65. Một số quy định về quyền sở hữu.

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi):

Quyền sở hữu là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, Bộ luật Dân sự cần tạo ra những cơ chế bảo vệ hữu hiệu và thực chất, nhất là đối với quyền sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Dân sự chưa thật sự làm rõ được yêu cầu này.

  1. Quyền sở hữu trong quá trình giao dịch dân sự có được bảo vệ hay không có liên quan đến quy định về mục đích của giao dịch dân sự. Nếu chỉ quy định mục đích của giao dịch dân sự là “lợi ích hợp pháp” như Điều 114 của Dự thảo Bộ luật Dân sự, thì đã mặc nhiên bỏ qua những mục đích giao dịch hợp pháp khác nhưng có thể không phải vì lợi ích.
  2. Điều 156 và 183 Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” là không rõ ràng. Ví dụ: việc đi xe máy của cá nhân ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, đến người khác do xả chất thải, gây tiếng ồn, tung bụi đường,… Vì vậy, nên sửa lại theo hướng, khi thực hiện quyền của mình, chủ sở hữu không được vi phạm các quy định của pháp luật.
  3. Điều 159, 420 và 432 của Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định: Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản và tài sản khác có đăng ký quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Quy định này chỉ đúng trên lý thuyết, sẽ tiếp tục dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tạo ra nhiều sự tranh chấp phức tạp không đáng có trên thực tế. Điều này chỉ đúng trong điều kiện những tài sản hiện hữu đều đã được đăng ký quyền sở hữu mà chủ thể giao dịch cố tình không hoàn thất thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nó không hợp lý vì đã đương nhiên loại bỏ quyền sở hữu đích thực trong nhiếu trường hợp, đã tước bỏ quyền được Nhà nước bảo hộ đối với những trường hợp mua bán tài sản trên thực tế nhưng không thế sang tên, trước bạ được. Đó là những trường hợp mua nhà ở chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc bị hạn chế về mặt hành chính như không có hộ khẩu, không được địa phương cho đăng ký sang tên,… .

Có một sự bất hợp lý rõ ràng là, khi nhà đất đang sử dụng, mặc dù không có giấy tờ sở hữu thì người sử dụng vẫn được pháp luật công nhận quyền sở hữu; nhưng cũng nhà đất ấy, khi bán cho người khác, thì người mua lại không có quyền sở hữu và không được pháp luật chấp nhận cho trước bạ, sang tên. Pháp luật phải phân biệt rạch ròi hai vấn đề, quyền sở hữu là một thực tế khách quan không thể không công nhận, còn việc đăng ký sang tên chỉ là một thủ tục hành chính pháp lý. Không thể vì thiếu thủ tục này mà tước bỏ quyền sở hữu tài sản, nhất là trên thực tế còn quá nhiều giao dịch không thể đáp ứng được về mặt thủ tục theo quy định. Bộ luật Dân sự phải bảo vệ được những giao dịch mua bán thực tế một cách hoàn toàn tự nguyện, hợp lý, chính đáng. Nhà nước cần bảo vệ những người “vô tội” khi buộc phải mua nhà đất chưa có giấy tờ sở hữu hoặc chưa có hộ khấu tại địa phương để thực hiện quyền có nhà ở và tự do cư trú theo Hiến pháp.

Để thực sự bảo hộ quyền sở hữu về nhà ở của người dân, với tình trạng còn quá nhiều căn nhà chưa có giấy tờ sở hữu như hiện nay, pháp luật cần giải quyết triệt để và thực chất hơn. Chẳng hạn, cần quy định miễn các loại thuế nhà đất đối với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà lần đầu. Nhà nước không thể suy diễn, đó là một sự thất thu, bởi lý do chủ yếu mà người dân không có giấy tờ sở hữu không thuộc về trách nhiệm của họ.

  1. Về các hình thức sở hữu, chỉ nên chọn ba hình thức sở hữu sau: Sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu chung. Cần bỏ các hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân theo hai phương án được nêu tại Điều 163 và các điều từ 189 đến 207 của Dự thảo Bộ luật Dân sự vì: Sở hữu toàn dân, là một khái niệm chính trị mơ hồ, không chính xác về mặt pháp lý; sở hữu tập thể, thực chất là một dạng của sở hữu chung; sở hữu cá nhân, thực chất trùng lặp với sở hữu tư nhân.
  2. Quyền sở hữu bao gồm ba quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên, cần bổ sung quyền hưởng dụng tài sản, vì nó là quyền ngày càng trở lên quan trọng và không thuộc vào một trong ba quyền trên. Điển hình là việc cho thuê tài sản, chủ sở hữu không thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng nhưng có quyền hưởng dụng Đồng thời, cũng cần làm rõ hơn nội dung của quyền định đoạt, chẳng hạn Điều 627 của Dự thảo quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản đã gián tiếp quy định việc cầm cố, thế chấp là quyền định đoạt, nhưng các quy định chính thức về quyền cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tại các điều từ 185 đến 188, thì lại không xác định có phải là quyền định đoạt không. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ trường hợp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không được sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu thì giao dịch đó có vô hiệu toàn bộ hay chỉ vô hiệu một phần.
  3. Bộ luật Dân sự là một đạo luật cơ bản, quan trọng nhất trong các văn bản pháp luật về dân sự; tuy nhiên nhiều nội dung cốt lõi trong đời sống, trong đó có liên quan đến quyền sở hữu, đã bị Bộ luật hiện hành cũng như Dự thảo Bộ luật Dân sự bỏ qua. Ví dụ như không hề đề cập đến những khái niệm sát sườn, thiết thực đối với mọi người dân, đó là nơi thường trú, hộ khẩu thường trú, giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân dân), sự kiện bất khả kháng,… Các thủ tục pháp lý quan trọng như đăng ký khai sinh, xác nhận lý lịch, xin cấp chứng minh nhân dân,… trước hết phải dựa vào nơi thường trú, là nơi đăng ký hộ khẩu, chứ không dựa vào nơi người đó “thường xuyên sinh sống” hoặc đang sinh sống nói chung.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,603