40. Về quy định viết hoa của Văn phòng Chính phủ.

Về quy định viết hoa của Văn phòng Chính phủ.

(NN&ĐS) – Vấn đề viết hoa tiếng Việt ngày càng trở lên phức tạp và thiếu chuẩn mực. Qua các thông tin đăng trên báo chí, cho thấy có quá nhiều quan điểm viết hoa khác nhau. Vì vậy, đã đến lúc Nhà nước cần khẩn trương có quy định thống nhất, tránh tình trạng viết hoa tuỳ tiện và không biết phải theo ai như hiện nay.
Một quy định tương đối hoàn chỉnh về viết hoa

Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP ngày 25-11-1998 của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Quy định 09). Tuy chỉ được xác định là quy định tạm thời, sử dụng nội bộ để soạn thảo văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, nhưng việc thực hiện sẽ mang lại kết quả vượt xa phạm vi nội bộ và ảnh hưởng đến toàn Quốc, vì văn bản của Chính phủ rất nhiều, được phổ biến, lưu hành và áp dụng rộng rãi, khắp nơi. Nó còn là cơ sở để tất cả các cấp, các ngành tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, là một trong những chuẩn để các báo chí khi đưa tin và trích dẫn văn bản phải dựa theo. Rõ ràng, Quy định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng quy tắc và hình thành thói quen viết hoa của hàng triệu người trong hàng triệu văn bản khác nhau. Vì vậy, tôi thấy cần tham gia trao đổi về văn bản trên, để góp phần hoàn thiện các quy định về viết hoa tiếng Việt.

Về cơ bản, tôi đồng tình với các quy định tương đối bao quát và hoàn chỉnh về viết hoa của Quy định 09. Ví dụ, các cách viết hoa dưới đây:

– Các danh từ riêng chỉ địa danh, như: Trung Quốc, Cao Bằng, Thừa Thiên – Huế,…;

– Các danh từ riêng chỉ tên người, như: Hồ Chí Minh, Lê Thị Hồng Gấm,…;

– Các chức danh cán bộ Đảng, Nhà nước, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội,…;

– Các danh hiệu, giải thưởng cao quý, như: Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Sao vàng,…;

– Các học vị, học hàm khoa học, như: Bác sĩ, Cử nhân Kinh tế, Phó Giáo sư,…

– Tên riêng của các cơ quan Nhà nước, như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,…;

– Tên riêng của các tổ chức xã hội, như: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,…;

– Tên riêng của các trường học, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Phổ thông Trung học Chu Văn An Hà Nội,…;

– Tên riêng của các tổ chức kinh tế, như: Công ty Giống cây trồng, Tổng Công ty Sữa,

Nhưng, bên cạnh đó, còn khá nhiều quy định và ví dụ về viết hoa chưa hợp lý.

Quy định về viết hoa không thống nhất

– Chữ Công trong Tổng Công ty Thép ở phần tên riêng của các tổ chức kinh tế được viết hoa, nhưng sang đến phần viết các chức danh thì lại không được viết hoa.

– Chữ Ưu trong Hệ thống Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) được viết hoa, nhưng đến trường hợp tương tự là Hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS) thì lại không viết hoa chữ tiền.

– Chữ Đầu trong Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) được viết hoa, nhưng đến trường hợp tương tự là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) thì lại không viết hoa chữ nào ngoài chữ Hiệp. Theo tôi, trường hợp này cần viết hoa thêm các chữ ThuếThương.

– Chữ hợp trong ví dụ Liên hợp quốc (UN) ở trang 7 thì không được viết hoa, nhưng đến phụ lục ở trang 18 lại viết hoa đến 9 lần.

– Chữ Châu trong Ngân hàng Phát triển Châu Á, ở phụ lục trang 16 và 17 được viết hoa, nhưng ở ví dụ trang 8 lại không viết hoa.

– Chữ Nhi trong Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) ở trang 18 được viết hoa, nhưng chữ tiền trong Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF) ở trang 7 lại không được viết hoa.

