46. Hợp đồng tín dụng có bị vô hiệu khi không có tài sản bảo đảm?

(TCNH) Qua Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, kháng nghị Bản án kinh tế phúc thẩm của Toà Phúc thẩm – TAND Tối cao tại Hà Nội, xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Công ty Thương mại Hồng Bàng Hải Phòng gần đây, buộc các cán bộ ngân hàng phải đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu hợp đồng tín dụng liệu có bị vô hiệu toàn bộ khi không có tài sản bảo đảm hoặc vi phạm các thủ tục về thế chấp, cầm cố tài sản bảo đảm?

Nội dung vụ tranh chấp trên có thể tóm tắt như sau: Công ty Thương mại Hồng Bàng là một DNNN, đã vay của Hội sở Giao dịch Hải Phòng – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam 3,3 tỉ đồng thông qua 3 khế ước ký vào các ngày 22-6, 30-6 và 4-8-1995. Công ty đã dùng hai khu cửa hàng và khách sạn, giá trị 7 tỉ đồng, được UBND Thành phố Hải Phòng giao theo chế độ tự quản, để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Sau đó Ngân hàng Hàng Hải đã khởi kiện ra Toà án. Ngày 3-11-1997, Toà Kinh tế – TAND Thành phố Hải Phòng đã xét xử sơ thẩm và ngày 20-10-1998, Toà Phúc thẩm – TAND Tối cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án trên và quyết định: Công ty Thương mại Hồng Bàng phải thanh toán cho Ngân hàng Hàng Hải 3,3 tỉ đồng tiền gốc và 1.746.650.000 đồng tiền lãi (Ngân hàng Hàng Hải chấp nhận không tính thêm tiền lãi kể từ ngày xét xử sơ thẩm). Các Bản án không đưa ra phán quyết gì về việc xử lý các tài sản thế chấp nói trên. Hậu quả pháp lý của việc này là: Công ty Thương mại Hồng Bàng vẫn phải trả đủ gốc và lãi cho Ngân hàng Hàng Hải, nhưng các tài sản nói trên không được xử lý với tư cách là các tài sản thế chấp để thu nợ, hay nói cách khác, khoản nợ trên không có tài sản bảo đảm.

Thế nhưng, ngày 29-04-1999, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có Quyết định kháng nghị số 05/KS-KNAKT, kháng nghị Bản án phúc thẩm nói trên và đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND Tối cao xét xử, sửa án phúc thẩm theo hướng: Kết luận hợp đồng tín dụng giữa Công ty Thương mại Hồng Bàng và Ngân hàng TMCP Hàng Hải – Hội sở Hải Phòng bị vô hiệu toàn bộ vì đã “vi phạm pháp luật về thủ tục thế chấp tài sản”. Và vì là hợp đồng vô hiệu toàn bộ, nên Công ty Thương mại Hồng Bàng chỉ phải trả nợ gốc, mà không phải trả nợ hơn 1,7 tỉ đồng tiền lãi.

Vậy, vấn đề đặt ra là: Việc thực hiện các quy định về thế chấp tài sản ảnh hưởng như thế nào đến giá trị pháp lý của hợp đồng tín dụng và nếu có sự “vi phạm pháp luật về thủ tục thế chấp tài sản”, thì hợp đồng tín dụng có bị coi là vô hiệu toàn bộ hay không?

 

Theo tôi, những căn cứ mà Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao nêu ra trong bản Kháng nghị để dẫn đến kết luận hợp đồng tín dụng giữa hai bên bị vô hiệu toàn bộ là thiếu cơ sở pháp lý và thực tế, vì những lý do sau đây:

1- Thế chấp chưa phải là một biện pháp bắt buộc:

Kháng nghị đã viện dẫn quy định sau đây của khoản 1, Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế:

Thế chấp tài sản là dùng số động sản, bất động sản hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm tài sản cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Việc thế chấp tài sản phải được làm thành văn bản riêng có sự xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh  (trường hợp không có cơ quan công chứng)”.

