629. Khi nhà đầu tư cố tình “đổ vấy” Chính phủ

(DĐDN) –  Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) vừa bác bỏ tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie (Pháp) đối với Chính phủ Việt Nam trong dự án bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP HCM.

Đây là thông tin vừa được Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đưa ra. Theo vị đại diện Bộ Tư pháp ngày 17/11/2014, Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP HCM. Trước đó, vụ South Fork kiện UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã được Hội đồng Trọng tài quốc tế tại Hong Kong nhận định: chính phủ Việt Nam không sai.

Tranh chấp giữa doanh nghiệp

Vụ việc xuất phát từ tháng 3/2001, bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại phố Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM của Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Thương mại TP HCM (Sài Gòn Coop) với giá 23.000 USD/tháng. Tuy nhiên, sau đó, bệnh viện DialAsie không trả được tiền nên Sài Gòn Coop đưa đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Tháng 2/2005, Hội đồng trọng tài thuộc VIAC đã ra phán quyết buộc bệnh viện DialAsie phải trả cho Sài Gòn Coop hơn 571.000 USD (tương đương 8 tỉ đồng). Đến tháng 12/2005, Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị bệnh viện DialAsie ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới và chuyển các bệnh nhân đang điều trị tới các trung tâm y tế khác. Năm 2011, nhà đầu tư Pháp kiện Chính phủ Việt Nam tới Tòa trọng tài quốc tế vì cho rằng Việt Nam vi phạm hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư giữa Việt Nam và Pháp. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài cho rằng, không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm hiệp định, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất kỳ một hành động sai trái nào. Mọi hành động của Saigon Coop hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Saigon Coop là hành động của Chính phủ Việt Nam. Như vậy, tất cả các căn cứ khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam đã bị Hội đồng trọng tài bác bỏ. Tuy nhiên, mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình.

Doanh nghiệp cố tình lôi Chính phủ vào cuộc

Đáng lưu ý, cũng như vụ kiện South Fork, nhà đầu tư cố tình lôi Chính phủ vào cuộc để hi vọng được bồi thường cao hơn.

Trở lại vụ South Fork, căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KH-ĐT Việt Nam cấp ngày 04/11/2004, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện việc giao khu đất tại huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Bình Thuận cho Cty South Fork (DN FDI với chủ đầu tư đến từ Hoa Kỳ) để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư đã không thực hiện đúng tiến độ nên cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận không thực hiện việc giao đất cho South Fork và cấp giấy phép cho một DN khác.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các ngành liên quan phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

Do vậy, nhà đầu tư này cho rằng, sai phạm của UBND tỉnh Bình Thuận dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam vi phạm cam kết trong Hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ. Cụ thể, nhà đầu tư cáo buộc VN đã tước đoạt bất hợp pháp khoản đầu tư, vi phạm các tiêu chuẩn đối xử công bằng, thỏa đáng và quy định về minh bạch tại Hiệp định, yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường các thiệt hại do những hành vi vi phạm nói trên (lên tới hơn 3,7 tỷ USD). Ngày 18/11/2010, nhà đầu tư đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận với lý lẽ trên.

Vụ việc cũng được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp làm đại diện pháp lý cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia giải quyết vụ kiện tại Trọng tài quốc tế. Đến đầu tháng 7/2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tổ chức phân xử vụ kiện tại Hong Kong. Tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã chính thức đưa ra phán quyết, bác đơn khởi kiện và buộc South Fork phải hoàn lại toàn bộ chi phí theo kiện, kể cả phí luật sư và phí trọng tài. Dự kiến, chi phí luật sư và trọng tài South Fork phải trả Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện này khoảng 1,6 triệu USD.

Trong bối cảnh Chính phủ VN đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa kiện Chính phủ VN thì thắng lợi trong những  vụ kiện này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng – người phát ngôn của Bộ Tư pháp khẳng định. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh báo về hiện tượng “đổ vấy” của các nhà đầu tư nước ngoài để từ đó các cơ quan có liên quan cần có biện pháp ngay khi bắt đầu có biểu hiện kiến nghị, khiếu nại, để giải quyết triệt để ngay từ đầu.

Bà Vũ Thị Hường – đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp): 

“Vụ kiện của nhà đầu tư DialAsie và vụ kiện của South Fork gần như diễn ra trong cùng một thời điểm. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp giữ vai trò là cơ quan đại diện về mặt pháp lý tham gia vụ việc này. Trong vụ DialAsie, Thủ tướng còn giao Bộ Tư pháp chủ trì giải quyết nên bộ đã khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu sự việc, thuê công ty luật, chỉ định trọng tài viên. Với những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, chuyên viên pháp lý, các vụ chuyên môn của Bộ Tư pháp cũng như địa phương, chúng ta đã có chiến thắng như ngày hôm nay.

Đặc biệt, khi khởi kiện nhà đầu tư quốc tế ghi rõ “địa chỉ” là Chính phủ. Họ quan niệm việc đó do Chính phủ quản lý, điều hành không tốt và những cơ quan như Sài Gòn Co.op là cơ quan nhà nước, đại diện nhà nước quản lý những lĩnh vực đó”.

