414. Bình luận Pháp luật về đầu tư kinh doanh vàng

(ANVI) – Qua 11 năm thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã cho thấy rằng mục tiêu chống “vàng hoá” đã rất thành công và cần tiếp tục giữ vững thành quả này trong quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung.

1. Việc quản lý vàng trong giai đoạn 1945 – 2011:

1.1. Chúng ta vẫn thường nghe thấy câu ví von quý như vàng và nó vẫn không hề sai, nhưng khác với tiền, phải luôn giữ khoảng cách với vàng. Vàng cũng đã từng thể hiện vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình phát triển nền kinh tế nước ta.

1.2. Năm 1945, trong “Tuần lễ Vàng” do Hồ Chủ tịch phát động đã thu được 370 kg vàng, giúp Chính phủ cách mạng non trẻ khi đó vượt qua những thiếu thốn về tài chính.

1.3. Suốt từ năm 1946 đến nay, trải qua một thời kỳ kinh tế hành chính bao cấp và hai thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, nhưng chưa bao giờ Nhà nước Việt Nam buông việc quản lý vàng. Thậm chí có những giai đoạn như năm 1955, cấm việc mua bán vàng (trừ có giấy phép) và cấm thanh toán bằng vàng. Rồi năm 1958 pháp luật đã từng quy định, cá nhân có 5 chỉ vàng trở lên và năm 1978, có từ 1 chỉ vàng trở lên đều phải kê khai và được cấp Giấy chứng nhận[1].

1.4. Một trong những yếu tố quan trọng đẩy lùi tình trạng lạm phát phi mã vào những năm 1980 (riêng năm 1986, kỷ lục lạm phát lên tới 774,7%), đó là đã mạnh dạn cho nhập khẩu 160 tấn vàng trong 3 năm 1986 -1988 để thu hồi bớt đồng tiền Việt Nam mất giá và tạo ra nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước.

1.5. Trong giai đoạn 2007 – 2009, mặc dù Nhà nước không cấp phép, nhưng các quy định của pháp luật về quản lý thị trường vàng còn chưa đầy đủ, nên các sàn vàng đã hình thành một cách tự phát và phát triển rất nhanh; trong thời gian này mỗi năm Nhà nước cho phép nhập khẩu chính thức khoảng 40 – 60 tấn vàng và vàng nhập lậu ước tính 50 – 60 tấn. Trong giai đoạn này, mặc dù sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất thấp, thế nhưng thị trường vàng trong nước vẫn rất bất ổn, thường xuyên có các cơn ”sốt” vàng, người dân đổ xô đi mua, bán vàng, hoạt động đầu cơ trên thị trường diễn ra mạnh mẽ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá, chỉ số giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội. Các sàn vàng thu hút hàng triệu người ở cả nông thôn và thành thị tham gia, hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi ngày đáng lẽ phải phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất cho xã hội thì lại bị thu hút vào các sàn vàng, không trực tiếp, thậm chí cũng gần như chẳng gián tiếp tạo ra giá trị mới, mà chủ yếu chỉ là sự “móc túi” nhau. Chính vì vậy mà năm 2009 Chính phủ đã chính thức cấm và chấm dứt hoạt động của các sàn vàng trong nước cũng như hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Cho đến năm 2012, thì các hoạt động này mới hoàn toàn chấm dứt.

1.6. Trong giai đoạn 2009 – 2011, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhìn chung vẫn ở mức thấp nhưng trung bình cao hơn nhiều so với giai đoạn trên; sự bất ổn của thị trường vàng và những tác động tiêu cực của nó đối với tỷ giá, chỉ số giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn diễn ra nhưng mức độ thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2007 – 2009.

2. Việc quản lý vàng trong giai đoạn 2012 – 2023:

2.1. Từ tháng 4-2012 đến nay, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về “Quản lý hoạt động kinh doanh vàng” đã tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách cơ bản và rõ ràng. Các sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản không được phép hoạt động; nhà nước độc quyền trong 03 hoạt động: Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được sản xuất vàng miếng, nhưng vẫn được sản xuất các loại vàng khác như vàng thỏi, vàng nhẫn, đồng thời vẫn được xuất khẩu vàng trang sức và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công các sản phẩm về vàng, ngoại trừ vàng miếng. Cũng từ đó đến nay hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

2.2. Từ đó đến nay, dù vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới (nhất là vàng miếng), song thị trường vàng đã trở nên ổn định so với trước đó rất nhiều, không còn hiện tượng làm giá hoặc cảnh người dân đổ xô đi mua bán vàng. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường ngoại hối.

2.3. Với những chính sách quyết đoán, hợp lý của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã làm cho giới kinh doanh vàng, nhất là các “đầu lậu” hiếm có cơ hội đầu cơ trục lợi, đặc biệt là làm cho người dân không còn tâm lý tích cóp, để dành găm giữ, dự trữ vàng, đã làm tăng sự tín nhiệm tiền đồng, đồng nghĩa với việc nguồn vốn được chuyển thẳng vào đầu tư kinh doanh một cách trực tiếp và có hiệu quả hơn. Người dân và doanh nghiệp chỉ có thể đặt lòng tin vào đồng tiền Việt Nam khi đã bỏ ham, giảm say vàng và ngoại tệ.

