49. Phân biệt “điều”, “khoản”, trong các văn bản pháp quy.

(NN&DS) – Khác với các tác phẩm văn học hay các công văn hành chính, mỗi văn bản pháp quy đều phải được trình bày theo một bố cục chặt chẽ, rõ ràng để thể hiện được các nội dung cần điều chỉnh một cách cô đọng, chính xác và chi tiết. Nhưng cho đến nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12-11-1996 mới chỉ quy định về bố cục của luật và pháp lệnh, còn các loại văn bản pháp quy khác còn bỏ ngỏ, nên đã và đang xảy ra tình trạng không thống nhất về bố cục. Dưới đây xin nêu lên một số vấn đề liên quan đến bố cục của văn bản pháp quy xét dưới góc độ ngôn ngữ.

Loại văn bản pháp quy có bố cục theo “chương – điều”:

Trong loại văn bản này, được bố cục lần lượt từ tổng thể đến chi tiết thành: Phần – chương – mục – điều – khoản – điểm. Bố cục này thường được áp dụng đối với các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định và một số văn bản pháp quy phụ (ban hành kèm theo các văn bản trên) như: Quy chế, quy định, điều lệ,…. Trên thực tế, chỉ có Bộ luật Hình sự năm 1989 và Bộ luật Dân sự năm 1995 được chia thành các “phần”, còn các đạo luật khác chỉ chia thành các “chương” trở xuống. Các bố cục trên đều được đánh thứ tự (theo số hoặc chữ cái), trong đó “phần”, “chương”, “mục” và “điều” bao giờ cũng được ghi rõ tên gọi, còn “khoản” và “điểm” thì không. Dưới “điểm” còn có các “đoạn”, nhưng đó không phải là một bố cục chính thức, nên không được đánh thứ tự và cũng không được ghi rõ tên gọi.

Nếu như các “phần”, “chương” và “điều” được đánh thứ tự liên tục trong cả văn bản, thì các “mục”, “khoản” và “điểm” lại chỉ được đánh thứ tự trong phạm vi “chương”, “mục” và “khoản” tương ứng. Có thể nói, trong loại văn bản này, “điều” đóng vai trò như là “đơn vị” bố cục của văn bản, tương tự như đối với khái niệm “đồng” là đơn vị tiền tệ của Việt Nam. Tức là bao giờ cũng có các “điều”, còn các bố cục khác có hay không tuỳ thuộc vào phạm vi điều chỉnh và mức độ phức tạp của văn bản. Khi viện dẫn đến một nội dung cụ thể nào đó, thì chỉ cần viện dẫn thẳng đến “điều”, mà không cần phải nhắc đến “phần”, “chương” hoặc “mục” (trừ trường hợp viện dẫn chung cả một “phần”, “chương” hay “mục”).  Có lẽ vì thế mà chữ “điều” luôn được viết hoa, trong khi các thành phần khác thì không. Tại kì họp thứ 5, Quốc hội khoá 10 vừa qua đã có ý kiến thắc mắc tại sao “điều” thì được viết hoa, còn “khoản”, “điểm”,… thì lại không? Nếu chỉ xét về chính tả thông thường, thì sẽ không thể lý giải được câu hỏi này.

Tuy nhiên, trên thực tế việc gọi tên các bố cục văn bản pháp quy còn khá tự do, tuỳ tiện, không thống nhất, làm cho đôi khi rất khó phân biệt tên gọi của các “khoản”, “điểm”, “tiết”,… ngay cả đối với các luật gia. Cùng một bố cục ấy, nhưng chỗ này thì gọi là “phần”, chỗ kia lại gọi là “mục” hoặc nơi này thì gọi là “khoản” nơi khác lại gọi là “điểm” hoặc “tiết”,…

Ví dụ: Điều 22, Điều lệ Trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, ban hành kèm theo Nghị định số 36-CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ cũng được chia thành “khoản 1” và “khoản 2” như thường lệ. Nhưng đến Điều 42, thì lại được chia thành “khoản a” và “khoản b”; sau đó “khoản a” lại được chia thành các “điểm 1”, “điểm 2”,… Và khi “khoản b”, Điều 42 viện dẫn đến Điều 22 thì lại biến “khoản 1, Điều 22” thành “điểm 1, Điều 22”. Sau đó đến khoản 17, Điều 2, Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26-9-1998 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 36-CP nói trên thì “khoản a, Điều 42” lại được biến thành “điểm a, Điều 42”[1]. Như vậy, sau khi được “trao đi, đổi lại” giữa 3 Điều luật, đã có hai lần “khoản” bị biến thành “điểm” và cuối cùng thì không thể phân biệt được trong các Điều trên, đâu là “khoản” và đâu là “điểm” nữa.

Hoặc như Quyết định số 229/QĐ/1999/NHNN5 ngày 3-7-1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc “cho phép Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam được áp dụng một số Điều, khoản sửa đổi trong bản Điều lệ”, đã gọi các bố cục theo hai cách: Điểm – khoản – điều và điểm – tiết – khoản – điều. Như vậy, “điểm” vừa là bố cục thuộc “khoản” lại vừa là bố cục thuộc “tiết”?

Loại văn bản pháp quy có bố cục theo “mục – điểm”:

Trong loại văn bản này, bố cục thường được phân chia lần lượt từ tổng thể đến chi tiết thành: Phần – mục – điểm. Riêng “đoạn” thì cũng được hiểu như loại văn bản trên. Bố cục này thường được sử dụng đối với các nghị quyết, thông tư,  chỉ thị. Nếu như ở trên là “điều”, thì trong loại văn bản này, “điểm” đóng vai trò như là “đơn vị” bố cục của văn bản. Tức là bố cục chính thức của loại văn bản này bao giờ cũng có các “điểm”, còn “phần”, “mục” và “tiết” có thể có hoặc không. Khác với các văn bản chia theo “điều – khoản”, trong loại văn bản này chỉ có bố cục nào lớn nhất mới được đánh thứ tự liên tục từ đầu đến cuối, còn những bố cục khác thì không (Nếu văn bản chia thành “điểm”, thì chỉ có “điểm” được đánh thứ tự liên tục; nếu chia thành “mục”, thì chỉ có “mục” được đánh thứ tự liên tục và nếu chia thành “phần”, thì chỉ có “phần” được đánh thứ tự liên tục). Và cũng khác với loại văn bản có bố cục “điều – khoản”, khi viện dẫn đến một nội dung cụ thể nào đó của loại văn bản này, thì phải viện dẫn từ bố cục nhỏ nhất cho đến tất cả các bố cục lớn hơn.

Các “phần”, “mục”, “điểm” thường không được nêu đích danh tên gọi như thế, mà chỉ được “gọi ra” khi trong chính văn bản đó hoặc trong các văn bản khác phải viện dẫn đến các bố cục ấy. Thường thì, việc gọi thế nào là phải xét từ bố cục từ dưới lên. Nếu một thông tư chỉ được chia thành 1, 2, 3,… thì gọi đó là các “điểm”; nếu trên đó lại được đánh thành I, II, III thì gọi là “mục”,… Điều này có thể so sánh với quan hệ trong gia đình, cùng là một người, chỉ được gọi là “chồng” khi đã có “vợ”, là “bố” khi đã có “con” hoặc là “ông” khi đã có “cháu”. Có điều theo bố cục văn bản trên, “điều” bao giờ cũng được viết hoa, nhưng “điểm” trong loại văn bản này thì lại không giành được cái “vinh dự” đó?!

Tuy nhiên trên thực tế lại vô cùng phức tạp. Khá nhiều thông tư lại được gọi theo bố cục khác như: Mục – khoản – điểm (thêm “khoản”) hoặc phần – điểm (bỏ qua “mục”),… Ví dụ:

– Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25-6-1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch được chia thành: I, II,… – A, B,… – 1, 2,… – a, b,… – (-, -,…) trong đó gọi I, II là mục; A, B là điểm; 1, 2 cũng là điểm; a, b cũng lại là điểm và A.1, A.2 cũng vẫn là điểm;

–  Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin có Thông tư số 85/1999/TT-BVHTT ngày 19-6-1999 hướng dẫn thực hiện một số điểm về hoạt động quảng cáo, trong đó bố cục được phân thành: Chương – điều – khoản – điểm, khác hẳn với các bố cục thông thường của một thông tư do các Bộ khác ban hành.

