77c. Một số trường hợp sử dụng từ “trẻ”.

(NN&ĐS) – Việc sử dụng từ ngữ có liên quan đến ngoại ngữ thường là phức tạp. Chẳng hạn hiện nay, thật khó mà biết được cách viết nào trên báo chí là đúng tên gọi của một nước đã rất quen thuộc với chúng ta: Singapo, Singgapo, Singapore, Sinhgapo, Xingapo, Xinhgapo, Xin-ga-po, Xing-ga-po,… (?!). Chỉ với ít phút trong Chương trình Thời sự quốc tế tối ngày 25-7-1999 của VTV1 đã có hai lần xuất hiện chữ “Singapo” cùng hai lần khác lại là “Sinhgapo” (chưa kể một số lần xuất hiện chữ gốc do nước ngoài viết là “Singapore”)? Nhưng đôi khi ngay cả một số chữ tiếng Việt rất đơn giản và quen thuộc cũng làm cho người sử dụng phân vân, không rõ đúng, sai thế nào, kể cả khi đã tra cứu từ điển. Tính từ “trẻ” thuộc vào một trong những trường hợp như thế.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1992, thì tính từ “trẻ” có hai nghĩa như sau: “1. Ở vào tuổi đang phát triển mạnh, đang sung sức. Thời trẻ. Thế hệ trẻ. Một người trẻ lâu. Sức còn trẻ. 2. Còn mới, tồn tại, hoạt động chưa lâu như những cái, những người cùng loại. Nền công nghiệp trẻ. Những cây bút trẻ. Trẻ tuổi nghề.

Hiểu theo nghĩa thông thường, từ “trẻ” đến “già” là một quá trình vận động, phát triển về chất và thường liên quan đến lĩnh vực sinh học. Một đồ vật có thể dùng với tính từ “già” nhưng lại không được sử dụng với tính từ “trẻ”. Theo Từ điển tiếng Việt nói trên, thì tính từ “trẻ” chỉ có 2 nghĩa, còn tính từ “già” có tới 8 nghĩa. Ví dụ, nói “trăng già”, “con trâu già”, “cây lúa già” nhưng không thể nói “trăng trẻ”, “con trâu trẻ” hay “cây lúa trẻ” (mặc dù vẫn nói, “cây lúa đang thì con gái”). Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp tính từ “trẻ” đang được sử dụng không “xuôi” về mặt ngữ nghĩa, cần được trao đổi, xem xét thêm.

Mặc dù đã đọc rất nhiều cuốn “Tri thức trẻ” (chuyên san của Báo Tiền Phong), nhưng cứ mỗi lần thấy cái tên đó là tôi lại “đọc nhầm” thành “Trí Thức Trẻ” và rồi lại băn khoăn, nếu có “tri thức trẻ” thì liệu có cái gọi là “tri thức già” không? Theo tôi, tên Chuyên san trên đáng ra phải là “Tri thức mới”, giống như tên gọi Báo “Hà Nội mới”, chứ không thể là “Hà Nội trẻ” hoặc phải là Tạp chí “Tác phẩm mới” chứ không thể là “Tác phẩm trẻ” được. Nhưng hiện nay, bên cạnh Tạp chí “Thế Giới Mới” (của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì lại có cả Chuyên đề “Thế giới trẻ” (của Tạp chí Lao động và Công đoàn). Rõ ràng, tên gọi “Thế giới trẻ” sẽ bị hiểu thành nghĩa “thế giới còn trẻ” chứ không phải nói về thế giới của lớp trẻ, vì vậy gọi chính xác phải chăng là “Thế giới Tuổi trẻ” hoặc “Thế giới Tuổi xanh”? Tương tự như vậy, tên của Tạp chí “Thời trang trẻ”, Nhà xuất bản “Trẻ”, Báo “Văn nghệ trẻ”,… cũng cần được xem xét thêm về mặt ngữ nghĩa. Chỉ có “nhà văn nghệ trẻ” hoặc “người làm văn nghệ già”, chứ làm gì có “văn nghệ trẻ” hoặc “văn nghệ già”? Trong trường hợp này, liệu có cần phải gọi chính xác hơn là Tạp chí “Thời trang Tuổi trẻ”, Nhà xuất bản “Tuổi trẻ”, “Văn nghệ Tuổi trẻ”,… như cách đặt tên của Báo “Tuổi trẻ”, Tạp chí “Toán học Tuổi trẻ” hoặc Nhà hát “Tuổi trẻ”,… ?

