415. Bình luận về tình trạng Hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính từ góc nhìn của Luật sư – nguyên nhân và giải pháp phòng, tránh.

(ANVI) – Bài viết theo đặt hàng thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng các giải pháp phòng, tránh hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và hành chính ở Việt Nam.

1. Thực trạng hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính:

1.1. Tình trạng hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính không phải là vấn đề mới, mà đã phát sinh ít nhất 20 năm nay. Vào tháng 7-2004, tôi đã từng tham gia Hội thảo về hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự do Bộ Tư pháp và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức. Trong bài viết này “hình sự hoá” không phải là việc tội phạm hoá (hay phi hình sự hoá) các hành vi vi phạm pháp luật, mà là việc áp dụng pháp luật sai lầm, tức xử lý bằng biện pháp hình sự các hành vi vi phạm về dân sự, kinh tế và hành chính.

1.2. Với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì càng cần đặt ra vấn đề này, để không chỉ trừng phạt vi phạm mà quan trọng hơn là phải bảo vệ được những con người dám hành động, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn, quyết đoán, chấp nhận rủi ro một cách vô tư, vì cái chung. Theo cảm nhận của tôi, trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, kể từ năm 2018, tình trạng hình sự hóa các vi phạm trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế và hành chính vẫn không giảm đi mà còn có nguy cơ tăng lên.

1.3. Một trong các vụ án có dấu hiệu oan sai, hình sự hoá quan hệ dân sự rất nhức nhối đã xảy ra tại Bình Dương từ năm 2018 – 2022. Tháng 8-2018, ông NHK, nguyên Bí thư Thị uỷ Thị xã Bến Cát cùng hai ông NQL và NHH là 2 cán bộ BIDV đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì đã cấu kết với bà HTH thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp trái quy định. Cụ thể là ông NHK đã nhận chuyển nhượng 442,2 m2 đất là tài sản thế chấp của bà HTH tại BIDV Tây Sài Gòn, với giá là 7,797 tỉ đồng, để bà HTH trả nợ cho ngân hàng. Các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử đã cho rằng, diện tích đất này được định giá lên tới hơn 33,86 tỉ đồng, nên buộc tội các bị cáo trong giao dịch dân sự này đã “làm thất thoát của Nhà nước” hơn 26,063 tỉ đồng. Tại Bản án sơ thẩm số 34/2020 ngày 28-5-2020, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt ông NHK, NQL và NHH lần lượt 10, 11 và 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tại Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM ngày 25-5-2021 đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để điều tra, giải quyết lại với lý do có nhiều vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Vấn đề mấu chốt là trong trường hợp này tài sản thế chấp là của cá nhân bà HTH, chứ không phải là tài sản Nhà nước. Liên quan đến vụ xử lý tài sản thế chấp này, cơ quan chức năng đã khởi tố tới 4 vụ án, nhưng chỉ đưa ra xét xử 1 vụ và đã bị huỷ án[1]. Từ đó đến nay, chưa thấy thông tin gì khác về Vụ án này.

1.4. Đòi hỏi thực tế của từ người dân cho đến các doanh nhân, doanh nghiệp đối với quy định của pháp luật yêu cầu hành động của con người và pháp luật tác động đến ứng xử đối với vi phạm dân sự, kinh tế và hành chính của con người cần phải vạch ra ranh giới rõ ràng, giảm thiểu tình trạng hình sự hóa các vi phạm trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế và hành chính. Việc này không những để tránh tình trạng oan sai không đáng có, mà quan trọng hơn là phát huy tối đa mọi nguồn lực của xã hội, mọi khả năng của con người để đóng góp vào quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế xã hội và mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất phục vụ con người song hành với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.5. Tình trạng hình sự hoá vi phạm các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính vẫn còn dai dẳng và nhức nhối. Chính vì vậy, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đặt ra yêu cầu: “Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định tại Hội nghị đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp vào ngày 09-5-2020: “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu chỉ đạo trong “Hội nghị Phát triển thị trường vốn sản an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” vào chiều ngày 14-7-2022: “Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”.

2. Nguyên nhân của trình trạng hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính:

2.1. Do giao dịch dân sự, kinh tế phức tạp:

Các giao dịch dân sự, kinh tế phát sinh với quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng nhanh, phạm vi ngày càng rộng, số lượng thì rất nhiều, giá trị thì rất lớn, hình thức thì rất đa dạng và tính chất thì rất phức tạp. Do đó việc xảy ra vi phạm cũng có xu hướng tăng lên rất lớn và việc mâu thuẫn, tranh chấp cũng ngày càng nhiều, càng phức tạp, ảnh hưởng ngày càng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống, từ trật tự, trị an, văn hoá, xã hội, con người cho đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ,…

Vì vậy ranh giới giữa vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với vi phạm hình sự cũng ngày càng phức tạp, đan xen, chồng lấn, khó phân biệt tách bạch và khó xử lý, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi phải giữ vững kỷ cương pháp luật, xử lý kịp thời, nghiêm khắc hành vi phạm pháp luật hình sự.

2.2. Do pháp luật không rõ ràng, bị hiểu rất khác nhau:

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã phát biểu thảo luận tại Phiên họp Quốc hội ngày 02-6-2022 như sau: “Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”. Điều này cho thấy pháp luật hiện nay chưa tạo ra được chuẩn mực rõ ràng và cách hiểu thống nhất, đúng đắn.

Chẳng hạn như việc cấp tín dụng của ngân hàng là hoạt động mang tính rủi ro cao. Trách nhiệm chính trong việc không thu hồi được vốn và lãi, dẫn đến mất tiền của ngân hàng là do người vay vốn chiếm đoạt hoặc thua lỗ, thất thoát, không có khả năng trả nợ. Còn trách nhiệm của nhân viên ngân hàng chỉ là thứ yếu, trong nhiều trường hợp chỉ là sơ suất, sai phạm nhỏ, không phải là yếu tố quyết định dẫn đến việc gây thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên việc xác định có hay không có tội đối với những sai sót của nhân viên nhiều khi là rất mơ hồ, không rõ ràng. Đặc biệt, trong rất nhiều vụ án kết tội người vay vốn lừa đảo, thì ngân hàng phải là người “bị hại”. Tuy nhiên, trong những trường hợp này thì pháp nhân ngân hàng chỉ có thể là “bị hại” khi nhân viên ngân hàng cũng bị tội phạm lừa, tức là đối tượng bị hại cụ thể, chứ họ không thể phạm tội khác như thiếu trách nhiệm hay vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Nguyên nhân là do cách hiểu và áp dụng pháp luật rất khác nhau, nên các vi phạm kinh tế, dân sự, hành chính của nhân viên ngân hàng rất dễ bị hình sự hóa.

Ví dụ, điểm g, khoản 1, Điều 206 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào vi phạm quy định của pháp luật về “điều kiện cấp tín dụng”, gây thiệt hại cho pháp nhân hoặc cá nhân khác từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu động hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 7 về “Điều kiện vay vốn”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” quy định 5 điều kiện vay vốn, trong đó hai khoản 3 và 4 có quy định điều kiện “Có phương án sử dụng vốn khả thi” và “Có khả năng tài chính để trả nợ”.

Tuy nhiên, đến khi khách hàng vay vốn không trả được nợ, gây thất thoát tài sản cho ngân hàng thì rất dễ bị quy kết là phương án sử dụng vốn không khả thi và không “có khả năng tài chính để trả nợ”.

2.3. Do lẫn lộn giữa dấu hiệu vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với dấu hiệu vi phạm hình sự:

Điều 127 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

Và người bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 132 về “Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều đó có nghĩa rằng, lừa dối trong dân sự không nhất thiết phải xử lý về hành vi lừa đảo hay lừa dối trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn vụ án khởi tố bị can NTT xảy ra tại Tập đoàn MT về “Tội lừa dối khách hàng”, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp này, tôi tin rằng ý chí chủ quan của chủ doanh nghiệp mong muốn bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Điều này khác với những hành vi lừa dối khách hàng thông thường như cân điêu hay dùng các thủ đoạn gian dối khác nhằm trục lợi. Vì vậy, nếu có hành vi sai trái xảy ra thì nên được xử lý về dân sự, kinh tế và hành chính.

Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” cũng là một điều luật khá mơ hồ, vì không quy định về mức độ, định lượng thiệt hại, cùng không quy định tình tiết định tội là đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay tái phạm những hành vi tương tự. Như vậy, nếu ai đó đưa lên mạng xã hội một câu gì đó không hay về người khác thì cũng hoàn toàn có thể phạm tội này.

Vụ án đang diễn ra đối với một số bị can tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương năm 2022 – 2023 là một ví dụ. Bị can NPH đã bị khởi tố điều tra vì có dấu hiệu khá rõ về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, một số người bị hại khác cũng đã trở thành bị can. Tôi cho rằng, khi những người khác đã bị bị can Nguyễn Phương Hằng này lợi dụng mạng xã hội xâm phạm lợi ích một cách rất nghiêm trọng, thậm chí là tấn công dội bom, vu khống rất nặng nề, thì việc họ phản ứng lại một cách tương xứng hay có quá đáng hơn thì cũng không nên xem đó là tội phạm tương tự. Việc này, nếu có thì chỉ nên giải quyết bằng biện pháp dân sự và hành chính.

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính, mà điển hình là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” đã có nhiều quy định mô tả hành vi có dấu hiệu khá đặc trưng của tội phạm hình sự như “sử dụng vũ lực”, “đe doạ”, “gian lận”, “lừa đảo”,… nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ như:

– Hành vi “Sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các biện pháp khác mà pháp luật không cho phép để tiến hành đòi nợ” thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 12 về “Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự”;

– Hành vi “Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 15 về “Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác”;

– Hành vi “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ” bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 21 về “Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ”;

– Hành vi “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm” bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 26 về “Hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm”.

2.4. Do thủ tục, chế tài pháp luật không hợp lý:

Một trong những nguyên nhân quan trọng là chế tài pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính trong nhiều trường hợp không kịp thời, không dễ dàng, không hợp lý, không thoả đáng, không đủ sức ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục hậu quả vi phạm nên tạo ra tâm lý xử lý bằng hình sự sẽ đạt được hiệu quả hơn.

Việc này được thể hiện khá rõ đối với các yêu cầu xử lý vi phạm hợp đồng nói chung và hoạt động đòi nợ nói riêng. Việc Luật Đầu tư năm 2020 cấm hoạt động đòi nợ thuê cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động dân sự đòi nợ diễn ra phức tạp và càng dễ có nguy cơ bị hình sự hoá.

Do pháp luật thiếu cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền của chủ nợ, trong đó có việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án và việc thi hành án dân sự rất phức tạp, tốn kém, kéo dài, không hiệu quả, nên nhiều trường hợp đã bị lợi dụng dùng sức ép xử lý hình sự quy chụp hành vi sai phạm về kinh tế, dân sự, hành chính nhằm xử lý việc đòi nợ dân sự. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ có tác dụng thu hồi nhanh tiền bạc trong trường hợp “con nợ” có khả năng trả nợ, nhưng chây ỳ, trốn tránh. Còn đa số các vụ việc trên thực tế thì thường có kết cục ngược lại. Đặc biệt, nếu ép theo hướng hình sự, khởi tố, bắt giam người có trách nhiệm của doanh nghiệp thì càng khó có khả năng trả nợ, thậm chí vô cùng trầm trọng.

2.5. Một số tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 dễ bị hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và hảnh chính:

TT

Điều luậtTội hình sựTrường hợp

Ghi chú

1.134Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.Người bị gây thương tích đồng thời chống lại và gây thương thích ngược lại cho người khác. Do chủ yếu chỉ xử lý dựa trên tỷ lệ gây thương tích, mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất là nguyên nhân.Nạn nhân biến thành tội phạm.
2.141Tội hiếp dâm.Đồng thuận giao cấu nhưng sau đó phát sinh mâu thuẫn vì tiền bạc hoặc lý do khác như không trả đủ tiền mua dâm hoặc thù tức nhau sau khi làm tình.Không làm rõ được yếu tố chủ quan của 2 bên giao cấu.
3.155Tội làm nhục người khác.Nạn nhân có lỗi nghiêm trọng như quan hệ bất chính, thách thức tình địch.Hay xảy ra trong các vụ đánh ghen.
4.156Tội vu khống.Tội phạm tố cáo, lên án người khác vượt quá giới hạn.Dễ xảy ra trên mạng xã hội.
5.157Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.Tội phạm bị xâm phạm quyền lợi yêu cầu nạn nhân xử lý hoặc làm rõ trách nhiệm.Dễ xảy ra trong các vụ đòi nợ.
6.170Tội cưỡng đoạt tài sản.Tội phạm bắt nợ hoặc gây sức ép với con nợ phải trả nợ.Dễ xảy ra trong trường hợp con nợ cố tình trây ỳ trả nợ.
7.193Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.Quy định về tội phạm quá rộng và mơ hồ: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.Cần có quy định mức tối thiểu về định lượng, giá trị hay hậu quả pháp lý.
8.201Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sựViệc cho vay hoàn toàn tự nguyện thoả thuận lãi suất thoả mãn nhu cầu của người vay vẫn có thể bị tội, đặc biệt là ngân hàng được cho vay với lãi suất cao gấp nhiều lần bên ngoài.Chỉ nên hình sự hoá nếu có dấu hiệu ép buộc, lợi dụng.
9.206Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.Khi khách hàng không trả được nợ (nhất là phạm tội lừa đảo) thì rất dễ bị quy kết là cho vay không bảo đảm tính khả thi và khả năng trả nợ.Cho dù không cố ý cấp tín dụng sai trái, thậm chí bị khách hàng lừa đảo.
10.207Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.Nếu biết là tiền giả thì chỉ cần đổi hoặc tiêu 1 tờ cũng có thể phạm tội.Không có số tờ hay mệnh giá tối thiểu.
11.321Tội đánh bạc.Tính cả số tiền mang theo người của những người tham gia đánh bạc là 5 triệu đồng thì không hợp lý và quá nhiều trường hợp phạm tội.Cần tính tới việc phi hình sự hóa tội này.
12.323Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.Việc người khác phạm tội hay không trong nhiều trường hợp phụ thuộc vào nhân thân chứ không phải là hành vi và giá trị tài sản phạm pháp.Cần quy định mức giá trị tối thiểu chứa chấp hoặc tiêu thụ.
13.324Tội rửa tiền.Luật không quy định mức tối thiểu, nên chỉ cần rửa số tiền 1.000 đồng cũng phạm tội.Cần quy định mức tối thiểu định tội.
14.331Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.Quy định vô cùng chung chung, mơ hồ, mong manh, không thể phân biệt được khi nào “quyền tự do dân chủ” sẽ “xâm phạm lợi ích” của tổ chức, cá nhân.Cần phải thêm dấu hiệu định tội như xâm phạm nghiêm trọng hay đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
15.341Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.Nếu cứ theo câu chữ mô tả thì kể cả làm giả con dấu bất kỳ nào của doanh nghiệp cũng phạm tội. Tương tự là Điều 342 về “Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.Ít nhất phải quy định trường hợp con dấu được cơ quan Nhà nước cấp phép hoặc đăng ký.
16.360Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.Đã bỏ tội cố ý làm trái vì mơ hồ, nhưng tội này còn mơ hồ hơn rất nhiều trong việc xác định thế nào là thiếu trách nhiệm.Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm thế nào.
17.389Tội che giấu tội phạm.Khi thực hiện hành vi che dấu thì khó có thể biết được rằng đó có phải là tội phạm hay không, vì phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định tội phạm được che dấu là tội gì và khung hình phạt nào, đặc biệt là có tội do nhân dân chứ không phải là hành vi.Có tội hay không lại phụ thuộc vào việc xác định tội của người khác.

