391. “Luật sư vì cộng đồng” Trương Thanh Đức và hành trình “ngược”

(PL) – Sau 27 năm hành nghề luật, ông đã trở thành một trong những chuyên gia tư vấn luật hàng đầu về lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp. Không những vậy, ông cũng là một trong những người gây dựng “sự nghiệp pháp chế” cho một số Ngân hàng, là tác giả của hệ thống quy chế, quy định, quy trình, mẫu biểu nghiệp vụ trọng yếu mà Ngân hàng VIB, Maritime Bank và nhiều ngân hàng khác hiện đang sử dụng. Ông cũng tham gia phản biện tích cực các chính sách pháp luật kinh tế, ngân hàng. Với những đóng góp đó, năm 2012, ông đã vinh dự được Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng”. Ông là Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

“Duyên” với nghề để đời trăn trở

Sinh năm 1964, tuổi rồng. Tóc bạc sớm, màu tóc sẽ trắng bạc như sương nếu hằng tháng không “qua phố Thợ Nhuộm“. Luật sư Trương Thanh Đức tự nhận mình là “thế hệ giữa”, không quá bảo thủ, hoài cổ, nhưng cũng không tinh ranh nhạy bén trong việc làm ăn,… Nhưng ông lại là người cầu toàn, luôn cố gắng làm mọi việc tốt nhất. Ông khó tính với chính hạn chế của bản thân mình và khó tính với những điều ngang trái đang diễn ra ngoài xã hội.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức không phải là người hay hoài niệm. Nhưng, ông đặc biệt nhớ ông nội và ngoại đã khuất của mình. Ông kể: Ông nội thọ 93 tuổi, là tấm gương đức độ, hiền lành. Cụ thường bảo con cháu, sống trên đời cần lắm một chữ “nhẫn” và mọi thứ đều phải “phân minh”. Ông ngoại thì chỉ hưởng thọ 66 tuổi, nhưng là một mẫu mực của chí công vô tư. Dù làm tới chức Cục trưởng Cục hậu cần nhưng chưa bao giờ “mượn chức” để “giúp” con cháu. Gia đình nhớ mãi lời thẳng của cụ: Ông không phải là cái thang cho các con leo lên. Lời nhắc đó của các cụ “ám ảnh” cuộc đời của Luật sư Trương Thanh Đức.
Là người quê gốc ở Hải Phòng, tuổi trẻ của Luật sư Trương Thanh Đức đúng vào lúc đất nước còn đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt và sự đói nghèo theo đuổi. Hai mươi tuổi đã trải qua ba giai đoạn “đói dài”. Ông bồi hồi kể lại những năm tháng chứng kiến cảnh bom dội, còi hú báo động, liên tục đội thụt rơm chạy vào hầm trú ẩn ở trường học cũng như ở nhà, đặc biệt là những trận bom kinh hoàng dội xuống cả quê nội và quê ngoại vào năm 1972.

Việc “đầu quân” vào Trường Đại học Luật Hà Nội vừa như vô tình nhưng cũng gần như là một lựa chọn tất yếu. Gần đến kỳ thì đại học, bạn bè nhỏ to chia sẻ, thi khối A thì “đấu đá” rất căng, chi bằng chuyển sang khối C cho “rộng cửa” hơn. Học lực đồng đều giữ các khối, vậy thì ngại gì, chả ngại khối nào. Và đây là sự may mắn đầu tiên trong sự nghiệp, khi ấy cả trường cấp 3 chỉ có vài người trúng đại học, nếu cứ đi theo số đông thì trượt là cái chắc. Chót chọn khối C rồi, cuối cùng không còn nguyện vọng nào khác là học luật. Nào mấy ai biết học luật là thế nào, vì khi đó trường luật đầu tiên của cả nước mới vừa bước sang tuổi thứ 2. Cú chuyển hướng, ngược dòng ấy đã tạo ra một con đường khác với mọi người của Luật sư Trương Thanh Đức.