2.4. Khi nền kinh tế tôn sùng vàng, cái gì cũng quy đổi ra vàng, thanh toán mua bán nhà đất, xe cộ, thậm chí nhiều mặt hàng thông dụng khác bằng vàng, thay thế vị trí độc tôn của đồng tiền pháp định, thì đồng tiền quốc gia rất dễ bị suy yếu, không còn vai trò, địa vị vốn dĩ cần phải có. Giá trị của đồng tiền pháp định bị coi nhẹ, không được tôn trọng, thì rất dễ dẫn đến nguy cơ tác hại khôn lường cho nền kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân. Bài học xương máu này chúng ta đã từng trải qua và không dễ quên.

2.5. Việc ngăn chặn được tình trạng “vàng hoá, đô la hoá”, tức không để cho vàng và ngoại tệ lấn át hoặc thay thế VND, sử dụng vàng phổ biến như một loại tiền tệ, đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ được sự ổn định của giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.

3. Ảnh hưởng của giá vàng đến người dân và nền kinh tế:

3.1. Trong thời gian qua, có một số thời điểm, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá vàng quốc tế có nhiều biến động và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

3.2. Tôi cho rằng, giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến người dân và nền kinh tế, bởi một số lý do sau đây:

Thứ nhất, không phải giá vàng nói chung tại thị trường Việt Nam chênh lệch nhiều so với thị trường thế giới, mà chỉ riêng vàng miếng SJC mới có tình trạng đó;

Thứ hai, việc này cũng là điều bình thường, dễ hiểu, đúng với quy luật cung cầu thị trường. Vì từ khi Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì loại vàng miếng SJC duy nhất này chỉ được đúc một lần duy nhất vào năm 2013, mà không được tiếp tục sản xuất thêm, do đó trở thành mặt hàng có thương hiệu khan hiếm;

Thứ ba, không có doanh nghiệp nào được đặc ân hưởng lợi từ việc giá vàng miếng SJC đắt hơn hẳn so với các loại vàng khác, vì nó là thương hiệu thuộc sở hữu Nhà nước, chứ không phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cũng như của bất kỳ công ty hay cá nhân nào khác. Do vậy tất cả các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng thì đều được phép mua bán vàng SJC và đều giống nhau là mua vào giá cao, thì bán ra giá cao, chứ không phải giá đầu vào thấp, bán ra cao để được hưởng lợi. Việc mua bán của người dân cũng diễn ra như vậy;

Thứ tư, giá vàng nói chung tại thị trường Việt Nam không chỉ cao hơn, mà đã từng có thời kỳ thấp hơn thị trường quốc tế (khi thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Việt Nam cũng đã từng xuất khẩu vàng); đặc biệt vàng miếng SJC cao hơn vàng quốc tế và các loại vàng khác, nhưng hoàn toàn không có ảnh hưởng gì xấu đến nhu cầu trang sức và cũng gần như chẳng ảnh hưởng gì bất lợi cho nền kinh tế, xã hội. Vàng nói chung, vàng miếng nói riêng không có chức năng thanh toán, không ảnh hưởng gì đến xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, hàng hóa, trừ loại vàng theo tiêu chuẩn đặc biệt là ngoại hối dùng để thanh toán quốc tế giữa các quốc gia. Nó cũng khác hẳn với chứng khoán, không phải là một kênh để tạo ra sự thanh khoản và huy động vốn giúp cho nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng;

Thứ năm, giá vàng SJC cao các loại khác, chủ yếu là do yếu tố tâm lý chứ không phải yếu tố kinh tế tác động đến cung cầu. Đơn giản là người dân muốn sở hữu loại vàng này, khi mua vào phải trả giá cao hơn thì khi bán ra lại được thu về với giá cao hơn, dù cùng trọng lượng và hàm lượng vàng so với loại vàng khác.

4. Kinh tế thị trường không thể chung đường với “vàng hóa”:

4.1. Trong thực tế đời sống, tuy vàng vẫn là loại tài sản rất có giá trị trong dự trữ và sử dụng cho trang sức cũng như một vài lĩnh vực sản xuất, nhưng nó lại không hề có tính thiết yếu phổ biến và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế như rất nhiều loại nguyên liệu, vật tư, hàng hoá khác.

4.2. Không thể phủ nhận rằng, vàng là một tài sản rất quý hiếm, có giá trị rất cao, nhất là trong dự trữ. Tuy nhiên, việc lưu thông vàng không tạo ra giá trị gia tăng nào đáng kể (một phần thể hiện thông qua chế độ áp dụng thuế giá trị gia tăng), thậm chí còn gây bất ổn cho nền tài chính, tiền tệ quốc gia, thì cũng không nên quá bận tâm.

