70. Nghị định về một lĩnh vực kinh doanh cụ thể cần phải hết sức rõ ràng.

(ANVI) – (Tham luận tại cuộc Tọa đàm góp ý Dự thảo Nghị định về Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do VCCI tổ chức ngày 09-3-2006) 

  1. Đánh giá chung:
  • Đây là một Nghị định thật sự vì doanh nghiệp, hỗ trợ một trong những khâu bức xúc trong giao dịch kinh doanh và dân sự, tạo thêm hành lang pháp lý hỗ trợ cho giao dịch dân sự. Nó hỗ trợ để giải quyết khâu cuối cùng trong các hợp đồng liên quan đến nợ nần, tiền bạc, chứ không nhằm vào mục tiêu chính là giải quyết vấn đề lộn xộn, tiêu cực hay trì trệ trong việc thu hồi công nợ.
  • Đây là những quy định về một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, rất hẹp về công việc, nhưng quy mô và phạm vi diễn ra thì lại rất rộng lớn, phổ biến, tính chất lại rất phức tạp. Do vậy cần quy định một cách hết sức rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Nếu không làm được như vậy, thì nó sẽ không có ý nghĩa tác dụng trong cuộc sống. Vì trên thực tế, hoạt động này vẫn đang diễn ra thường xuyên dưới rất nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở các quy định liên quan, mà hoàn toàn không cần đến sự điều chỉnh của một văn bản riêng.
  • Vấn đề mấu chốt của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là việc đòi nợ chỉ được thừa nhận và thực hiện trên cơ sở văn bản, giấy tờ và quyền lợi hợp pháp về mặt pháp lý. Bản chất của hoạt động dịch vụ đòi nợ là hết sức bình thường, với tính chất pháp lý rất đơn giản, cần để cho thị trường và khách hàng quyết định, chứ Nhà nước không nên can thiệp quá sâu như Dự thảo. Vấn đề chỉ phức tạp do thiếu khả năng thanh toán nợ và môi trường kinh tế, xã hội phức tạp.
  • Không nên quy định Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ đòi nợ (Điều 5), vì không gắn gì với chức năng của Bộ Tài chính. Đề nghị giao cho Bộ Thương mại quản lý hoạt động này, với ý nghĩa quản lý một hoạt động thương mại dịch vụ như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ kinh doanh vàng bạc.
  • Với những nội dung như Dự thảo, thì người ta có quyền cho rằng: Phải cho ra đời một Nghị định về vấn đề này chỉ là nhằm hợp pháp hóa “Giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
  1. Một số khái niệm chưa chuẩn xác:
  • Khoản 2, Điều 3 giải thích “Khách nợ là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ” Theo từ ngữ đời thường, thì chữ “khách” là để chỉ đối tượng được “chủ” sẵn sàng và mong muốn đón tiếp, giao dịch. Do vậy, người có nghĩa vụ trả nợ được gọi là con nợ. Cả từ “khách nợ” và “con nợ” đều chưa được đề cập đến trong pháp luật Tuy nhiên, nếu không tìm được một từ thích hợp hơn, thì nên dùng từ “con nợ” chứ không nên sử dụng từ “khách nợ”. Trong quan hệ giao dịch, thì các bên vẫn là “khách hàng”, “bạn hàng”, nhưng trong quan hệ tranh chấp, đòi nợ đến mức phải nhờ cậy người khác đòi nợ mà pháp luật vẫn  bắt trở thành “khách” của nhau là không hợp lý. Từ điển Tiếng Việt cũng chỉ ghi nhận từ “con nợ” chứ không ghi nhận chữ “khách” nào theo nghĩa đã được dùng trong Dự thảo.
  • Khoản 4, Điều 3 định nghĩa “Nợ quá hạn thanh toán là nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ mặc dù đã quá thời hạn phải thanh toán theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ nợ và khách nợ mà không được chủ nợ cho phép bằng văn bản kéo dài thêm thời hạn thanh toán” và đoạn 1, Điều 8 quy định: “Dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự” chỉ mới giải quyết được trường hợp phổ biến là đến một thời hạn cụ thể mà các bên đã xác định trong văn bản, mà chưa đáp ứng được trường hợp, tuy nợ chưa đến hạn theo ngày tháng đã ấn định, nhưng đã phát sinh tình huống, mà theo đó chủ nợ được quyền thu nợ trước hạn. Khoản 3, Điều 324, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về trường hợp “Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự” thì “Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản”.
  1. Nội dung chủ yếu của của Hợp đồng dịch vụ đòi nợ không hợp lý:
  • Nếu như Điều 401, Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định “Nội dung chủ yếu của hợp đồng là những điều khoản mà thiếu những điều khoản đó, thì hợp đồng không thể giao kết được”, thì Điều 402 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không còn quy định nội dung chủ yếu của Hợp đồng, mà chỉ quy định: “Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận” về 8 nội dung của Hợp đồng.
  • Do vậy, không nên quy định Hợp đồng dịch vụ đòi nợ có nhiều nội dung chủ yếu như Điều 9 của Dự thảo, nhất là trong đó có cả việc “xử lý vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp Hợp đồng” (khoản 8). Vì nếu hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, dù có thiếu một số nội dung theo Dự thảo, thì hợp đồng vẫn hợp lý, chứ hoàn toàn chưa dẫn đến hậu quả “hợp đồng không thể giao kết được”. Còn nếu hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì không cần thiết phải đặt ra bất cứ điều khoản chủ yếu nào, vì nếu thiếu các điều khoản đó, cũng không dẫn đến hậu quả pháp lý nào.
