50. Về cách tính lãi suất trong các hợp đồng vay tài sản

(TAND) – Các Toà án thường phải giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp về hợp đồng vay tài sản mà trong đó, lãi suất là một trong những vấn đề vướng mắc hay xảy ra. Tuy đã có một số văn bản hướng dẫn, giải thích của các cơ quan pháp luật, nhưng vẫn chưa giải đáp được rõ ràng và chính xác một số quy định về lãi suất. Nguyên nhân là do các quy định liên quan đến lãi suất còn quá phức tạp, không đồng bộ, thiếu cụ thể và thường xuyên thay đổi. Bài viết này xin nêu ra một số vấn đề về mức lãi suất tương ứng, về lãi suất cho vay trong hạn và về lãi suất cho vay quá hạn trong các hợp đồng vay tài sản.

1- Về mức lãi suất tương ứng trong hợp đồng vay tài sản

Điểm thứ 19, phần III, Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1-2-1999 của TANDTC đã giải thích về mức lãi suất tương ứng trong hợp đồng vay tài sản như sau: Tuy hướng dẫn tại điểm a và b, khoản 4, mục I, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản” không nêu cụ thể, nhưng trong ví dụ theo điểm này đã hướng dẫn cách tính cụ thể là: Khi tính lãi phải áp dụng mức lãi suất tương ứng (mức lãi suất cho vay cùng loại) của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xác lập hợp đồng (thời điểm vay), được ghi trên hợp đồng tín dụng hay khế ước vay tiền.

Tuy nhiên, trong ví dụ đó đưa ra một trường hợp cho vay, mà thời điểm xác định việc trả nợ tính từ ngày vay cho đến ngày xét xử sơ thẩm là 8 tháng nhưng lại áp dụng “mức lãi phải trả là mức lãi suất nợ quá hạn của loại vay trung hạn vì thời gian phải trả lãi quá 6 tháng”. Thực ra, trong trường hợp trên, thời hạn cho vay chưa quá 12 tháng, thì phải áp dụng “mức lãi suất tương ứng” là lãi suất ngắn hạn mới đúng. Như vậy, khái niệm “mức lãi suất tương ứng” hay mức lãi suất cho vay cùng loại được hướng dẫn trong Thông tư liên tịch 01/TTLT nói trên vừa không cụ thể, vừa không chính xác. Cho đến Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX nói trên cũng vẫn chưa thực sự làm rõ được “mức lãi suất tương ứng của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xác lập hợp đồng (thời điểm vay)” là mức lãi suất nào. Cụ thể, nếu trong một vụ tranh chấp mà thời hạn tính lãi là 8 tháng, thì áp dụng mức lãi suất tương đương của loại cho vay ngắn hạn hay trung-dài hạn?

Đến thời điểm hiện nay, việc “áp dụng mức lãi suất tương ứng của Ngân hàng Nhà nước” lại càng trở lên phức tạp hơn. Trước ngày 1-10-1998, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thì có sự phân biệt rõ ràng giữa hai mức lãi suất tương ứng với hai loại cho vay ngắn hạn (không quá 12 tháng) và cho vay trung-dài hạn (trên 12 tháng). Nhưng đến “Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30-9-1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì lại có sự trùng nhau tại thời điểm 12 tháng (cho vay ngắn hạn đến 12 tháng, cho vay trung-dài hạn từ 12 tháng trở lên). Đối với các ngân hàng thì sẽ không xảy ra sự lẫn lộn về thời hạn này, vì bao giờ trong hợp đồng tín dụng cũng ghi rõ các yếu tố cần thiết thể hiện đó là loại cho vay ngắn hạn hay trung-dài hạn. Nhưng đối với các quan hệ cho vay khác, thì sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp. Giả sử trong một hợp đồng cho vay giữa các cá nhân với nhau, ghi thời hạn vay đúng 12 tháng, thì phải hiểu nó tương ứng với loại cho vay ngắn hạn hay trung-dài hạn và Toà án phải áp dụng loại lãi suất tương ứng (cùng loại) nào để giải quyết tranh chấp?

Đặc biệt, theo Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1 ngày 29-5-1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về “quy định trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng”, thì cũng sẽ không thể xác định được “lãi suất tương ứng” với thời hạn cho vay. Vì nếu như trước đây Ngân hàng Nhà nước luôn quy định hai mức lãi suất ngắn hạn và trung-dài hạn khác nhau, thì cho đến Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1 chỉ còn quy định một mức trần lãi suất duy nhất đối với cả hai loại cho vay này.

Được biết, thay vì quy định các mức lãi suất cụ thể như thời gian qua, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ “xác định và công bố lãi suất cơ bản” theo quy định tại Điều 18, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì Toà án sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí không thể áp dụng được các mức lãi suất để xét xử các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân với nhau.

Những vấn đề trên cần phải được các cơ quan hữu quan hướng dẫn, giải thích kịp thời.

