66. Âm và dương, chữ nghĩa còn mập mờ.

(NN&ĐS) – Âm lịch và dương lịch tưởng như đã được phân biệt rõ như Mặt trăng với Mặt trời. Nhưng trên thực tế vẫn đang có sự nhập nhằng đáng kể, nhất là xét về mặt ngôn từ, chữ nghĩa.

Trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 7-2002, có tác giả cho rằng: Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đọc tháng đầu tiên của năm dương lịch “tháng một” là sai, mà phải đọc “tháng giêng” mới là chuẩn. Đến số Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống tháng 12-2002, một tác giả khác lại cho rằng, đọc “tháng một” thì hợp lý hơn là “tháng giêng”. Vậy đâu là sự sai sót và nếu có sai thì sai ở đâu, do phát thanh viên đọc sai hay phóng viên, biên tập viên viết sai hay còn ai sai nữa.

Tôi ủng hộ quan điểm, âm – dương phải cách biệt rõ ràng. Nhưng nếu xét về mặt chữ nghĩa trên các ấn phẩm hiện nay thì quả là rối mù và thật khó phân biệt.

Trước hết, tôi cho rằng, phát thanh viên không đọc sai và không chịu trách nhiệm về việc thiếu chuẩn mực (nếu có). Vì, nếu văn bản ghi là “tháng giêng năm 2003” thì họ không thể đọc là “tháng một năm 2003” và ngược lại, nếu văn bản ghi là “tháng 1-2003” thì họ cũng không thể đọc là “tháng giêng năm 2003”. Nếu có sai ở trong trường hợp này, thì là sai phổ biến do sự thiếu “chuẩn” ở nhiều tài liệu, giấy tờ (đấy là chưa nói đến cách viết hoa và dùng dấu phảy trong việc ghi ngày, tháng năm âm lịch cũng rất khác nhau).

Có một thời gian dài xây dựng một xã hội mới, dường như chúng ta đã “bỏ rơi” âm lịch. Nhưng cuộc sống không cho phép điều đó. Hàng tháng, trăng hết tỏ lại mờ; thuỷ triều lên rồi lại xuống; mọi nhà cúng giỗ, cả nước giỗ tổ Hùng Vương rồi Tết nguyên đán thiêng liêng của dân tộc, v.v… đều liên quan đến mặt trăng và tính bằng âm lịch. Và một điều cũng cần nhắc lại là, âm lịch hiện nay đã được cải tiến theo dương lịch, nên thực chất là âm – dương lịch.

Có sự khác nhau về tên gọi tháng đầu tiên và tháng cuối cùng của năm dương lịch với năm âm lịch. Nếu là tháng dương lịch thì đọc là “tháng một” và “tháng mười hai”, còn nếu là âm lịch thì phải là “tháng giêng” và “tháng chạp”. Còn “tháng một” âm lịch thì chỉ là cách nói tắt của “tháng mười một” mà thôi. (Do đó, cùng chỉ tháng này, Báo Hà Nội mới và cuốn lịch bàn năm 2002 của NXB Hà Nội in là “tháng Mười một”, cuốn lịch bóc của NXB Chính trị Quốc gia năm 2002 và lịch bàn năm 2003 của Báo Nhân Dân in là “tháng Một”, còn tập lịch bóc năm 2003 của NXB Văn hoá – Thông tin thì in là “tháng Một (th.Mười một)”). Vậy, tại sao trong 12 tháng thì lại chỉ có hai tháng có tên gọi khác nhau? Và gọi “tháng một” dương lịch là “tháng giêng” thì liệu có phải là sai, là lệch chuẩn?

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 2002, thì từ “giêng” và “chạp” là chỉ dành cho tháng âm lịch. Thế nhưng tôi thấy nhiều năm qua, có nhiều tài liệu vẫn ghi là “tháng 1” dương lịch là “tháng giêng”. Ví dụ: Báo Lao Động, lịch bóc, lịch quyển, lịch sổ tay, v.v… Liệu có phải do quan điểm cho rằng trong khi lịch âm đã ghi “tháng 11” là “tháng một” thì ghi thêm “tháng một” dương nữa sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn, còn nếu cả tháng âm và dương đều ghi là “tháng giêng” thì vẫn hợp lý. Ví dụ, trong cuốn lịch bóc năm 2003 của NXB Văn hoá Thông tin, thì cả tháng 1-2003 lẫn tháng tháng 1 năm Quý mùi đều được gọi là “tháng Giêng”?

