(NN&ĐS) – Từ điển tiến Việt 2000 của Viện Ngôn ngữ học giải thích từ tạp chí là “xuất bản phẩm định kì, có tính chất chuyên ngành, đăng nhiều bài do nhiều người viết, đóng thành tập, thường có khổ nhỏ hơn báo”. Ví dụ, Tạp chí Ngôn ngữ của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Tạp chí Luật học của Trường Đại học Lụat Hà Nội,… Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ấn phẩm được gọi là tạp chí nhưng chưa chắc đã phải là tạp chí. Chẳng hạn, Tạp chí Thế Giới Mới, tuy là xuất bản phẩm định kỳ hằng tuần của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đăng nhiều bài do nhiều người viết, đóng thành tập, khổ nhỏ 13 x 19 cm, nhưng lại thiếu “tính chất chuyên ngành” vì đã được xác định rõ là đăng tải kiến thức tổng hợp. Nếu ai đã đọc ấn phẩm này thì chắc không khỏi phân vân về hai chữ Tạp chí.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) gọi một loạt chương trình truyền hình là “tạp chí”. Ví dụ: Tạp chí KCT, Tạp chí Sức khoẻ, Tạp chí Tuổi hoa, Tạp chí Sử địa, Tạp chí Pháp luật, Tạp chí Bóng đá thế giới, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn,… Các tạp chí này của VTV hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu nào theo như định nghĩa nói trên. Tên gọi Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống của VTV hoàn toàn trùng với tên gọi Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nhưng hai Tạp chí này lại chẳng dính dáng gì đến nhau. Cứ đà này, rồi đến lúc sẽ có Tạp chí SV 2000, Tạp chí Phim truyện, Tạp chí Sân khấu, Tạp chí Thời sự, Tạp chí Chào buổi sáng,… Vậy nên chăng cần gọi đúng tên các tạp chí đó trên VTV là chương trình hay chuyên mục?
Cũng cuốn Từ điển tiếng Việt nói trên giải thích từ chuyên đề là “vấn đề chuyên môn có giới hạn, được nghiên cứu riêng”. Ví dụ, năm 1999, Tạp chí Ngân hàng (Tạp chí lý luận và nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xuất bản 18 số định kỳ và hai số chuyên đề: “Định hướng điều hành lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước Việt Nam” và “Tăng cường phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn sai sai phạm, nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng”.
Thế nhưng Tạp chí Pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam, xuất bản hằng tháng lại kèm theo Chuyên đề Kinh doanh và Pháp luật xuất bản hằng tuần. Về số lượng bài viết và thông tin thì Chuyên đề này nhiều gấp 3, 4 lần so với Tạp chí (một năm chỉ có 12 số Tạp chí, nhưng lại có tới 52 số chuyên đề?). Về hình thức và nội dung của Chuyên đề này, thì hoàn toàn giống như những tờ tuần báo khác. Ngoài ra, Tạp chí và Chuyên đề trên cũng có hai giấy phép xuất bản hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp này, nếu xét theo đúng khái niệm, thì chính Tạp chí Pháp lý mới là chuyên đề của tờ báo Kinh doanh và Pháp luật. Đó là chưa kể đến việc, chỉ có tờ Kinh doanh và Pháp luật tự “giới thiệu” mình là “chuyên đề của Tạp chí Pháp lý”, chứ không thể tìm đâu ra chữ Tạp chí trong tất cả các trang của chính tờ Pháp lý.
——————–
Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài viết gửi đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống