62. Thực trạng một số vấn đề bất cập trong 2 đạo luật về ngân hàng.

(TCNH) – Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp quy của nước ta còn quá nhiều bất cập, mâu thuẫn và chồng chéo như hiện nay, thì việc xây dựng cũng như sửa đổi, bổ sung pháp luật là công cuộc vô cùng khó khăn và phức tạp. Những người thật sự quan tâm đến pháp luật sẽ thông cảm với cơ quan lập pháp, chia sẻ với các cơ quan soạn thảo và đồng cảm với các cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, khi bàn đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) cần có cách nhìn toàn diện và công bằng.

Bài viết này không nhằm giải thích nguyên nhân phải sửa đổi, mà góp phần tìm hiểu về thực trạng một số vấn đề bất cập trong hai đạo luật về Ngân hàng, trong đó chủ yếu là về Luật Các TCTD. Đồng thời, qua đây cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với cách đặt vấn đề và một số nhận định của tác giả Đặng Văn Thành (dưới đây gọi tắt là tác giả) trong bài viết “Một số vấn đề về sửa đổi và bổ sung hai luật về Ngân hàng”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 9-2001. Mặc dù, hầu hết các vấn đề mà tác giả nêu ra cũng chính là những ý kiến của tôi đã được đề cập đến trong bài viết “Một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật Các TCTD và Luật Doanh nghiệp đối với các NHTM cổ phần”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 1-2001 và trong một tài liệu góp ý hai đạo luật về Ngân hàng, gửi cho NHNN vào tháng 7-2001. Tuy tác giả cho rằng chỉ “tiếp cận vấn đề ở giác độ thực tiễn áp dụng, mang tính chất liệt kê hơn là tổng hợp” nhưng lại có những lời lẽ quy kết, nhận định rất mạnh mẽ, lạ lùng và chủ quan. Do vậy, tôi thấy cần phải trao đổi và bình luận về 10 trong số nhiều vấn đề, để độc giả bớt hoang mang và nghi ngờ về giá trị pháp lý của hai đạo luật này.

  1. Tác giả cho rằng, lý do phải sửa đổi, bổ sung hai đạo luật về Ngân hàng là vì có nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên, theo tôi những vấn đề bất cập đó lại không quan trọng và ít ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của luật, đặc biệt là đối với Luật NHNN. Nếu chỉ vì những vấn đề ấy mà phải sửa đổi, bổ sung hai đạo luật, thì đã phải làm việc này ngay từ khi chúng mới được thông qua, chứ không phải đợi đến tận bây giờ. Vì ngay từ đầu năm 1999, một số điểm bất cập đã được tôi đã nêu ra trong bài viết “Một số vướng mắc cần được quan tâm khi xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Luật Các Tổ chức tín dụng”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 9, tháng 4-1999.

Thực ra, một số vấn đề mà tác giả cho rằng còn bất cập trong hai đạo luật về Ngân hàng lại không hẳn là sự bất cập hoặc chính là do sự bất cập của các luật khác. Chẳng hạn:

Về khái niệm “vốn pháp định” của NHNN trong Luật NHNN. Không thể cho rằng, việc quy định về vốn pháp định của NHNN là một vấn đề bất cập của Luật. Càng không thể vì khái niệm vốn pháp định của NHNN chưa được giải thích trong Luật này, mà nhận định như tác giả là “rất dễ dẫn tới hiểu sai về chức năng quản lý nhà nước” của NHNN với chức năng kinh doanh, như đối với một doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý. Trong khi Luật đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, và quyền hạn của NHNN, thì dù có xuất hiện bao nhiêu thuật ngữ về kinh doanh, cũng sẽ không gây ra được sự hiểu sai về chức năng của cơ quan này, huống hồ đây lại chẳng phải là một khái niệm dành riêng cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề thu hồi giấy phép và giải thể TCTD được quy định chưa thống nhất giữa hai đạo luật, chỉ là một sự sơ suất nhỏ trong thiết kế và thể hiện câu chữ của văn bản. Tác giả cho rằng, quy định này bị rơi vào tình trạng “trứng có trước hay gà có trước” là đã quá quan trọng hoá một vấn đề tầm thường. Cứ cho đây là một sự bất cập, một sự mâu thuẫn, thì cũng không hề gây ra nguy cơ khó khăn, ách tắc nào trên thực tế cho Nhà nước cũng như cho xã hội. Điều này cũng giống với việc, tất cả mọi đối tượng tham gia vào quá trình chăn nuôi, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm đều không cần quan tâm và không bị phụ thuộc vào cái việc gà đẻ ra trứng hay trứng nở ra gà.

