(NN&ĐS)Việc sao chụp văn bản diễn ra ngày càng nhiều, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và cùng với việc sao chụp văn bản, là việc xác nhận giá trị của bản sao. Qua theo dõi việc công chứng, chứng thực tại 4 tỉnh, thành phố trong thời gian qua, cho thấy ít nhất có tới 11 cụm từ đã được sử dụng để xác nhận bản sao như sau:
- “Sao y bản chính“, được sử dụng tại UBND huyện Kiến An, Hải Phòng vào tháng 12-1981 và Đoàn Luật sư Hà Nội hiện nay;
- “Giống y bản chánh“, được sử dụng tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh tháng 12-2004;
- “Chứng nhận sao y bản chính“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 1, Hà Nội tháng 3-1995 đến 10-1996;
- “Sao đúng với bản chính“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Hà Tây tháng 12-2002;
- “Sao nguyên văn bản gốc“, được sử dụng tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam từ năm 2002 đến nay;
- “Chứng nhận sao đúng nguyên bản“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 1, Hải Phòng trong khoảng tháng 9-1995 đến tháng 2-2001;
- “Xác nhận bản này chụp từ bản chính“, được sử dụng tại Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 9-1999;
- “Chứng nhận sao đúng bản chính“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 3, Hải Phòng từ năm 2001 đến nay;
- “Chứng thực sao đúng với bản chính“, được sử dụng tại UBND quận Tân Bình tháng 4-2002 (thêm chữ với so với trường hợp trên);
- “Chứng nhận: Sao đúng bản chính“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10-1999 (thêm dấu hai chấm sau chữ chứng nhận so với trường hợp trên).
- “Chứng nhận bản sao này đúng bản chính“, được sử dụng tại Phòng Công chứng số 2, Hà Nội trong khoảng tháng 5-1998 đến 5-2000;
- “Chứng thực bản sao này đúng bản chính“, được sử dụng tại UBND quận 1 thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2000 (cũng tại thời điểm này, tại UBND quận Tây Hồ lại sử dụng cụm từ “Chứng nhận bản sao này đúng bản chính“.
Qua các ví dụ trên cho thấy, việc công chứng, chứng thực được Nhà nước thống nhất quản lý khá bài bản và chặt chẽ (trừ trường hợp ở hai Ngân hàng), nhưng vẫn chưa thật sự chuẩn hoá.
Cùng với thời gian, dường như chữ nghĩa có vẻ dài dòng thêm mà cũng chẳng thấy đâu là chính xác hơn. Trong cũng một khoảng thời gian cũng đã có sự khác nhau. Ví dụ trong khoảng tháng 1995-1996, trong khi Phòng Công chứng số 1 Hà Nội “Chứng nhận sao y bản chính“, thì Phòng Công chứng số 1 Hải Phòng lại “Chứng nhận sao đúng nguyên bản“..
Việc sử dụng cụm từ để xác nhận cần chính xác, ngắn gọn. Để chỉ việc sao thì có “Sao y“, “Sao đúng” và “Sao nguyên văn“; còn nói về văn bản thì có “Bản chính“, “Nguyên bản” và “Bản gốc“, trong đó các từ nguyên văn, nguyên bản và bản gốc xuất hiện rất ít. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 1992 cũng đưa ra thí dụ “Sao y bản chính” (là một tổ hợp từ điển hình) để minh hoạ cho từ y. Do vậy hoàn toàn có thể dùng cụm từ “Sao y bản chính” hoặc “Chứng nhận sao y bản chính” vừa ngắn gọn, vừa chính xác thay cho cụm từ “Chứng nhận sao đúng bản chính” được sử dụng phổ biến hiện nay.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 1992 giải nghĩa “bản chính” cũng như “bản gốc” , là “Bản viết đầu tiên, là văn bản pháp lý được dùng để in, để kiểm tra lại trước khi in”
——————————-
Hải Phòng 06-2004
Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống 11-2004: