64. Đâu là sự bất cập trong việc uỷ quyền tham gia tố tụng của các ngân hàng?

(TCNH) – Tạp chí Ngân hàng số 7-2002 có bài “Uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án đối với các vụ án kinh tế, dân sự – những vấn đề bất cập” của tác giả Thái Nguyên Toàn (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam), với một số nội dung chính có thể tóm tắt như sau:

– “Uỷ quyền” là việc người đứng đầu cơ quan “giao quyền” cho cấp phó trực tiếp của mình “khi không thể trực tiếp điều hành mọi hoạt động” của cơ quan. Còn “uỷ nhiệm” là việc người đứng đầu cơ quan “giao công việc cụ thể cho cán bộ” khác và những cán bộ này “không có quyền nhân danh cơ quan để ký và đóng dấu cơ quan vào bất cứ quan hệ giao dịch nào”;

– “Các cán bộ công chức từ cấp trưởng, phó phòng trở xuống không có thẩm quyền định đoạt công việc nội tại của cơ quan để được Giám đốc uỷ quyền tham gia tố tụng tại toà án giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự”;

– Việc Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam uỷ quyền tham gia tố tụng cho Giám đốc, Phó Giám đốc các Chi nhánh, trưởng các Phòng nghiệp vụ và các chuyên viên pháp chế, chế độ là “uỷ quyền tràn lan không đúng theo quy định của pháp luật”, gây ra sự “đình trệ”, “phiền phức nhiêu khê cho việc giải quyết vụ án”.

Như vậy, liệu có phải lâu nay các Ngân hàng vẫn uỷ quyền sai và các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chấp nhận sự uỷ quyền tham gia tố tụng “không đúng theo quy định của pháp luật”?

Theo tôi, những nhận xét trên quả là kỳ lạ. Nó không dựa trên cơ sở pháp luật và đi ngược lại với đòi hỏi thực tế. Tác giả là cán bộ của một cơ quan pháp luật quan trọng nhưng đã có những sai lầm pháp lý khi viết về một chế định pháp luật.

  1. Không biết căn cứ vào lý luận và quy định nào của pháp luật mà Tác giả lại cho rằng, khái niệm “uỷ quyền” khác hẳn khái niệm “uỷ nhiệm” về mặt pháp lý. Bộ luật Dân sự năm 1995 có 146 lần nhắc đến từ “uỷ quyền” mà không một lần nào nhắc đến từ “uỷ nhiệm”. Khoản 3, Điều 102, Bộ luật này đã quy định: “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện nhiệm vụ đại diện”. Người khác ở đây có thể là bất cứ người nào, thậm chí cả người không thuộc pháp nhân. Ví dụ Tổng giám đốc Ngân hàng hoàn toàn có thể uỷ quyền cho một luật sư hành nghề tự do đại diện cho Ngân hàng mình tham gia tố tụng tại Toà án (khác với việc thuê luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của pháp nhân trước Toà án).

Xét về ngôn ngữ thông thường thì hai khái niệm trên có thể khác nhau, nhưng về mặt pháp lý, thì việc “uỷ quyền” cũng chính là “uỷ nhiệm”, là sự “giao quyền” đồng thời với việc “giao nhiệm vụ” cho người khác. Chính vì vậy, trong Bộ luật Dân sự chỉ có quy định về “Hợp đồng uỷ quyền” mà không hề có quy định về “Hợp đồng uỷ nhiệm” hay “Hợp đồng uỷ vụ” (uỷ nhiệm thực hiện nghĩa vụ).

  1. Theo tác giả bài viết trên, chỉ có cấp phó trực tiếp mới được thủ trưởng “uỷ quyền”, còn các cấp cán bộ khác không được nhận sự uỷ quyền vì “không có quyền nhân danh cơ quan để ký và đóng dấu cơ quan vào bất cứ quan hệ giao dịch nào”. Vậy, các Kiểm sát viên vẫn thừa uỷ quyền Viện trưởng ký tên, đóng dấu Cơ quan Viện kiểm sát vào các bản Cáo trạng truy tố bị cáo trước Toà là sai pháp luật hay sao?

Trong các hoạt động hàng ngày, có thể thấy, các Trưởng phòng thường xuyên ký thừa lệnh Tổng giám đốc Ngân hàng (đóng dấu của Ngân hàng), các Vụ trưởng thường xuyên ký thừa lệnh Bộ trưởng (đóng dấu của Bộ). Thậm chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội (đóng dấu Chính phủ chứ không phải dấu của Bộ Tư pháp). Trong các trường hợp này, họ ký văn bản thừa lệnh hoặc thừa uỷ quyền (được uỷ quyền) của Thủ trưởng cơ quan. Các văn bản này vẫn được xác định là của Ngân hàng (Tổng giám đốc), Bộ (Bộ trưởng) hoặc Chính phủ chứ không coi là văn bản của Phòng (Trưởng phòng), Vụ (Vụ trưởng) hoặc Bộ (Bộ trưởng). Nếu cứ theo lập luận của tác giả Thái Nguyên Toàn, thì những văn bản đó đều sai pháp luật?