 

Cần một hệ thống cảnh báo sớm

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang dọa kiện Chính phủ Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 60 hiệp định về khuyến khích và bảo đảm đầu tư với các nước. Trong mỗi hiệp định, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước nhận đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài được quy định khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các hiệp định là đều cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, nếu thương lượng bất thành, được quyền khới kiện Chính phủ ra các tổ chức trọng tài quốc tế. Chỉ trong giai đoạn 2010 – 2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế liên quan đến cơ quan nhà nước, DNNN. Chuyên gia Đỗ Viết Anh Thái -Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương nhận xét, nhiều cơ quan quản lý của Việt Nam còn rất xa lạ với các tổ chức trọng tài. Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Trung tâm Trọng tài ICSID với trọng tài xét xử theo quy tắc trọng tài của UNCITRAL hoặc với Tòa án trọng tài của ICC… Trong khi đó, thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại quốc tế bằng trọng tài cho thấy, việc thiếu sự hiểu biết dẫn đến những sai sót không đáng có về thủ tục trọng tài có thể đẩy Chính phủ vào rủi ro do thua kiện. Nhiều nước trên thế giới đã giao nhiệm vụ của đầu mối giải quyết tranh chấp quốc tế về đầu tư cho các cơ quan quản lý nhà nước: Ví dụ như ở Hoa Kỳ là Cơ quan đại diện thương mại, ở Canada là Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế, ở Trung Quốc là Bộ Thương mại, ở Nhật Bản là Bộ Kinh tế và Công thương…

Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp cho biết, theo Quyết định 04/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về các biện pháp khi giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó Bộ Tư pháp được giao đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế, giúp các bộ ngành địa phương tham gia các vụ tranh chấp quốc tế một cách chủ động hơn để giảm thiểu các vụ tranh chấp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các ngành liên quan phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, trong đó từ khâu phê duyệt dự án đầu tư, cơ quan cấp phép và các cơ quan có liên quan cần có biện pháp cảnh báo ngay khi bắt đầu có biểu hiện kiến nghị, khiếu nại, để giải quyết triệt để ngay từ đầu.

 

Thua kiện cũng là kinh nghiệm

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC)

Tranh chấp về đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài thường rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như chứng khoán, đất đai, môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng… Trình độ và kinh nghiệm tranh tụng là yêu cầu mang tính cốt tử đối với tranh tụng quốc tế. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thì việc bị kiện và khởi kiện là điều tất yếu và sẽ ngày càng nhiều hơn.

Chính vì vậy, đòi hỏi đầu tiên đối với Việt Nam là phải có đội ngũ luật sư tranh tụng có kỹ năng đạt chuẩn quốc tế, có các luật gia giỏi và các nhà tư vấn dày dạn kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực để tư vấn cho Chính phủ khi cần thiết. Việc Chính phủ tập trung về một đầu mối Bộ Tư pháp là một quyết định hợp lý. Tuy nhiên, với tư cách đầu mối, Bộ Tư pháp có thể phối hợp và huy động các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân như Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia và cả các văn phòng luật sư có kinh nghiệm… Về nguồn lực tài chính cũng cần được chuẩn bị một cách chủ động và đầy đủ. Bởi vì hầu hết các vụ tranh tụng quốc tế đều phải bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn. Đơn cử như vụ South Fork, kinh phí thuê luật sư và tranh tụng lên tới khoảng 1,6 triệu USD. Nhưng nếu chúng ta chuẩn bị tốt từ trước thì khả năng thắng kiện và kinh phí bỏ ra sẽ tiết kiệm hơn. Còn về vấn đề kinh nghiệm thì chắc chắn chúng ta là những người đi sau nên cần phải học hỏi một cách rất nghiêm túc. Nếu chỉ nhìn vào những lần thắng kiện mà tuyên truyền rầm rộ là chưa hợp lý. Kinh nghiệm rút ra được nhiều nhất là ở những lần chúng ta thua kiện. Ví dụ như lần thua kiện gần đây của Vinalines. Đầu năm 2014, Hội đồng trọng tài thuộc VIAC đã ra phán quyết buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu SKE&C (Hàn Quốc) hơn 3 triệu USD. Lý do bắt nguồn từ việc các cơ quan nhà nước tạm dừng dự án cảng Vân Phong. Hay vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thua kiện huấn luyện viên người Pháp – Letard. VFF đã chủ quan nên thua đau khi Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế quyết định buộc VFF phải bồi thường cho ông Letard số tiền 197.000 USD. Rồi ngay cả vụ kiện chất độc màu da cam… Nhìn chung, chúng ta cần mổ xẻ những vụ thua kiện để mà rút kinh nghiệm không nên né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.

 Bá Tú

—————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 10-01-2015:

http://dddn.com.vn/phap-luat/khi-nha-dau-tu-co-tinh-do-vay-chinh-phu-20150109035936133.htm

(506/2.212)

Phóng viên bịa thêm khối lời.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,530