35. Một số vướng mắc pháp lý trong các quy định về bảo đảm tiền vay

(TCNH)

I/ CHẾ ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY

Theo quy định hiện hành, các biện pháp bảo đảm bằng tài sản để vay vốn ngân hàng gồm có: Thế chấp, cầm cố và bảo lãnh. Trong quan hệ dân sự và kinh tế thông thường, các biện pháp bảo đảm bằng tài sản do các bên liên quan hoàn toàn tự nguyện thoả thuận. Nhưng, đối với quan hệ tín dụng ngân hàng, kể từ khi các ngân hàng chuyển sang hoạt động kinh doanh, các biện pháp này được quy định như là một trong những điều kiện để ngân hàng cho vay vốn, thậm chí có nơi, có lúc còn được coi là một trong những nguyên tắc cho vay.

Hợp đồng tín dụng là một dạng hợp đồng cho vay đặc biệt, vừa có thể là hợp đồng kinh tế vừa có thể là hợp đồng dân sự. Theo đó, các biện pháp bảo đảm để thực hiện hợp đồng tín dụng khi là các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế, khi lại là các biện pháp để thực hiện hợp đồng dân sự. Vì vậy, các quy định về thế chấp, cầm cố và bảo lãnh đối với ngân hàng được xây dựng trên cơ sở cả hai nguồn luật trên, mà có thể tuân theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và Bộ luật Dân sự năm 1995 (Pháp lệnh Hợp đồng dân sự trước đây). Đặc điểm đó đã được thể hiện rõ trong các văn bản quy định về bảo đảm tiền vay dưới đây:

Quy định về việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 156/NH-QĐ ngày 18-11-1989 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước;

– Thông tư liên Bộ số 01/TT-LB ngày 3-7-1996 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Hướng dẫn thủ tục về thế chấp, cầm cố tài sản đối với DNNN và thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn ngân hàng;

Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 217/QQĐ-NH1 ngày 17-8-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thay thế Quyết định 156/NH-QĐ).

Qua thực hiện các văn bản trên cũng như các quy định pháp luật liên quan, đã cho thấy còn khá nhiều vướng mắc cả về mặt quy định cũng như về quan điểm nhận thức.

 

II/ VƯỚNG MẮC TỪ CÁC QUY ĐỊNH VỀ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

1- Thủ tục tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm quá chặt chẽ

Trong các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay, có hai điều chủ yếu gây khó khăn cho ngân hàng, đó là:

– Pháp luật đòi hỏi hầu hết việc thế chảp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn ngân hàng phải làm thủ tục công chứng;

– Ngân hàng không có quyền chủ động phát mại khi cần phải xử lý các tài sản bảo đảm tiền vay.

Về mặt lý thuyết, mọi chi phí liên quan đến hai quá trình này đều do khách hàng gánh chịu, nhưng trên thực tế ngân hàng vẫn không phải không tốn kém, không phải là người ngoài cuộc. Đặc biệt, việc các khoản nợ bị đóng băng, bị kéo dài thời gian thu hồi vốn, bị phát sinh nợ quá hạn và việc phải theo đuổi quá nhiều vụ án đòi nợ mới chính là thiệt hại chủ yếu của các ngân hàng.

Về công chứng, các nước thường công chứng về mặt hình thức, nhằm xác nhận một sự kiện phát sinh, còn ở Việt Nam lại công chứng về nội dung, nhằm xác nhận bản chất của giao dịch, cho nên rất khó khăn, phiền hà. Vì vậy đã có không ít ý kiến cho rằng: Điều mà ngân hàng cần, thì Cơ quan công chứng không làm, ngược lại việc công chứng làm lâu nay không đạt được bao nhiêu tác dụng và ý nghĩa thực tế, thậm chí là không cần thiết đối với ngân hàng.

2- Các quy định về quyền sở hữu tài sản thiếu đồng bộ

Hiện nay, hầu hết các bất động sản vẫn chưa có hoặc chưa đáp ứng được đầy đủ điều kiện cần thiết về giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nhất là đối với tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đoàn thể và ở khu vực nông thôn. Cũng chưa có quy định rõ ràng về phạm vi và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đăng ký và xác nhận các tài sản bảo đảm.

Việc vừa qua, Cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được giao trách nhiệm xác nhận tài sản của doanh nghiệp Nhà nước cũng chỉ là một giải pháp tình thế và có phần thiếu căn cứ pháp lý, vì việc có xác nhận tài sản để mang đi cầm cố, thế chấp hay không vẫn phải căn cứ vào quyền sở hữu và giấy tờ sở hữu. Vì vậy, việc triển khai trên thực tế nhưng quy định như thế là rất khó khăn.

Việc ngân hàng nhận tài sản bảo đảm trên cơ sở giấy chứng nhận quyền sở hữu cũng vẫn thiếu an toàn, vẫn không được coi là hợp pháp vì rơi vào trường hợp:

– Nhiều tài sản thuộc sở hữu chung cần phải có sự đồng ý của các đồng sở hữu nhưng giấy tờ lại chỉ ghi tên một người (như sở hữu chung ô tô, xe máy của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986);

– Các tài sản có giấy chứng nhận sở hữu hoàn toàn hợp pháp, nhưng khách hàng có được tài sản đó do nguồn thu nhập bất hợp pháp.

Thậm chí, ngay đối với các Ngân hàng TMCP hiện nay cũng không rõ mình thuộc loại sở hữu gì được bảo vệ theo Luật hình sự, vì cùng loại hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hàng cổ phần như nhau, nhưng nơi này thì truy tố và xét xử theo tội danh xâm phạm tài sản XHCN, nơi khác lại theo tội danh xâm phạm tài sản của công dân.

 

3- Các quy định về xử lý tài sản bảo đảm chưa thông thoáng

Các trung tâm bán đấu giá tài sản mới có ở một số địa phương, nhưng lại có tình trạng đấu giá bằng bỏ phiếu kín và chỉ tiến hành một lần, không bảo đảm khách quan và khả năng bán được với giá cao nhất. Chưa kể, việc muốn đưa ra bán đấu giá, thì ngân hàng và khách hàng phải thoả thuận được về điều này, nếu không vẫn phải khởi kiện ra Toà án.

Hầu hết các hợp đồng tín dụng lớn của ngân hàng là thuộc về hợp đồng kinh tế và có thể khởi kiện ra Toà kinh tế để xét xử với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhưng đến phần quan trọng để mang lại kết quả thực tế là thi hành bản án, thì lại được thực hiện theo trình tự thi hành án dân sự thông thường, nên cũng không đạt được mục đích.

Việc giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài tuy có nhiều ưu điểm, nhưng hầu hết các địa phương hiện nay vẫn chưa thành lập được các Trung tâm Trọng tài kinh tế theo Nghị định số 116/CP ngày 5-9-1994 của Chính phủ. Mặt khác, nếu phán quyết của Trọng tài lại không có giá trị cưỡng chế thi hành như quy định hiện nay, thì cũng gây trở ngại, ách tắc cho các bên tranh chấp .

4- Các quy định chưa phù hợp với quan hệ tín dụng

Những quy định về thế chấp, cầm cố và bảo lãnh trong các văn bản hiện hành là quá chặt chẽ, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động tín dụng ngân hàng có rất nhiều nét đặc thù nói riêng.

Pháp luật quy định chặt chẽ các biệp pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là nhằm bảo vệ quyền lợi của mọi chủ sở hữu khi tham gia các giao dịch dân sự và kinh tế. Nhưng có một nghịch lý là, vì quy định quá chặt chẽ, nên quyền lợi chính đáng của các ngân hàng lại không được bảo đảm. Trong những năm qua, các ngân hàng đã mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc hoàn thành thủ tục tiếp nhận và xử lý các tài sản thế chấp, cầm cố và bảo lãnh. Và chính sự khó khăn đó của ngân hàng, lại dẫn đến hậu quả tiếp theo là, lợi ích của khách hàng cũng bị ảnh hưởng xấu.

Ngoài ra, các quy định về thế chấp, cầm cố và bảo lãnh hiện nay có phần còn hạn chế về các hình thức bảo đảm tiền vay, về mức khống chế tỉ lệ cho vay so với tài sản thế chấp và cầm cố.

Nhiều khi các ngân hàng lại chọn giải pháp nhờ các cơ quan Pháp luật xử lý, mặc dù vừa lâu, vừa tốn kém so với việc cùng với khách hàng đứng ra bán tài sản bảo đảm. Nguyên nhân là sợ trách nhiệm, không giảm giải chấp khi không thu đủ nợ, mặc dù theo quy định thì khách hàng vẫn phải có trách nhiệm trả số hợ còn thiếu.