Như vậy, xem ra một văn bản quy định “để bảo đảm có sự thống nhất về viết hoa” mà lại quá nhiều điểm không thống nhất. Theo tôi, trong các trường hợp đã được nêu ra ở trên, tối thiểu cần viết hoa như các tình huống đã được đề cập đến trước.

Viết hoa một số chữ không cần thiết

Quy định 09 có đề ra một trong 4 yêu cầu là “Giảm tối đa các chữ viết hoa”. Yêu cầu này có lẽ cũng cần được xem xét có hợp lý không. Nhưng, chỉ xét chính nội dung của Quy định 09 đã lại có những chữ bị lạm dụng viết hoa.

Phần phụ lục của Quy định 09 đã viết hoa các chữ Hợp trong Liên Hợp quốc; chữ Huệ, trong Tối Huệ quốc (MFN) và chữ Vong, trong Bị Vong lục (MOU) là hoàn toàn không cần thiết, cần bỏ đi. Nhưng bên cạnh đó, theo tôi, rất cần viết hoa thêm chữ Quốc trong Liên hợp Quốc và Tối huệ Quốc.

Quy định 09 đã viết hoa chữ Luật trong Bộ Luật Dân sự. Đây có lẽ là chữ viết hoa bất hợp lý nhất, nhưng lại được khá nhiều báo chí gần đây viết như vậy. Nó được Quy định 09 viện dẫn theo cách viết hoa trong cuốn sách BỘ LUẬT DÂN SỰ CỦA NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM,… của NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995, trang 5. Nhưng sự thật thì trang 5 cuốn sách trên chỉ viết hoa hai chữ Bộ Luật, mà không hề viết hoa chữ dân. Việc viết hoa chữ Luật có lẽ cũng chỉ là do sự sơ suất của NXB, vì cũng đoạn văn đó, trong cuốn BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ NHỮNG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH in năm 1998 của chính NXB này và hàng trăm chỗ khác trong cả hai cuốn sách trên, thì lại chỉ viết hoa có mỗi chữ Bộ trong Bộ luật dân sự (!?).

Điều đáng buồn là, chỉ tính vài năm gần đây, cùng một văn bản hoặc các văn bản khác nhau cùng đăng trong một số Công báo (văn bản đăng trên Công báo có giá trị như bản chính), cũng đã có sự không thống nhất về cách viết hoa. Ngoài ví dụ trên, cùng sách của NXB Chính trị Quốc gia, năm 1997 thì in là Bộ luật hình sự, nhưng năm 1998 thì in là Bộ Luật Lao động, v.v…

Bộ luật là một từ độc lập, về bản chất nó hoàn toàn tương tự như các từ pháp lệnh, nghị quyết, quyết định,… chỉ nên viết hoa một chữ đầu. Viết hoa chữ Luật trong Bộ Luật thì vô lý chẳng khác nào viết hoa chữ Trưởng trong Bộ Trưởng.

Theo tôi, đối với các đạo luật, cần viết hoa các chữ ngay sau chữ luật. Ví dụ như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Báo chí. Vấn đề cần phải xem xét là một số trường hợp đặc biệt, như: Luật các Tổ chức tín dụng thì nên viết hoa chữ Tổ thay vì chữ các, Pháp lệnh về Dân quân tự vệ thì nên viết hoa chữ Dân hơn là viết hoa chữ về. Ngoài ra, còn một số chữ khác trong tên luật, pháp lệnh cũng nên viết hoa, ví dụ: chữ Gia trong Luật Hôn nhân và Gia đình, chữ Hình trong Bộ luật  Tố tụng Hình sự, chữ Giá trong Luật Thuế Giá trị gia tăng.

Còn nhiều chữ cần được viết hoa

– Quy định 09 nhắc lại nhiều lần cụm từ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó chỉ viết hoa một chữ Cộng, trong khi trên thực tế, tất cả các báo chí mấy năm gần đây đăng Thiếp chúc mừng năm mới của Chủ tịch Nước đều viết hoa chữ Xã. Theo tôi, chữ nhất thiết phải viết hoa, ngoài ra cần xem xét có nên viết hoa chữ Chủ nữa hay không?