Về quy định công ty được “mua lại cổ phần” của Luật Doanh nghiệp, không biết có được áp dụng đối với các TCTD hay không và nếu có thì phải áp dụng như thế nào? Việc này không thể “đổ lỗi” cho Luật Các TCTD, mà do chính Luật Doanh nghiệp đã sơ hở khi không quy định về việc “mua lại cổ phần” trong trường hợp vốn điều lệ của công ty phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và đặc biệt là trong trường hợp công ty phải có vốn pháp định như đối với các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Pháp luật không cấm việc các TCTD cổ phần được “mua lại cổ phần” của mình, nhưng vì đó chính là một trường hợp thay đổi (giảm) “mức vốn điều lệ” nên muốn làm, thì phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện, theo quy định tại Điều 31, Luật Các TCTD. Điều đó cũng có nghĩa là, việc ngân hàng cổ phần có được mua lại cổ phần hay không là do NHNN xem xét quyết định.

– Về việc chiết khấu giấy tờ có giá, tuy là một quy định chưa rõ ràng, nhưng cũng không phải là một bất cập của Luật Các TCTD. Luật đã quy định rõ, chiết khấu là một hoạt động cấp tín dụng và phải được thực hiện “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” (Điều 49). Như vậy, việc chiết khấu thế nào, đối với loại giấy tờ gì, không dừng lại ở chỗ, chỉ thực hiện theo quy định của Điều 57, Luật Các TCTD, mà còn phải thực hiện theo các quy định của NHNN. Về nguyên tắc, việc mua bán giấy tờ có giá dài hạn là thuộc về phạm vi khác. Còn việc các ngân hàng “chiết khấu” công trái vừa qua, thì lại là việc được phép mua, bán theo quy định tại Điều 12, Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng tổ quốc năm 1999 cũng như hướng dẫn của Bộ Tài chính. Như vậy, sự thiếu hoàn thiện trong việc quy định về mua bán, chiết khấu các giấy tờ có giá trước hết là thuộc về các văn bản pháp luật khác.

  1. Đúng là có tình trạng, một số quy định của Luật Các TCTD và các văn bản dưới luật về chuyên ngành ngân hàng mâu thuẫn với các quy định của Luật Doanh nghiệp. Vậy, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp hay các văn bản dưới luật? (vấn đề này, tôi đã đề cập đến trong bài viết “Một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật Các TCTD và Luật Doanh nghiệp đối với các NHTM cổ phần”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 1-2001).

Không phải bây giờ mới có nguy cơ “loạn văn bản” như sự cảnh báo của tác giả, mà điều này đã xảy ra một cách bức xúc lâu nay, do pháp luật của ta còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, rối rắm, phức tạp, chắp vá, mơ hồ và không đồng bộ. Các đạo luật hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc, khẩu hiệu, nghị quyết, ít có giá trị trên thực tế, mà còn phải phụ thuộc, trông chờ chủ yếu vào các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Trong bối cảnh đó, quy định tại Điều 2, Luật Doanh nghiệp: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và quy định của luật chuyên ngành về cùng một vấn đề, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành” là rất cần thiết, nhưng lại mới chỉ là một sự chấp nhận nửa vời, không giải quyết được vấn đề, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Căn cứ vào quy định trên, có thể kết luận rằng, dù Luật Các TCTD có mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không trở thành lý do để phải sửa đổi. Nhất là, Luật Doanh nghiệp cũng chỉ là một đạo luật điều chỉnh về công ty và doanh nghiệp tư nhân, chứ chưa trở thành luật chung hay “luật gốc” về doanh nghiệp như cách hiểu của tác giả. Nhưng vấn đề sẽ trở lên nan giải ở chỗ, nếu hiểu theo đúng câu chữ, thì các văn bản dưới luật về chuyên ngành ngân hàng lập tức bị đặt vào tình trạng “trên đe, dưới búa” và “tiến thoái lưỡng nan”. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn và phù hợp với thực trạng pháp luật Việt Nam, thì cũng có thể xem các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD như là một bộ phận của luật chuyên ngành.

