80. Góp ý kiến cho Dự thảo 7 Luật Trưng cầu ý dân.

(ANVI)

  1. Về hình thức trưng cầu ý dân:
    • Dự thảo thể hiện hình thức trưng cầu ý dân có tính quyết định là cần thiết. Nếu trưng cầu ý dân chỉ có tính tham khảo thì không cần phải ban hành Luật này với nhiều quy định chặt chẽ và việc tổ chức trưng cầu ý dân vô cùng phức tạp tốn kém.
    • Để làm rõ quan điểm trên, khoản 1, Phương án 3, Điều 5 của Dự thảo cần thay từ “thực hiện” bằng cụm từ “để quyết định” trong câu “Trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước được tổ chức thực hiện về các vấn đề sau”. Tương tự như vậy là các quy định tại khoản 2 và 3 của Điều này.
  2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1):

Dự thảo liệt kê dài dòng, không làm nổi bật lên phạm vi điều chỉnh. Do vậy, đề nghị sửa lại như sau: “Luật này quy định về trình tự, thủ tục kiến nghị, quyết định và thực hiện việc trưng cầu ý kiến của công dân, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức trên phạm i cả nước hoặc ở địa phương”.

  1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3):

Khái niệm “Cử tri là người tham gia bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân” là không đầy đủ, thiếu chính xác. Thứ nhất, người không tham gia bỏ phiếu cũng vẫn có thể là “cử tri”. Thứ hai, cử tri phải có những điều kiện kèm theo nữa như độ tuổi, năng lực hành vi dân sự,… Vì vậy, cần định nghĩa như sau: ““Cử tri là người có quyền tham gia bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân” theo quy định tại Điều 34 của Luật này”.