  1. Nếu cho rằng cán bộ “từ cấp trưởng, phó phòng trở xuống không có thẩm quyền định đoạt công việc nội tại của cơ quan” nên không được Tổng Giám uỷ quyền, thì tác giả bài viết trên đã có sự mâu thuẫn với chính mình khi đề nghị Tổng giám đốc Ngân hàng được uỷ quyền cho Giám đốc và Phó giám đốc các Chi nhánh tham gia tố tụng. Bởi trong trường hợp này, “cơ quan” là pháp nhân Ngân hàng, còn Chi nhánh chỉ là một bộ phận của cơ quan (một đơn vị phụ thuộc pháp nhân), tức là Tổng giám đốc phải “uỷ quyền” cho Phó Tổng giám đốc (người “có thẩm quyền định đoạt công việc nội tại của cơ quan”), chứ làm sao có thể uỷ quyền cho Giám đốc Chi nhánh (người chỉ “có thẩm quyền định đoạt công việc nội tại” của Chi nhánh) được.

Tác giả bài viết nói trên còn đưa ra nhận xét: Luật (Doanh nghiệp Nhà nước) “không quy định cho Tổng giám đốc hoặc giám đốc phân công và uỷ quyền cho bất kỳ ai ngoài cấp phó của mình là phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc” để kết luận rằng: Tổng Giám đốc chỉ được “uỷ quyền” cho các Phó Tổng giám đốc. Đúng là Luật không quy định về việc Tổng giám đốc được uỷ quyền cho người khác, nhưng chẳng qua đó chỉ là điều không cần đề cập đến, chứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Tổng giám đốc không được “phân công và ủy quyền” cho các đối tượng khác.

Mặt khác, trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước có 16 lần nhắc đến khái niệm “uỷ quyền” nhưng không một lần nào đề cập đến khái niệm “uỷ nhiệm”, thế thì Tổng giám đốc cũng đâu có được phép “uỷ nhiệm” (“giao công việc cụ thể”) cho các cán bộ, nhân viên khác trong doanh nghiệp?

Nếu cứ hiểu một cách máy móc như tác giả, thì quy định: “Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” tại khoản 3, Điều 37, Luật Các TCTD phải có nghĩa là: Chủ tịch HĐQT sẽ không được phép uỷ quyền cho Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc các đối tượng khác ngoài các thành viên HĐQT về bất cứ công việc gì.

  1. Nhìn chung, những quy định của pháp luật về chế định uỷ quyền hiện nay còn không cụ thể, chưa rõ ràng và thiếu thực tế. Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự thì mọi hành vi uỷ quyền đều được quy về Hợp đồng dân sự, vì vậy về nguyên tắc phải đáp ứng được các điều kiện về hình thức và nội dung của một Hợp đồng dân sự. Từ đó người ta hiểu rằng: Văn bản uỷ quyền, ngoài chữ ký của bên uỷ quyền phải có cả chữ ký của bên được uỷ quyền, do đó đã gây ra nhiều khó khăn không cần thiết trên thực tế. Trong khi hiểu rộng hơn và thực tế hơn, thì hành vi xuất trình văn bản uỷ quyền của người được uỷ quyền đã có giá trị thay cho chữ ký của họ. Tương tự như thế là việc thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng, vốn dĩ chỉ là một biện pháp bảo đảm để thực hiện Hợp đồng tín dụng, nhưng hiện nay đã bị gọi tên và được xác định như là một Hợp đồng dân sự hoàn chỉnh. Từ đó đã kéo theo những sự phiền phức và ràng buộc pháp lý không cần thiết. Thế mới có chuyện, đôi khi cùng một sự việc như nhau, Toà này bảo sai, Toà kia nói đúng, Toà khác lại phán rằng “xử kiểu gì cũng được”.