Tốt nghiệp đại học vào đúng thời điểm đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong lúc thiên hạ ào ào kiếm tiền, thì Luật sư Trương Thanh Đức cặm cụi tích lũy kiến thức chuyên môn. Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức luôn nhấn mạnh cách cư xử và nguyên tắc hành xử khác biệt của riêng mình. Ông làm nhiều việc khác người mà không ai nhìn thấy lợi ích, như lên Hà Nội mua mấy trăm cuốn Công báo của một cơ quan Bộ từ năm 1945 về chất đầy nhà, rồi phân loại, nghiền ngẫm từ các văn bản luật lệ cho đến Biên bản họp Quốc hội hay các văn kiện về lễ tang Hồ Chủ tịch. Khi đó chưa hề có máy tính và càng chưa có mạng internet như bây giờ. Là một luật sư nổi tiếng với việc nói không với chia chác, biếu xén. Nhiều người nhận xét về ông như người đứng ngoài thời cuộc, nhưng cuối cùng Luật sư Trương Thanh Đức đã chứng minh sự thành công, không lẫn vào bất cứ đám đông nào.

Chuyên gia “đa hệ”

Hiện nay, Luật sư, Kỹ sư kinh tế Trương Thanh Đức là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA); Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại Văn phòng Chính phủ; Uỷ viên BCH Trung ương Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD); thành viên Đoàn luật sư TP Hà Nội;… Với những đóng góp trong nhiều lĩnh vực tư vấn phục vụ cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2012, Luật sư Trương Thanh Đức đã được Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng”. Đây là một trong những danh hiệu vàng 3 năm trao một lần cho các hãng luật và luật sư tiêu biểu nhất của cả nước.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về làm việc tại Công ty kinh doanh và Xuất nhập khẩu du lịch thuộc loại “hot” nhất thành phố, được phân công heo dõi hợp đồng kinh tế, vật giá và thống kê của Phòng kế hoạch tổng hợp. Việc ít, chơi nhiều, trong khi hầu hết cán bộ rỗi rãi đánh bài, ngồi quán, thì Luật sư Trương Thanh Đức nghiên cứu tài liệu, theo học   đủ thứ từ ngoại ngữ, tốc ký, đánh máy, kế toán, tin học, quản trị doanh nghiệp,… Rồi say sưa với việc sáng lập và lãnh đạo Chi hội Luật gia trẻ của thành phố Cảng. Sau đó là người trẻ nhất được kết nạp Luật sư chính thức và là Trọng tài viên kinh tế trẻ nhất trong những năm 1980 – 1990.

Sau 8 năm làm ở Công ty, ông mới chuyển ngành, khi cả hai bố mẹ đã sắp nghỉ hưu ở ngành Ngân hàng. Và từ khi đó, ông chính thức gây dựng sự nghiệp pháp chế ngân hàng Cái khó nhất của tôi, là phải tự tìm tòi và học hỏi từ thực tiễn cuộc sống, chứ không sử dụng được những luật lệ, kỹ năng được học ở trường. Và đặc biệt, tất cả đều do tự mình mày mò gây dựng, chứ không có đàn anh nào chỉ bảo. Tổng cộng làm ở 6 lượt ngân hàng, với 19 năm “thâm canh” chuyên nghề pháp chế, Luật sư Trương Thanh Đức đã ít nhất 5 lần gây dựng và đào tạo bộ máy pháp chế của nhiều ngân hàng.

Ông đã giành rất nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng hệ thống quy chế, quy định, quy trình, mẫu biểu nghiệp vụ trọng yếu cho nhiều ngân hàng như VIB, Maritime Bank, Baoviet Bank. Và đến nay nhiều sản phẩm này đã được “nhân bản” sang nhiều ngân hàng khác.

Không những vậy, trong những năm qua, ông Đức cũng tích cực tham gia góp ý kiến cho các dự thảo luật, các văn bản, quy phạm pháp luật, giải đáp các ý kiến thắc mắc của khách hàng trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, ông trở thành chuyên gia phản biện sâu sắc, thẳng thắn về các chính sách kinh tế ngân hàng. Trong đó, phải kể đến những bài viết, góp ý được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cho đến nay, ông đã tham gia đóng góp hơn 1.000 bài viết, tham luận, phỏng vấn và trích dẫn đăng trên báo chí như VTV, Vietnamnet; Thời báo Kinh tế Sài Gòn; các Tạp chí Ngân hàng, Nhà Quản lý, Thị trường Tài chính Tiền tệ,… Hăng hái, thẳng thắn đóng góp, phản biện, đôi khi cũng làm người tiếp thu mếch lòng. Nhưng chính vì thế, ông đã được Bộ Tư pháp 2 lần mời tham gia Hội đồng thẩm định Luật Công chứng và Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Dù rất bận rộn, nhưng ông luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác, không bao giờ từ chối lời đề nghị phỏng vấn của giới báo chí, cũng giống như chưa từng lắc đầu trước những câu hỏi của đồng nghiệp, học viên, người quen và cả những người chưa một lần gặp mặt ở khắp nơi như Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Sài Gòn, Đồng Nai,… Và bên cạnh “thương hiệu” chính là chuyên gia pháp luật, ông còn được coi là chuyên gia ngân hàng, chuyên gia kinh tế và chuyên gia soạn thảo văn bản.