Ngoài ra, sau khi tài sản bảo đảm tiền vay đã được chuyển cho cơ quan thi hành án phát mại cũng vẫn còn những vướng mắc thực tế. Chẳng hạn, trong các bản án có liên quan đến nghĩa vụ trả nợ thường ghi một câu: Kể từ tháng thứ hai, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, số tiền chưa thanh toán sẽ phải trả lãi theo lãi suất quá hạn (hoặc lãi suất  tiết kiệm không kỳ hạn) do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong khi đó, kể từ ngày 1-1-1996, Ngân hàng Nhà nước đã không còn quy định cụ thể về mức lãi suất tiết kiệm. Hiện nay, mỗi ngân hàng thương mại tự quy định một mức lãi suất tiền gửi riêng, không có lãi suất nào có thể gọi là của “Ngân hàng Nhà nước”. Như vậy, sẽ không có cơ sở pháp lý về mức lãi tiết kiệm để tính toán số tiền lãi do người vay chậm trả. Rõ ràng, việc giải quyết xong tranh chấp này lại sinh ra tranh chấp khác mà không thể giải quyết được.

 

III/ VƯỚNG MẮC TỪ CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGÂN HÀNG

1- Về hiệu lực của văn bản chuyên ngành

Theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật NHNN Việt Nam năm 1997, thì văn bản của ngành Ngân hàng cũng chỉ có giá trị tương đương với văn bản của bất kỳ một Bộ nào khác. Như vậy, nếu xảy ra tình trạng các quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa NHNN với các ngành, hoặc văn bản của Chính phủ và Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng mâu thuẫn với văn bản thuộc lĩnh vực khác, thì văn bản chuyên ngành về ngân hàng cũng sẽ không có hiệu lực ưu tiên.

Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp quy phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Thế nhưng NHNN đã ban hành nhiều văn bản có các nội dung quy định không đúng hình thức luật định. Ví dụ: Trước đây có Thông báo 08 năm 1991 đã gây ra nhiều tranh cãi trong vụ TAMEXCO. Vừa qua, có Công văn số 417/CV-NH14 ngày 31-5-1997 hướng dẫn thực hiện những giải pháp cấp bách của Chính phủ liên quan đến công tác tín dụng Ngân hàng. Gần đây, lại lại có Công văn số 898/CV-NHNN10 ngày 28-9-1998 hướng dẫn thi hành 2 luật ngân hàng, trong đó chứa đựng rất nhiều quy phạm pháp luật.

Như vậy, hiệu lực các văn bản trên không cao, thậm chí, nó sẽ không được các cơ quan pháp luật thừa nhận, vì không được thể dưới dưới một trong ba hình thức văn bản pháp quy của cấp Bộ.

Gần đây, NHNN còn có tình trạng, thay bằng gửi bản chính thì lại chỉ gửi bản sao các văn bản pháp quy cho các ngân hàng thương mại. Thậm chí, ngay các bản sao văn bản pháp quy cũng không có chữ ký thật, mà chỉ là chữ ký phô tô, như vậy khác nào hai lần sao.

2- Một số văn bản chưa cụ thể, rõ ràng

– Thông tư liên Bộ số 01 ngày 3-7-1996 có tên là: “Hướng dẫn thủ tục về thế chấp, cầm cố tài sản đối với doanh nghiệp Nhà nước và thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn ngân hàng” làm cho một số Phòng công chứng và nhiều người hiểu nhầm là chỉ hướng dẫn thủ tục thế chấp và công chứng đối với doanh nghiệp Nhà nước.

– Công văn số 417/CV-NH14 ngày 31-5-1997 của Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn thực hiện những giải pháp cấp bách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tín dụng ngân hàng”, làm cho một số Phòng công chứng và Cục quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp hiểu nhầm là bãi bỏ việc thế chấp đối với tất cả các doanh nghiệp Nhà nước vay vốn ngân hàng.

– Các văn bản quy định và hướng dẫn về hợp đồng tín dụng của NHNN chưa có sự viện dẫn hoặc giải thích cần thiết về sự liên quan với chế độ hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự, nên các ngân hàng và khách hàng rất lúng túng khi phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan. Chỉ thị số 08/CT-NHNN14 ngày 3-10-1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cáo chất lưưọng tín dụng, góp phần tăng truởng kinh tế và đảm bảo an toàn, hiệu quả đối với hệ thống ngân hàng lại chỉ nhắc đến một loại thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án kinh tế (06 tháng). Như vậy cũng dễ làm cho các ngân hàng hiểu sai rằng, hợp đồng tín dụng chỉ là loại hợp đồng kinh tế, chứ không phải là hợp đồng dân sự.