Nếu chữ “trẻ” trong “Tri thức trẻ”, “Thế giới trẻ”, “Thời trang trẻ”, “Nhà xuất bản Trẻ”, “Văn nghệ trẻ”,… được hiểu là một “danh từ” chỉ lớp người trẻ tuổi, tương tự như với ý nghĩa trong các tên gọi “nhà trẻ”, “vườn trẻ”,… thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng rõ ràng các chữ “trẻ” trong các tên gọi trên lại làm cho mọi người hiểu rằng đó là tính từ. Riêng đối với chuyên đề “Tài hoa trẻ” (của Báo Giáo dục và Thời đại) thì có thể hiểu nghĩa của “tài hoa” là ám chỉ con người, vì vậy “tài hoa trẻ” cũng có phần tương đương nghĩa với “người tài còn trẻ”. Và từ “trẻ” ở đây có lẽ được dùng với tư cách là một tính từ hay danh từ đều được?

Hiện nay có khá nhiều báo chí thường xuyên nhắc đến khái niệm “doanh nghiệp trẻ” để chỉ các doanh nghiệp và thậm chí để nói về cả con người. Theo tôi, cả hai đối tượng này đều không phù hợp với cụm từ “doanh nghiệp trẻ”. Nếu nói một tổ chức kinh doanh là “doanh nghiệp trẻ” thì có phải ngược lại với nó là “doanh nghiệp già” và phía trước sẽ hứa hẹn một “doanh nghiệp chết”? Còn nếu để gọi về một người làm nghề kinh doanh, thì phải là “doanh nhân trẻ” hoặc “nhà doanh nghiệp trẻ” chứ không thể biến một “cơ thể sinh học” thành một “tổ chức kinh doanh”.

Hàng năm, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam có tổ chức các Hội thảo “Ngữ học trẻ”. Vậy liệu có chăng một mảng nữa là “ngữ học già”? Phải chăng, cần gọi đó là Hội thảo “Ngữ học Tuổi trẻ” hoặc Hội thảo “Nhà ngữ học trẻ” (tất nhiên, người tham dự không chỉ có các nhà ngôn ngữ học). Và cũng tương tự như vậy, cần gọi là Hội thi “Tin học Tuổi trẻ”, chứ không nên là “Tin học trẻ”,…

Theo tôi tính từ “trẻ” chỉ nên sử dụng để chỉ con người hoặc đi kèm với những gì nói về con người, chứ không nên dùng để chỉ các hiện tượng, sự vật. Trong phần giải thích nghĩa thứ hai đối với tính từ “trẻ” của cuốn Từ điển nói trên, có đưa ra ba ví dụ là: “Nền công nghiệp trẻ. Những cây bút trẻ. Trẻ tuổi nghề”. Hai ví dụ sau thực chất là chỉ con người. Còn nói “nền công nghiệp trẻ” thì xem ra không được hợp lý lắm, cần được xem xét thêm. Nếu đã có “nền công nghiệp trẻ” thì đương nhiên có thể nghĩ đến một cụm từ khác là “nền công nghiệp già”? Nói như thế, nếu không sai, thì cũng thật khó chấp nhận trong ngôn ngữ tiếng Việt. Nên chăng nói “nền công nghiệp non trẻ” (hoặc non nớt) và có ý nghĩa đối lập với “nền công nghiệp già cỗi” (hoặc già nua). Như vậy, nếu loại trừ ví dụ “nền công nghiệp già”, thì thực chất tính từ “trẻ” trong Từ điển nói trên chỉ còn lại một nghĩa là để ám chỉ về con người.

Tương tự với cảm nhận trên, thấy rằng cũng có phần thiếu chuẩn xác đối với một khái niệm được dùng khá phổ biến hiện nay là “thành phố trẻ”. Nếu cứ tương tự như vậy thì sẽ phải có thêm các khái niệm “tỉnh trẻ”, “huyện trẻ”, “phường trẻ”, “thôn, xóm trẻ”,…?  Thực chất, chỉ có “thành phố mới” so với “thành phố cũ” hay “thành phố cổ”. Tuy nhiên, lại có thể dùng “thành phố trẻ trung” hoặc các khái niệm tương tự để nói về “sức sống” về khả năng phát triển của nó. Sử sách vẫn ghi nhận rằng: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta lúc bấy giờ là một “Nhà nước còn non trẻ”, chứ có bao giờ nói rằng đó là một “Nhà nước trẻ” hoặc “Nhà nước còn trẻ”?

