363. Bình luận về Đề án cấp biển số xe thông qua đấu giá.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI xin tham gia 1 số ý kiến (chữ bôi đỏ):

(Kèm theo Công văn số 2383/C08-P5 ngày 15/6/2021)

Để nghiên cứu, thống nhất các nội dung lớn trước khi hoàn thiện bản thảo Đề án cấp biển số xe thông qua đấu giá khi triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật; Cục Cảnh sát Giao thông xin đưa ra một số nội dung xin ý kiến như sau:
1. Xác định kho biển số xe cơ giới đường bộ là tài sản công

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì: “Kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý nhà nước”.Như vậy, kho biển số xe cơ giới đường bộ mà Bộ Công an đang đăng ký, cấp là tài sản công;

Đề nghị thống nhất hay không thống nhất với nội dung này hoặc ý kiến khác.

Bình luận: Nên sử dụng cụm từ “kho số xe” thay cho “kho biển số”, vì như vậy mới đúng với quy định “kho số viễn thông và kho số khác” tại khoản 7, Điều 4 về “Phân loại tài sản công”, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và khoản 21, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Viễn thông năm 2009.

 

2. Xác định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công là biển số xe

Tại khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Kho số khác phục vụ quản lý nhà nước do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới;

Như vậy, Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo Chính phủ có cơ chế quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công là biển số xe

Đề nghị thống nhất hay không thống nhất Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý và đề xuất Chính phủ về hình thức khai thác nguồn lực tài chính là biển số xe hoặc ý kiến khác.

Bình luận: Nên sử dụng các cụm từ “tài sản công là kho số xe” và “nguồn lực tài chính là kho số xe” thay cho “tài sản công là biển số xe” và “nguồn lực tài chính là biển số xe”, vì lý do như trên. Còn “biển số xe” chỉ xuất hiện tại thời điểm đăng ký xe, là một tài sản cụ thể gắn với xe và thuộc sở hữu của người sở hữu xe.

Việc giao cho cơ quan quản lý việc cấp biển số xe đồng thời quản lý kho số xe là hợp lý, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

3. Về khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là biển số xe

3.1. Hình thức khai thác

– Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công:giao quyền sử dụng; cấp quyền khai thác tài sản công; cho thuê tài sản công; chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, thanh lý; hình thức khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Hiện nay, biển số xe được cấp cho chủ xe quản lý, sử dụng có thu lệ phí đăng ký 01 lần theo quy định tại Thông tư 229 của Bộ Tài chính (ví dụ: lệ phí đăng ký ô tô tạiTP Hà Nội là 20 triệu đồng). Tuy nhiên, khi bán, cho, tặng, tiêu huỷ, hết niên hạn sử dụng, chủ sở hữu phải nộp lại biển số, cơ quan CSGT phải thu hồi biển số. Năm 2020, Bộ Công an thu, nộp ngân sách Nhà nước tiền lệ phí đăng ký xe khoảng 3.600 tỷ đồng.

Nội dung này giữ nguyên nếu chủ sở hữu xe không có nhu cầu lựa chọn kho số.

3.3. Đối với chủ xe có nhu cầu lựa chọn biển số

Ví dụ: Bộ Công an đưa ra kho số gồm 5000 biển số sẽ đăng ký tại Hà Nội từ 01/10/2021 đến tháng 31/12/2021, cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký bất kỳ số nào theo sở thích trong thời gian từ 01/09/2021 đến 10/09/2021, sau đó định giá, chuyển các số có đăng ký đấu giá sang cơ quan đấu giá chuyên nghiệp thực hiện, số còn lại sẽ chuyển vào hệ thống bấm ngẫu nhiên, thu lệ phí.

Hình thức khai thác nguồn lực tài chính:

Phương án 1: thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước thông qua hình thức đấu giá. Người trúng đấu giá có quyền sử dụng không thời hạn (biển đi theo người); khi bán xe vẫn được giữ lại biển số hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng nhưng phải đăng ký với cơ quan CSGT.

Phương án này vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân, yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và khai thác được nguồn lực từ tài sản Nhà nước.

Phương án 2: Bán biển số thông qua đấu giá, người mua có đủ 3 quyền về sở hữu.

Một số ý kiến của Thường trực Chính phủ đề nghị bán theo hình thức bán đấu giá, người trúng đấu giá có đủ 3 quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Phương án này đáp ứng yêu cầu cá nhân, hình thành thị trường mua bán biển số (cả gắn vào không gắn với xe cụ thể); khai thác nguồn lực từ tài sản Nhà nước; nhưng khó quản lý do tự do tài sản, trong khi đó quản lý biển số còn gắn liền với điều kiện bảo đảm ANTT và tính tự giác chấp hành giao thông chưa cao.

Mặt khác, muốn thực hiện việc bán đấu giá biển số xe và người trúng đấu giá có đủ 3 quyền thìphải sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng bỏ quy định cấm mua bán biển số. Việc sửa luật được thực hiện theo 2 cách: (1) sửa theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội; (2) Quốc hội ban hành một nghị quyết hướng dẫn cho phép mua, bán biển số.