4.3. Hiện tại, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, đồng thời chưa thấy cái lợi gì đáng kể khi thả cửa cho vàng được trở lại giao dịch thoải mái trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rất bất ổn hiện nay. Tuy nhiên, sau 11 năm thực hiện, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều thì cũng đến lúc phải rà soát, xem xét lại.

4.4. Còn trong tương lai không xa thì hoàn toàn có thể để vàng tự do quay về đúng chỗ đứng của nó trong nền kinh tế thị trường. Nếu việc tích trữ, đầu cơ, mua bán, kinh doanh vàng nói chung và vàng miếng nói riêng, không ảnh hưởng gì đáng kể đến nền kinh tế, tài chính, tiền tệ thì chẳng có lý do gì phải ngăn cản, mà không mở cửa như đối hàng ngàn mặt hàng khác.

4.5. Bao lâu nay, rất khác với đặc điểm của nhiều nền kinh tế phát triển và cũng khác mọi loại tài sản, hàng hoá, vàng vẫn còn là mối quan tâm lớn và còn ăn sâu vào tâm trí của người Việt Nam, đồng thời cũng là “đối thủ rất đáng gờm” của đồng tiền Việt Nam. Để cho người dân xa chán vàng, ngoại tệ thì sẽ tin yêu vào đồng nội tệ, còn ngược lại, nếu cứ mở cơ hội để mọi nhà ôm vàng, ngoại tệ thì đương nhiên họ sẽ xa lánh và buông bỏ đồng tiền Việt Nam.

5. Pháp luận hiện hành về việc đầu tư kinh doanh vàng:

5.1. “Kinh doanh vàng” (bao gồm “hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng”) là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV về “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP;

5.2. Vàng không phải là phương tiện thanh toán theo quy định tại các khoản 6, 7 và 8, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 và Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01-02-2019) và các Thông tư liên quan của Ngân hàng Nhà nước;

5.3. Vàng do người cư trú, người không cư trú là cá nhân mang theo khi xuất nhập cảnh trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (từ 300 gam trở lên) phải khai báo hải quan cửa khẩu, theo quy định tại Điều 9 về “Mang ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và quy định tại Điều 3 về “Mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới”, Thông tư số 11/2014/TT-NHNN ngày 28-3-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh”;

5.4. Các tổ chức tín dụng không được vay vốn (huy động vốn), cho vay vốn bằng vàng và cho vay vốn để mua vàng miếng theo quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29-4-2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng” (đã được sửa đổi, bổ sung the các quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-NHNN ngày 06-10-2011, Thông tư số 12/2012/TT-NHNN ngày 27-4-2012 và Thông tư số 24/2012/TT-NHNN ngày 23-8-2012) và  khoản 4, Điều 8 về “Những nhu cầu vốn không được cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”;

5.5. Các hoạt động giao dịch khác về vàng như mua bán, tặng cho, trao đổi, vay, cho vay, niêm yết, quảng cáo, cầm cố, cầm đồ, gửi giữ, cất giữ, tích trữ, vận chuyển, góp vốn đầu tư kinh doanh của cá nhân và pháp nhân vẫn được thực hiện bình thường theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định liên quan khác.

6. Kiến nghị sửa đổi pháp luật về đầu tư kinh doanh vàng:

6.1. Việc xem xét sửa đổi, bổ sung và không loại trừ việc bãi bỏ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là cần thiết, để đáp ứng đòi hỏi của người dân và giảm thiểu những quy định ngăn cản, cấm đoán không bằng luật, trong đó có quy định cấm các tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng, thậm chí cả việc cho vay để mua vàng miếng, mặc dù đó là giao dịch hoàn toàn hợp pháp.

6.2. Cần xem xét phân tách các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, kinh doanh vàng thành 2 phần như sau:

Thứ nhất, những hoạt động nào ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ như thanh toán bằng vàng trong nền kinh tế, huy động và cho vay vàng trong hệ thống ngân hàng, thì cần tiếp tục bị cấm và do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, việc này cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật thay vì trong các nghị định, thông tư như hiện nay;

Thứ hai, những hoạt động nào không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể, không đáng ngại đến chính sách tiền tệ, như khai thác, sản xuất vàng; xuất nhập khẩu vàng; chế biến, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; mua, bán vàng (cả vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ); kinh doanh vàng trên tài khoản; hoạt động phái sinh về vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, thì cho phép tự do đầu tư, kinh doanh (có thể vẫn giữ điều điều kinh doanh đối với một vài hoạt động như khai thác, xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản) và không thuộc lĩnh vực quản lý của Ngân hàng Nhà nước./.

(3.128) #vang #NHNN #kinhdoanh

 

[1]   Mục 8 “Pháp luật về vàng, bạc, đá quý”, Sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng” – Luật sư Trương Thanh Đức, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật 2020.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615