4.057. Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Quy định rõ trách nhiệm trong đấu thầu

(ĐBND) – Hôm nay, 24.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nghiên cứu dự luật này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu là cần thiết. Trong đó, cần chú trọng làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến đấu thầu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tăng cường giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu

– Thưa ông, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định về hình thức lựa chọn thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt, theo ông đã đáp ứng được điều kiện lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm đặc thù hoặc mua sắm trong phòng, chống dịch bệnh hay chưa?

– Điều kiện để lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật đã tương đối rõ ràng và đầy đủ. Dự thảo Luật cũng quy định tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng (trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình) phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng…

Tuy nhiên, về hồ sơ và điều kiện gói thầu cụ thể còn quyết định ở những người triển khai, những người có vai trò thẩm định. Vì vậy, theo tôi phải có những quy định để ràng buộc, giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình và hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu, thông thầu bất thường của các ban tổ chức đấu thầu. Điều này yêu cầu tổng thể của rất nhiều luật, công tác tổ chức cán bộ, đạo đức công vụ… mà không riêng Luật Đấu thầu.

– Thiếu quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu sẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu, thưa ông ? 

– Theo tôi, hồ sơ mời thầu hiện nay trong luật có thể là chưa rõ, nhưng nghị định, thông tư về các gói thầu đã được triển khai, nhắc nhở và hướng dẫn vô cùng chi tiết, đầy đủ. Tuy nhiên, việc “cài cắm” thì khó có luật nào có thể giải quyết được, vấn đề đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm đảm bảo công tác đấu thầu được tổ chức theo đúng quy định, không bị lợi dụng.

Do vậy, phải đề cao trách nhiệm giải trình và thanh tra, kiểm tra. Những gói thầu của đơn vị nào thì đơn vị đó phải tham gia từ trước, trong và sau quá trình gọi thầu. Người thực hiện hồ sơ, thủ tục, ban hành chính sách trực tiếp nếu không giải trình, không lý giải được một cách hợp lý thì cần phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ. Không thể đòi hỏi pháp luật phải đi vào hết các ngóc ngách của cuộc sống vì có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, rất nhiều đặc thù khác nhau.

– Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết cần có quy định cụ thể về chỉ định thầu trong dự án Luật Đấu thầu, thưa ông?

– Mặc dù việc chỉ định thầu sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt về giá cả, đối tượng, mục tiêu… nhưng trên thực tế là vẫn cần thiết, nhất là những trường hợp cấp bách. Vì vậy, cần quy định rõ thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu cũng như gắn trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, cần có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ đối với chỉ định thầu và chế tài xử lý nghiêm khắc trong trường hợp cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước. 

Xử lý mâu thuẫn trong nguyên tắc áp dụng luật

– Mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu 2013, Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 gây khó khăn khi áp dụng hai hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Vậy cần sửa đổi Luật đấu thầu theo hướng nào, thưa ông? 

– Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV lần này sẽ xem xét, thông qua rất nhiều đạo luật trong đó có Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi)… và tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, tôi cho rằng những vướng mắc giữa các Luật là hoàn toàn có thể khắc phục được.

Tuy nhiên, trên thực tế dù chúng ta khắc phục, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại hiện nay thì cũng sẽ phát sinh những vấn đề mới, thậm chí ngay khi ban hành đã có nguy cơ mâu thuẫn, chồng chéo.

Do vậy, cần đặt ra nguyên tắc giải quyết ngay từ đầu, tức là ưu tiên giải quyết theo một quy định rõ ràng thay vì nguyên tắc thực hiện theo Luật ban hành quy phạm pháp luật hiện nay. Ví dụ như lĩnh vực đất đai thì ưu tiên Luật Đất đai, đấu thầu ưu tiên Luật đấu thầu… Vì một dự án sẽ có nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu bên nào cũng yêu cầu phải làm đúng thì gần như sẽ trở thành bế tắc và việc mâu thuẫn, chồng chéo sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.

– Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng thực hiện

—————

Đại biểu Nhân dân (Lập pháp) ngày 24-5-2023:

https://daibieunhandan.vn/lap-phap/quy-dinh-ro-trach-nhiem-trong-dau-thau-i329864/

(816/1.061) #datdai #dauthau

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,829