Trong bối cảnh hiện tại cũng nhiều năm tới, muốn giải quyết được trình trạng mâu thuẫn trên, thì Luật Doanh nghiệp cần quy định “mềm” và “thoáng” hơn, nghĩa là, nếu có sự khác nhau, thì sẽ áp dụng theo pháp luật chuyên ngành, thay vì quy định “cứng” là, chỉ áp dụng theo luật chuyên ngành như hiện nay.

  1. Cũng không có cơ sở để suy diễn rằng, vì quy định tại Điều 2 nói trên của Luật Doanh nghiệp “nên rất nhiều ưu việt trong Luật Doanh nghiệp không được áp dụng cho các TCTD, dẫn đến sự trì trệ trong giao lưu kinh tế” như nhận định của tác giả. Đôi khi, những ưu điểm trong lĩnh vực này lại chính là nhược điểm của lĩnh vực khác. Với tính chất đặc thù của mình, không bao giờ các TCTD và doanh nghiệp khác lại có thể áp dụng một chế độ pháp lý như nhau. Nếu có sự trì trệ trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng hay với nền kinh tế nói chung, thì là do nhiều nguyên nhân, nhưng sẽ là quá khiên cưỡng khi cho rằng, do TCTD không được áp dụng rất nhiều ưu việt trong Luật Doanh nghiệp. Trong tình trạng các TCTD có quy mô còn nhỏ bé, chất lượng hoạt động còn yếu kém, thị trường còn đầy rẫy rủi ro, pháp luật còn quá nhiều bất cập như hiện nay, thì chưa thể áp dụng những quy định “thông thoáng”, có tính “đột phá” của Luật Doanh nghiệp. Không thể bỏ đi một loạt quy định về các tỷ lệ an toàn chặt chẽ và hạn chế khả năng “tự do kinh doanh”, “tự do phát triển” đối với các TCTD chỉ vì Luật Doanh nghiệp không hạn chế đối với các doanh nghiệp thông thường. Ví dụ, mặc dù, Luật Các TCTD không hề có quy định về vấn đề cổ phần, nhưng không thể áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp về loại cổ phần ưu đãi hoàn lại đối với TCTD, vì nếu cổ đông được hoàn lại cổ phần bất cứ khi nào theo yêu cầu của họ, thì sẽ lập tức trái với quy định về việc phải bảo đảm mức vốn pháp định và vốn điều lệ của TCTD.

Do vậy, nếu không có quy định ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành nói trên của Luật Doanh nghiệp, thì mới thực sự là một sự bất cập và sẽ trở thành điều nguy hiểm đối với các TCTD nói riêng và nền kinh tế xã hội nói chung.

  1. Tác giả cho rằng, việc hai đạo luật về Ngân hàng “điều chỉnh quan hệ về tài chính tiền tệ – một quan hệ hết sức cụ thể và có tính quy luật đặc thù” nhưng còn quy định chung chung, không rõ ràng, và khó tổ chức thực hiện” do vậy làm cho vấn đề “trở lên nghiêm trọng”. Đây cũng là một nhận định không đúng. Một đạo luật chỉ thực sự có vấn đề nghiêm trọng nếu như có những quy định sai lầm và không thể khắc phục được, dẫn đến những hậu hoạ cho xã hội. Còn, dù Luật có chung chung, không rõ ràng và khó tổ chức thực hiện đến đâu, kể cả trường hợp “không thể áp dụng được”, thì cũng sẽ không vì thế mà trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, khoản 4, Điều 54, Luật Các TCTD quy định: Các TCTD được “mua bán nợ theo quy định của NHNN” và “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”, là những quy định rất chung chung, chưa thể thực hiện được, nhưng chẳng vì thế mà trở lên nghiêm trọng.

Hiện nay, luật của ta hầu như chỉ mới dừng lại ở những quy định nguyên tắc, nếu chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, thì chưa được thực thi. Nghĩa là đằng sau các đạo luật không bao giờ có “dấu chấm hết”. Luật NHNN và Luật Các TCTD cũng không “đơn thương độc mã”, mà chúng còn được “kéo dài”, “bảo đảm” và “hỗ trợ” thi hành bằng hàng loạt pháp lệnh, nghị định, thông tư,… có liên quan.

