52. Chuẩn mực chữ cái Tiếng Việt.

(ANVI) – Tham luận tại buổi Toạ đàm về kết quả nghiên cứu đề tài:

“Tiếng Việt và chữ Việt trong đời sống văn hoá hiện thời”

do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chủ trì và tổ chức vào ngày 5-5-1999 tại Hà Nội)

 Ngôn ngữ không ngừng biến đổi theo thời gian và không gian, tuy nhiên, bao giờ cũng đòi hỏi những chuẩn mực nhất định. Một trong những vấn đề cơ bản trong chuẩn mực ngôn ngữ, đó là chuẩn mực chữ cái.

1- Về số lượng chữ cái

Có một câu hỏi tưởng như rất đơn giản, nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời chính xác, đó là: Tiếng Việt có bao nhiêu chữ cái? Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay gồm 22, 23, 24, 29, 33, hay bao nhiêu chữ cái? Thực tế diễn ra như sau:

– Một số tài liệu chỉ in Bảng chữ cái có 22 chữ. Ví dụ, cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt – Lớp 1” của NXB Giáo dục năm 1998 (cũng như 1996);

– Bên cạnh đó, nhiều sách lại in Bảng chữ cái gồm 23 chữ;

– Những năm 1970, thì các sách giáo khoa in Bảng chữ cái gồm 24 chữ (có cả chữ z);

– Sách giáo khoa trong một số năm đầu cải cách giáo dục, thì lại in Bảng chữ cái gồm 29 chữ (gồm cả các chữ: ă, â, ê, ô, ơ và ư);

– Một số cuốn từ điển tiếng Việt, mà gần đây nhất là cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên và cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá, do Nguyễn Như ý chủ biên (xuất bản  năm 1999) lại in một “Bảng chữ cái” gồm 33 chữ, nhưng không giải thích rằng đó là Bảng chữ cái gì.

Ngoài ra, việc đánh thứ tự theo chữ cái trong các văn bản pháp quy bằng tiếng Việt của Nhà nước ta hiện nay có tới 4 kiểu. Qua đây còn giám tiếp xuất hiện thêm 2 Bảng chữ cái nữa, ngoài việc đánh thứ tự theo Bảng chữ cái 22 hoặc 23 chữ nói trên,  đó là:

– Đánh thứ tự kết hợp theo Bảng chữ cái tiếng Việt 22 chữ và một số chữ la tinh như: f, j,.. (Bảng chữ cái 26 chữ);

–  Đánh thứ tự hỗn hợp theo Bảng chữ cái tiếng Việt 23 chữ (có cả chữ ă) và một số chữ la tinh như: f, j,.. (Bảng chữ cái 27 chữ).

Theo tôi, cần thống nhất Bảng chữ cái tiếng Việt gồm có 29 chữ, vì:

– Nếu Bảng chữ cái chỉ gồm 22 chữ như sách Tiếng Việt – Lớp 1 hiện nay, thì rất đáng tiếc cho tiếng Việt, vì chữ “đ” đã không còn có mặt trong Bảng chữ cái tiếng Việt;

– Nếu Bảng chữ cái chỉ gồm 23 chữ, thì 6 chữ thuần Việt là: ă, â, ê, ô, ơ và ư cũng sẽ không được coi là chữ cái tiếng Việt. Tuy nhiên, cuốn sách “Tiếng Việt – Lớp 1″ và cuốn “Chuẩn bị cho bé vào lớp 1” của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1998, cũng vẫn phải gọi 6 chữ đó là “chữ cái” và tất nhiên chỉ có thể là chữ cái tiếng Việt;

– Nếu Bảng chữ cái gồm 24 chữ, thì lại có thêm một chữ z không phải là chữ cái tiếng Việt, mặc dầu trước kia, Bác Hồ đã từng sử dụng chữ z để viết một số chữ như “nhân zân”.

