(DDDN) – Là người thỉnh thoảng viết được dăm ba bài báo, vì vậy tôi cũng ít nhiều quan tâm đến nghề báo. Không phải là dân trong nghề, nên chỉ đứng từ xa quan sát và tìm hiểu về công việc viết lách từ chính báo chí. Trăn trở, băn khoăn và cảm thông với các Nhà báo. Chuyện vui vẻ, thú vị cũng lắm, mà sự đau khổ, oan trái cũng nhiều. Chuyện của bàn dân thiên hạ, từ ngủ xó mó niêu đến quốc gia đại sự; từ mấy chuyện tầm phào, giải trí cho đến những vấn đề sâu sắc, đớn đau, đều được phơi bày trên báo chí.
Là độc giả, ai cũng có lý do để phàn nàn, thậm chí oán trách báo chí. Nhưng chắc không ít Nhà báo cũng đau đáu, giận hờn và thậm chí là “ngậm đắng nuốt cay” từng ngày. Sức ép công việc, sức ép dư luận, sức ép pháp luật và muôn vạn sức ép vô hình khác. Mỗi năm, trên thế gian này có hàng trăm Nhà báo ngã xuống vì sự thật và lẽ phải. Cao cả và hiểm nguy. Sự sống và cái chết. Tất cả đều gắn liền với các Nhà báo chân chính.
Sau hơn chục năm nhìn lại, đã thấy trời đất đang xoay vần. Đổi thay không ít. Thời gian mầu nhiệm. Năm tháng làm được mọi thứ.
Ngày trước viết ra cái gì cũng bị sửa. Không phải được sửa gọn, sửa hay hơn, mà là bị sửa để cho nó tròn trịa, phù hợp với “khẩu khí” kiểu văn mẫu trong nhà trường. Chẳng hạn câu: “Ngành T. không thể phủ nhận trách nhiệm gây ra nỗi đau đớn, oan trái kéo dài của người dân”, sẽ qua khuôn mẫu cải biên thành: “Nên chăng, ngành T. cũng cần thông cảm với nỗi khổ lâu nay của một số người”. Buồn cho những câu, những chữ tâm đắc nhất, bị gọt sửa “méo mó” không còn nhân dạng. Một bài báo, mà bỏ đi một vài từ “đắt giá” thì đồng nghĩa với việc “phá giá”toàn bộ bài viết. Sửa vài câu mà tác giả “gửi gắm” ruột gan, thì tác phẩm báo chí biến thành thằng con hoang, chứ đâu còn là đứa con rứt ruột đẻ ra. Sửa cho nhẹ nhàng về câu cú, thì cũng lèo phèo về chất lượng. Chưa nói là nhiều khi còn quay đầu dựng ngược ý tứ của tác giả. Đối với người viết chỉ vì tâm huyết, chứ không phải vì kế sinh nhai, thì sửa như thế chẳng bằng đừng đăng bài còn hơn. Bực mình. Chán ghét. Nhưng đã là duyên nợ thì bỏ cũng chẳng dễ gì.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng nhìn lại, cũng có thể gọi là tình hình đã thay đổi nhiều. Nay, đã được đăng gần như nguyên vẹn những gì là ý kiến, quan điểm, giọng văn của cá nhân. Tất nhiên chỉ là chuyện luật lệ, kinh doanh và đời sống xã hội, chứ không mơ đến chủ đề nhạy cảm. Thậm chí gần đây, trong một bài của tôi, do sơ suất đã viết sai 3 lỗi, cũng vẫn được Tạp chí để nguyên. Thà để nguyên những lỗi đơn giản ấy, vẫn còn có lý hơn cái kiểu sửa cho sạch lỗi, nhưng cũng hết luôn cả ý.
Nếu tập hợp những câu tâm đắc, những lời nhận định sắc sảo công khai trên báo chí vào thành từng chủ đề, thì có lẽ không ít người phải giật mình trước tiếng nói mạnh dạn, gai góc, dũng cảm của Nhà báo những năm gần đây. Nếu thật sự phát huy được chủ trương tự do báo chí, nếu thật sự tôn trọng chân lý “tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do”, thì sức manh của báo chí sẽ được nhân lên gấp bội. Hy vọng về sự thay đổi và những điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực. Báo chí sẽ xứng đáng với xứ mệnh là quyền lực thứ tư.
Cái gì chưa nói được thì đành phải chờ thời gian nói hộ.
————————————————
Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Bài đăng trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 21-6-2008