  1. Tác giả cho rằng, Điều 30, Luật Các TCTD quy định về Điều lệ của các TCTD phải có nhiều nội dung, trong đó có cả “quyền và nghĩa vụ của các cổ đông”,… đã “dẫn đến hậu quả là không thể áp dụng những quy định đó trong thực tế, bởi khi thi hành gặp các vướng mắc tất yếu”. Theo tôi, cũng như các đạo luật khác, vướng mắc trong hai đạo luật về Ngân hàng là không ít, nhưng ở nhiều mức độ khác nhau. Có những vấn đề chỉ vướng mắc về nhận thức, còn thực tế áp dụng lại không hẳn là như vậy và ngược lại. Những quy định đầy đủ và bao quát về nội dung điều lệ của các TCTD trong Luật Các TCTD để có thể áp dụng cho mọi loại hình TCTD, không bao giờ có thể trở thành vướng mắc tất yếu đến mức không thể áp dụng được. Không một tổ chức hay một cá nhân bình thường nào lại băn khoăn rằng, Điều lệ của TCTD nhà nước phải có đủ các nội dung về cổ đông hoặc về việc bầu Hội đồng quản trị, đã được quy định trong Điều 30, Luật Các TCTD, thì mới là hợp pháp.
  2. Việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng cũng là một vấn đề cần phải bàn. Về tính chất, hợp đồng tín dụng có thể thuộc loại hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự. Vì vậy khi ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp, không thể tách khỏi những quy định chung của pháp luật về hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Nhưng đồng thời, cũng phải căn cứ vào những quy định chuyên ngành. Do đó, không có gì là sai trái và khó hiểu “khi các tranh chấp phát sinh, các quan hệ trên đều được cơ quan tố tụng xem xét, xử lý như đối với các giao dịch kinh tế- dân sự bình thường khác”. Và điều đó cũng không phải là lý do “làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCTD khi thu hồi nợ thông qua pháp luật” như tác giả nhận xét. Điều quan trọng là ở chỗ, các cơ quan tố tụng có áp dụng đầy đủ, chính xác và đúng đắn pháp luật hay không.

Thời hiệu khởi kiện hợp đồng kinh tế, theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, chỉ có 6 tháng, trong khi thời hiệu khởi kiện hợp đồng dân sự là vô thời hạn, vì không có quy định (Pháp lệnh Hợp đồng dân sự quy định là 3 năm nhưng đã hết hiệu lực từ ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực vào 01-7-1996). Quy định là 6 tháng, hay không có thời hạn như hiện nay cũng đều là sự rất vô lý của pháp luật và đã tồn tại nhiều năm nay, chứ không phải là một vấn đề bất cập của Luật Các TCTD.

Nếu cần quy định thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng, thì thời hạn 6 tháng, vô hạn hay là 2 năm (như đối với loại hợp đồng thương mại và hàng hải) là hợp lý? Không chỉ quan hệ tín dụng, mà mọi quan hệ kinh tế, dân sự (nhất là quan hệ vay mượn), đều cần có thời hạn thích hợp, chứ không phải “So với các quan hệ giao dịch khác thì quan hệ tín dụng giữa bên vay và bên cho vay cần có thời gian nhất định để thoả thuận và xử lý” như nhận xét của tác giả. Ngoài ra, cũng không thoả đáng khi nói rằng, việc khởi kiện là “ảnh hưởng đến uy tín trong kinh doanh – điều tối kỵ đối với các TCTD”. Trong nền kinh tế thị trường có hay không có định hướng XHCN, thì việc khởi kiện đòi nợ đều là một sự kiện rất bình thường và cần thiết. Nếu có ảnh hưởng đến uy tín, thì chủ yếu và trước hết là đối với người bị kiện, vì sự bội tín, vì không trả được nợ vay, chứ không phải là đối với ngân hàng, nhất là đến mức độ mà tác giả phải chú thích thêm, đó là điều tối kỵ đối với các TCTD.

Lý do dẫn đến việc đề nghị quy định thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng trong Luật Các TCTD (hoặc trong một văn bản khác) là để tránh việc áp dụng theo đúng thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng kinh tế thì chỉ có 6 tháng, sẽ dẫn đến nguy cơ các TCTD không thu hồi được nợ. Nhưng đó cũng chỉ là về mặt lý thuyết, còn trên thực tế hiện nay, các TCTD lại đặc biệt có lợi, vì các Toà án tạm coi thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng, dù thuộc loại hợp đồng dân sự hay kinh tế, đều là vô thời hạn (nếu trong hợp đồng tín dụng ghi nhận thoả thuận rằng, có hiệu lực cho đến khi trả hết nợ).

