sỏi luật chơi, còn thất bại thì đến với người thực hiện đúng luật chơi”.

1.4. “Luật pháp là cái mạng nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con nhỏ thì bị mắc lưới”.

Banzac

1.5. “Điều cần nhất trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp, không phải là được tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật, mà là ở chỗ, không biết phải ứng xử với pháp luật thế nào trước những vướng mắc thực tế”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Doanh nghiệp mong gì từ hỗ trợ pháp lý?

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 12 (225) tháng 12-2010.

2. Nguyên nhân phạm pháp:

2.1. “Một xã hội mà trong đó sự bảo đảm các quyền công dân không được chắn chắn, sự phân chia các quyền lực không được ấn định, thì xã hội đó hoàn toàn không có hiến pháp và pháp luật”.

Điều 16, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1789)

2.2. “Điều tối kỵ là đặt ra một luật lệ nhưng lại không buộc mọi người chấp hành nó. Như thế cũng tỷ như cho phép người ta làm cái điều mình muốn cấm đấy”.

Richelieu

2.3. “Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ đẻ ra luật rừng, luật rừng đẻ ra xã hội rừng”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Chủ tịch Quốc hội khoá VII

2.4. “Nước ta có một rừng luật, nhưng khi thực hiện thì người ta phải áp dụng luật rừng”.

Ngô Bá Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội các khoá VI, VII, VIII và X.

2.5. “Luật pháp điều chỉnh cuộc sống ví như luật chơi điều khiển cuộc chơi, nếu cứ bị thay đổi liên tục, thì người chơi ắt tối tăm mặt mũi và không tài nào tránh được việc phạm luật”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Đánh đu với pháp luật

Tạp chí Nhà Quản lý – Tết Tân Mão 01-2011.

3. Giải pháp khắc phục:

3.1. Thượng tôn pháp luật thì phải tử trên xuống, chứ không bao giờ là ngược lại. Xưa nay đều thượng bất chính, hạ tắc loạn.

3.2. “Dân khờ khạo mà phạm luật nước, đó không phải là tội của họ, mà là tội của người cầm quyền chẳng biết giữ gìn giáo hoá họ. Đợi đến khi họ phạm tội, người cai trị cứ theo luật pháp mà trừng phạt, như vậy chẳng khác gì bủa lưới đánh bẫy dân”.

Mạnh Tử

3.3. “Việt Nam chưa có đủ cơ cấu hành chính và thiếu nhân viên có đủ kinh nghiệm chuyên môn để áp dụng đúng đắn các văn bản pháp luật. Và Việt Nam cũng không có đủ những chính sách cần thiết, do đó người ta không biết rõ trong hoàn cảnh nào thì phải áp dụng quy định nào và cũng không đoán được phản ứng của chính quyền trong từng trường hợp”.

Luật sư S.Crit-Stop (Pháp)

3.4. “Luật Việt Nam có muôn ngàn cách hiểu, cùng một luật nhưng mỗi cơ quan khác nhau lại hiểu và giải thích theo một cách khác nhau”.

Luật sư Benjamin Yap

Chủ tịch Hội Doanh nhân Singapore tại TPHCM.

3.5. “Cách hỗ trợ pháp lý hiệu quả nhất không phải là việc giúp doanh nghiệp và doanh nhân làm đúng luật, mà là việc yêu cầu các quan chức và cơ quan công quyền đừng ban hành những quy phạm trời ơi, đất hỡi, đồng thời phải hiểu đúng và làm đúng luật”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho DN

Tham luận Hội thảo của Bộ Tư pháp 4-2014

Hà Nội 16-8-2018    

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,927