005. Hành lang pháp lý cho dịch vụ đòi nợ

(KTVN) – Ngày 10/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) tổ chức cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các doanh nghiệp và giới luật sư đóng góp cho dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Quan điểm của các bên tham gia đều ủng hộ sự cần thiết phải có một cơ chế pháp lý cho loại hình kinh doanh này, song cũng còn nhiều ý kiến không thống nhất với một số điều quan trọng của dự thảo.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, theo thống kê sơ bộ thì hiện nay tại Việt Nam có khoảng 70 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực thu hồi nợ, đòi nợ, ngoài ra cũng còn không ít các văn phòng luật sư cũng cung cấp dịch vụ tư vấn này.

Như vậy, có thể nói, loại hình kinh doanh này là một nhu cầu thực tế, thiết yếu của xã hội và nợ đã được coi như một thứ hàng hóa trong nền kinh tế.

Khung pháp lý là cần thiết

Đại diện Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định –  khẳng định rằng quan hệ dân sự ngày càng đa dạng, phức tạp làm nảy sinh nhu cầu về dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam. Đây là nhu cầu thực tế của xã hội và đang trở nên thường xuyên với nhiều tổ chức, cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có mạng lưới khách hàng rộng lớn như bưu chính viễn thông, điện, nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định điều kiện kinh doanh không phân biệt thành phần kinh tế đối với các dịch vụ đòi nợ, Ban soạn thảo cho rằng dịch vụ đòi nợ cần phải đảm bảo được hai mục tiêu: thứ nhất là đáp ứng nhu cầu chính đáng về dịch vụ đòi nợ trong nền kinh tế và thứ hai là cần ngăn chặn, hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp, đảm bảo cho hoạt động này được tiến hành đúng pháp luật, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của xã hội.

Căn cứ trên những nguyên tắc, mục tiêu này, dự thảo Nghị định quy định các đối tượng được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ được mở rộng theo hướng không phân biệt về thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp.

Hoạt động dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện bởi những doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ này (doanh nghiệp đòi nợ) và theo thoả thuận trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa bên chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ. doanh nghiệp đòi nợ không được thực hiện dịch vụ đòi nợ đối với nợ mà chính mình là khách nợ cũng như không được thực hiện hoạt động mua nợ.

Các khoản nợ được thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ theo quy định tại dự thảo Nghị định này là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự, có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các khoản nợ như: nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự, nợ chưa quá hạn thanh toán, nợ không có đủ giấy tờ pháp lý, nợ đang tranh chấp hay nợ đã được toà án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý sẽ không thuộc phạm vi thực hiện của dịch vụ đòi nợ.

Dự thảo quy định các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ phải có giấy phép kinh doanh với một số điều kiện cơ bản như: doanh nghiệp có số vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng; không trong tình trạng có nợ phải trả quá hạn; người quản trị, điều hành doanh nghiệp có trình độ chuyên môn về pháp luật hoặc tài chính, chấp hành tốt pháp luật Nhà nước…

Bộ Tài chính sẽ là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ đòi nợ.Dự thảo Nghị định cũng quy định doanh nghiệp đòi nợ không được thực hiện hoặc sử dụng những người ngoài doanh nghiệp mình, những tổ chức khác thực hiện các hành vi như: lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người, tổ chức khác có liên quan; xâm phạm đời tư của khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người khác có liên quan; sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ có liên quan bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài hoạt động dịch vụ đòi nợ, hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.

Giấy phép con, số vốn điều lệ – đã hợp lý?

Tất cả các bên tham gia buổi tọa đàm đều nhất trí với sự cần thiết, tất yếu của Nghị định này, họ khẳng định nó sẽ tạo thêm hành lang pháp lý hỗ trợ một trong những khâu bức xúc trong giao dịch kinh doanh và dân sự…

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số điều trong dự thảo chưa quy định rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan như chủ nợ, con nợ, doanh nghiệp đòi nợ và phí dịch vụ; đặc biệt là việc có cần hay không – giấy phép “con”, số vốn điều lệ tới 5 tỷ đồng, hoặc những yêu cầu chặt chẽ về điều kiện sử dụng và yêu cầu đối với người lao động trong doanh nghiệp đòi nợ.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng điều kiện thành lập và hoạt động dịch vụ đòi nợ quá chặt chẽ, không nên đưa dịch vụ này thành một hoạt động kinh doanh phải có giấy phép mà chỉ cần quy định là một hoạt động kinh doanh có điều kiện (không cần giấy phép).

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phương góp ý: để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp đòi nợ hoặc bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ban soạn thảo nên cân nhắc phương án có nhiều cơ quan được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ này chứ không chỉ mình Bộ Tài chính – chẳng hạn bộ có thể phân cấp cho các sở tài chính địa phương.

Thẳng thắn hơn nữa, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, nói: giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực chất là một “Giấy phép con siêu hạng”, đây là hoạt động rất mới ở nước ta, song không vì thế mà phải sinh ra giấy phép con.

Về vấn đề số vốn điều lệ, TS – Luật sư Nguyễn Ngọc Thạch nhận xét: Ban soạn thảo đã không đưa ra được cơ sở của việc quy định tại sao lại là 5 tỷ đồng cũng như mục đích của số vốn ấy. Hơn nữa doanh nghiệp đòi nợ không phải là một tổ chức tín dụng, do đó việc áp đặt tiêu chí vốn không thích hợp. Dự thảo Nghị định cũng chưa đưa ra chế tài hoặc biện pháp nào khả dĩ để có thể ngăn cản hoặc hạn chế tình trạng rất có thể xảy ra trong thực tế là doanh nghiệp đòi nợ sau khi thu hồi được nợ không chuyển trả lại khoản nợ cho chủ nợ…

Trịnh Minh Đức

———————————

Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 13-3-2006:

(68/1.369)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.744. Tín hiệu tích cực của ngành bảo hiểm...

(DĐDN) - Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.284. Hủy lệnh ngăn chặn giao dịch nhiều bất...

(TT) - Được bà Trương Mỹ Lan nhờ người đứng tên hộ, sau đó bất...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 209,745