Cục CSGT nghiên cứu và chọn phương án 1 khả thi hơn và có thể thực hiện được ngay.

Đề nghị cho ý kiến đề xuất lựa chọn hình thức theo phương án 1 hoặc 2; chọn hình thức khai thác khác, lý do và ý kiến các nội dụng nêu trên.

Bình luận: Nên chọn phương án 2, vì những lý do sau:

Thứ nhất, thể hiện rõ ràng, đầy đủ quyền của người sở hữu đối với số biển xe. Số chưa bán (dù đã cho phép sử dụng) vấn là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, còn số đã bán thì là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp chủ xe không mua số biển xe (mà chỉ mua biển số xe) thì áp dụng quy định tại khoản 1 về “Giao quyền sử dụng tài sản công”, Điều 7 về “Hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công”, Luật Quản lý tài sản công.

Trường hợp người nào mua số biển xe thì áp dụng quy định tại khoản 7, Điều trên về “Bán, thanh lý tài sản công”.

Thứ hai, tài sản số biển xe trong trường hợp bán đấu giá cũng tương tự như quyền được sở hữu (chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) dãy số biển xe duy nhất, được thể hiện trên thực tế bằng tấm biển với màu sắc, kích thước, chất liệu khác nhau, có thể thay thế, làm lại, chứ không phải chỉ là sở hữu cái biển xe.

Việc này cũng giống như người sử dụng đất có các quyền đối với tài sản là đất, còn “Sổ đỏ” chỉ là tài sản phụ, là phương tiện để ghi nhận loại tài sản là đất hay quyền sử dụng đất (gồm 9 quyền, tương đương với quyền sở hữu).

Vì vậy, biển số xe cũng tương tự như Sổ đỏ, bản thân chúng cũng là một loại tài sản, nhưng giá trị không đáng kể (cấp lại Sổ đỏ 50.000 đồng, cấp lại Biển số xe 100.000 đồng, bao gồm cả chi phí cho sản phẩm và phí khác).

Có thể so sánh số biển xe và biển xe với loại tài sản khác là số điện thoại và sim điện thoại. Người sở hữu số điện thoại thì có thể sử dụng sim 3G hay 4G, có thể thay thế các sim khác nhau, nhưng vẫn giữ nguyên số điện thoại. Cái sim cùng loại thì giá trị như nhau, còn chỉ khác nhau ở giá trị những con số.

Thứ ba, việc lựa chọn Phương án 2 về cơ bản cũng tương tự như Phương án 1 trong việc quản lý, vì số biển và biển số luôn gắn liền với xe thì mới phát sinh yêu cầu quản lý về an toàn trật tự, trị an, còn việc cất giữ, trao đổi, mua bản số biển xe mà không gắn với xe thì về cơ bản không phát sinh vấn đề gì phức tạp, rắc rối và cũng chẳng khác nào xe ô tô chỉ để trưng bày mà không lưu thông.

Thứ tư, việc sửa Luật Giao thông đường bộ là cần thiết, với nhiều nội dung, đang được khẩn trương tiến hành. Ngoài ra, kể cả trong trường hợp lựa chọn Phương án 1, thì vẫn phải sửa quy định cấm mua bán biển số, vì về bản chất vẫn là việc mua bán số biển xe (biển xe);

5. Qua nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài và thực tế các tài sản khác như kho số viễn thông đang vướng mắc, nhất là định giá khởi điểm.

– Nếu như kho số viễn thông cơ quan quản lý Nhà nước bán cả kho (nhiều số, dãy số) cho doanh nghiệp hoặc cá nhân để bán lại, thì biển số rất khác, chỉ có thể bán từng biển số cho cá nhân, tổ chức theo sở thích và gắn chặt với quản lý, đăng ký phương tiện (an ninh, trật tự).

Ví dụ: từ 01/10/2021 đến tháng 31/12/2021 sẽ có khoảng 5000 biển số ( từ 1 đến 5000) cần đăng ký tại Hà Nội, cá nhân có nhu cầu đăng ký bất kỳ số nào theo sở thích trong thời gian từ 01/09/2021 đến 10/09/2021. Trong 5000 số đó có 1000 số có (có thể 1 số 1 người hoặc 1 số nhiều người đăng ký), Bộ Công an phải thành lập Hội đồng chịu trách nhiệm định giá từng biển trong 1000 biển trước khi chuyển sang cơ quan đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.

– Nếu cơ quan Công an thành lập hội đồng định giá, xác định giá khởi điểm từng biển số theo quy định thì rất khó khả thi do giá trị của biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, khó tìm được giá tương đương. Do lưu lượng phương tiện đăng ký ngày càng tăng, nhu cầu biển số theo sở thích là có thật, nhiệm vụ chính của Bộ Công an là quản lý Nhà nước, nếu thực hiện việc định giá khởi điểm như thông thường sẽ không có nhân lực để làm (khác với doanh nghiệp).