  1. Về vấn đề hạn chế tín dụng, tác giả đã viết: “cách hiểu và vận dụng có lúc và có chỗ chưa đạt được sự nhất quán, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của TCTD cũng như tạo ra dư luận không tốt, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý chuyên ngành”. Vậy thức chất là thế nào? Vấn đề hạn chế cho vay đối với “thành viên Hội đồng quản trị” và “kế toán trưởng”,… đúng là những quy định gây ra sự tranh cãi, trao đổi. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, thì việc giải thích chính thức phải thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng do từ trước đến nay, cơ quan này chưa bao giờ giải thích luật theo quy định, nên cùng bất đắc dĩ, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc. Tôi vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng, điểm a, khoản 1, Điều 77, Luật Các TCTD, quy định việc cấm cho vay đối với thành viên HĐQT, là chỉ cấm cá nhân, chứ không cấm cho vay đối với doanh nghiệp có người đại diện tham gia Hội đồng quản trị của ngân hàng cổ phần và đề nghị NHNN có văn bản giải thích chính thức điều này. Về đối tượng bị hạn chế tín dụng là “kế toán trưởng”, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 78, Luật Các TCTD (tôi đã nêu thắc mắc trong bài viết trên Tạp chí Ngân hàng từ 4-1999 nói trên), nằm ở điều khoản nói về các đối tượng bên ngoài TCTD, nhưng đến 5-2001, lại được NHNN giải thích, đó là kế toán trưởng của TCTD. Tuy nhiên, sẽ là thiếu cơ sở, là sự suy diễn quá xa khi nhận định rằng, những việc đó đã “ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của TCTD cũng như tạo ra dư luận không tốt, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý chuyên ngành”.
  2. Các đạo luật là “bức tranh” phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế xã hội. Là những văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, được xây dựng và thông qua với một trình tự phức tạp, nên chỉ những vấn đề được xem là tương đối ổn định và bảo đảm tính khoa học thì mới được ấn định trong luật. Những vấn đề còn lại sẽ được đưa vào các văn bản dưới luật. Thế nhưng, đã xảy ra rất nhiều trường hợp (trong đó không loại trừ Luật Các TCTD), cho đến thời điểm sửa đổi, bổ sung và thay thế luật, nhưng vẫn chưa ban hành được đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành. Bởi lẽ, luật chỉ nêu ra nguyên tắc, nên bao giờ cũng dễ hơn các văn bản dưới luật phải quy định cụ thể, mà nhiều khi quy định về nguyên tắc thì coi như chưa quy định gì cả. Do đó, những vấn đề bất cập trong luật là khó có thể tránh khỏi và sẽ được giải quyết bằng thời gian, khi các quan hệ xã hội do luật điều chỉnh đã tương đối ổn định, khi có sự thay đổi cơ bản về cách thức làm luật, khi có đủ chuyên gia và đại biểu Quốc hội ngang tầm nhiệm vụ,…

Trong những năm trước mắt, không thể “loại bỏ cách lập pháp mà trong đó có các cụm từ kiểu như “theo quy định của Chính phủ”, “theo quy định của NHNN”, “theo các quy định khác của pháp luật”, càng không thể loại bỏ được các cụm từ trên “trong khi sửa đổi, bổ sung hai luật này” như đề nghị của tác giả. Chúng ta chỉ hy vọng hạn chế bớt những quy định chung chung như trên, nhất là với việc sửa đổi, bổ sung luật thì khó có thể làm thay đổi cơ bản được nội dung và kết cấu của đạo luật hiện hành. Đừng đòi hỏi quá nhiều và kỳ vọng vào những điều quá xa lạ với thực tế, không thể làm được. Nếu vật liệu và trình độ xây dựng pháp luật mới chỉ ở tầm làm “lán trại”, “ăn đong”, thì chưa thể xây được những “cao ốc” và “toà tháp” vĩnh cửu.