Từ có tâm… đến có tầm!

Sau hàng chục năm hành nghề luật sư tại các doanh nghiệp, ông luôn ấp ủ thành lập một công ty luật của mình. Năm 2008, ông cùng với một đồng nghiệp đã chính thức thành lập Công ty Luật (nay là ANVI) hoạt động tư vấn chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên biệt về ngân hàng, chứng khoán, đầu tư nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Chủ trương “tiến chậm mà chắc” được ông và các thành viên đưa ra như “kim chỉ nam” cho hoạt động của mình. Chính vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, tất cả các thành viên đều thống nhất quan điểm chỉ tham gia vào lĩnh vực thực sự là sở trường và thế mạnh, đó là tư vấn doanh nghiệp, mà đặc biệt mà ngân hàng, định chế tài chính. Nếu cứ làm đủ thứ như nhiều hãng luật thì khó để nâng tầm lên được.
Sau mấy năm tiếp cận thị trường, đến nay ANVI đã khẳng định được thương hiệu và đang trong giai đoạn tăng tốc, nên đang chuẩn bị thành lập Chi nhánh Sài Gòn. Do vậy tháng 8/2013 vừa qua, ông Đức đã quyết định xin thôi giữ chức Phó Tông giám đốc Maritime Bank để tập trung phát triển ANVI.

Khi chúng tôi hỏi, điều gì đã giúp ông thành công, ông Đức chia sẻ: Chỉ một hai điều thì khó có thể dẫn sự thành công. Đối với tôi, nếu coi đây là bước đầu thành công thì đó là do tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và hợp tác; nhìn nhận vấn đề đa chiều, toàn diện; nghiêm túc trong công việc, không chấp nhận sự cẩu thả; bản tính cương trực, không muốn lệ thuộc; dị ứng với giả dối, nịnh nọt, biếu xén. Và điều cuối cùng không thể thiếu, đó là tôi có được một người vợ tuyệt vời, cùng với gia đình hạnh phúc riêng, chung cả hai bên nội ngoại.

Bao nhiêu năm say sưa với chuyên môn nghề nghiệp, chưa bao giờ tự ứng cử hay vận động để giữ chức quyền, nhưng rồi không chỉ giữ vai trò “thủ lĩnh” chuyên môn là chuyên gia, trưởng phòng, giám đốc pháp chế, mà còn nhiều lần trở thành “thủ lĩnh” phong trào như Bí thư chi đoàn, Chủ tịch Công đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia và hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng.

Nhiệt huyết, trách nhiệm của Luật sư Trương Thanh Đức đã được nhiều lần ghi nhận: Hoạt động Hội thì có Bằng khen của UBND thành phố. Tham gia Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp thì có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đi giảng dạy ở Viện Đai học Mở thì được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen. Góp ý xây dựng pháp luật thì được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen về sự tích cực và hiệu quả đóng góp,…

Trong suốt buổi trò truyện với Luật sư Trương Thanh Đức, ông nói về thành công rất ít nhưng nói về những trăn trở, day dứt rất nhiều. Ông tâm sự, sự công tâm và thẳng thắn, bộc trực của mình nhiều khi làm khổ cho người thân, bạn bè cũng như chính bản thân…

Và khi nói chuyện với ông, chúng tôi nhận ra rằng, người có tâm luôn vất vả nhưng sự thành công có được của họ dường như là tất yếu và vững chắc mà không dựa vào may mắn hay từ sự nâng đỡ của người khác,…

Văn Don

————-

Tạp chí Pháp lý 29-10-2013:

http://phaply.net.vn/nhip-song-duong-dai/ho-da-lam-duoc-nhu-the/luat-su-vi-cong-dong-truong-thanh-duc-va-hanh-trinh-nguoc.html

(2.276)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,021