Với nhu cầu mang nhu cầu cá nhân, kho biển số hình thành trong tương lai được mở rộng tối đa, dự báo chỉ 1 người đăng ký đấu giá 1 số sẽ là chủ yếu.

Đề nghị quy định chung giá khởi điểm mọi biển số đều bằng nhau, giá cả sẽ do thị trường (thông qua đấu giá) quyết định.

Đề nghị cho ý kiến về nội dung này trên cơ sở thực tiễn, khả thi, khai thác tối đa giá trị tài sản công.

Bình luận: Việc định giá khởi điểm chủ yếu có tác dụng để xử lý tạm thời ban đầu để các bên mua bán có cơ sở nhất định triển khai, trong đó có việc đặt trước (đặt cọc) tiền bảo đảm tham gia đấu giá. Còn đấu giá nói chung, đấu giá số biển nói riêng, thì khâu quyết định là việc tổ chức sao cho công khai, minh bạch, khách quan để thu hút được nhiều người tham gia đấu giá, trả giá và trúng giá cao nhất.

Đặc biệt với việc đấu giá qua mạng, thì dễ dàng giải quyết được vấn đề trên. Tuy nhiên, cũng cần xem xét mọi khía cạnh, giá khởi điểm thấp sẽ khó ràng buộc và xử lý khi người trúng đấu giá không mua. Ví dụ, món hàng có thể được bán với giá 100 triệu, nhưng 1 nhóm người thông đồng với nhau cùng lúc 1 người trả 10 triệu, ngay sau đó 1 người trả giá 1 tỷ, làm cho người khác dừng tham gia trả giá, nhưng sau đó người trúng giá 1 tỷ không mua (chấp nhận mất tiền cọc), để cho người trả giá cao thứ 2 chỉ mua với giá 10 triệu.

6Về quy trình đấu giá biển số xe, cơ chế về chế độ tài chính quy định riêng cho đấu giá biển số xe chưa có, đề nghị các đồng chí cho ý kiến về việc cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nào để khi triển khai đấu giá biển số xe đảm bảo đúng quy định?

Bình luận: Cần phải có văn bản hướng dẫn riêng ở tầm Nghị định về việc này, trước mắt có thể cần làm thí điểm một thời gian.

7. Về quản lý số tiền thu nếu tổ chức đấu giá biển số xe ô tô:

Điểm d Khoản 1 Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định thu ngân sách nhà nước gồm các khoản thu khác theo quy định của pháp luật, như vậy, tiền thu được đấu giá theo quy định sau khi trừ chi phí đấu giá sẽ phải nộp vào Ngân sách Trung ương. Căn cứ dự thảo Đề án thì số lượng biển số đấu giá rất đa dạng, dự kiến nguồn thu từ đấu giá tương đối lớn. Trong khi đó, quá trình thực hiện đấu giá biển số, đăng ký, quản lý biển số sau đấu giá cơ quan Công an sẽ phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấphệ thống đăng ký để thực hiện và phải có kinh phí vận hành, bảo dưỡng thường xuyên trong khi kinh phí thường xuyên rất hạn chế. Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc trích lại cho đơn vị có tài sản đấu giá và phân bổ cho Ngân sách địa phương.

Theo quy định hiện hành (Luật Ngân sách Nhà nước và Thông tư 229 của Bộ Tài chính) thì Bộ Công an đang thực hiện thu lệ phí đăng ký số tiền hàng năm rất lớn (theo thống kê năm 2020 thu khoản 3.600 tỷ Việt nam đồng). Toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước trong khi nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật còn rất thấp. Nếu Đề án triển khai thì số tiền thu được từ đấu giá và thu lệ phí đăng ký xe rất lớn. Thực hiện chương trình của Chính phủ về tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết nối với các Bộ, Ngành để liên thông thủ tục hành chính, giảm thời gian, thủ tục, chi phí đi lại cho nhân dân, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh phí duy trì vận hành Hệ thống là rất lớn, trong khi hiện nay hầu hết cơ sở vật chất phục vụ công tác đăng ký xe còn hạn chế, đặc biệt là Công an cấp huyện, vùng sâu, vùng xa.

Để phục vụ tốt nhất cho người dân, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ công tác quản lý an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, Tổ soạn thảo đề xuất phương án:

– Có cơ chế trích lại % số tiền thu được từ đấu giá biển số và thu lệ phí đăng ký xe cho lực lượng Cảnh sát Giao thông để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký.

Bình luận: Lựa chọn 1 trong 2 cơ chế, phân bổ ngân sách để thực hiện đề án này hoặc trích lại một phần. Cách thứ nhất thì chặt chẽ, bài bản và đúng nguyên tắc hơn, cách thứ 2 thì linh hoạt và thực tế hơn.

8. Để thực hiện được đấu giá biển số, đề nghị cho ý kiến phải ban hành mới, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy trình đấu giá biển số), thông tư của các Bộ, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

Bình luận: Tôi chưa có câu trả lời vì chưa thời gian nghiên cứu sâu và cụ thể.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.405. Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị...

Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao...

Trích dẫn 

3.951. Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt...

Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng. (MK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,127