66. Một số điều kiện trong việc thiết lập quan hệ dân sự.

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi):

Các quan hệ dân sự được thiết lập trên cơ sở các nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực,… Tuy nhiên, nhiều quy định của Dự thảo Bộ luật Dân sự còn chưa thế hiện được những nguyên tắc đó.

  1. Khoản 5, Điều 135 của Dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn quy định tương tự Bộ luật hiện hành: “Người đại diện không được thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó”. Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến một cách hiểu phủ nhận thực tế: Một người là đại diện hợp pháp của pháp nhân sẽ không được dùng tài sản của chính mình để bảo lãnh cho pháp nhân đó vay vốn, vì khi tham gia hợp đồng bảo lãnh, người đó là người đại diện cho pháp nhân (bên được bảo lãnh) để giao dịch với chính mình (người bảo lãnh). Quy định này đã gạt bỏ một quan hệ dân sự hoàn toàn đúng đắn, hợp lý, gây khó khăn cho những giao dịch bảo lãnh rất phổ biến trên thực tế.
  2. Điều kiện, thủ tục thiết lập các hợp đồng dân sự trong Dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ. Chẳng hạn, nếu coi việc uỷ quyền (Điều 570), là một quan hệ hợp đồng thông thường, thì buộc phải có các bên ký vào giấy uỳ quyền. Nhưng đây là một dạng hợp đồng rất đặc biệt, do vậy cần quy định cụ thể trường hợp nào do hai bên cùng ký hoặc chỉ cần người uỷ quyền ký, tránh tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho loại giao dịch dân sự đang diễn ra hàng ngày. Việc người được ủy quyền xuất trình văn bản uỷ quyền và thực hiện công việc được uỷ quyền đã là hành động chấp nhận hợp đồng uỷ quyền, do vậy không cần bắt buộc phải ký tên (nhất là trường hợp phải công chứng, chứng thực chữ ký của hai bên ở cách xa nhau).

Việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền được quy định tại các điều 577 và 578 của Dự tháo là không rõ ràng, rất dễ dẫn đến tranh chấp. Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền trong nhiều trường hợp không thể dẫn đến chấm dứt cả hợp đồng được ký kết trên cơ sở hợp đồng uỷ quyền. Vì vậy cần quy định rõ, chỉ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền trong trường hợp việc uỷ quyền đó chưa làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người thứ ba. Nhất là trường hợp chỉ uỷ quyền ký hợp đồng mà không uỷ quyền thực hiện hợp đồng, thì cho dù “công việc được uỷ quyền đã hoàn thành” (việc ký hợp đồng) cũng không thể là căn cứ để chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, vì nó cần có hiệu lực cho đến khi hợp đồng (do người được uỷ quyền ký) được thực hiện xong.

  1. Một trong những quan hệ dân sự xảy ra rất nhiều trên thực tế là, người chậm thanh toán sẽ phải chịu mức lãi suất chậm trả (quá hạn). Vẫn như Bộ luật Dân sự hiện hành, Dự thảo đã đưa ra một số căn cứ làm cơ sở để áp dụng lãi suất chậm trả là: “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định”, lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước”“lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định” (các điều 281, 417, 458, 460, 565 và 700). Tuy nhiên tất cả những quy định này đều không thể áp dụng được, vì những lý do sau:
  • Từ ngày 01-6-1999 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không còn quy định một mức lãi suất nợ quá hạn cụ thể, mà chỉ quy định lãi suất nợ quá hạn không quá 150% lãi suất trong hạn. Như vậy, khi áp dụng mức “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định”, thì lấy theo mức 100%, 120%, hay một mức nào khác trong giới hạn 150% đều đúng;
  • Cũng từ ngày 01-6-1999 trở đi, Ngân hàng Nhà nước không còn quy định các mức “lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn” (cũng như không kỳ hạn), mà hoàn toàn do các ngân hàng thương mại tự quyết định. Như vậy, không thể chỉ ra được, đâu là mức “lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định”;
  • Từ ngày 01-6-2001 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không còn quy định mức lãi suất cho vay theo thời gian (ngắn, trung, dài hạn), mà chỉ quy định lãi suất cơ bản để tham khảo (không bắt buộc áp dụng cho bất kỳ trường hợp nào). Như vậy, không thể xác định được mức lãi suất nào được lấy làm cơ sở để tính lãi suất nợ quá hạn và cũng không thể xác định được mức “lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng”;

Do vậy, những căn cứ “lãi suất” mà Dự luật đưa ra như trên là không thể xác định được và do đó những quy định này đã rơi vào tình trạng bất khả thi nay từ trước khi được Quốc hội thông qua. Dự thảo Bộ luật Dân sự cần đưa ra những căn cứ chính xác, cụ thể hơn. Ví dụ, về mức phạt lãi suất chậm trả, Dự thảo nên quy định cụ thể bằng 150% để các Ngân hàng và đối tượng khác phải tuân theo, chứ không nên phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước.

  1. Bộ luật Dân sự không phải là đạo luật quy định về đường lối chính trị, về chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, mà là quy định về các quan hệ dân sự. Do vậy, cần công nhận toàn bộ những vấn đề đã được thực tế Việt Nam cũng như thế giới thừa nhận, hạn chế việc can thiệp của các cơ quan Nhà nước (như việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng mua bán, thuê nhà). Pháp luật không những phải điều chỉnh những vấn đề đang xảy ra trên thực tế, mà còn phải dự liệu giải quyết cả những vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai. Do đó, Bộ luật phải điều chỉnh tất cả những gì mà cuộc sống đòi hỏi, chỉ có khác nhau ở mức độ tổng quát hay chi tiết. Không được phép bỏ qua vấn đề thực tiễn quan trọng liên quan đến quan hệ dân sự đang diễn ra, ví dụ như chơi họ (hụi), mang thai hộ, quyền được chết, việc hiến xác,… Dù là một người dân thường hay là một luật sư, thì chúng tôi đều mong muốn Bộ luật quy định cụ thể hơn, chi tiết, đầy đủ hơn và thực tế hơn.

Điều này càng tỏ ra bất hợp lý trong khi Dự thảo Bộ luật Dân sự lại quy định quá cụ thể và quá hạn chế về một số vấn đề như giới hạn mức bồi thường về tinh thần cao nhất không quá 60 tháng lương tối thiểu.

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,298