52. Về tình tiết khung hình phạt “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác”

(TAND) – Khoản 2, Điều 151, Bộ luật Hình sự về Tội cướp tài sản của công dân, có quy định một tình tiết định khung tại điểm c là: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”. Vậy, vấn đề đặt ra là, mức độ thương tích như thế nào thì được coi là người phạm tội đã “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, hay bất cứ thương tích đến đâu hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác đến mức nào cũng bị xử phạt theo khoản này?

Bản chất của tội cướp khi xảy ra, đều đã ít nhiều gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, nên việc gây thương tích phải đến một mức độ nào đó mới được xem xét áp dụng theo tình tiết định khung hình phạt trên. Còn, nếu chỉ gây thương tích với tỉ lệ thương tật rất thấp, không đáng kể, thì không thể máy móc đưa vào tình tiết định khung “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, mà chỉ cần xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong khi quyết định hình phạt. Giả sử, nếu một người có hành vi cướp tài sản mà không dùng vũ khí hoặc phương tiện thủ đoạn nguy hiểm khác, nhưng trong lúc chiếm đoạt tài sản đã cào cấu móng tay vào người bị hại, gây ra sứt sát nhẹ ở mức độ trầy da, rớm máu, không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, thì không thể cho rằng đó là trường hợp đã “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” tới mức phải bị truy tố theo điểm c, khoản 2, Điều 151.

Căn cứ vào các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn hiện hành, theo tôi việc cướp mà gây ra thương tích với tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì mới bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác” theo khoản 2, Điều 151.

Để chứng minh quan điểm này, trước hết cần so sánh với cùng một tình tiết “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” được quy định trong cấu thành cơ bản tại khoản 1, Điều 109, Bộ luật Hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, như sau: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Điều luật này cũng không quy định mức độ gây thương tích thế nào mới phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, cũng như các văn bản có liên quan khác đã xác định rõ: Nếu chỉ xét riêng về thương tích, thì phải gây thương tích với tỉ lệ từ 11% đến 30% mới bị xử lý theo khoản 1, Điều 109. Nếu không có các tình tiết tăng nặng khác thể hiện trường hợp gây thương tích có tính nguy hiểm cao, thì rõ ràng việc gây thương tật ở mức một vài phần trăm không cần thiết phải xử lý về hình sự là hoàn toàn đúng đắn. Tương tự, đối với tội cướp tài sản của công dân, nếu chỉ gây ra thương tích một vài phần trăm, thì cũng chưa đến mức phải chuyển sang khung hình phạt tăng nặng, mà chỉ cần áp dụng khoản 1, Điều 151.

Nếu so sánh với Điều 129, Bộ luật Hình sự về Tội cướp tài sản XHCN, thì vấn đề càng trở lên rõ ràng hơn. Điều 129, không hề quy định việc “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” là một tình tiết định khung tăng nặng của tội này. Liên quan đến việc gây thương, khoản 2, Điều 129 chỉ quy định tình tiết định khung tăng nặng là: “Gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khoẻ hoặc gây chết người”. Và cũng theo hướng dẫn tại Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29-11-1986 nói trên, thì gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác, là trường hợp có tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Như vậy, rõ ràng người phạm tội cướp tài sản XHCN, có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác với tỉ lệ thương tật dưới 31%, thì chỉ bị xử lý theo cấu thành cơ bản, mà không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng của tội này. Do đó, cũng là điều hoàn toàn hợp lý nếu người phạm tội cướp tài sản của công dân, có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỉ lệ thương tật dưới 11%, thì không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng theo điểm c, khoản 2, Điều 151.

Ngoài ra, nếu nghiên cứu Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định tổ chức lấy ý kiến toàn dân vào tháng 2 vừa qua, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đầu năm 1999, thì thấy những vấn đề trên đã được quy định rất cụ thể. Khoản 1, Điều 105 của Dự thảo Bộ luật Hình sự về Tội cố ý gây thương tích đã quy định rõ: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%,.. thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Tương tự, khoản 2, Điều 132, Dự thảo Bộ luật Hình sự đã quy định rõ tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp (bao gồm cả cướp tài sản của công dân và tài sản XHCN) có gây thương tích là: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%”.

Việc Dự thảo Bộ luật Hình sự quy định rõ tỉ lệ thương tật trong 2 tội nói trên hoàn toàn không phải là một quy định mới, mà chỉ là sự ghi nhận thực tế, là việc đưa các quy định hiện hành, đã và đang được áp dụng theo các văn bản dưới luật vào thẳng văn bản luật trong tương lai. Về bản chất pháp lý, tình tiết định khung hình phạt được nêu trong khoản 2, điều 132, Dự thảo Bộ luật Hình sự nói trên không khác gì tình tiết định khung hình phạt được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 151, Bộ luật Hình sự hiện hành.

Nhưng, trong thực tế, một số cơ quan pháp luật lại cho rằng, người phạm tội cướp có gây thương tích, thì bất kể tỉ lệ là bao nhiêu hay mức độ thương tích đến đâu, cũng bị truy tố và xét xử theo điểm c, khoản 2, Điều 151.

Xin dẫn chứng bằng một vụ án cụ thể vừa được Toà án Nhân dân Thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm vào ngày 10-4-1999 vừa qua. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Trọng Toàn và đồng bọn đều là người chưa thành niên và không có tiền án, tiền sự rủ nhau vào Vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng dùng dao nhọn uy hiếm để cướp tài sản của anh Nguyễn Thanh Tùng. Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã truy tố và xét xử các bị cáo theo khoản 2, Điều 151. Về tình tiết định khung theo điểm b, khoản 2, Điều 151 là: “Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác” thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng, các bị cáo còn bị áp dụng theo điểm c, khoản 2, Điều 151 với tình tiết: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” do đã dùng dao đâm một nhát sượt vào đùi người bị hại. Bản Cáo trạng số 113/KSĐT-TA ngày 6-2-1999 của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã kết luận về thương tích của người bị hại như sau: “Anh Nguyễn Thanh Tùng khai vết thương ở đùi chỉ bị sứt nhẹ, không điều trị ở đâu, hiện đã khỏi hẳn. Anh Tùng không yêu cầu giám định thương tật và bồi thường thương tích”. Kết luận tại Phiên toà sơ thẩm, vị Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bất kể mức độ thương tích của người bị hại đến đâu, thì các bị cáo cũng vẫn phải chịu tình tiết định khung “gây thương tích”.

Có thể nói rằng, trong vụ án trên, mặc dù vẫn được gọi là “gây thương tích” nhưng hậu quả xảy ra lại gần như “không có thương tích”. Vậy, căn cứ vào mức độ thực tế nào và cơ sở khoa học nào để bắt các bị cáo phải chịu khung hình phạt tăng nặng? Hay nói cách khác, là đã thiếu đi những dấu hiệu pháp lý bắt buộc để áp dụng tình tiết “gây thương tích”. Nhưng, điều chủ yếu như đã phân tích ở trên là, trong vụ án này, thương tích của người bị hại không đáng kể, không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ và mức độ thương tích không vượt quá giới hạn 11%, thì hoàn toàn không cần thiết phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt tăng nặng theo điểm c, khoản 2, Điều 151.

Việc áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” đối với các trường hợp như vậy là chưa phù hợp với tinh thần của Bộ luật Hình sự và không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của một số bị can, bị cáo phạm tội cướp tài sản của công dân. Nguyên nhân là do, trong khi điều luật không quy định rõ ràng, lại chưa có sự giải thích, hướng dẫn của các cơ quan pháp luật.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

Bài viết đăng Tạp chí Toá án Nhân dân số tháng 01-2000

 

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,518