361. Bình luận về việc thu thuế VAT đối với L/C: Đúng sai nhầm lẫn.

 

 (ANVI)- Tham luận tại Tọa đàm Thuế GTGT đối với hoạt động L/C) của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, do Diễn đàn Doanh nghiệp & VNBA tổ chức:

1. Quy định về đối tượng không chịu thuế:

1.1. Điểm a, khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”, Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2016) quy định như sau:

Các dịch vụ tài chính, ngân hàng sau đây không không đối tượng chịu thuế VAT:

a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng kháctheo quy định của pháp luật”.

1.2. Khoản 14, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

14. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

  • Như vậy, mọi hình thức cấp tín dụng sau đây không thuộc đối tượng nộp thuế VAT:
  • Bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng;
  • Dịch vụ cấp tín dụng khác của các tổ chức tín dụng;
  • Dịch vụ cho vay, hoạt động mang tính chất tín dụng, ngân hàng của người không phải là tổ chức tín dụng mà pháp luật không cấm (theo quy định của Bộ luật Dân sự)[1].

2. Quy định về L/C:

2.1. Từ năm 1958, pháp luật đã quy định thư tín dụng hay tín dụng chứng từ hay L/C, là một trong 6 phương thức thanh toán. L/C chủ yếu được áp dụng trong thanh toán quốc tế, nhưng cũng được quy định thực hiện ở trong nước như sau: “hình thức thanh toán theo thư tín dụng chỉ áp dụng cho những tổ chức kinh tế ở hai địa phương khác nhau giao dịch hàng hóa với nhau không có quan hệ hợp đồng thường xuyên, chỉ ký kết từng lần hoặc chưa tín nhiệm lẫn nhau”[2].

2.2. Khoản 15, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

“15. Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, uỷ nhiệm chi, nhờ thu, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”.

2.3. Về tổng quan, L/C là một nghiệp vụ thanh toán, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau,trong đó, riêng việc mở L/C thì lại là một nghiệp vụ cấp tín dụng. Năm 2012 pháp luật về bảo lãnh ngân hàng đã từng quy định, số dư bảo lãnh bao gồm cả “các cam kết phát hành theo hình thức tín dụng chứng từ”[3]. Pháp luật ngân hàng quy định “cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)” cũng là một hình thức cấp tín dụng[4]. Cụ thể hơn, trường hợp mở L/C trả ngay cũng như trả chậm tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam thì đều được coi là một loại hình bão lãnh và do đó, phải đáp ứng được các điều kiện gần như một khoản vay vốn.

2.4. Như vậy, L/C bao gồm cả dịch vụ bảo lãnh cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán, cần phải được tách bạch để xử lý thì mới đúng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật thuế.

3. Hậu quả và kiến nghị về việc thu thuế VAT với L/C:

3.1. Thu thuế VAT đối với L/C tức là thu thuế đối với bên sử dụng dịch vụ L/C, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, hàng hoá, dịch vụ; khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp.

3.2. Thu thuế VAT đối với L/C vừa đúng luật lại vừa trái luật. Đúng đối với phần dịch vụ thanh toán, trái đối với phần dịch vụ tín dụng.

3.3. Vì vậy cần bóc tách riêng từng khoản để áp và không áp thuế VAT, cũng giống như việc không thu thuế đối với lãi suất cho vay, nhưng vẫn thu thuế đối với doanh thu từ phí giải ngân và phí chuyển tiền vay của các tổ chức tín dụng để thanh toán hàng hoá, dịch vụ./.

Hà Nội 11-5-2021.
———————–

[1]. Điểm b, khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”; điểm c, khoản 5 Điều 8 về “Thuế suất”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2016) ; Công văn số 1551/TTg-KTTH ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ V/v “Thuế giá trị gia tăng đối với cho vay vốn của tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng”.

[2]. Mục A, Phần III, Thông tư số 168-KH ngày 07/5/1958 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam về việc “Thi hành Nghị định số 144-TTg ngày 09/4/1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tập trung thanh toán vào ngân hàng”.

[3]. Khoản 1 Điều 6 về “Xác định số dư bảo lãnh trong thực hiện quy định về giới hạn cấp tín dụng”, Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về bảo lãnh ngân hàng”.

[4]. Khoản 11 Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15-11-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,687