  1. Về vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân (Điều 5):
    • Đây là điều quan trọng nhất của Luật này, nếu chỉ quy định chung chung như Phương án 1 hoặc 2 thì sẽ chỉ là luật khung, luật ống, không có giá trị trên thực tế. Quy định như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng vài chục năm nữa có thể vẫn không diễn ra việc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, ngay cả quy định cụ thể việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải trưng cầu ý dân cũng chưa hẳn hợp lý, vì những sửa đổi nhỏ như chúng ta đã từng sửa đổi lời nói đầu của Hiến pháp thì cũng không cần thiết phải trưng cầu ý dân. Do đó, cần phải sửa Phương án 3, liệt kê cụ thể, rõ ràng những vấn đề phải trưng cầu ý dân như sau:
      • Tên nước;
      • Thể chế chính trị;
      • Chế độ sở hữu đất đai;
      • Chế độ kinh tế;
      • Cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước;
      • Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô;
      • Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
      • Thông qua Hiến pháp mới;
      • Và các nội dung khác như Dự thảo.
    • Khoản 2 của Điều 5 quy định một trong những vấn đề trưng cầu ý dân tại cấp tỉnh là “vấn đề chia tách, nhập huyện, thị xã, thành phố thuộc tình” cần phải xem lại. Vì, Luật này xác định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là Quốc hội, nhưng theo Hiến pháp, thì thẩm quyền “chia tách, nhập huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” là thuộc Chính phủ. Vấn đề này còn liên quan đến quy định tại Điều 61, nếu số phiếu ngang nhau, thì vấn đề sẽ do cơ quan quyết định trưng cầu ý dân (theo Luật này tức là Quốc hội) quyết định. Ngoài ra, thiếu cấp “quận” và sử dụng từ “nhập” trong khi ở khoản 3 thì lại là “sáp nhập”.
    • Nên thêm vào khoản 4 như sau “4. Trong một lần trưng cầu dân ý có thể trưng cầu về một hoặc nhiều vấn đề quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này
  2. Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân (Điều 6):
    • Kết quả trưng cầu ý dân là sự thể hiện cao nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trên cả quyết định của Quốc hội, vì vậy cần thiết quy định rõ “không cần sự phê chuẩn của bất kỳ cơ quan Nhà nước nào” theo Phương án 1. Tuy nhiên, về việc hết hiệu lực thì nên theo Phương án 2, chứ không nên trói buộc như Phương án một là chỉ được thay thế sau 2 năm.
    • Ngoài ra, nếu “số cử tri đi bỏ phiếu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách cử tri” thì cũng không nên quy định việc bỏ phiếu lại (Điều 58, 59). Vì việc này không thực sự cần thiết, không nên “bắt buộc” kiểu bầu cử ép. Việc cử tri bỏ phiếu ít cũng chính là một sự “biểu quyết”, nên cần công nhận ngay kết quả. Trừ trường hợp có vi phạm pháp luật hoặc có tình huống đặc biệt.
  3. Về kiến nghị trưng cầu ý dân (Điều 10):
    • Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của Dự luật. Vì vậy cần quy định cụ thể, rõ ràng và khả thi theo nguyên tắc mở rộng thẩm quyền kiến ghị trưng cầu ý dân, vì đây là quyền đương nhiên của các cơ quan Nhà nước và công dân. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là cần xử lý các trường hợp khác nhau, như những trường hợp nào bắt buộc phải xem xét tại các Uỷ ban của Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội. Ví dụ, kiến nghị của Chính phủ bắt buộc phải đưa ra xem xét tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị có từ 1 triệu chữ ký trở lên bắt buộc phải đưa ra Quốc hội xem xét,…
    • Quy định như khoản 2, Phương án 2 “Công dân, các tổ chức xã hội của công dân có quyền kiến nghị về trưng cầu ý dân về một điều nào đó theo quy định tại Điều 5 cảu Luật này khi thu thập được một triệu chữ ký cử tri của hai phần ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tỷ lệ tương đối đồng đều theo vùng, miền trong thời hạn một trăm ngày” là không hợp lý. Thứ nhất, nếu đã đòi hỏi tới 1 triệu chữ ký thì không cần kèm theo số tỉnh, thành phố. Với điều kiện 2/3 số tỉnh thành đồng đều theo vùng, miền, thì chỉ cần 100-200 nghìn chữ ký. Thứ hai, cần phải viết rõ “ít nhất là một triệu chữ ký” và diễn giải cụ thể “tương đối đồng đều theo vùng, miền” là như thế nào. Đặc biệt đòi hỏi 1 triệu chữ ký là hoàn toàn vô lý đối với việc trưng cầu ý dân trong phạm vi một vài tỉnh, thành phố, nhất là những tỉnh chỉ có trăm nghìn dân.
  4. Về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân (Điều 12):
    • Việc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và các tỉnh là hợp lý. Tuy nhiên, cần có cách giải thích Hiến pháp hợp lý hơn, giao cho chính quyền địa phương quyết định việc trưng cầu ý dân tại địa phương mình. Có thể coi việc thông qua Luật này cũng chính là việc Quốc hội uỷ quyền một số vấn đề trưng cầu ý dân cho địa phương mà không trái với Hiến pháp.
    • Đặc biệt, quyết định trưng cầu ý dân chỉ nên coi là một quyết định thông thường của Quốc hội với số phiếu biểu quyết quá bán. Đây chỉ là vấn đề thủ tục, còn quyết định thực chất vấn đề là nhân dân. Quy định “Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” là quy định thiếu dân chủ, là rào cản dẫn đến việc nhân dân không còn cơ hội thể hiện ý chí nguyện vọng của mình.
