331. Bình luận Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, bình luận theo yêu cầu của VCCI.     

Bình luận Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”.

1. Về hạn chế giải ngân bằng tiền mặt:

1.1. Việc cho vay của các tổ chức tín dụng cần phải sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay, hạn chế giải ngân bằng tiền mặt. Tuy nhiên theo Dự thảo, việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay chỉ được thực hiện đối với khách hàng được công ty tài chính đánh giá là có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đồng thời tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

1.2. Do trước đây chưa quy định bắt buộc phải giải ngân không bằng tiền mặt, nên quy định này là quá chặt, không hợp lý, cần xem xét áp dụng theo lộ trình thay đổi từng bước cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, cần quy định phù hợp với các trường hợp khách hàng vay lần đầu, thì không căn cứ vào lịch sử trả nợ tại chính công ty cho vay. Đối với tổng tư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng hay nên xem xét ở mức không vượt quá khoảng 70% thay vì 30% trong một số năm trước mắt.

2. Về trần lãi suất cho vay tiêu dùng:

2.1. Trần lãi suất đối với cho vay nói chung không có ngoại lệ, trong đó có cho vay cầm đồ; cho vay ngang hàng; họ, hụi, biêu, phường,… là 20%/năm theo quy định tại Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính tiêu dùng nói riêng không bị khống chế bởi trần lãi suất này, theo hướng dẫn tại Điều 7 về “Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng”, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm”. Đối với các tổ chức tín dụng, việc tự do thoả thuận lãi suất theo thị trường là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

2.2. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cần xem xét ấn định một mức trần lãi suất để hạn chế tình trạng lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng quá cao, có thể lên đến gần 100%/năm, từ đó lãi suất quá hạn có thể lên đến gần 150%/năm, gây khó khăn cho người vay, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, khó khăn. Chẳng hạn ấn định trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không quá 3 lần trần lãi suất cho vay chung, theo quy định tại khoản 3, Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 “Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.

3. Về cách thức thu nợ cho vay tiêu dùng:

3.1. Việc đòi nợ trong thời gian qua của một số công ty tài chính bằng điện thoại, email, mạng xã hội hay trực tiếp, mang tính chất quấy rối, gây phiền nhiễu, thậm chí đe doạ, khủng bố tinh thần, kiểu như gọi điện tự động hàng trăm cuộc một ngày, gây ra sự bức xúc cho nhiều khách hàng. Không những thế, còn đòi nợ cả người thân quen của khách hàng, dù họ không phải là người đồng trách nhiệm, người bảo lãnh hay có nghĩa vụ gì đối với khoản nợ. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi đối với cách thức thu hồi nợ của công ty tài chính. Theo đó, ngoài quy định thời gian nhắc nợ phải trong khoảng từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, thì còn bổ sung quy định “không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính”.

3.2. Tuy nhiên, cần phải xem xét quy định cụ thể hơn như: Không được đòi nợ tại nơi làm việc, nơi công cộng, không được xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của khách hàng; không được đòi nợ mang tính chất khủng bố, liên tục quá 3 lần mỗi ngày và cần hạn chế chặt hơn đối với ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, tết, ngày hiếu hỉ của bản thân và của bố, mẹ, vợ con khách hàng.

4. Về giải pháp phát triển thị trường, đẩy lùi tín dụng đen:

4.1. Để giảm thiểu tình trạng cho vay lãi suất quá cao và gây sức ép nặng nề khi đòi nợ, nhất là tín dụng đen vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến, thì cần phải có những giải pháp cơ bản, triệt để và hiệu quả hơn ngoài việc sửa đổi, bổ sung Thông tư nói trên.

4.2. Tín dụng và lãi suất là một hiện tượng kinh tế, vì vậy cần phải được tập trung giải quyết bằng giải pháp kinh tế. Quan trọng nhất là phải tạo ra lực lượng cho vay dồi dào, hình thành thị trường tín dụng cạnh tranh cao, cân đối cung cầu để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu vay vốn. Cụ thể, cần xem xét thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh kênh tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là cần nới lỏng giới hạn và điều kiện cho vay của các công ty tài chính, vì không huy động vốn của cá nhân;

Thứ hai, khuyến khích các kênh cho vay hợp pháp như cho vay cầm đồ; cho vay ngang hàng; cho vay dưới hình thức họ, hụi, biêu, phưởng;…