– Quy định 09 nhắc lại nhiều lần Ủy ban nhân dân,… nhưng không viết hoa chữ nhân, trong khi các đạo luật, pháp lệnh và một số nghị định được đăng trên Công báo từ năm 1996 trở lại đây, đặc biệt là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 luôn luôn viết hoa chữ này.

– Quy định 09 viết hoa tất cả các từ trong Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nhưng đến Ủy ban các vấn đề xã hội, lại không viết hoa chữ nào sau Ủy ban? Theo tôi, ở đây cần phải viết hoa thêm, ít nhất là chữ Vấn. Tương tự, trong Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, cần viết hoa thêm ít nhất là chữ Quốc; Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, cần viết thêm  ít nhất là chữ Chăm; Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC), là chữ Kinh,…

– Các chữ chỉ đơn vị hành chính như nước, tỉnh, thành phố, huyện, xã,… khi đề cập đến một cách chung chung thì không nên viết hoa, nhưng khi chỉ một địa danh cụ thể, thì rất cần viết hoa. Ví dụ: Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam,… Thành phố Hải Phòng, Tỉnh Quảng Ninh, Huyện Gia Lâm… Nó cũng giống như trong Quy định 09 đã viết hoa chữ Châu trong Châu  u, Châu Phi, Châu Mỹ hoặc tương tự với các ví dụ viết hoa các chữ Công ty X, Nhà máy Y,… Thật vô lý khi viết hoa chữ Nhà trong Giám đốc Nhà máy Dệt Nam Định mà lại không viết hoa chữ tỉnh trong Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau. Tôi cho rằng, Báo Lao Động thường xuyên viết hoa chữ Nước trong Chủ tịch Nước là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

– Quy định 09 chỉ mới đề cập đến các loại tên riêng mà chưa nói đến danh từ đóng vai trò đặc trưng cho các tên riêng đó. Theo tôi, danh từ được lấy làm đặc trưng trong tên riêng để phân biệt tên các cơ quan, tổ chức cùng loại tương tự nhau thì nên viết hoa tất cả các chữ. Ví dụ: cần viết Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế Việt Nam, để phân biệt rằng, đó không phải là Ngân hàng của thế giới hay mang tính chất quốc tế mà chỉ là một cái tên riêng của một trong nhiều ngân hàng TMCP ở Việt Nam. Tương tự, nên viết hoa cả hai chữ Hàng Hải trong Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, viết hoa cả hai chữ Tiến Bộ trong Công ty In Tiến Bộ, viết hoa cả hai chữ Sao Vàng trong Công ty Cao su Sao Vàng (ví dụ trong Quy định 09 viết Nhà máy… là tên cũ, đã bỏ khá lâu rồi),… Có như vậy mới tương đương với cách viết Công ty In Trần Phú, Công ty Cao su Phú Riềng,…

Thực ra, việc xác định các danh từ riêng là yếu tố đặc thù trong tên các cơ quan, tổ chức cũng như trong các địa danh là hoàn toàn do đặt ra, chứ không dựa trên cơ sở những chữ viết hoa theo chuẩn có sẵn. Trong những thập kỷ 60, danh từ riêng chỉ tên người và địa danh tiếng Việt đâu có được viết hoa như thập kỷ 90 này. Giả sử Thành phố Hải Phòng lúc nào đó được tách thành hai thành phố, lấy tên hoàn toàn mới là Phòng ThànhThành Tô chẳng hạn, thì việc viết hoa các từ đó chẳng khác gì viết hoa chữ Tiến Bộ nói ở trên. Trên thực tế đã có một số cơ quan luôn viết hoa tên riêng theo kiểu này, như: Báo Nhân Dân, Báo Kinh Doanh Và Tiếp Thị,…. (Quy định 09 đã viết Báo Nhân dân là không đúng với cách viết thực tế của Báo này từ rất nhiều năm nay).

Một số vấn đề khác

Điều 1, Quy định 09 cũng đặt ra yêu cầu: Viết đúng với ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông; tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản. Nhưng trong các Điều quy định cụ thể, thì dường như lại không thể hiện được những nội dung đó.

