379. Binh luận về việc Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu theo hướng rút gọn thủ tục.

(ANVI) – Bình luận 3 vấn đề: Về tác dụng của Nghị quyết số 42/2017/QH14; về việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản và về các điều kiện thu giữ tài sản thế chấp.

(Tham luận tại Hội thảo do Báo Lao Động tổ chức ngày 19-02-2022 tại Khách sạn Flamigo Đại Lải, Vĩnh Phúc).

1. Về tác dụng của Nghị quyết số 42/2017/QH14:

1.1. Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” đã có tác dụng rất hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu từ năm 2017 đến nay.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, trong gần 4 năm, từ ngày Nghị quyết có hiệu lực vào 15-8-2017 đến 31-5-2021, ngành Ngân hàng đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đạt trung bình khoảng 72,72 nghìn tỷ đồng/năm, cao hơn 30,48 nghìn tỷ đồng/năm so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình từ năm 2012 – 2017[1].

1.2. Nghị quyết số 42/2017/QH14 không chỉ có tác dụng đối với các tổ chức tín dụng, mà còn có tác động trở lại giúp giảm lãi suất và tăng nguồn vốn cung ứng cho người vay vốn là các doanh nghiệp và cá nhân. Cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn đến an toàn, hiệu quả của thị trường tiền tệ nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nói chung.

1.3. Vấn đề then chốt, quan trọng nhất mà Nghị quyết 42 đã mang lại, đó là tác động đến nhận thức của xã hội và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ý thức về nghĩa vụ trả nợ của người vay cũng như trách nhiệm trả nợ thay cũng như trách nhiệm xử lý tài sản thế chấp của người thứ 3 bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người vay. Việc chây ỳ, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng vay và người có tài sản thế chấp không còn có lợi như trước đây, mà thậm chí trở thành bất lợi hơn.

1.4. Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng (đến 15-8-2022). Nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch COVID-19. Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng của và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này.

1.5. Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 – 10 năm nữa, cho đến khi nào Tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, trong đó có việc rút gọn thủ tục theo đúng quy định tại Phần thứ Tư về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”.

2. Về việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản:

2.1. Xử lý nợ xấu gồm 02 loại chính là nợ xấu không có và nợ xấu có tài sản bảo đảm. Đối với nợ xấu không có tài sản bảo đảm, là khoản nợ rất khó thu hồi trên thực tế vì phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tài chính của chính “con nợ” chứ không phải do vướng mắc, khó khăn của pháp luật. Vì vậy không cần thiết phải đặt ra vấn đề hỗ trợ xử lý bằng quy định pháp luật đặc thù, mà vẫn được xử lý theo quy định chung như đối với mọi khoản nợ, trong đó có việc đòi nợ theo trình tự yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

2.2. Đối với nợ xấu có tài sản bảo đảm, nhất là nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy có khả năng thu hồi, nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nên rất cần cơ chế pháp lý hỗ trợ để xử lý, trong đó tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ.

2.3. Việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến vấn đề rất quan trọng là quyền của chủ sở hữu tài sản. Có quan điểm lo ngại rằng, việc thu giữ tài sản thế chấp là vi phạm quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) của chủ sở hữu tài sản theo các quy định tại khoản 2, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 “2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”; Điều 8 về “Quyền sở hữu” và khoản 1, Điều 163 về “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”. Đối với tài sản thế chấp là nhà ở thì còn vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2, Điều 22, Hiến pháp năm 2013: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” và “2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