Thứ ba, đặc biệt là cần khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân vẫn cho vay lẫn nhau được phép mở rộng cho vay bằng chính nguồn vốn của họ cùng với của nhà đầu tư, không cần phải có giấy phép cho vay, không bị giới hạn cho vay; không phải nộp thuế giá trị gia tăng (chỉ phải nộp thuế thu nhập như hiện nay) và tự chịu mọi rủi ro bằng tiền vốn của họ;

Thứ tư, cần phải sửa đổi luật cho phép mọi đối tượng cho vay được áp dụng mức lãi suất cao bằng với lãi suất của các tổ chức tín dụng để bảo đảm cân bằng thị trường và lẽ công bằng đối xử;

Thứ năm, kiên quyết xử lý nghiêm khắc, kịp thời tín dụng đen, trong đó chủ yếu là xử lý các hành vi lừa dối, đe doạ, cưỡng ép khách hàng vay vốn;

Thứ sáu, về lâu dài cần xem xét việc coi công ty tài chính là tổ chức tín dụng hay chỉ là tổ chức tài chính, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng.

4.3. Do yêu cầu đặc thù của ngành Ngân hàng, nên các tổ chức tín dụng rất khó có thể hạ tiêu chuẩn cho vay và đáp ứng được nhu cầu tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, cần phải thay đổi quản điểm chính là, mở rộng hoạt động cho vay của các đối tượng khác. Không nên giải thích cứng nhắc rằng, cho vay là hoạt động ngân hàng nên phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Chỉ nên tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay của tổ chức huy động vốn của dân chúng, nhằm tránh đổ vỡ, gây rủi cho cho hệ thống và mất tiền gửi của số đông.

 5. Về thời hạn trả lời khiếu nại:

5.1. Khoản 5, Điều 10a về “Trách nhiệm của công ty tài chính”, Dự thảo Thông tư quy định: “ Công ty tài chính có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời khiếu nại của khách hàng, người có liên quan trong thời hạn tối đa 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại lần đầu…”.

Quy định thời hạn trên là quá dài, không hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu phục vụ khách hàng, nhất là đối với trường hợp khách hàng có nguy cơ bị chuyển sang nợ xấu và người không phải là khách hàng vay nhưng lại bị đưa vào danh sách khách hàng vay nợ. Thời hạn này còn dài hơn cả thời hạn giải quyết khiếu nại thông thường và bằng với thời hạn giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp của các cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể, Điều 28 về “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu”, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định như sau:

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý”.

5.2. Ngoài ra, đã quy định “trong thời hạn” rồi thì cần bỏ từ “tối đa” hoặc ngược lại trong cụm từ “trong thời hạn tối đa” Dự thảo nói trên.

6. Về cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính:

6.1. Khoản 6, Điều 10a về “Trách nhiệm của công ty tài chính”, Dự thảo Thông tư quy định một trong các trách nhiệm của công ty tài chính là: “ Phát hiện kịp thời các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tiêu dùng, thông báo, cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, các hành vi vi phạm pháp luật”.

6.2. Quy định trên là không hợp lý, vì có thể yêu cầu công ty tài chính có trách nhiệm “Thông báo, cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính” cho ngân hàng Nhà nước, chứ không thể quy định trách nhiệm phải “thông báo, cảnh báo trong hệ thống công ty tài chính”, tức là cho cả các công ty khác là đối thủ cạnh tranh.

7. Về thời hạn báo cáo định kỳ:

7.1. Điểm b, khoản 9, Điều 10a về “Trách nhiệm của công ty tài chính”, Dự thảo Thông tư quy định một trong các trách nhiệm của công ty tài chính là báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây: “b) Định kỳ ngày 12 hàng tháng, công ty tài chính phải báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn của tháng trước liền kề theo mẫu biểu đính kèm Thông tư này”.

7.2. Quy định “định kỳ ngày 12 hàng tháng” mà không có điều chỉnh khi trùng vào ngày nghỉ là không hợp lý, nhất là ngày nghỉ, lễ, tết có thể lên đến 9 ngày thì xử lý như thế nào? Ngoài ra từ “hàng ngày” cũng thường bị viết sai, cần sửa lại là đúng là “hằng ngày”.

Hà Nội 10-4-2019

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,404