827. Công ty Formosa xử phạt hành chính: Doanh nghiệp lạm quyền nhà nước

(DĐDN) – DN không có quyền xử phạt hành chính. Đó là khẳng định của LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi trao đổi với DĐDN liên quan tới việc công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) xử phạt tài xế chạy quá tốc trong KCN.

Theo LS Đức, nếu Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Cty Formosa) xử phạt cán bộ trong DN mình thì thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Nhưng DN này xử phạt cả đối tác, người ngoài DN mình thì có thể hiểu họ tự cho mình quyền xử phạt hành chính, như vậy là trái thẩm quyền.

– Thưa ông, lý lẽ mà Cty Formosa đưa ra là để bảo đảm an toàn cho người lao động liệu có hợp lý không?

Bảo đảm an toàn lao động trước tiên là trách nhiệm của DN. DN phải xây dựng nội quy trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nội quy của DN thường có phần xử phạt đối với cán bộ, công nhân viên DN nếu vi phạm các nội quy đó. Tuy nhiên, đối với vấn đề hình thức xử phạt cán bộ, nhân viên trong DN cũng đã được Bộ luật Lao động điều chỉnh. Theo đó, DN có thể áp dụng ba hình thức xử phạt gồm: Thứ nhất là khiển trách; Thứ hai là kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc cách chức hoặc chuyển sang làm công việc khác có mức lương thấp hơn tối đa không quá 6 tháng; Thứ ba là sa thải.

Như vậy, các hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật không có hình thức phạt tiền. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động gây thiệt hại cho Cty sẽ áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 89 Bộ luật lao động và được khấu trừ dần vào lương. Ngoài ra, nhiều DN đã áp dụng hình phạt trừ hoặc cắt tiền thưởng. Với việc không được phạt tiền hay trừ vào lương thì hình phạt bằng tiền thưởng được cho là khá hiệu quả và đang được áp dụng rộng rãi.

Thời gian qua, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trang bị súng bắn tốc độ và cho phép lực lượng bảo vệ xử phạt tài xế chạy quá tốc độ do công ty quy định trong khu vực Dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Công ty này cũng đề ra quy định: Nếu tài xế chạy quá tốc độ tối đa do công ty quy định (30 km/giờ) thì lực lượng bảo vệ sẽ xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô chạy 31-51 km/h sẽ bị phạt 2 triệu đồng/lần. Chạy quá 51 km/giờ thì bị phạt 3 triệu đồng/lần. Ô tô nào vi phạm lần thứ tư trở lên bị phạt 3 triệu đồng/lần.

Thời gian gần đây, qua phản ánh của một số cơ quan báo chí, Cty Formosa Hà Tĩnh đề ra quy định: Nếu tài xế chạy quá tốc độ tối đa trong khuôn viên DN 30 km/giờ thì lực lượng bảo vệ sẽ xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô chạy 31-51 km/giờ sẽ bị phạt 2 triệu đồng/lần. Chạy quá 51 km/giờ thì bị phạt 3 triệu đồng/lần… Từ quy định của Bộ luật Lao động có thể thấy, việc xử phạt này đối với chính cán bộ, nhân viên Cty Formosa cũng đã là trái luật.

– Không chỉ phạt người trong DN mình, Cty Formosa Hà Tĩnh còn áp dụng hình phạt cả đối với người ngoài đi vào khu vực DN xây tường bao. Ông có thể phân tích vi phạm trên?

Trước tiên, chúng ta cần xác định thế nào là đường trong khu công nghiệp hay đường trong nội bộ DN. Nếu là đường chuyên dụng trong các khu công nghiệp vẫn là một trong sáu hệ thống đường bộ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013. Ở trường hợp này, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nếu những đoạn đường Cty Formosa Hà Tĩnh đang áp dụng hình thức xử phạt là đường trong nội bộ DN thì nó có thể được áp dụng quy định quản lý theo nội quy của DN. Nội quy này phải căn cứ vào Bộ luật Lao động hiện hành. Như vậy, trường hợp này, Cty Formosa Hà Tĩnh cũng không có thẩm quyền áy dụng hình thức xử phạt tiền đối với ngay cả cán bộ, nhân viên của mình.

– Việc một DN tự đề ra hình thức xử phạt như trường hợp Cty Formosa Hà Tĩnh sẽ phải giải quyết ra sao, thưa ông?

Hình thức xử phạt mà Cty Formosa Hà Tĩnh đưa ra áp dụng chung cho mọi đối tượng cả trong và ngoài DN có thể được xem là hình thức xử phạt hành chính. Rõ ràng, việc xử phạt này là trái thẩm quyền. Muốn xử phạt hành chính thì phải được điều chỉnh bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cấp Chính phủ trở lên mới có quyền quy định.

Hành vi tự đề ra hình thức và mức xử phạt hành chính của Cty Formosa Hà Tĩnh cần được ngăn chặn ngay. Cơ quan chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật này trước tiên là DN, tiếp đến là Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (đơn vị trực tiếp quản lý DN) và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng và UBND tỉnh Hà Tĩnh là hai cơ quan có trách nhiệm ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên.

– Xin cảm ơn ông!

Bá Tú
thực hiện

——-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 18-9-2015:

http://enternews.vn/cong-ty-formosa-ha-tinh-xu-phat-hanh-chinh-dn-lam-quyen-nha-nuoc.html

(1.042/1.042)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604