Những vướng mắc trên, có nguyên nhân chủ yếu là do sự không nghiên cứu kỹ văn bản hoặc thiếu am hiểu về tổ chức và hoạt động của ngành ngân hàng, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng là, do hình thức và nội dung của văn bản được trình bày chưa rõ ràng, hợp lý.

Ngoài ra, nhiều văn bản pháp quy của NHNN cũng không được đăng trên Công báo theo quy định để phổ biến rộng rãi đến các ngành, các cấp và mọi đối tượng quan tâm.

 

IV/ HOÀN THIỆN CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ NGÂN HÀNG

1- Xây dựng các văn bản độc lập cho hoạt động ngân hàng

Hoạt động ngân hàng có đặc thù rất quan trọng. Ngân hàng ở nước nào cũng được coi là một định chế rất đặc biệt, NHNN không giống với bất cứ Bộ, ngành kinh tế nào, ngân hàng thương mại cũng không giống với bất của một loại hình doanh nghiệp thông thường nào. Pháp luật về Tài chính – Ngân hàng cũng được phân biệt là một ngành luật độc lập trong tổng số 12 ngành luật theo phân loại khoa học pháp lý của Việt Nam hiện nay.

Dường như, thời gian qua việc xây dựng các văn bản pháp quy của ngành Ngân hàng dựa trên quan điểm cho rằng các quy định áp dụng cho ngân hàng cũng phải phù hợp hoàn toàn hoặc tương tự với các quy định áp dụng cho các lĩnh vực. Vì vậy, đáng tiếc là, Luật NHNN Việt NamLuật các Tổ chức tín dụng đã không thiết chế được những quy định đầy đủ, cần thiết và độc lập cho ngành Ngân hàng. Ví dụ, vấn đề tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị của các công ty cổ phần và các doanh nghiệp Nhà nước được quy định rất cụ thể trong Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995, nhưng đối với Ngân hàng thì lại chỉ được quy định trong Nghị định (đang dự thảo). Như vậy là đã vô hình trung hạ thấp địa vị pháp lý của các Ngân hàng. Giá trị pháp lý của các quy định về Hội đồng quản trị của các ngân hàng không thể bằng các quy định của hai Luật trên. Chưa nói, rồi sau này, Luật Công tyLuật Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được sửa đổi khác đi, thì các quy định liên quan về Ngân hàng sẽ đương nhiên bị vô hiệu hoá?

Luật các Tổ chức tín dụng đã không đáp ứng được mong mỏi và yêu cầu cần thiết. Vì nếu cứ phải dựa vào các luật lệ liên quan quá nhiều, thì hiện nay có đủ các luật về doanh nghiệp, chỉ cần ra thêm các văn bản dưới luật hướng dẫn áp dụng cụ thể với ngành ngân hàng theo hướng: Ngàn hàng Quốc doanh là doanh nghiẻp Nhà nước thì hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Ngàn hàng liên doanh và Ngàn hàng nừốc ngoài thì hoạt động theo  Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Ngàn hàng TMCP và các cỏng ty tài chính thì hoạt động theo Luật Công ty, HTX tín dụng và Quỹ tín dụng nhân dân thì hoạt động theo Luật HTX. Như vậy thì cần gì phải có một Luật riêng về các Tổ chức tín dụng?

Năm 1990, Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được điều chỉnh bằng Pháp lệnh, trong khi tất cả các loại hình doanh nghiệp khác mới chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định, thông tư, chỉ thị. Có thể nói, nếu như Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và Công ty tài chính, khi mới ban hành đã mang lại cho các tổ chức tín dụng một địa vị pháp lý độc lập và hoàn chỉnh hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, thì Luật các Tổ chức tín dụng hiện nay lại chưa làm được điều đó. Có nhiều quy định quan trọng không được luật hoá như nó đã, đang và sẽ được làm đối với các loại hình doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, đã có những văn bản thể hiện vị trí đặc biệt của các ngân hàng thương mại. Điều lệ mới đây các Ngân hàng thương mại quốc doanh được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  phê chuẩn, đều c ó một câu cuối ghi như sau: Trong trường hợp Điều lệ này có quy định khác với các văn bản của Chỉnh phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì sẽ báo cáo Thống đốc NHNN trình Chính phủ cho phép thực hiện theo Điều lệ này.

Nhưng nếu không dựa trên quan điểm xây dựng các văn bản pháp luật độc lập cho hoạt động ngân hàng và quan điểm này chưa được công nhận trong hai đạo Luật về ngân hàng, thì việc quy định những đặc thù trong các văn bản dưới luật và văn bản của từng ngân hàng như trên e rằng trái với nguyên tắc pháp chế và rất khó được chấp nhận trên thực tế.