Nếu theo đúng quy định này, thì các DNNN sẽ không được phép mang tài sản đi thế chấp, vì không có “động sản, bất động sản hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình”, mà các tài sản của DNNN đều thuộc sở hữu của Nhà nước. Chính vì vậy, Điều 1, Quy định về Thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, ban hành theo Quyết định số 156/NH-QĐ ngày 18-11-89 của Thống đốc NHNN Việt Nam đã ghi rõ: “Các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh, các hộ tư doanh, cá thể và các tổ chức liên doanh tập thể tư nhân sản xuất làm dịch vụ, cán bộ công nhân viên làm kinh tế gia đình (gọi tắt là bên vay) khi vay vốn ngân hàng phải có tài sản làm thế chấp cho mỗi lần vay“. Quy định này không áp dụng với các DNNN vay vốn ngân hàng. Điều này cũng đã được khẳng định bằng Công văn số 391/CV-NCKT ngày 25-9-1997 của NHNN Việt Nam khi trả lời Ngân hàng Hàng Hải về việc thế chấp tài sản của DNNN.

Hơn nữa, theo Điều 5, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, thì việc có thế chấp để bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế hay không, là hoàn toàn thuộc về “quyền thoả thuận” của các bên, chứ pháp luật không bắt buộc.

Như vậy, vào thời điểm đó việc cho vay đối với DNNN có phải thế chấp hay không chỉ còn phụ thuộc vào quy định của Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế, ban hành kèm theo Quyết định số 198-QĐ/NH1 ngày 16-9-1994 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Nhưng trên thực tế, thì sao?

2- Không thực hiện được việc thế chấp đối với DNNN?

Tại những thời điểm ký kết các hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Thương mại Hồng Bàng, việc thế chấp của DNNN chỉ mới được quy định trong Điều 6, Luật DNNN, có hiệu lực từ ngày 30-4-1995: “DNNN hoạt động kinh doanh có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp, trừ những thiết bị, nhà xưởng quan trọng theo quy định của Chính phủ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép...”

Và cho đến nhiều tháng sau, mới có các văn bản dưới đây quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về việc thế chấp tài sản của DNNN:

– Quyết định số 1215-TC/QĐ-TCDN ngày 4-12-1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính uỷ quyền cho Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý tài chính doanh nghiệp;

– Thông tư liên bộ số 01-TT/LB ngày 3-7-1996 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp hướng dẫn thủ tục về thế chấp, cầm cố tài sản đối với DNNN và thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố và bảo lãnh;

– Quyết định số 861-TC/TCCB ngày 14-9-1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp;

–  Quy chế Quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với DNNN, ban hành kèm theo Nghị định số 59-CP ngày 3-10-1996 của Chính phủ;

– Ngoài ra, còn có Quy định nội dung, nhiệm vụ quản lý và thẩm quyền xử lý các vấn đề tài chính của các Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, ban hành kèm theo Quyết định số 838-TCDN/QĐ/VP ngày 4-10-1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Như vậy, những văn bản trên, đều được ban hành sau khi Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Thương mại Hồng Bàng đã ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng cũng như văn bản cam kết thế chấp. Chính vì vậy, nên Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng không thể xác nhận tài sản thế chấp của Công ty Thương mại Hồng Bàng và theo đó, Cơ quan Công chứng Nhà nước cũng không thể làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Thương mại Hồng Bàng.

Trong số các văn bản mà Kháng nghị của Viện kiểm sát đã viện dẫn để chứng minh rằng, việc thế chấp vay vốn giữa hai bên là trái pháp luật lại có cả 2 Quyết định số 1215 và 861 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành sau khi các bên đã thực hiện việc thế chấp (?!).

Tóm lại, tại thời điểm cho Công ty Thương mại Hồng Bàng vay vốn, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam không thể thực hiện đúng thủ tục thế chấp tài sản theo các quy định được ban hành sau khi hai bên đã ký kết và thực hiện các hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, để tăng cường trách nhiệm của Công ty Thương mại Hồng Bàng trong việc sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ, sau khi xem xét Phương án kinh doanh, Ngân hàng đã chấp nhận cho vay và nhận một số tài sản thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng. Sau khi phát sinh giao dịch kinh tế, các tài sản bảo đảm đó đã được các cơ quan chức năng của Thành phố Hải Phòng đề nghị cấp có thẩm quyền của Thành phố ra quyết định giao vốn bằng tài sản. Thực tế, đến nay các tài sản trên đã được UBND Thành phố Hải Phòng quyết định giao quyền quản lý cho Công ty Thương mại Hồng Bàng.

Phân tích những vấn đề trên để thấy rằng: Trong những năm qua, giữa pháp luật và thực tế của chúng ta luôn có một khoảng cách quá lớn, không thể vượt qua. Kết cục, khi xảy ra vi phạm, chỉ nhìn thấy đến lỗi của người thực hiện, của người dân, chứ mấy ai chê trách Nhà nước hoặc phán xét Pháp luật, nhân tố vô tình gây ra vô vàn điều oan trái.

Thậm chí, cho đến hiện nay còn có tình trạng một số cơ quan công chứng Nhà nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác nhất định không nhận công chứng hợp đồng thế chấp đối với DNNN. Trường hợp này thì không phải do lỗi của văn bản mà lỗi của cơ quan Nhà nước áp dụng pháp luật. Công văn số 417-CV/NH14 ngày 31-5-1997 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện những giải pháp cấp bách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tín dụng ngân hàng, chỉ hướng dẫn: “Các DNNN vay vốn của ngân hàng thương mại quốc doanh không phải thế chấp”. Thế nhưng một số cơ quan công chứng Nhà nước đã hiểu sai lệch là, DNNN vay vốn ngân hàng TMCP cũng không phải thế chấp. Vậy, dù các Ngân hàng TMCP có muốn làm đúng pháp luật về thủ tục thế chấp thì cũng đành chịu. Tất nhiên, sau này đưa ra Toà, thì pháp luật sẽ kết luận ngân hàng vi phạm chứ làm sao có thể đổ tội được cho công chứng làm sai?

3- Hợp đồng tín dụng không vi phạm điều cấm của pháp luật:

Với nội dung như trên, Kháng nghị đã nhận xét Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam “vi phạm pháp luật về thủ tục thế chấp tài sản” thì không có điều gì phải bàn cãi. Nhưng từ đó, Kháng nghị đã căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 8, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cho rằng hợp đồng tín dụng bị vô hiệu toàn bộ.

Kết luận này của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao là không đúng với khoản 1, Điều 8, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, quy định hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ khi: “Nội dung hợp đồng kinh tế vi phạm điều cấm của pháp luật”. Toàn bộ hồ sơ vụ việc cũng như qua hai phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã thể hiện rõ, nội dung hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Thương mại Hồng Bàng không có điều khoản nào vi phạm điều cấm của pháp luật, từ các điều khoản về chủ thể cho vay, đối tượng cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, mục đích cho vay,… cho đến biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. ở đây cũng cần nói thêm là, việc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật không đồng nhất và đôi khi khác hoàn toàn với việc “vi phạm điều cấm của pháp luật”.

Thậm chí, nếu cứ cho rằng, việc thế chấp như trên là “vi phạm điều cấm của pháp luật”, thì cũng không thể vì thế mà dẫn đến hậu quả hợp đồng tín dụng bị vô hiệu toàn bộ, vì việc thế chấp chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, chỉ được coi như một hợp đồng phụ trong mối quan hệ với hợp đồng chính là hợp đồng tín dụng. Đáng tiếc, trong trường hợp này, Kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao dường như đã đồng nhất hợp đồng thế chấp với hợp đồng tín dụng.