Cả giờ, ngày, tháng, năm của âm lịch đều đã có cách gọi theo can, chi (tý, sửu, dần, mão, v.v…). Các cuốn lịch bóc gần đây cũng in đầy đủ như thế. Vậy thì cách gọi ngày mùng một Tết âm lịch sắp tới là ngày 1, tháng Giêng, năm Quý mùi phải chăng cũng là cách gọi pha tạp, lệch chuẩn, đã được chuyển hoá theo dương lịch và được tất cả chấp nhận, vì nếu theo đúng âm lịch phải gọi là ngày ất tỵ, tháng Giáp dần, năm Quý mùi?

Hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng còn thấy hiện tượng gọi thượng tuần, trung tuần, hạ tuần tháng dương lịch. Như vậy có “lấn sân” âm lịch, vì chỉ có tháng âm lịch mới tính theo tuần trăng, còn dương lịch phải gọi là đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng?

Hàng chục năm nay, mỗi dịp xuân đến, Tết về, chúng ta vẫn thường thấy một câu chúc khẩu hiệu kiểu công thức: Chúc mừng năm mới: Xuân Quý Mùi – Tết 2003. Chủ tịch Nước Trần Đức Lương cũng có thiếp “Chúc mừng năm mới – Xuân Quý Mùi 2003”. Thực ra, nếu diễn tả theo đúng lịch, thì phải nói ngược lại là Chúc mừng năm mới: Tết Quý Mùi – Xuân 2003. Vì thứ nhất, đấy là Tết âm lịch chứ không phải Tết dương lịch. Thứ hai, mùa xuân là tính theo dương lịch chứ không phải theo âm lịch.

ở nước ta, có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông và mỗi mùa có 6 tiết. Tất  tất cả các mùa và các tiết đều được tính theo dương lịch chứ không phải theo âm lịch như nhiều người vẫn nhầm lẫn. (Mùa xuân từ tháng 2 đến 4, mùa hạ từ tháng 5 đến tháng 7, mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10 và mùa đông là từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau). Chúc mừng ở đây là mừng Tết Quý Mùi, còn Tết 2003 đã qua cả tháng rồi thì còn mừngmới gì nữa?

Và đón Xuân 2003 thì mới đúng, vì xuân là của năm dương lịch, vả lại thông thường thì Tết âm lịch cũng xoay quanh tiết lập xuân (ngày mùng một tết âm lịch ở vào trong khoảng từ ngày 21-1 cho đến ngày 20-2 dương lịch). Một năm có 24 tiết như: Lập xuân (sang xuân), vũ thuỷ (ẩm ướt), kinh trập (sâu nở), xuân phân (giữa xuân), v.v… mỗi tiết cách nhau khoảng 15 ngày và đều được tính theo dương lịch. Các tiết này đều được ghi ở phần trên (phần ghi dương lịch) chứ không bao giờ được in ở phần dưới (phần ghi âm lịch) của các cuốn lịch bóc. Các tiết trên chỉ xê dịch trong phạm vi 1-2 ngày theo dương lịch. Ví dụ lập xuân bao giờ cũng rơi vào khoảng ngày 4 đến 6 tháng 2, hạ chí bao giờ cũng rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 6. Do lịch âm sai lệch có khi đến cả tháng so với lịch dwong, cho nên có khi tiết lập xuân xảy ra vào trước, đúng hoặc sau dịp tết nguyên đán âm lịch. Tương tự, thanh minh là thuộc lịch dương, vào đầu tháng 4 dương dịch, cho nên tuy ai cũng biết câu Kiều “thanh minh trong tiết tháng ba” nhưng thực tế có khi thanh minh “đến sớm” ngay trong tháng 2 âm lịch.

Còn một điều nữa quanh chữ nghĩa giữa âm lịch và dương lịch là: Trung thuthu phân (giữa thu). Xét về chữ nghĩa, thì có thể coi giữa thu là tương tự như trung thu, nhưng do giữa thu là tính theo dương lịch (nửa cuối tháng 9), còn trung thu là tính theo âm lịch (rằm tháng 8), thành ra tuy gần gũi nhưng lại âm – dương khác biệt. Thỉnh thoảng có năm, ngày trung thu trùng với ngày giữa thu thì chúng vẫn là hai sự kiện hoàn toàn khác nhau.


Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——-

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống 3 (89)-2003:

Hà Nội 01-2003

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,015