Với những đặc thù của hoạt động kinh doanh tiền tệ, điều hợp lý nhất cần phải phấn đấu sau này là: Luật các Tổ chức tín dụng phải xây dựng được các Tổ chức tín dụng thành một loại hình doanh nghiệp độc lập, không phụ thuộc vào các loại hình doanh nghiệp theo các luật doanh nghiệp khác, cũng giống như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được định nghĩa là các công ty TNHH, nhưng lại hoàn toàn không chịu bất kỳ sự điều chỉnh nào của Luật Công ty. Trong khi đó, các Ngân hàng thương mại hiện nay lại bị coi đơn giản chỉ tương tự như là một doanh nghiệp Nhà nước, một công ty cổ phần hay một HTX thông thường khác.

2- Xây dựng các chế định Pháp luật độc lập về bảo đảm tiền vay

Dù chưa xây dựng được các đạo luật hoàn toàn độc lập cho hoạt động ngân hàng, nhưng việc cần xây dựng các chế định Pháp luật độc lập về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng là điều rất cần thiết để giúp cho quá trình “Xử lý tài sản thế chấp và giải toả các khoản nợ đóng băng của Ngân hàng”, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ngân hàng.

Được biết, Dự thảo Quy chế bảo đảm tiền vay của các Tổ chức tín dụng đã được trình lên Chính phủ. Nội dung của Dự thảo Quy chế này đã phần nào thể hiện quan điểm coi việc coi việc bảo đảm tiền vay là một lĩnh vực đặc thù, độc lập tương đối so với các quan hệ vay mượn khác. Nếu được Chính phủ thông qua các nội dung như Dự thảo thì sẽ giải toả được hai vướng mắc lớn:

– Việc có công chứng văn bản thế chấp, cầm cố và bảo lãnh hay không là do các bên tự thoả thuận và;

– Các Ngân hàng được quyền chủ động phát mại các tài sản bảo đảm tiền vay.

Điều đó là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của quan quan hệ tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, nếu những quy định đó được thể hiện ngay trong Luật các Tổ chức tín dụng thì sẽ bảo đảm tuyệt đối về giá trị pháp lý. Còn, nếu chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ, thì sẽ không tránh khỏi một loạt vướng mắc, như:

– Liệu các cơ quan Pháp luật có chấp nhận một số quy định về thế chấp, cầm cố và bảo lãnh trong Nghị định khác với các quy định trong Bộ luật Dân sự?

– Một phần Nghị định liệu có bị vô hiệu hoá vì Điều 29 Bộ luật Hàng hải năm 1990 quy định việc thế chấp tàu biển phải được Cơ quan công chứng chứng thực?

– Quy định các tài sản bảo đảm được hình thành từ vốn vay sẽ được xử lý theo quy định về tài sản của chủ nợ có bảo đảm khi bị phá sản liệu có được các cơ quan Pháp luật và các chủ nợ khác chấp nhận khi nó không được đề cập đến trong Luật Phá sản doanh nghiệp cũng như trong các quy định chung về tài sản bảo đảm?

– Khi chỉ có một mình Ngân hàng chủ động bán tài sản bảo đảm tiền vay, không có sự tham gia của khách hàng, không thông qua các Trung tâm bán đấu giá thì liệu các cơ quan quản lý Nhà nước có chấp nhận việc hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản?

– Rồi sau này, sẽ có rất nhiều đạo luật, pháp lệnh hoặc nghị định mới lại có quy định về quyền sở hữu, về việc thế chấp, cầm cố, bảo lãnh phải qua công chứng (Luật Hàng không dân dụng, Luật Đất đai, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế,…) thì Nghị định về bảo đảm tiền vay liệu còn giá trị đến đâu?

Ngoài các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nói trên, cũng nên mở rộng một số biện pháp bảo đảm khác áp dụng trong lĩnh vực Ngân hàng. Chẳng hạn, theo tinh thần Điều 365 Bộ luật Dân sự thì việc bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng có thể thực hiện bằng biện pháp ký quỹ, tức là ngân hàng cho vay hoặc ngân hàng thứ ba phong toà một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ trị giá được bằng tiền của người vay. Như vậy Ngân hàng vừa có thể cho vay trên 80% giá trị tài sản bảo đảm lại vừa an toàn và thuận tiện cho cả hai bên so với quy định về cầm cố hiện nay.

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

Bài viết đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 12-1998

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,920