48. Về quy định cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước không được tham gia quản lý các tổ chức tín dụng

(TCNH) – Pháp luật của Việt Nam nhìn chung còn nhiều bất cập và đã gây ra không ít khó khăn, bức xúc trong nhiều lĩnh vực, nhất là những vấn đề còn thiếu các quy phạm điều chỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mặc dù đã có các quy định rất cụ thể nhưng vẫn gặp phải vướng mắc trên thực tế do thiếu sự thống nhất trong nhận thức luật pháp.

Dưới đây xin phân tích về các quy định của pháp luật trong việc cấm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia thành lập và quản lý các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói chung cũng như các Ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng.

Khoản 6, Điều 32, Luật DNNN ngày 20-4-1995 đã quy định đối với DNNN thì: “Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc không được thành lập hoặc giữ các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…”.

Quy định trên đã bị nhiều tổ chức và cá nhân hiểu là: Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN không được thay mặt cho doanh nghiệp tham gia thành lập hoặc quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân và các công ty, do vậy đã gây ra không ít trở ngại trong việc góp vốn, mua cổ phần của DNNN vào các công ty, trong đó có các Ngân hàng thương mại cổ phần mà theo quy định bắt buộc phải có sự góp vốn của Nhà nước. Để tháo gỡ vấn đề này và trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, ngày 14-6-1999, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2613/VPCP-KTTH, thông báo ý kiến của một Phó Thủ tướng tại cuộc họp ngày 07-5-1999: “Trước mắt cho phép Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN là đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước vào TCTD cổ phần, được tham gia quản lý các TCTD cổ phần…”.

Theo tôi, việc hiểu và xử lý vấn đề như trên là không chính xác, vì các lý do như sau:

Thứ nhất: Để hạn chế tiêu cực và ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, Điều 32 của Luật DNNN đã cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN tham gia thành lập hoặc giữ các chức danh quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân và công ty nhưng là cấm với tư cách cá nhân, chứ hoàn toàn không cấm với tư cách là ngươì đại diện quản lý phần vốn góp của DNNN. Chẳng hạn, trong việc thành lập, quản lý và điều hành các Ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN nếu có tham gia thì với tư cách là người đại diện cho DNNN, là người đại diện cho các cổ đông pháp nhân. Còn cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc của DNNN chỉ không được phép tham gia thành lập, quản lý và điều hành Ngân hàng với tư cách là các cổ đông cá nhân của Ngân hàng thương mại cổ phần. Xét về góc độ kinh tế, thì chính những người có trách nhiệm cao nhất đối với tài sản của DNNN nói trên phải có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào việc quản lý phần vốn góp với các tổ chức khác thì mới có đủ thẩm quyền và khả năng quyết định công việc và mới bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp Nhà nước. Chẳng nhẽ chính người thay mặt Nhà nước để quản lý các DNNN lại không được phép đại diện, mà lại phải cử người lao động (là những người làm thuê) làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước?

Thứ hai: Chính việc cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN tham gia thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân cũng đã gián tiếp cho thấy đây chỉ là quy định cấm các đối tượng trên tham gia với tư cách cá nhân, chứ không cấm với tư cách đại diện cho DNNN. Vì doanh nghiệp tư nhân như chính tên gọi của nó, là loại hình doanh nghiệp chỉ có một chủ là cá nhân, nên không thể xảy ra trường hợp một tổ chức kinh tế nói chung hay một DNNN nói riêng tham gia vào việc thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân.

Thứ ba: Điều luật trên không cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN tham gia thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lý do là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy cũng là loại hình công ty TNHH, nhưng lại chỉ cho phép các đối tác liên doanh của Việt Nam là doanh nghiệp, mà không cho phép cá nhân tham gia. Vì vậy đương nhiên Điều luật không cần cấm các đối tượng trên tham gia thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Qua đó cho thấy, Điều luật chỉ nhằm ngăn cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN tham gia thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân và các công ty với tư cách cá nhân, chứ hoàn toàn không cấm tham gia với tư cách đại diện cho DNNN. Như vậy, Công văn số 2613/VPCP-KTTH ngày 14-6-1999 nói trên của Văn phòng Chính phủ đã giải quyết vấn đề không sát với tinh thần của Điều luật.

Để khắc phục tình trạng nhận thức không thống nhất về quy định trên, tại khoản 4, Điều 9, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 12-6-1999 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2000, đã quy định rõ hơn các đối tượng không được tham gia thành lập và quản lý công ty và doanh nghiệp tư nhân là: “Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các DNNN, trừ những người được cử làm đại diện để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác”.

Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, việc cấm các đối tượng là cán bộ, công chức và lãnh đạo DNNN tham gia thành lập, quản lý các doanh nghiệp, trong đó có các Ngân hàng cổ phần, vẫn phải thực hiện theo quy định của Điều 6, Luật Công ty ngày 21-12-1990; Điều 32 Luật DNNN ngày 20-4-1995 và Điều 17 Pháp lệnh Cán bộ, công chức số 01/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26-2-1998. Do đó, nếu như cho rằng, quy định tại Điều 32, Luật DNNN cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN tham gia với cả tư cách là đại diện cho doanh nghiệp, thì sẽ phải xem lại giá trị nội dung đã được thông báo tại Công văn số 2613/VPCP-KTTH nói trên. Chỉ vấn đề nào chưa được quy định hoặc chưa quy định rõ trong luật, thì các văn bản dưới luật mới được phép quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Còn khi luật đã cấm đoán rất cụ thể như trên, được một loạt cơ quan chức năng cùng hiểu theo một hướng, mà Thủ tướng Chính phủ lại “cho phép” với nội dung khác hẳn, thì rõ ràng việc này là trái với nguyên tắc pháp chế XHCN và vi phạm Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ngày 12-11-1996.

Như vậy, đương nhiên nội dung được đề cập đến trong Công văn trên không có giá trị gì về mặt pháp lý ngoài việc gián tiếp khẳng định lại một cách hiểu bất hợp lý: Luật DNNN cấm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc DNNN, với bất kỳ tư cách nào, tham gia thành lập và giữ các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Trong những trường hợp mà thực tế xảy ra cũng không hiếm như thế này, cần phải nhanh chóng sửa đổi pháp luật hoặc có sự giải thích áp dụng thống nhất pháp luật như đã phân tích ở trên hơn là sự giải quyết tình thế theo kiểu mạnh dạn cho phép và vận dụng pháp luật như vẫn diễn ra lâu nay ở nhiều ngành, nhiều cấp.

 

Điều hành nhưng không phải là điều hành

Chương II, Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) có tên là: “Tổ chức và điều hành các TCTD”, trong đó gồm có 3 mục như sau:

– Mục I: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

– Mục II: Cơ cấu tổ chức của TCTD;

– Mục III: Quản trị, điều hành và kiểm soát;

– Mục IV: Hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ.

Theo cách phân biệt tên của mục III và theo các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thì ba việc “quản trị”, “kiểm soát” và “điều hành” trong một TCTD là hoàn toàn khác nhau. Nhưng tất cả những cái đó cùng với đề 3 mục khác lại được khái quát hoá và thể hiện chung ở tên chương chỉ với hai khái niệm là “tổ chức” và “điều hành” thì hoàn toàn có thể hiểu là việc “quản trị” và “kiểm soát” cũng chỉ là những phần việc nằm trong việc “điều hành” của các TCTD. Thực chất, rõ ràng cùng là hai chữ “điều hành”, nhưng chúng lại chứa đựng những nội dung và có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Như vậy, “điều hành” ở tên mục III thì đúng là “điều hành”, còn “điều hành” ở tên chương thì chưa chắc đã phải là “điều hành”.

Quản lý của Luật doanh nghiệp là quản trị, kiểm soát, điều hành

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

 

______

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngân hàng số 14/8-1999

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,643