412. Bình luận Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng

(ANVI) – Tham luận tại Toạ đàm do Bộ Tư pháp & NHNN tổ chức ngày 10-3-2023 tại 11 Lê Hồng Phong:

1. Về khái niệm “tổ chức tín dụng”:

1.1. Khoản 1, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Dự luật giải thích

“Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.

Không bao gồm chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

1.2. Việc trên đã dẫn đến đến nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật khác vênh.

Nhiều Thông tư của ngân hàng Nhà nước, sau khi viết đúng như luật “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” lại dưới đây gọi là “Tổ chức tín dụng”

1.3. Vì vậy, đề nghị khôi phục lại khái niệm cũ, chính xác, ngắn gọn. Khi nào sử dụng cụm từ” tổ chức tín dụng” mà không bao gồm chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì liệt kê hoặc loại trừ. Kết quả vẫn đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý hơn nhiều cách viết như hiện nay với 133 lần xuất hiện cụm từ “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Nếu “tổ chức tín dụng” không thể bao gồm “chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì cần phải sửa tên Luật này thành “Luật Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

1.4. Một số từ, cụm từ cần phải được giải thích thống nhất trong cả hệ thống pháp luật. Ví dụ “Người có liên quan” hay “Người không cư trú” đã được giải thích trong nhiều đạo luật khác nhau. Hoặc là phải sử dụng một cách giải thích thống nhất giống nhau. Hoặc là vẫn cần giải thích khác thì trong trường hợp này không thể viết là “Người có liên quan” mà phải là “Người có liên quan của tổ chức tín dụng”.

2. Về “Quyền hoạt động ngân hàng”:

2.1. Khoản 12 và 14, Điều 4 giải thích một trong 3 hoạt động ngân hàng là “Cấp tín dụng”, trong đó có việc thỏa thuận cho vay tổ chức, cá nhân khác.

2.2. Trên cơ sở đó, Luật quy định theo hướng “ Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” tại khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”.

2.3. Tuy nhiên, việc đó là không hợp lý. Trên thực tế có nhiều tổ chức khác vẫn thực hiện việc cho vay hợp pháp, hợp lệ (tức thực hiện hoạt động ngân hàng) như Quỹ đầu tư, phát triển địa phương, Dịch vụ cho vay cầm đồ, thậm chí bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào trong nhiều trường hợp, mà không phải là tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chẳng thuộc các trường hợp loại trừ trên.

2.4. Vì vậy, cần phải giải thích lại khái niệm cấp tín dụng hoặc phải mở rất rộng việc loại trừ.

3. Về cụm từ “Tổng Giám đốc (Giám đốc)”:

3.1. Dự luật có 90 lần nhắc đến cụm từ “Tổng Giám đốc (Giám đốc)” (Luật hiện hành cũng viết như vậy).

3.2. Viết như vậy không chính xác, không hợp lý vì tối nghĩa và dễ gây nhầm lẫn trên thực tế. Cần phải sửa thành “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc” tương tự như Luật Doanh nghiệp năm 2020. Lý do, rõ ràng là 2 chức danh này loại trừ nhau và “Giám đốc” là cái gốc, cần được viết trước “Tổng giám đốc”.

4. Về đầu tư kinh doanh vàng:

4.1. Dự luật có 4 lần nhắc đến vàng, nhưng không đề cập đến việc các tổ chức tín dụng được và không được làm gì liên quan đến việc đầu tư kinh doanh vàng.

4.2. Như vậy, việc đầu tư kinh doanh vàng được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Tức là các doanh nghiệp được phép mua bán, huy động và cho vay bằng vàng.

4.3. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng bị hạn chế chặt chẽ hơn, như không được huy động và cho vay bằng vàng.

4.4. Do vậy, để bảo đảm hiệu lực pháp lý thì việc cấm huy động và cho vay này cần phải được quy định trong Luật này hoặc một Luật khác, để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đầu tư.

5. Tỷ lệ dự họp và biểu quyết tối thiểu 51%:

5.1. Dự Luật quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 58 về “Đại hội đồng cổ đông” về tỷ lệ biểu quyết là “trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.

5.2. Điều này xuất phát từ quy định sai và sửa sai của Luật Doanh nghiệp quy định về tỷ lệ tối thiểu dự họp và biểu quyết của công ty TNHH và công ty cổ phần:

– Luật Doanh nghiệp năm 1999 là 51%, sai;

– Luật Doanh nghiệp năm 2005 sửa thành 65%, sai

– Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không theo cái sai ấy, nên quy định 51% như Luật Doanh nghiệp năm 1999;

– Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa sai, quay về 51% với công ty cổ phần, vẫn sai;

– Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa sai thành đúng là trên 50%, kể cả tính sở hữu doanh nghiệp Nhà nước (vẫn còn lọt lưới sai);

– Vậy, Luật Các tổ chức tín dụng cần sửa tỷ lệ tối thiểu từ 51% thành trên 50% cho đúng nguyên lý cơ bản là quá bán.

