78. Hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

(ANVI) – MỘT SÔ Ý KIẾN THAM GIA GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi xin tham gia một số ý kiến về Dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ Thương mại – Bộ Công an “Hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường” như sau:

  1. Có thể nói, Thông tư này không trực tiếp thì gián tiếp liên quan đến hầu hết các nhà kinh doanh và người tiêu dùng. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải được Dự thảo Thông tư giải quyết rõ ràng là xử lý hàng hoá nhập khẩu bán buôn và bán lẻ ở các chợ và hàng hoá nhập khẩu do người tiêu dùng vận chuyển với số lượng hoặc giá trị lớn thì phải bảo đảm về điều kiện hoá đơn chứng từ thế nào. Điều này chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo Thông tư (nếu không thuộc đối tượng áp dụng thì cần ghi rõ). Theo đoạn 2, điểm 1, Phần I “Tổ chức và cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hoá hoặc kinh doanh hàng hoá nhập khẩu (gọi chung là cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu) là đối tượng phải thực hiện chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo quy định của Thông tư này.” thì các chủ thể kinh doanh và tiêu dùng rất khó xác định được là tổ chức, cá nhân nào.
  2. Điểm 2, Phần I của Dự thảo Thông tư quy định một trong các trường hợp không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư là “Hàng hoá nhập khẩu là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”. Đây là một quy định rõ ràng về câu chữ, khái niệm, nhưng đặt trong bối cảnh này thì lại trở lên rất khó hiểu. Theo quy định này, có thể hiểu hàng hoá nhập khẩu đã được các tổ chức, cá nhân mua lại không vì mục đích kinh doanh là thuộc sở hữu hợp pháp của họ dù với bất kỳ số lượng nào. Vì vậy, cần làm rõ khái niệm này, để tránh hiều theo nhiều cách khác nhau và xảy ra tiêu cực, lợi dụng trong quá trình thực hiện.
  3. Điểm 4, Phần II quy định: “Riêng đối với hàng hoá nhập khẩu đang vận chuyển trên đường thời hạn tối đa cơ sở kinh doanh hoặc người nhập khẩu hàng hoá, cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu trong nội địa phải xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá nhập khẩu là 24 giờ tính từ thời điểm kiểm tra hàng hoá.” Việc quy định xuất trình hoá đơn, chứng từ trong 24 giờ là cần thiết và hợp lý. Không nên cho rằng cơ sở sản xuất kinh doanh có thể “Hợp thức hoá chứng từ”, vì chứng từ hợp pháp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định chặt chẽ của pháp luật. Nếu doanh nghiệp đã hợp thức hoá được chứng từ một cách đúng luật thì không thể không chấp nhận. Nếu hợp thức hoá mà không đáp ứng được đúng các quy định của pháp luật thì đương nhiên không được chấp nhận. Ngoài ra, nếu hợp thức hoá đúng pháp luật thì cũng kéo theo phải chấp hành đúng các quy định về nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập. Mặt khác, đây chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ chống buôn lậu và gian lận, chứ không phải là biện pháp chủ yếu, do vậy không phải là việc tạo điều kiện cho việc buôn lậu. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên quy định này, kế cả khi sửa đổi bổ sung Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004.
  4. Về kỹ thuật soạn thảo:
  • Cần nhất quán trong việc đánh đề mục (Phần, Mục, điểm). Dự thảo Thông tư viết “Phần II Thông tư này” cùng với việc viết “Mục II Thông tư này” và “Mục III Thông tư này”.
  • Mục A “Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá do tổ chức, cá nhân trựuc tiếp nhập khẩu vận chuyển vào nội địa” và Mục B “Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa” thuộc 2 Mục trong Phần “Hướng dẫn cụ thể” cần được phần thành 2 phần (bỏ phần “Hướng dẫn cụ thể”). Lý do, đó là 2 phần trọng tâm chủ yếu của Dự thảo Thông tư, cần được thiết kế nổi bật đúng với mục đích, yêu cầu, đồng thời làm cho văn bản được thể hiện một cách đơn giản, rõ ràng, mạch lạc hơn (cùng với đề xuất về kết cấu phần tiếp theo).
  • Tương tự, nên đưa 2 mục “Xử lý vi phạm” và “Thẩm quyền xử lý vi phạm” thành một phần “Xử lý vi phạm” riêng; Mục “Giải quyết khiếu nại” thành một phần riêng thay vì nhóm chung vào một Phần “Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại” như Dự thảo Thông tư.
  1. Một số vấn đề khác:.
  • Đoạn viện dẫn ở đầu Dự thảo Thông tư “Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2 tháng 7 năm 2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cần sửa thành “Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002”, đồng thời các đạo luật cần ghi thêm năm ban hành để phân biệt rõ với các đạo luật cùng tên nhưng đã hết hiệu lực.
  • Khái niệm “nguồn gốc xuất xứ” của hàng hoá phải viết liền chứ không viết “nguồn gốc, xuất xứ” là không đúng ý nghĩa (đoạn 1, điểm I, Phần I ).
  • Cần xem lại, hạn chế tối đa các từ “quy định” và thay thế bằng từ “hướng dẫn” trong Thông tư như “… theo quy định của Thông tư này” (đoạn 2, điểm 1, Phần I); “Quy định về hoá đơn…” (tên Mục A và B, Phần II). Vì vai trò của Thông tư là hướng dẫn chứ không phải là quy định chi tiết thi hành.
  • Cần thay cụm từ “bị xử lý phạt vi phạm hành chính” (điểm 1, Phần III) bằng cụm từ “bị xử phạt vi phạm hành chính” Cần thay cụm từ “Toà án hành chính” (đoạn cuối của Mục C, Phần III) bằng “Toà án” cho đúng với tên gọi của hệ thống Toà án (không gọi là Toà án hành chính mà là Toà Hành chính)

Trân trọng tham gia !

 

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,614