Kháng nghị cho rằng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã vi phạm một trong những căn cứ pháp lý là điểm 4.1.5, khoản 4.1, Điều 4, Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế, ban hành kèm theo Quyết định số 198-QĐ/NH1 ngày 16-9-1994 của Thống đốc NHNN Việt Nam, trong có quy định một trong những điều kiện để được vay vốn là: “Phải thế chấp tài sản hoặc được bảo lãnh của người thứ ba đủ thẩm quyền”. Rõ ràng, Ngân hàng Hàng Hải có thực hiện quy định này, có nhận tài sản thế chấp chứ không phải hoàn toàn không có gì để bảo đảm tiền vay. Chỉ có điều, việc thế chấp không đúng pháp luật do những trở ngại như đã được phân tích ở trên. Nhưng, kể cả việc thế chấp có bị coi là trái với quy định trên đi chăng nữa, thì cũng không làm ảnh hưởng đến toàn bộ hiệu lực của hợp đồng tín dụng, vì khoản 2, Điều 8, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã quy định cụ thể: “Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng”. Hơn nữa, điểm b, mục 3, phần II, Thông tư số 11-TT/PL ngày 25-5-1992 của Chủ tịch Trọng tài Kinh tế Nhà nước, hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế cũng giải thích rõ: “Trong một hợp đồng, có cả nội dung ký bị cấm, có nội dung ký hợp pháp thì phần nội dung ký hợp pháp vẫn có giá trị pháp lý”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế, ngay cả việc có nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, thì hợp đồng cũng chưa chắc đã bị vô hiệu toàn bộ, trong khi đó nội dung hợp đồng tín dụng nói trên không hề vi phạm điều cấm nào của pháp luật thì không thể đặt ra vấn đề vô hiệu.

Có hay không những điều đáng lo ngại?

Nếu Toà án chấp nhận nội dung kháng nghị như trên của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, thì sẽ có rất nhiều hợp đồng tín dụng bị coi là vô hiệu toàn bộ, trong đó các Ngân hàng sẽ cho vay mà không được phép thu lãi. Đó là tất cả những trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm hay chấp nhận nhà cửa thế chấp chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định hiện hành hoặc chưa qua công chứng.

Cuối cùng, qua vụ án kinh tế này, còn cho thấy một hiện tượng rất đáng lo ngại là, pháp luật hiện nay không đủ “thiêng” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ nợ nói chung và các Ngân hàng nói riêng. Một vụ án kinh tế, khách hàng không trả nợ, Ngân hàng đã yêu cầu một năm rưỡi mới được Toà án thụ lý giải quyết. Trải qua một năm rưỡi nữa xét xử và thắng kiện, nhưng không biết ngày nào người vay mới chịu trả tiền theo bản án nhân danh Nước CHXHCN VN và khi nào thì cơ quan thi hành án mới thực hiện được biện pháp cưỡng chế đối với một DNNN có đủ tài sản để trả nợ. Và bản án phúc thẩm mới có hiệu lực trên giấy lại bị kháng nghị vì lý do như trên…

Mặc dù pháp luật đã quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền kháng nghị các bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng nhiều bản án tiếp tục bị kháng nghị giám đốc thẩm. Theo Điều 74, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, năm 1994, thì chỉ Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao mới có quyền kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, còn Phó Viện trưởng chỉ có quyền kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Nhân dân địa phương. Nhưng trên thực tế lại có nhiều bản án của TAND Tối cao vẫn bị Phó Viện trưởng kháng nghị (cũng không ghi là ký thay Viện trưởng). Quyết định kháng nghị số 05/KS-KNAKT nói trên do Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Tuyết ký là một minh chứng. Thế nhưng, trước khi xét đến nội dung kháng nghị, không thấy ai xem xét đến tính chất pháp lý của những bản kháng nghị đó có đúng thẩm quyền do luật định không, có vô hiệu hay không, mà vẫn buộc phải chấp nhận thực tế.

Hiện nay, Điều 7, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30-9-1998 của Thống đốc NHNN đã tiếp tục quy định một trong những điều kiện để cho vay vốn của các TCTD là khách hàng phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN. Mặc dù Luật các TCTD đã có hiệu lực trên 8 tháng, nhưng vẫn chưa có quy định nào của Chính phủ về bảo đảm tiền vay. Điều này đã và đang gây ra không ít khó khăn, lúng túng cho các TCTD trong việc cấp tín dụng, nhất là trên thực tế các cơ quan pháp luật có những cách hiểu rất khác nhau về bản chất pháp lý của chế định bảo đảm tiền vay trong mối quan hệ với hợp đồng tín dụng.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

Bài viêt đã đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 6-1999

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,920