004. Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê

(ND) – Để quản loại dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Văn bản pháp lý này dự kiến sẽ ra đời trong năm 2006 với những quy định chặt chẽ về thủ tục nhằm đưa hoạt động đòi nợ thuê vào khuôn khổ.

Đòi nợ thuê: Mỗi nơi một kiểu

Cách đây chừng 6 tháng, để thu nợ cho phía đối tác, một công ty TNHH tại Hà Nội có đăng ký dịch vụ thu nợ đã cử nhân viên dùng xe ô-tô có dán áp phích yêu cầu trả nợ đến ăn chực, nằm chờ trước cửa cơ quan và nhà riêng của vị Giám đốc Công ty Điện tử Đống Đa. Nếu việc thu nợ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý thì không có gì đáng nói, tiếc rằng công ty này lại sử dụng biện pháp “biểu dương lực lượng” và “quấy nhiễu” để gây áp lực với người mà họ cho là “con nợ”. Sự việc hôm ấy đã gây cản trở giao thông, làm mất an ninh trật tự và tạo dư luận không tốt trong đời sống xã hội. Hơn thế, nhiều đối tác đang làm ăn với Công ty Điện tử Đống Đa bỗng dưng hoang mang khi nhìn những tấm áp phích “siết nợ”. Với hành vi đòi nợ trái pháp luật kể trên, đại diện công ty trên đã bị lực lượng công an hai phường sở tại lập biên bản xử phạt.

Tại TP Hồ Chí Minh, đòi nợ thuê từ lâu đã được nhiều băng nhóm xã hội đen xem là nghề phát đạt. Nợ do cá độ, nợ vay vốn làm ăn… Đặc thù của các chủ nợ bao giờ cũng là lãi suất vay cắt cổ (thường từ 20-30%) và khi cần đòi chỉ cần thuê một băng nhóm tìm đến con nợ với cử chỉ cực “ngầu”, ra tay đập phá ít đồ đạc hay dọa xin tý “tiết”, của con nợ hay bất cứ người thân nào trong gia đình thì đố ai dám chối từ. Còn nhớ cuối năm 2001, Công an TP Hồ Chí Minh đã từng có lần bắt cả băng đòi nợ thuê chuyên sử dụng súng.

Đưa “đòi nợ thuê” vào khuôn khổ

Để dịch vụ đòi nợ hoạt động đúng pháp luật, dự thảo Nghị định kinh doanh dịch vụ đòi nợ gồm 5 chương với 28 điều đã quy định: “Chỉ những doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được thực hiện đòi nợ thuê”. Dự kiến điều kiện để được cấp phép cho dịch vụ đòi nợ là phải có vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng, người lao động trong doanh nghiệp này phải thỏa mãn điều kiện có trình độ chuyên môn về pháp luật, tài chính.

Điều 22 dự thảo Nghị định cũng quy định: sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh đòi nợ nếu doanh nghiệp thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như hoạt động quá thẩm quyền, lừa gạt, sử dụng vũ khí, vũ lực đối với khách nợ (tức con nợ), xâm phạm đời tư hay sử dụng những thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ bất lợi cho chủ nợ hoặc khách nợ để phục vụ các mục đích khác… Dự thảo Nghị định đưa ra quy định giá dịch vụ đòi nợ sẽ do thỏa thuận giữa chủ nợ và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

 

Sẽ không dễ dàng…

Là loại hình dịch vụ mới nên dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang thu hút sự quan tâm không nhỏ của Ngân hàng thương mại, Công ty tư vấn tài chính và giới luật gia.

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Nghị định này ra đời thật sự hỗ trợ doanh nghiệp trong giao dịch kinh doanh và dân sự để giải quyết khâu cuối cùng trong hợp đồng liên quan đến nợ nần, tiền bạc (nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vay nợ liên quan đến tiêu dùng, làm ăn ngày càng tăng). Nhưng ông Đức không nhất trí với quy định quá khắt khe như: Vốn điều lệ phải đạt 5 tỷ đồng (quá cao không cần thiết) hoặc hành vi “cấm không được xâm phạm đời tư khách nợ” là chưa rõ ràng (thực tế cho thấy để đòi được nợ, có thể phải tìm khách nợ ở nơi họ hẹn gặp người tình hay lẵng nhẵng đi theo họ đến mọi nơi…).

Là doanh nghiệp đang thực hiện chức năng thu nợ hộ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty dịch vụ thu nợ Dân An lại tha thiết đề nghị xem xét lại điều kiện tuyển dụng lao động. Theo ông này, trong nghề thu nợ, không thể chỉ cần nhân viên có học thức bằng cấp tài chính, luật (như yêu cầu của dự thảo) mà còn rất cần người có kinh nghiệm, tài thương thuyết.

Các nhà làm luật cho rằng Nghị định ra đời sẽ ngăn chặn và hạn chế xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp, bảo đảm đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi rà soát lại văn bản, chỉ thấy trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ, người được ủy quyền phải có đủ hành vi năng lực và chưa có tiền án, tiền sự hay thu hồi giấy phép kinh doanh chứ không có hẳn một biện pháp mạnh khác (chẳng hạn đề nghị pháp luật xử lý với các hoạt động đòi nợ bất hợp pháp…). Một luật sư bằng kinh nghiệm lâu năm tư vấn cho các chủ nợ (đề nghị không nêu tên) thì chắc chắn: “Để thu được nợ, thế nào trong các công ty hoạt động dịch vụ này cũng có vài ba vệ sĩ đi kèm người được ủy quyền, nếu không sẽ khó đòi lắm…”.

Tiền phong

——————

Nhân Dân (Thời sự pháp luật) 13-3-2006:

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/nghi-dinh-ve-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-hop-phap-hoa-dich-vu-doi-no-thue-445422

(147/1.044)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.744. Tín hiệu tích cực của ngành bảo hiểm...

(DĐDN) - Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.284. Hủy lệnh ngăn chặn giao dịch nhiều bất...

(TT) - Được bà Trương Mỹ Lan nhờ người đứng tên hộ, sau đó bất...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 209,753