Pháp luật cũng chưa quy định rõ và thống nhất về các chủ thể uỷ quyền và được uỷ quyền trong các trường hợp dưới đây:

Thứ nhất, việc uỷ quyền giữa pháp nhân với pháp nhân: Pháp nhân này uỷ quyền cho pháp nhân khác hay người đại diện của pháp nhân này uỷ quyền cho người đại diện của pháp nhân khác;

Thứ hai, việc uỷ quyền giữa pháp nhân với tổ chức không có tư cách pháp nhân: Pháp nhân này uỷ quyền cho tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, một đơn vị phụ thuộc của pháp nhân) hay người đại diện của pháp nhân này uỷ quyền cho người đại diện của các tổ chức khác không có tư  cách pháp nhân;

Thứ ba, việc uỷ quyền giữa pháp nhân với cá nhân: Pháp nhân uỷ quyền cho cá nhân (thuộc hoặc không thuộc pháp nhân đó) hay người đại diện của pháp nhân uỷ quyền cho cá nhân.

Vấn đề trên cũng tương tự như việc chưa có sự phân biệt rõ ràng và hợp lý giữa các loại văn bản của Bộ trưởng và văn bản của Bộ. Do đó, trong cùng một đạo luật vẫn thường thấy, điều luật này thì viết “theo quy định của Bộ” nhưng điều luật khác thì lại viết “theo quy định của Bộ trưởng”. Hoặc Thông tư được khẳng định là văn bản của Bộ trưởng nhưng Thông tư liên tịch thì lại được quy định là văn bản của các Bộ chứ không phải là của các Bộ trưởng?!

Cũng liên quan đến việc uỷ quyền, trên thực tế hiện nay, nhiều Ngân hàng TMCP và cơ quan pháp luật vẫn còn phân vân khi xác định tư cách của người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng để tham gia tố tụng. Vì khoản 1, Điều 31, Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 của Chính phủ về Chế độ tài chính đối với các TCTD quy định: Tổng Giám đốc là người “đại diện pháp nhân của tổ chức tín dụng”; khoản 5, Điều 55, Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12-9-2000 của Chính phủ về Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại; khoản 5, Điều 30, Quy định về tổ chức và hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP của Nhà nước và nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN ngày 27-8-2001 và khoản 5, Điều 54, Mẫu Điều lệ của Ngân hàng TMCP, ban hành kèm theo Quyết định số 383/2002/QĐ-NHNN ngày 24-4-2002 của Thống đốc NHNN đều quy định: Tổng Giám đốc là người “đại diện cho ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”. Trong khi đó, Nghị định số 49/2000/NĐ-CP thì không quy định ai là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP, còn khoản 3, Điều 9, Quy định số 1087 và khoản 1, Điều 46, Mẫu Điều lệ nói trên thì lại quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luậtvà được ghi vào Điều lệ của Ngân hàng TMCP. Như vậy ngoài Tổng Giám đốc ra, liệu Chủ tịch HĐQT có vẫn là người đại diện cho Ngân hàng TMCP trong quan hệ tố tụng? Vì “tham gia tố tụng” là một trong những nội dung cơ bản và tất yếu của việc “đại diện theo pháp luật”. Không có quy định nào và không có lý gì tước đi quyền đồng thời là nghĩa vụ này của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, người “đại diện theo pháp luật” của Ngân hàng thương mại cổ phần.

  1. Việc uỷ quyền tham gia tố tụng là một vấn đề quan trọng cần tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2, Điều 22 (Người đại diện do đương sự uỷ quyền) của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989; khoản 3, Điều 20 (Các đương sự) của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994; các Điều 100 (Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân), Điều 102 (Đại diện của pháp nhân), Điều 588 (Uỷ quyền lại) của Bộ luật Dân sự năm 1995 và Công văn số 81/2000/KHXX ngày 03-7-2000 của Toà án Nhân dân Tối cao về việc uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân (của các ngân hàng), thì hiện nay các Ngân hàng có thể uỷ quyền cho các Chi nhánh tham gia tố tụng tại Toà án theo một trong các cách thức chủ yếu như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng (Tổng Giám đốc) uỷ quyền cho các Chi nhánh của Ngân hàng tham gia tố tụng: Trong trường hợp này, chỉ có Giám đốc Chi nhánh là người có quyền tham gia tố tụng;

Thứ hai, Ngân hàng (Tổng Giám đốc) uỷ quyền cho Giám đốc, Phó giám đốc hoặc một số cán bộ cụ thể khác của Chi nhánh Ngân hàng tham gia tố tụng: Trong trường hợp này, chỉ có những người đã được uỷ quyền đích danh (là Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc một số cán bộ cụ thể khác) mới có quyền tham gia tố tụng;

Thứ ba, Ngân hàng (Tổng Giám đốc) uỷ quyền cho Giám đốc Chi nhánh của Ngân hàng và cho phép Giám đốc Chi nhánh uỷ quyền lại cho một số đối tượng khác tham gia tố tụng: Trong trường hợp này, người tham gia tố tụng có thể là Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc những cán bộ khác theo sự uỷ quyền lại của Giám đốc Chi nhánh.