3. Đề xuất giải pháp phòng, tránh trình trạng hình sự hoá các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính:

3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật:

Pháp luật tạo ra nhiều kẽ hở, lỗ hổng thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan. Hay ngược lại, pháp luật quy định quá chặt chẽ, cứng nhắc hoặc mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu sự đồng bộ, thống nhất thì cũng đều là sự bất cập, trong đó có nguy cơ dẫn đến tình trạng hình sự hoá quan hệ dấn sự, kinh tế, hành chính. Vì vậy, giải pháp hàng đầu là phải coi trọng việc hoàn thiện pháp luật, trong đó có pháp luật về kê khai, công khai, đăng ký, quản lý tài sản để kiểm soát giao dịch và xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả.

Quy định của pháp luật phải bảo đảm sự công bằng giữa mọi chủ thể, đối tượng. Ví dụ, pháp luật đã tạo ra sự mâu thuẫn quá vô lý khi khống chế lãi suất trong giao dịch dân sự không quá 20%/năm, trong khi lại cho phép lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng lại không có giới hạn.

Đặc biệt, pháp luật không phù hợp với thực tế hoặc đòi hỏi quá cao so với mặt bằng, nên việc vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính diễn ra một cách công khai, phổ biến, tràn lan, ngang nhiên, tạo ra tình trạng nguy hiểm là nhờn luật, coi thường pháp luật. Và chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hóa vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính.

Phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng bảo đảm tính nghiêm minh và trừng trị thông qua cơ chế bồi thường, phạt tiền, phạt hành chính thay cho xử phạt hình sự. Đặc biệt là phải giảm thiểu tình trạng, quy định bất cập của hệ thống pháp luật làm cho người phạm pháp nhiều khi lại có lợi hơn là chấp hành đúng pháp luật.

3.2. Nghiêm túc thực thi pháp luật:

Thứ nhất, bảo đảm nhận thức và áp dụng đúng pháp luật, mang lại công lý và sự công bằng đối với việc thực hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên thực tế;

Thứ hai, điều quan trọng hàng đầu là phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Nếu xử lý vi phạm không có tác dụng phòng ngừa, răn đe vi phạm, thì thậm chí còn gián tiếp khuyến khích vi phạm;

Thứ ba, đối với những vi phạm mang tính chất kinh tế, thì cần phải ưu tiên cho việc xử lý, khắc phục hậu quả kinh tế, hạn chế xử lý hình sự. Kể cả khi buộc phải xử lý hình sự thì cũng ưu tiên việc phạt tiền và giảm nhiều hình phạt tù;

Xây dựng nền kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh và được mất thì đồng thời phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và chấp nhận vi phạm. Mọi vi phạm cần phải bị lên án, xử lý, nhưng phải giảm thiểu xử lý bằng biện pháp hình sự. Tính nghiêm minh của pháp luật không đồng nghĩa với việc cứ phải xử lý về hình sự. Quan điểm sai khi xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa 02 tỷ đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 23 về “Phạt tiền”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (tối đa 03 tỷ đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 132 về “Xử lý vi phạm”, Luật Chứng khoán năm 2019) và mức phạt tiền xử phạt tối đa 10 tỷ đồng đối với vi phạm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

3.3. Giải thích và công bố án lệ cần thiết:

Nguy cơ diễn ra tình hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế và hành chính có hai dạng chính như sau:

Thứ nhất, là mô tả dấu hiệu định tội không xác định cụ thể về nhân thân người vi phạm, không định lượng về mức độ hành vi, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại, thì phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của các cá nhân và cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử;

Thứ hai, là mô tả dấu hiệu định tội cụ thể về nhân thân người vi phạm, định lượng về mức độ hành vi, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại thì nhiều trường hợp không đúng với bản chất sự việc do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng và đặc biệt là có thể thiếu yếu tố về mặt chủ quan.

Do đó, giải pháp là cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các các tội dạng này, đồng thời công bố các án lệ cần thiết để áp dụng thống nhất, đúng pháp luật và đúng mục đích.

Về lâu dài, cần rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự để làm rõ các vấn đề như đã nêu trong bài viết này./.

—————

Hà Nội ngày 26-3-2023

Luật sư Trương Thanh Đức,

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

Bài viết được lưu tại đây:

[1]   Tổng hợp thông tin từ một số báo như VOV.vn, Vietnamnet, Tuổi trẻ trong các năm 2021 – 2022.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,611