– Bảng chữ cái cũng không thể gồm 33 chữ (ngoài 29 chữ cái tiếng Việt, còn có thêm 4 chữ cái la tinh là: f, j, w và z). Bảng chữ cái gồm 33 chữ được in trong các cuốn từ điển, theo tôi cần phải được gọi bằng một khái niệm mới, đó là “Bảng chữ cái từ điển”. Tương tự, kiểu đánh thứ tự theo chữ cái trong các nhà hát và rạp chiếu bóng hiện nay có thể gọi là sử dụng “Bảng chữ cái rạp hát”… vì đôi khi nó không theo Bảng chữ cái tiếng Việt, cũng chẳng phải là Bảng chữ cái tiếng La tinh hay tiếng Anh.

– Ngoài ra, Bảng chữ cái cũng không cần tính đến chữ cái ghép như: ch, gh, kh, ng, nh, ph, th, tr,…. mặc dù các chữ trên có những yếu tố của một chữ cái.

2- Về tên gọi các chữ cái

Trong lĩnh vực ngôn ngữ, có những sự thay đổi được chấp nhận dễ dàng, nhưng có những thay đổi rất khó có thể chấp nhận. Một trong những điều khó chấp nhận là việc đọc phát âm chữ cái tiếng Việt là “a, bê, xê,…” trước kia được thay bằng “a, bờ cờ,…” hiện nay. Việc đọc a, bê, xê đã trở thành thói quen lâu đời của hàng triệu người và được củng cố qua cách đọc các chữ cái của các Đài phát thanh, Đài truyền hình, của các cuộc giảng dạy, hội họp và giao tiếp diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Nếu đã chấp nhận việc không phiên âm lại những danh từ riêng đã sử dụng quen thuộc như Pháp, Mỹ, Trung Quốc,… thì cũng không nên thay đổi cách đọc a, bê, xê thành a, bờ, cờ. Liệu bao giờ đời sống văn hoá mới chấp nhận việc phát âm chữ cái theo cách đang được dạy hiện nay, theo kiểu: Cán bộ đi B, C, phải đọc là cán bộ đi bờ-cờ; Nghị định 36-CP, phải đọc là Nghị định 36 cờ-pờ; Quyết định số 01/1999/QĐ-TTg phải đọc là Quyết định số 01/1999 cu-đờ-tờ-tờ-gờ; Truyền hình CNN, phải đọc là truyền hình cờ-nờ-nờ; VTV, phải đọc là vờ-tờ-vờ;…

3- Về kiểu cách viết chữ cái

Hiện nay có tới hàng trăm phông chữ trong máy tính, trong các sách báo với rất nhiều kiểu cách và nghệ thuật trình bày phong phú. Vậy những chữ có nhiều cách viết khác hẳn nhau về đường nét, thì đâu sẽ là chữ chuẩn, nhất là các kiểu chữ viết hoa và viết thường. Chẳng hạn, cùng là sách giáo khoa về tiếng Việt lại có hai kiểu chữ a (a và a), hoặc hai kiểu chữ k (k và k),… in thường Vậy kiểu chữ nào là chuẩn, hay chấp nhận có nhiều chuẩn chữ cái.

Trong 3 cuốn sách: “Làm quen với chữ cái” (năm 1997), “Chuẩn bị cho bé vào lớp 1” (năm 1998) và “Tiếng Việt – Lớp 1” (năm 1998), đều của Nhà xuất bản Giáo dục, với cùng một Giám đốc và Tổng biên tập chịu trách nhiệm xuất bản, đã đưa ra 3 kiểu chữ viết hoa rất khác nhau, nhất là các chữ a, b, c, e, g, h, l, m, n, v,… Điều đó thật là vô cùng khó khăn cho trẻ em và những người mới học tiếng Việt.

Trong cuốn Chuẩn bị cho bé vào lớp 1, cũng như trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt nói trên, còn có một số chữ cái in hoa trong Bảng chữ cái (như chữ i, chữ t), rất khó đọc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người xem, nếu không được  xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái.

Vì vậy, bên cạnh các chuẩn mực khác, cũng cần có chuẩn mực viết chữ cái để phân biệt giữa “chữ cái gốc” với các chữ cái chứa đựng các thông tin, biểu tượng, kiểu cách, nghệ thuật, giúp cho việc giảng dạy tiếng Việt và sử dụng  những con chữ, văn kiện có tính chất chuẩn mực về chữ nghĩa.