Như vậy, việc uỷ quyền của Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (kết hợp giữa cách thức thứ hai và thứ ba) là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật.

  1. Ngoài ra, việc tham gia tố tụng còn bao hàm các nội dung quan trọng như việc khởi kiện vụ án và cung cấp những văn bản trả lời Toà án. Theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2000/KHXX nói trên của Toà án Nhân dân Tối cao, thì mọi đối tượng được uỷ quyền tham gia tố tụng đều có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, có ba trường hợp chủ yếu sẽ xảy ra:

Thứ nhất, Tổng giám đốc uỷ quyền cho những người có chữ ký được phép đóng dấu của Ngân hàng, thì Đơn khởi kiện sẽ được đóng dấu của pháp nhân Ngân hàng;

Thứ hai, Tổng giám đốc uỷ quyền cho những người có chữ ký được phép đóng dấu của Chi nhánh, thì Đơn khởi kiện sẽ được đóng dấu của Chi nhánh;

Thứ ba, Tổng giám đốc uỷ quyền cho một cán bộ, nhân viên khác mà chữ ký của họ không được phép đóng dấu của Ngân hàng hoặc của Chi nhánh, thì Đơn khởi kiện của pháp nhân Ngân hàng sẽ không được đóng bất kỳ con dấu nào.

Vậy trường hợp nào các Đơn khởi kiện, văn bản giải trình, đề nghị,… của Ngân hàng gửi cho Toà án trong quá trình tham gia tố tụng sẽ được chấp nhận và trường hợp nào sẽ không được chấp nhận, khi không có con dấu của cơ quan, đơn vị để khẳng định giá trị pháp lý của các văn bản, như quy định tại Nghị định số 62-CP ngày 22-9-1993 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng con dấu?

  1. Cuối cùng, nếu cứ yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc, thậm chí Tổng giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc phải trực tiếp tham gia tố tụng thì họ cũng chưa chắc đã tự quyết định được mọi vấn đề để tránh gây ra sự “đình trệ”, “phiền phức nhiêu khê cho việc giải quyết vụ án”. Vì theo quy định của pháp luật và theo cơ chế của nhiều Ngân hàng hiện nay, thì trong nhiều trường hợp, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc cũng không thể tự quyết định được việc miễn, giảm lãi, xoá nợ,… để thương lượng, hoà giải trong quá trình tham gia tố tụng như đối với các doanh nghiệp khác.

Hơn thế nữa, ngoài việc đã uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng như trên, Tổng Giám đốc và Giám đốc chi nhánh vẫn có thể trực tiếp tham gia tố tụng ở bất kỳ giai đoạn nào khi muốn và khi cần thiết.

Do dó, việc uỷ quyền tham gia tố tụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói riêng cũng như việc uỷ quyền của các Ngân hàng nói chung hiện nay có thể là “tràn lan” theo quan điểm của tác giả nói trên, nhưng đối với thực tiễn hoạt động của các Ngân hàng hiện nay, thì đó là một sự mở rộng rất cần thiết, hợp lý và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

———————–

Hà Nội 8-2002

 

  • Đăng lại:
  1. https://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/07/22/du-l-s%E1%BB%B1-b%E1%BA%A5t-c%E1%BA%ADp-trong-vi%E1%BB%87c-u%E1%BB%B7-quy%E1%BB%81n-tham-gia-t%E1%BB%91-t%E1%BB%A5ng-c%E1%BB%A7a-cc-ngn-hng/
  2. http://sunlaw.com.vn/news/dau-la-su-bat-cap-trong-viec-uy-quyen-tham-gia-to-tung-cua-cac-ngan-hang-.aspx

 

Khoản 1, Điều 15,  Luật DNNN quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập các tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước độc lập có quy mô lớn hoặc quan trọng

Khoản 3, Điều 96, Bộ luật Dân sự: “Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự”.

Điều 100, Bộ luật Dân sự:

1- Pháp nhân có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của pháp nhân.

2- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.

3- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền.

4- Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân.

Khoản 3, Điều 102, Bộ luật Dân sự: “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện nhiệm vụ đại diện”.

Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Dân sự: Chủ hộ gia đình “có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự”.

Khoản 1, Điều 122, Bộ luật Dân sự: “Tổ trưởng tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ”.

Khoản 1, Điều 152, Bộ luật Dân sự: “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho người khác phù hợp với quy định của Bộ luật này nhân danh mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Điều 588, Bộ luật dân sự

Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Hình thức hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức hợp đồng uỷ quyền ban đầu.

Việc uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu”.

Khoản 3, Điều 81, Luật Doanh nghiệp: “Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc mất khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao, thì thành viên được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền sẽ thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị”.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngân hàng số 11-2002

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738