  5. Về thủ tục, phiếu trưng cầu, thẻ cử tri, nội quy bỏ phiếu, biên bản kiểm phiếu:
    • Các nội dung trên cần được quy định đầy đủ trong Luật này hoặc viện dẫn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, chứ không nên để lại cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định như khoản 3, Điều 14.
    • Điều 14 viết là “phiếu trưng cầu ý dân”, nhưng Điều 15 lại là “bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân”, đề nghị bỏ chữ “biểu quyết”, vì “bỏ phiếu” chính là “biểu quyết”).
    • Điều 19 quy định Uỷ ban trưng cầu ý dân trung ương “Quy định mẫu thẻ cử tri mà mẫu phiếu trưng cầu ý dân”. Điều này cần được giải quyết thống nhất một lần trong Luật này hoặc giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chung và thay đổi khi cần thiết. Đặc biệt cần nhập chung hệ thống thẻ cử tri đối với bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tránh lãng phí, tốn công sức, tiền của. Thậm chí cần xem xét bỏ hẳn thẻ cử tri, mà đi bỏ phiếu theo Chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu. Khoản 4, Điều 46 quy định đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri là hoàn toàn không cần thiết, vì khi bỏ phiếu phải căn cứ theo danh danh sách cử tri. Đóng dấu vào thẻ cử tri chỉ dùng 1 lần xong bỏ đi, dù để phân biệt người đã bỏ hay chưa bỏ phiếu thì cũng không có ý nghĩa pháp lý và thực tế.
    • Điều 48 nhắc đến Nội quy phòng bỏ phiếu, nhưng không quy định nội dung, hình thức và thẩm quyền ban hành. Do vậy, cũng như những nội dung trên, cần được một cơ quan ban hành và in ấn thống nhất.
  6. Về kết cấu, tên gọi chương mục và điều khoản của Dự thảo:
    • Chương II “Kiến nghị về trưng cầu ý dân, thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân” và Chương IV “Khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân” nên nhập thành một Chương với tên gọi “Tổ chức trưng cầu ý dân”, tránh dài dòng như tên Chương II và không hợp lý khi tách thành một Chương riêng chỉ có 2 điều như Dự thảo.
    • Chương VI “Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân” và Chương VII “Kết quả trưng cầu ý dân” nên nhập thành một Chương với tên gọi “Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân”, vì toàn bộ Chương “Kết quả trưng cầu ý dân” chỉ thể hiện trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân. Việc nhập lại như vậy, còn tránh được sự bất hợp lý khi tên Điều 61 “Kết quả trưng cầu ý dân” lại trùng với tên Chương có nhiều điều khác nhau.
    • Cần bỏ hết các câu dẫn dắt vấn đề nhưng không thuộc kết cấu khoản, điểm nào như đoạn đầu tiên của các Điều 3 “Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau”, Điều 11 “Kiến nghị trưng cầu ý dân được gửi đến… sau đây” Điều 17 “Uỷ ban Trưng cầu ý dân gồm”, Điều 19 “Uỷ ban Trưng cầu ý dân trung ương có nhữ nhiệm vụ, quyền hạn sau đây”, Điều 24 “Tổ trưng cầu ý dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây”,…. Hoặc là cần viết các câu trên thành câu đầu của một khoản.
    • Tên Điều 50 “Kiểm phiếu” phải khác với tên Mục 1 “Kiểm phiếu” gồm nhiều điều. Ngược lại, tên Điều 68 phải trùng với tên Chương “Điều khoản thi hành” thì mới hộp lý, vì đó là điều duy nhất của Chương, thì không thể có tên gọi là “Hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành”.
  7. Về một số vấn đề khác:
    • Cần quy định rõ đâu là quyền, đâu là trách nhiệm. Ví dụ, với câu chữ như khoản 1 và 2, Điều 8 quy định “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc,… trong phạm vi quyền hạn của mình giám sát quá trình tổ chức trưng cầu ý dân” và “Mọi công dân giám sát quá trình tổ chức trưng cầu ý dân”, thì trách nhiệm giám sát của các cơ quan Nhà nước lại được hiểu là quyền giám sát, trong khi quyền được giám sát của công dân dường như lại trở thành trách nhiệm của công dân.
    • Cần thống nhất về việc viết hoa từ “Thường vụ” trong “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”, “Dân tộc” trong “Hội đồng Dân tộc”, “Pháp luật” trong “Uỷ ban Pháp luật” tại khoản 1, Điều 8; Điều 11,…
    • Cần thống nhất các từ viết tắt trong cả văn bản và khi xuất hiện lần đầu. Khoản 1, Điều 10 của Dự thảo viết “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” khi chưa định nghĩa viết tắt “cấp tỉnh” mà đến Điều 17 mới định nghĩa “Uỷ ban trưng cầu ý dân cấp tỉnh”.
    • Đoạn mở đầu cảu Điều 11 cần xem lại quy định Uỷ ban Pháp luật thẩm tra kiến nghị trưng cầu ý dân. Có thể thay bằng “Uỷ ban Dân nguyện” (Ban Dân nguyện).
    • Viết “ngày nghỉ lễ chính thức” (Điều 15) là không chính xác, cần viết là ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động.
    • Cần thay thế từ “viết phiếu” bằng từ khác tại Điều 46 (ví dụ “đánh dấu”) cho đúng với tính chất của việc bỏ phiếu là đánh dấu lựa chọn một trong 2 phương án như các điều khác đã quy định.
    • Viết “các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội” tại khoản 1, Điều 64 dễ bị hiểu là có nhiều tổ chức chính trị.

 

 Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2006

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,854