2.4. Xét về bản chất, thì việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở.

Xét về hậu quả pháp lý của việc bảo đảm, nhất là trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, thì có thể coi quyền bảo đảm tương tự như quyền định đoạt tài sản. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có một quy định gián tiếp rằng quyền bảo đảm là quyền định đoạt. Đó là thành viên góp vốn của công ty hợp danh có quyền “định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”. Tóm lại, có thể coi quyền bảo đảm bằng tài sản là một dạng quyền định đoạt tài sản có điều kiện. Và điều kiện trong trường hợp này là khi phải xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Nghĩa là, chủ sở hữu tài sản chấp nhận, nếu xuất hiện sự vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận bảo đảm thì tài sản sẽ được định đoạt. Hay nói cách khác, khi đã sử dụng tài sản vào giao dịch bảo đảm thì chủ sở hữu tài sản sẽ bị rơi vào trạng thái có thể mất quyền sở hữu (đối với 3 biện pháp đặt cọc, ký cược, ký quỹ) hoặc buộc phải xử lý quyền sở hữu tài sản để thực hiện nghĩa vụ thanh toán (đối với 2 biện pháp cầm cố, thế chấp) vào bất kỳ lúc nào[2]. Năm 2019, Toà án nhân dân tối cao cũng đã nhận định “phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện”[3]. Như vậy, việc thu giữ tài sản thế chấp theo thỏa thuận của các bên cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ là một hành động để tạo điều kiện cho việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế.

2.5. Tuy nhiên, để tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng vị thế, lạm quyền và tiêu cực gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp, thì cần quy định chặt chẽ và hợp lý về điểu kiện thu giữ tài sản thế chấp.

3. Về các điều kiện thu giữ tài sản thế chấp:

3.1. Trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì vấn đề vướng mắc chủ yếu là xử lý tài sản thế chấp, nhất là tài sản của người thứ ba. Còn đối với xử lý tài sản cầm cố thì gần như không có khó khăn gì, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm ký quỹ và đặt cọc thì càng đơn giản, dễ dàng.

3.2. Trong việc xử lý tài sản thế chấp vì vấn đề cốt lõi vướng mắc nhất là việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Đây cũng là điều gây tranh cãi nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của bên có tài sản bảo đảm, cần được giải quyết. Do vậy Luật cần tập trung vào việc xử lý vấn đề thu giữ và xử lý tài sản thế chấp.

3.3. Khoản 2, Điều 7 về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm”, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định, tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ 05 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 về “Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm” của Bộ luật Dân sự năm 2015 (bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo đảm đã đến hạn hoặc do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định);

Thứ hai, hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm;

Thứ ba, giao dịch bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

Thứ tư, tài sản bảo đảm không phải là tài sản đang bị tranh chấp, bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bị kê biên;

Thứ năm, tổ chức tín dụng, đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo luật định.

3.4. Về cơ bản việc thu giữ tài sản thế cần vẫn cần tiếp tục dựa trên 05 điều kiện kể trên. Tuy nhiên, để bảo đảm một cách công bằng, hợp lý, hài hòa quyền và lợi ích của cả hai bên, tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng, lạm quyền gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp, thì cần xem xét quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tài sản tự bán tài sản. Chẳng hạn như đối với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng (từ đối với các trường hợp đặc biệt cần phải xử lý ngay), đối với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng.

Trong thời hạn đó, cần quy định về việc “khoanh nợ” của các tổ chức tín dụng với 3 nội dung: Cho phép thực hiện việc khoanh nợ (hiện nay không cho phép); không bắt buộc phải chuyển khoản nợ xấu đang xử lý sang nhóm nợ xấu hơn (hiện nay buộc phải chuyển); và tạm thời dừng việc tính lãi quá hạn (hiện nay được hiểu là không được phép với ngân hàng thương mại nhà nước và bỏ ngỏ với các ngân hàng khác).

3.5. Ngoải ra, Luật Xử lý nợ xấu cần được áp dụng với mọi khoản nợ xấu (nợ quá hạn trên 90 ngày và nợ nhóm 3 trở lên) mà không phụ thuộc vào thời điểm phát sinh và xử lý nợ xấu như Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

(2.330)

[1] Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/20217/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, kèm theo Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 12-10-2021 của Chính phủ.

[2]. Mục 1.2, Sách “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng”, Luật sư Trương Thanh Đức, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tái bản lần thứ 3, tháng 6-2021.

[3]. Câu 1 Mục II về “Dân sự” Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Toà án nhân dân tối cáo về việc “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính”.

#nghiquyet42 #nq42 #XLN #noxau

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738