Trong thực tế, tính từ “trẻ” còn hay được mang ra để ví von với Đảng hoặc một tổ chức nào đó đã ra đời được 30-40 năm là trẻ trung, là sung sức, là trí tuệ như độ tuổi của con người. Vậy, nếu cứ theo lô-gíc của cuộc đời, thì cơ quan mới thành lập từ 3-5 năm sẽ được coi là tuổi non dại, tuổi chỉ biết ăn chơi, tuổi chập chững vào đời và đến khi chúng hoạt động được 80-90 năm, thì liệu có trở thành tổ chức đang già cỗi, đang cạn sức, đang trì trệ, thậm chí đang đi tới cái chết? Rõ ràng các cơ quan, tổ chức, các loại động vật, thực vật hay một sự việc, hiện tượng sinh ra và phát triển theo các quy luật tự nhiên và xã hội rất khác nhau, không thể mang ra so sánh theo “cảm hứng” như thế.

Ngoài ra, cũng theo từ điển nói trên, động từ “trẻ hoá” chỉ có một nghĩa là: “Làm cho thành phần gồm có nhiều người trẻ hơn, để có được nhiều nhân tố tích cực hơn. Trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lí. Trẻ hoá một đội bóng.” Nếu như đã sử dụng tính từ “trẻ” trong cụm từ “nền công nghiệp trẻ” như trên, thì tại sao lại không sử dụng động từ “trẻ hoá” để nói rằng “trẻ hoá nền công nghiệp”? Từ điển chỉ sử dụng từ “trẻ hoá” để chỉ con người là chính xác, vì đúng là chỉ có thể nói “trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lí” và “trẻ hoá cán bộ cơ quan”, chứ không thể nói là “trẻ hoá cơ quan”, “trẻ hoá máy móc”. Tuy vậy, trong ngành Hàng hải lại vẫn sử dụng khái niệm “trẻ hoá đội tàu”. So với sự giải nghĩa của Từ điển nói trên, thì dùng từ ngữ như vậy là sai. Nhưng ở đây lại có những khía cạnh đặc biệt, vì từ xưa đến nay tàu biển là một phương tiện vận tải thường được gọi là “con tàu”, là “đội tầu”, có khả năng “ăn hàng”,… Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở cách gọi “trẻ hoá đội tàu” chứ không nói là “trẻ hoá con tàu”.

Trong cách giải thích của Từ điển tiếng Việt nói trên, cảm thấy có gì đó không tương xứng về mặt ngữ nghĩa khi so sánh giữa tỉnh từ “trẻ” và động từ “trẻ hoá”. Nếu tính từ “trẻ” có nghĩa là: còn mới, tồn tại, hoạt động chưa lâu như những cái cùng loại, theo định nghĩa thứ hai của Từ điển, thì liệu có thể hiểu rằng, bất cứ cái gì cũng có thể đi liền với tính từ “trẻ” theo kiểu bên cạnh “nền công nghiệp trẻ” còn có “chính phủ trẻ”, “cái giường trẻ”, “cuốn sách trẻ”, “khoa học trẻ”, “học thuyết trẻ”, “công nghệ trẻ”,…?

Qua một số trường hợp trên, tôi nghĩ rằng tính từ “trẻ” chỉ được sử dụng một cách phù hợp để nói về con người hoặc những gì hàm chỉ con người. Và những danh từ nào được sử dụng với tính từ “trẻ”, thì nó cũng có thể kết hợp với cả tính từ “già”.

Trên đây chỉ là sự cảm nhận, là những điều băn khoăn của một người quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ. Rất mong được các nhà ngữ học trao đổi, phân tích để giúp cho những người quan tâm thêm phần hiểu biết và sử dụng đúng tiếng Việt.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết gửi đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống

Ghi chú: Có một đĩa vi tính được gửi kèm theo bài viết này.

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,342