– Thông tư số 01/1999/NHNN7 ngày 16-4-1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17-8-1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối, thì lại được chia thành: Chương – mục – điểm,… tức là pha trộn giữa loại văn bản có bố cục “điều – khoản” và loại bố cục theo “mục – điểm”?

– Nghị quyết số 58/1998/UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1-7-1994” lại được chia thành: Mục – điều – khoản – điểm. Như vậy, một văn bản lại chứa đựng cả hai bố cục, trong đó “mục” và “điểm” là thuộc bố cục của văn bản nghị quyết, còn “điều” và “khoản” lại là bố cục của một pháp lệnh?

Riêng “tiết” cũng là một khái niệm không rõ ràng, nhiều khi khó xác định. Đó là thuật ngữ được dùng phổ biến trước kia và tương đương với khái niệm “điểm” hiện nay, nhưng trên thực tế vẫn được dùng lẫn lộn. Một trong những nguyên nhân là do loại văn bản pháp quy có bố cục theo “mục – điểm” được chia thành quá ít thang bậc bố cục (phần, mục và điểm). Nhưng lý do chính vẫn là do không có quy định thống nhất nào về vấn đề này.

Việc đánh thứ tự bố cục văn bản pháp quy

Do chưa có quy định chuẩn hoá, nên không có sự thống nhất trong việc đánh số thứ tự các bố cục. Khi nào đánh thứ thự bằng từ ngữ (như phần một, mục hai) khi nào ghi bằng chữ cái (như mục A, điểm b), khi nào ký hiệu bằng chữ số; bố cục nào dùng chữ in thường, bố cục nào sử dụng chữ in hoa,…? Những vấn đề đó nhiều khi chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm và thói quen của những người soạn thảo. Một số văn bản pháp quy của các ngành lại đánh số thứ tự các điều, khoản theo kiểu 1.2, 4.6.8, I.2.a,… Có lẽ từ đó nảy sinh ra cách gọi tắt “điều khoản”. Ví dụ, gọi “điều khoản 1.2” thì hiểu rằng đó là cách gọi tắt của khoản 1.2, Điều 1; gọi điều khoản 4.6.8 thì hiều rằng đó là cách gọi tắt của điểm 4.6.8, khoản 4.6, Điều 8. Tuy nhiên có văn bản lại gọi tắt theo kiểu quy tất về một đầu mối. Ví dụ, gọi “điểm a, mục 1, phần II” là “mục II.1.a” hoặc “phần II.1.a” ?!

Một số văn bản pháp quy lại có kiểu đánh thứ tự (i), (ii), (iii),… và cuối cùng thì không biết phải gọi tên các “chấm” và các chữ “i” ấy là gì nữa, trong khi luật, pháp lệnh và nghị định chưa bao giờ trình bày theo kiểu đó. Một số văn bản khác thì lại trình bày phức tạp, thiếu khoa học với quá nhiều tầng lớp nội dung, nên khi phải sửa đổi hoặc cần viện dẫn thì đành phải mô tả nôm na theo kiểu gạch đầu dòng thứ nhất, dấu cộng thứ hai, dấu sao ở trang ba,… Ví dụ, tiết b, điểm 9 của Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5-8-1998 của TAND Tối cao, VKSND Tôi cao và Bộ Công an đã viện dẫn như sau: “b- Hướng dẫn tại dấu (+) thứ hai của dấu (*) thứ hai tiết b điểm 4 mục II phần B của Thông tư liên tịch số 01/1998…”

Về sử dụng dấu giữa các bộ phận bố cục văn bản cũng là điều đáng bàn. Hiện nay có ba cách viết khi liệt kê các bố cục, một là không dùng dấu phảy (ví dụ, viết: Điểm 1 khoản 2 mục A phần III Thông tư số 04…); hai là chỉ dùng một hoặc một số dấu phảy; ba là đánh tất cả các dấu phảy giữa các bố cục (ví dụ, viết: Đoạn 1, điểm 2, khoản 3, Điều 4, Luật số 05…). Cách dùng nào đúng hơn, thì có lẽ phải chờ ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, nhưng theo tôi nên dùng theo cách thứ ba.

Như vậy, các văn bản pháp quy của nước ta không chỉ sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn về nội dung như nhiều ý kiến đã phản ánh, mà còn có sự lộn xộn, thiếu thống nhất về cả mặt hình thức.

 

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 11-1999

Hải Phòng 10-1999

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,902