2- Về lãi suất cho vay trong hạn

Công văn số 16/1999/KHXX của TANDTC nêu lên một vướng mắc thực tế là, nếu áp dụng mức lãi suất tại thời điểm xác lập hợp đồng thì đối với những hợp đồng được xác lập rất lâu sẽ có mức lãi suất quá cao so với mấy năm gần đây[1]. Để giải quyết vướng mắc đó, Công văn đã hướng dẫn: Đối với những hợp đồng vay tài sản được xác lập đã lâu có mức lãi suất cao so với mức lãi suất đang áp dụng, thì khi giải quyết tranh chấp, Toà án áp dụng Quyết định số 79/QĐ-NH1 ngày 16-4-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh lãi suất tiền gửi và tiền vay. Theo quy định tại Quyết định này thì: “Số dư tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của dân cư và dư nợ vay Ngân hàng đến cuối ngày 19-4-1993 chuyển sang đều áp dụng theo lãi suất tại Quyết định này”. Do đó, các khoản vay được xác lập trước ngày 19-4-1993 mà đến ngày 19-4-1993 chưa trả và phát sinh tranh chấp, thì Toà án áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 79/QĐ-NH1 trên đây của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết, nghĩa là lãi suất cho vay cùng loại ở đây được xác định là mức lãi suất cho vay cùng loại tại thời điểm vay vốn được ghi trên hợp đồng hay khế ước vay tiền đến ngày 19-4-1993, còn từ ngày 19-4-1993 trở về sau thì lãi suất được xác định theo mức lãi suất cho vay cùng loại theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-NH1 nói trên.

Qua hướng dẫn trên, có hai vấn đề cần rất quan trọng được làm rõ là:

– Tại sao các khoản vay được xác lập trước ngày 19-4-1993[2] thì Toà án lại đều thống nhất “áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 79/QĐ-NH1”?

– Và tại sao “từ ngày 19-4-1993 trở về sau thì lãi suất được xác định theo mức lãi suất cho vay cùng loại theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-NH1”.

Sở dĩ có việc lấy mốc thời điểm để áp dụng lãi suất theo Quyết định số 79/QĐ-NH1 là vì, trong các Quyết định trước đây, Ngân hàng Nhà nước không quy định những số tiền vay nợ cũ được chuyển sang áp dụng theo lãi suất mới, mà vẫn áp dụng theo lãi suất tại các thời điểm cũ. Nhưng vấn đề đặt ra là: Nếu Toà án đã áp dụng lãi suất theo quy định trên của Ngân hàng Nhà nước thì tại sao lại không tiếp tục áp dụng theo các quy định khác, trong khi từ thời điểm tháng 4 năm 1993 đến nay, đã có tới 9 Quyết định của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất (không kể các quyết định về lãi suất ngoại tệ và điều chỉnh riêng lẻ) và có những điểm quy định khác nhau như sau:

– Quyết định số 184/QĐ-NH1 ngày 28-9-1993: “Số dư tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của dân cư và dư nợ vay ngân hàng đến cuối ngày 30-9-1993 chuyển sang đều áp dụng theo lãi suất tại Quyết định này”.

– Quyết định số 381/QĐ-NH1 ngày 28-12-1995: “Số dư tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, tiết kiệm không kỳ hạn của dân cư và dư nợ vay ngân hàng đến cuối ngày 31-12-1995 chuyển sang đều áp dụng theo lãi suất tại Quyết định này”.

– Quyết định số 191/QĐ-NH1 ngày 15-7-1996: “Các khoản cho vay phát sinh từ ngày 16 tháng 7 năm 1996 thi hành theo mức trần lãi suất quy định tại Quyết định này”.

– Quyết định số 225/QĐ-NH1 ngày 27-8-1996: “Các khoản cho vay phát sinh từ ngày 1 tháng 9 năm 1996 thi hành theo mức trần lãi suất quy định tại Quyết định này”.

– Quyết định số 266/QĐ-NH1 ngày 27-9-1996: “Các khoản cho vay của các tổ chức tín dụng phát sinh từ ngày 01 tháng 10 năm 1996 thi hành theo mức trần lãi suất tại Quyết định này”.

– Quyết định số 197/QĐ-NH1 ngày 28-6-1997: “Số dư các loại nợ quá hạn không phải là nợ quá hạn của tổ chức tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư phát sinh kể từ ngày 30 tháng 06 năm 1997 chuyển sang vẫn giữ mức lãi suất ghi trên hợp đồng vay vốn.

Các khoản cho vay của các tổ chức tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư phát sinh kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1997 thi hành theo mức trần lãi suất cho vay tại Quyết định này”.

– Quyết định số 39/1998/QĐ-NHNN1 ngày 17-1-1998: “Mức trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam nói trên áp dụng cho cả khu vực thành thị và nông thôn đối với các khoản cho vay phát sinh kể từ ngày 21 tháng 01 năm 1998. Số dư nợ cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến cuối ngày 20 tháng 01 năm 1998 tiếp tục thực hiện theo lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng tín dụng (khế ước vay tiền)”.

– Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1 ngày 29-5-1999: “Số dư nợ đã cho vay và các hợp đồng tín dụng chưa giải ngân đến hết ngày 31-5-1999 chuyển sang được tiếp tục thực hiện theo mức lãi suất đã thoả thuận trên hợp đồng”.

– Quyết định số 266/1999/QĐ-NHNN1 ngày 30-7-1999: “Số dư nợ đã cho vay và các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hết hoặc chưa giải ngân đến hết ngày 31-7-1999 chuyển sang được tiếp tục thực hiện theo mức lãi suất đã thoả thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng trong hợp đồng tín dụng. Việc xem xét điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay này theo trần lãi suất mới do Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng quyết định”.

Như vậy, theo các Quyết định về lãi suất nói trên, những khoản nợ vay tồn tại từ trước ngày 20-4-1993 đến nay phải được điều chỉnh lãi suất theo từng giai đoạn, trong đó có một số thời điểm được chuyển sang áp dụng theo mức lãi suất mới và có một số thời điểm thì vẫn giữ nguyên mức lãi suất cũ. Nếu căn cứ vào Quyết định số 79/QĐ-NH1, thì các khoản vay được xác lập trước ngày 19-4-1993 đều được chuyển sang áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 79/QĐ-NH1. Vậy sau đó không có lý do gì các khoản nợ cũ lại không được chuyển sang áp dụng theo các mức lãi suất cho vay đã được Ngân hàng Nhà nước quy định tại ít nhất là 3 mốc thời gian như sau:

– Từ ngày 01-10-1993: Đều chuyển sang áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 184/QĐ-NH1;

– Từ ngày 01-01-1996: Đều chuyển sang áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 381/QĐ-NH1;

– Từ ngày 01-06-1999: Đều chuyển sang áp dụng mức lãi suất theo Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1;

Các mốc thời gian còn lại vào các ngày 16-7-1996, theo Quyết định số 191/QĐ-NH1; ngày 1-9-1996, theo Quyết định số 225/QĐ-NH1; ngày 1-10-1996 theo Quyết định số 266/QĐ-NH1; ngày 1-7-1997, theo Quyết định số 197/QĐ-NH1 và ngày 21-1-1998, theo Quyết định số 39/1998/QĐ-NHNN1 thì không chuyển sang áp dụng mức lãi suất theo quy định mới mà vẫn áp dụng theo các mức cũ. Riêng mốc thời gian từ ngày 1-8-1999 theo Quyết định số 266/1999/QĐ-NHNN1 ngày 30-7-1999, thì việc xem xét điều chỉnh giảm hay không giảm lãi suất của các khoản vay thuộc quyền quyết định của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Công văn nói trên lại hướng dẫn: “còn từ ngày 19-4-1993 trở về sau thì lãi suất được xác định theo mức lãi suất cho vay cùng loại theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-NH1 nói trên”. Như vậy, giải thích trên không dựa trên cơ sở các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đoạn này đã làm cho đa số mọi người hiểu theo hai cách như sau:

– Từ ngày 19-4-1993 trở đi, lãi suất sẽ được tính cố định theo mức lãi suất cho vay cùng loại đã quy định trong Quyết định số 79/QĐ-NH1;

– Từ ngày 19-4-1993 trở đi, lãi suất sẽ đương nhiên được chuyển sang mức lãi suất mới mỗi khi Ngân hàng Nhà nước có quy định thay đổi lãi suất.

Cả hai cách hiểu trên đều không hợp lý và thiếu cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế . Vậy điều này rất cần được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ.

3- Về lãi suất cho vay quá hạn

Hiện nay Khoăn 2, ‡iậu 313;  khoăn 5, ‡iậu 471 Bộ luật Dân sự; Điều 233, Luật Thương mại; Điểm e, khoản 2, điều 13 Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của HĐBT quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 nói trên đều có quy định về việc nếu người có nghĩa vụ chậm thanh toán tiền vay (tiền gốc và lãi), thì phải trả lãi cho số tiền chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Các quy định đó có lẽ xuất phát từ thực tế nhiều năm trước đây, lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước luôn quy định với một mức cố định bằng 150% của lãi suất trong hạn.

Nhưng kể từ ngày 1-6-1999 trở đi, theo Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1 ngày 29-5-1999 nói trên, quy định về lãi suất quá hạn đã được thay đổi cơ bản như sau: “Lãi suất nợ quá hạn được thoả thuận cụ thể trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay và bên đi vay, nhưng tối đa không quá 150% mức lãi suất cho vay trong hạn cùng loại”. Điều đó có nghĩa là, lãi suất quá hạn trên có thể thay đổi trong khoảng bằng từ 100% cho đến < 150% lãi suất trong hạn. Vậy lãi suất quá hạn làm căn cứ để Toà án áp dụng xét xử các tranh chấp cho vay tiền sẽ là mức lãi suất tối đa (bằng 1,5 lần) hay mức lãi suất tối thiểu (bằng 1 lần) hay mức trung bình (bằng 1,25 lần) trong khoảng trên?

Đó cũng là vấn đề cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

 

Bài viết đăng Tạp chí Toà án Nhân dân số 11-1999

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,822