  1. Tác giả đã quá chủ quan khi nhận xét “…ngành Ngân hàng tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị trong ngành, nhưng thực tế ít được sử dụng. Cách làm này không xuất phát từ lợi ích của số đông, đại diện cho tiếng nói từ cơ sở…”. Không rõ, tác giả viết cách làm này là ám chỉ cái gì và lợi ích của số đông là lợi ích của xã hội của các doanh nghiệp hay của các TCTD? Trong bối cảnh pháp luật còn quá nhiều bất cập như hiện nay, thì điều quan trọng là, làm cách nào để có thể sử dụng được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, mà không rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường” và “lắm thầy, nhiều ma”? Không ai lấy ý kiến đóng góp mà lại bỏ qua các ý kiến có chất lượng và khả thi, nhưng liệu có được bao nhiêu những ý kiến loại đó? Chẳng hạn, với bài viết của mình, tác giả đã nhắc lại một số vấn đề bất cập và đưa ra 6 “kiến giải” (?) “đối với các nhà lập pháp khi sửa đổi, bổ sung hai Luật về Ngân hàng”, như: sưu tầm, thu thập, nghiên cứu, rà soát, hệ thống hoá các đề tài, văn bản, tài liệu, kiến nghị,… rồi sử dụng đội ngũ cộng tác viên “trên tinh thần biết trân trọng tri thức”. Nhưng tiếc rằng, cả 6 “kiến giải” đó lại đều chỉ là những việc hiển nhiên, quá đỗi thông thường mà các cơ quan soạn thảo luật đã, đang và vẫn sẽ làm. Như vậy, bằng một bài góp ý khá dài dòng, với mong muốn đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung hai đạo luật, bản thân tác giả cũng chưa nêu ra được vấn đề bất cập nào và chưa đề xuất được ý kiến gì mới mẻ giúp cho NHNN.
  2. Cuối cùng, tác giả đã nêu ra 6 giai đoạn tổng quát của hoạt động lập pháp (gồm quyết định chương trình xây dựng luật, soạn thảo luật, thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội thông qua, Chủ tịch Nước công bố) và cho rằng “một Dự án luật chất lượng kém thì tất cả các giai đoạn khác trong quy trình đều không phát huy hết ý nghĩa và sẽ mất đi nhiều thời gian, công sức cũng như tài chính quốc gia”. Thực ra, tất cả các khâu soạn thảo, góp ý, thẩm tra, thông qua (trước khi trình ra Quốc hội) và cho ý kiến của các cá nhân, tổ chức, bộ, ngành liên quan, Chính phủ, các Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và đôi khi cả Quốc hội cho ý kiến, đều chỉ là một quá trình để xây dựng nên một Dự án luật, chứ không chỉ do một mình ban soạn thảo hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm. Trong quá trình phức tạp trên, có nhiều vấn đề vượt khỏi ý chí và phạm vi của các cơ quan soạn thảo, thậm chí, đôi khi buộc phải chấp nhận cả những điều rất bất hợp lý, mà lẽ thường không thể chấp nhận.

Cho dù có hiểu rằng, dự án luật chỉ là sản phẩm của một nình cơ quan soạn thảo, thì cũng sẽ là một sự bất hợp lý khi nói rằng: nếu một Dự án luật có chất lượng kém, thì các giai đoạn khác đều không phát huy hết ý nghĩa. Bởi vì, bất kể trường hợp nào, mỗi công đoạn làm luật đều phải phát huy hết ý nghĩa, tác dụng của nó. Thậm chí, để hoàn thiện một đạo luật, nếu chất lượng chưa tốt ở giai đoạn trước, thì giai đoạn sau sẽ càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa hơn.

Rồi đây, sau khi hai đạo luật về Ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung, hy vọng rằng dư luận cũng như tác giả bài viết nói trên không quá “thất vọng”, không quá “bất ngờ” và không chỉ “đổ tội” cho NHNN (với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo), nếu như vẫn còn (mà chắc chắn là còn) những “tồn tại”, “bất cập” đã được và chưa được chỉ ra.

 

(4.853)

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Tạp chí Ngân hàng số 11/2001

  • Đăng lại:
  1. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/07/22/du-l-s%E1%BB%B1-b%E1%BA%A5t-c%E1%BA%ADp-trong-vi%E1%BB%87c-u%E1%BB%B7-quy%E1%BB%81n-tham-gia-t%E1%BB%91-t%E1%BB%A5ng-c%E1%BB%A7a-cc-ngn-hng/

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,917