Chẳng hạn, Quy định 09 bỏ dấu hỏi trong chữ ủy ở chữ cái u, trong khi các cuốn Từ điển tiếng Việt gần đây đều bỏ dấu ở chữ cái y. Vậy đâu là đúng chính tả? Đặc biệt, Quy định 09 viết các tỉnh Kon Tum, Bắc Kạn, Đắk Lắk, thì có đúng chính tả tiếng Việt phổ thông không? Thậm chí trên máy tính, bộ phông tiếng Việt ABC theo tiêu chuẩn TCVN-5712:1993 không cho phép gõ dấu sắc từ cuối các chữ ĐắkLắk (sẽ chỉ được chữ Đăks Lăks) vì có lẽ không cho đây là kiểu tiếng Việt?

Bước đầu tra cứu một số Nghị định của Chính phủ về việc phân vạch địa giới hành chính, được đăng trên Công báo từ năm 1976 đến 1998 thì thấy: Chỉ có chữ Kon Tum được sử dụng liên tục từ năm 1976 đến nay (kể cả trong các văn kiện của Quốc hội). Chữ Bắc Kạn mới chỉ xuất hiện từ năm 1997, còn năm 1990 vẫn viết là Bắc Cạn. Riêng chữ Đắk Lắk thì phức tạp hơn, mới thấy xuất hiện từ các năm 1983, 1986 và 1996 đến nay, còn chữ Đắc Lắc đã xuất hiện liên tục từ năm 1976 đến 1981 và đến năm 1995 vẫn còn. Trong Hội Trưng bày Báo Xuân vừa qua tại Hải Phòng tôi vô cùng sửng sốt khi thấy tờ báo của Đảng bộ Tỉnh này được viết tên như tiếng Anh 100% là Dak Lak. Rõ ràng, việc sử dụng tên riêng chỉ địa danh như trên có phần lộn xộn và thiếu chuẩn mực tối thiểu.

Điều 3, Quy định 09 về viết hoa tên người, lại phân biệt tên không có từ đệm là Nguyễn Thị Chiên với tên có từ đệm là Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu chữ Thị trong Nguyễn Thị Chiên không phải là từ đệm thì là từ gì?  Cũng theo quy định này, người đọc buộc phải hiểu rằng các chữ họ tên của nam giới không bao giờ có từ đệm (!?)

Về tên của các Bộ, thấy cũng có điều băn khoăn. Tại sao viết Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá – Thông tin,… mà từ trước đến nay đều chỉ viết Bộ Giao thông vận tải.  Theo tôi cần viết hoặc là Bộ Giao thông – Vận tải hoặc là Bộ Giao thông và Vận tải. Xét về mặt chữ nghĩa, nếu không viết được theo 2 cách trên thì có lẽ chỉ còn cách viết hợp lý là  bỏ chữ vận tải, chỉ cần viết Bộ Giao thông mà thôi.

Chỉ vì “Nhà nước chưa có quy định về chuẩn hoá viết hoa trong tiếng Việt”, nên đã gây ra khá nhiều rắc rối trong lĩnh vực này. Cũng là báo chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng bên cạnh tên báo viết hoa toàn bộ như Tạp chí Thế Giới Mới, thì lại có tên báo không hề viết hoa một chữ nào, như Báo giáo dục & thời đại. Như vậy, quả thật không thể tìm ra chuẩn viết hoa tiếng Việt trong thực tế hiện nay(1). Và cũng không thể so sánh cách viết hoa của những năm trước đây với hiện nay, vì nó quá khác nhau và có xu hướng phát triển số chữ viết hoa một cách nhanh chóng và rõ rệt. Nếu cần thiết thì có lẽ chỉ còn một cách là so sách với tiếng nước ngoài, như tiếng Anh chẳng hạn, họ viết Gross Domestic Product (GDP), còn chúng ta và Quy định 09 thì đang viết Tổng sản lượng quốc nội (GDP)?

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

________

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 3 (41) 3-1999

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.405. Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị...

Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao...

Trích dẫn 

3.951. Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt...

Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng. (MK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,136