6. Về quyền thoả thuận lãi suất:

6.1. Điều 90 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Dự luật quy định như sau:

Điều 90. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

  1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
  2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
  3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.

6.2. Quy định trên cũng như quy định hiện hành không bảo đảm cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng được quyền thoả thuận lãi suất cao hơn trần 20% theo quy định tại Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

6.3. Về nguyên lý thì lãi suất cũng như hầu hết các vấn đề khác, đương nhiên tổ chức tín dụng được “thoả thuận” với khách hàng. Tuy nhiên, hiểu một cách chính xác và đúng đắn thì việc thoả thuận này phải đáp ứng được đồng thời các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, việc thoả thuận lãi suất không dành riêng cho các tổ chức tín dụng, mà là nguyên tắc chung của mọi giao dịch dân sự, ngoại trừ trường hợp bị hạn chế. Trường hợp này tổ chức tín dụng bị hạn chế.

Thứ hai, Điều 473 về “Lãi suất” Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định trần lãi suất của bên ngoài ngân hàng được cao hơn ngân hàng 50%, tức bằng 150% của ngân hàng

Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, trần lãi suất giữa bên ngoài ngân hàng và ngân hàng là bằng nhau;

Điều 468 về “Lãi suất, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trần lãi suất 20% là chung cho mọi chủ thể dân sự.

Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều 90 của Luật Các tổ chức tín dụng nêu trên không phải là quy định khác. Quy định khác thì phải chỉ rõ là được vượt quá trần chung của Bộ luật Dân sự, chứ không thể dựa vào văn bản dưới luật. Trong khi Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định lãi suất được thoả thuận nhưng còn phải “theo quy định của pháp luật. Mà quy định của pháp luật về lãi suất trong trường hợp này không thể vượt qua là không quá 20% theo quy định tại khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ tư, trường hợp “theo quy định của pháp luật của Luật Các tổ chức tín dụng phải được hiểu là, không quá 20%, trừ 2 trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, các tổ chức tín dụng cho vay các gói ưu đãi hỗ trợ thì không được thoả thuận vượt trần lãi suất riêng thấp hơn, như cho vay 5 như cầu vốn theo quy định tại khoản 2, Điều 13 về “Lãi suất cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN hay cho vay các khoản vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 là 5%/năm.

Trường hợp thứ hai, các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn trần 20% trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước quy định khi thị trường có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, theo quy định tại khoản 3, Điều 90, Dự luật.

6.4. Tôi ủng hộ lãi suất không bị trói trong cái trần 20%, vì nó phải theo thị tường. Về lâu dài, phải đấu tranh lãi suất nói chung, lãi suất ngân hàng nói riêng phải phải do thị trường quyết định chứ không phải bị áp đặt trần lãi suất rất xa rời thực tế. Nhưng ngày ấy còn lâu mới đến, nên vẫn cần sửa rõ quy định này.

7. Về quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay:

7.1. Khoản 4, Điều 92 về “Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay”, Dự luật quy định như sau:

4. Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay trả nợ của khách hàng. Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết”.

7.2. Khoản 2, Điều 24 về “Kiểm tra sử dụng tiền vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định:

“2. Tổ chức tín dụng có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư này”.

Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng không có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát, nhưng theo Luật hiện hành và Dự luật thì vẫn có. Vậy thì cần xác định lại quan điểm có hay không và quy định thống nhất, tránh nguy cơ phạm tội.

8. Một số nội dung khác:

8.1. Dự thảo có 21 lần nhắc đến từ “hàng năm” là sai. Cần phải viết đúng từ ngữ là “hằng năm”.

8.2. Các khoản 8 và 9, Điều 44 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát”, 2 lần viết cụm từ “triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường” là sai. Phải là triệu tập cuộc họp.

8.3. Nhiều điều có đoạn dẫn không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo điều khoản là không hợp lý. Ví dụ Điều 123 về “Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện”, Điều 131 về “Kinh doanh bất động sản”, Điều 133 về “Quyền, nghĩa vụ của công ty kiểm soát”,…

———————–

Hà Nội ngày 10-3-2023

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

(2.060)

#TCTD #NHNN #ANVI 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604