  • Ngoài ra, quy định: “Việc xác định giá dịch vụ đòi nợ và việc thanh toán giá dịch vụ đòi nợ phải gắn liền với số nợ thu được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ” tại Điều 16 cũng là không cần thiết, can thiệp quá sâu vào quyền tự do giao kết hợp đồng và quyền tự chủ về kinh doanh.
  1. Các hành vi bị nghiêm cấm còn thiếu rõ ràng:
  • Khoản 1, Điều 12 quy định: “Chủ nợ không được ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá thẩm quyền của chủ nợ”. Quy định nghiêm cấm này là quá chung chung, không có tác dụng vì không rõ thẩm quyền của chủ nợ là gì. Nếu chủ nợ ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện mọi biện pháp không trái pháp luật để đòi nợ, thì có vượt thẩm quyền không?
  • Khoản 2, Điều 12 quy định: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ “Không được xâm phạm đời tư của khách nợ,…” là không rõ ràng. Ví dụ gọi cho khách nợ theo số điện thoại mà họ không phổ biến rộng rãi ra ngoài, thì có phải là xâm phạm đời tư hay không? Đón khách nợ ở nơi khách nợ hẹn gặp ngoại tình thì có phải là xâm phạm đời tư hay không? Lẵng nhẵng bám theo con nợ (một cách lịch sự) để đòi nợ, thì có phải là “xâm phạm đời tư” không?
  • Tất cả những vấn đề trên, nếu không được quy định rõ ràng, thì sẽ rất rắc rối, phiền phức cho cả chủ nợ và khách nợ sau này. Nhất là, nó có thể là một trong những lý do dẫn đến bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 22).
  1. Điều kiện thành lập và hoạt động dịch vụ đòi nợ quá chặt chẽ:
  • Không nên đưa dịch vụ đòi nợ trở thành một hoạt động kinh doanh phải có giấy phép (các Điều 17-23) (đặc biệt, phải lên đến Bộ Tài chính cấp giấy phép như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán), mà chỉ cần quy định là một hoạt động kinh doanh có điều kiện (không cần giấy phép).
  • Cần nới lỏng điều kiện của doanh nghiệp để được kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ví dụ, một trong những điều kiên “doanh nghiệp không trong tình trạng có nợ phải trả quá hạn” (điểm b, khoản 1, Điều 18) là không cần thiết. Không cần thiết phải lý tưởng hóa đến mức bắt một doanh nghiệp có nợ phải trả quá hạn trong một thời gian ngắn, với một số tiền rất nhỏ không được kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Chỉ nên đặt ra điều kiện khi có nợ khó trả, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán,…
  • Đặc biệt không cần quy định việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng (Điều 18). Đây là số vốn quá lớn (trong khi công ty môi giới chứng khoán chỉ cần 3 tỷ đồng) và đặc biệt là nó không thật sự cần thiết đối với tính chất, yêu cầu của loại dịch vụ này.
  • Điều kiện sử dụng và yêu cầu đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ: Chỉ được sử dụng người lao động “đã có thời gian công tác trong lĩnh vực luật pháp hoặc tài chính ít nhất 3 năm” (điểm c, khoản 1, Điều 13) để trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ, là đòi hỏi quá nhiều, không cần thiết
  • Ngoài ra, cũng cần quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thành lập dưới những loại hình nào: Tổ chức, cá nhân nước ngoài có bị hạn chế gì trong việc thành lập doanh nghiệp đòi nợ không. Có được thành lập doanh nghiệp dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân không (theo quy định về điều kiện thành lập có nhắc đến điều lệ và vốn điều lệ thì có phải là loại trừ doanh nghiệp tư nhân hay không)?
  • Với những điều kiện chặt chẽ như trên, nhưng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại chỉ được quyền “yêu cầu chủ nợ cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến khoản nợ” (khoản 2, Điều 11). Tức là chẳng có quyền gì đối với các tố chức, cá nhân liên quan. Vì vậy, nếu vẫn quy định điều kiện như Dự thảo, thì cần quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ có quyền đề nghị các ngân hàng cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của “con nợ”. Đồng thời có quyền đề nghị cá nhân, tố chức khác có liên quan (kể cả cơ quan Nhà nước) hỗ trợ trong việc đòi nợ.
  1. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản:
  • Đề nghị bỏ hoặc đưa vào thành các khoản đối với những đoạn không thuộc kết cấu khoản nào trong các điều có phân chia theo khoản như các điều 3, 5, 7, 9, 14,17 và 22.
  • Cần xác định rõ kết cấu của điều là khoản, điểm theo Thông tư liên tịch 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06-5-2005 Hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Hiện nay Điều 7 và 23 không rõ đâu là khoản, đâu là điểm. Thậm chí khoản 2, Điều 12 đã bị điểm e, khoản 1, Điều 11 và khoản 2, Điều 22 gọi là điểm.
  • Điều 8 cần chia thành 2 khoản.

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,547