 

Phần thêm:

4- Về nguyên tắc viết hoa

Đã có nhiều bài viết trên báo chí bàn về nguyên tắc viết hoa với những quan điểm rất khác nhau. Ngoài danh từ riêng chỉ địa danh và tên người,việc viết hoa các các chức danh, khái niệm, các tên cơ quan, đơn vị,… trên các văn bản của Nhà nước, trên báo chí được thể hiện một cách khác xa nhau. Đến nỗi ngay chính tên của các báo chí cũng đã có quá nhiều sự không thống nhất. Một số báo chí viết hoa chữ đầu, như: “Tiền phong”, “Đại đoàn kết”, “Quân đội nhân dân”. Một số viết hoa toàn bộ các âm tiết đầu như: “Nhân Dân”, “Thế Giới Mới”, “Kinh Doanh Và Tiếp Thị”. Một số khác thì lại chẳng viết hoa chữ nào như: “tuổi trẻ”, “tuần tin tức”, “giáo dục & thời đại”. Hoặc cùng một chữ “đời” tương tự nhau, nhưng báo “Khoa học và đời sống” thì viết hoa còn “Ngôn ngữ và Đờii sống” của chúng ta lại không viết hoa chữ này.

Và cũng không thể so sánh cách viết hoa của những năm trước đây với hiện nay, vì nó quá khác xa nhau. Xem xét 3 đạo Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, được ban hành trong 17 năm qua, là văn bản chính thức của Nhà nước ta, được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, thì thấy có sự biến đổi khá lớn về các tình huống được viết hoa. Qua khảo 52 chữ, trong số 13 danh từ, cụm từ khi đề cập đến địa danh, chức danh và tổ chức có liên quan đến công tác bầu cử, thì Luật năm 1980 có 14/52, Luật năm 1992 có 18/52 và Luật năm 1997 có 28/52 chữ được viết hoa.

Qua ví dụ này, cũng như qua theo dõi thực tế, cho thấy hiện tượng viết hoa ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Tôi đề nghị cần bổ sung một khái niệm mới về nguyên tắc viết hoa, đó là “Viết hoa các danh từ xác định”. Ví dụ trong các Nghị định của Chính phủ thường có cụm từ: Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh,… có trách nhiệm thi hành…, thì chữ “Bộ” và chữ “Chủ” được viết hoa ở đây không phải vì là các danh từ chỉ một chức danh, một cá nhân cụ thể nào, mà là vì nó là thuộc loại “danh từ xác định”, đề cập đến tất cả các đối tượng liên quan thay vì phải liệt kê từng chức danh các Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh.

5- Về trật tự các chữ cái

Việc sắp xếp trật tự chữ cái còn liên quan đến việc xác định số lượng chữ cái. Nếu xác định 29 chữ cái thì cứ việc xếp thứ tự riêng từng con chữ hoặc từng chữ, từng từ chỉ còn là việc nhóm lần lượt theo vị trí xuất hiện của con chữ. Nhưng trên thực tế, dường như còn có quan điểm cho rằng các chữ ch, gh, kh, ng, nh, ph, th, tr,… cũng là chữ cái tiếng Việt.

Trong Bảng các đề mục xếp theo thứ tự A, B, C của Công báo mấy chục năm qua,  có hiện tượng xếp các chữ cái ghép toàn phụ âm trên sau tất cả các chữ cái đã ghép phụ âm với tất cả các nguyên âm khác. Ví dụ, xếp công tác trước chế độ, kỷ luật trước khen thưởng, nông trường trước ngoại thương, tổ chức trước thi đua,…

Trong các chương trình máy tính dân sự tiếng Việt trật chữ cái rất khác thường, ví dụ Â xếp trước A, Đ xếp trước C,… và có tình trạng một số xếp như Công báo, một số xếp theo đúng cách ghép lần lượt từng chữ cái.


Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,537