84. Cần thay đổi bậc thuế và quy định rõ căn cứ tính thuế.

  1. (ANVI) – Về thu nhập thuộc diện không chịu thuế (Điều 5):
    • Điểm a, khoản 1 quy định một trong những loại phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế là “Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm”. Tuy nhiên cần quy định rõ chế đọ phụ cấp độc hại, nguy hiểm này là theo quy định nào, vì trên thực tế có một số doanh nghiệp tư nhân trả khoản phụ cấp này rất cao hoặc trả phụ cấp đối với cả những công việc mà Nhà nước không quy định được hưởng phụ cấp độc hại nguy hiểm.
    • Khoản 3 cần xem lại một số khoản tiền thưởng không thuộc diện chịu thuế. Chỉ nên loại trừ “Các khoản tiền thưởng, giải thưởng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, vì là tiền ngân sách. Không nên loại trừ toàn bộ các khoản tiền thưởng khác, khi được các nguồn khác trao tặng (bao gồm cả tiền của các tổ chức, cá nhân nước ngoài), có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, đó là:
  • Tiền thưởng đối với sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
  • Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng;
  • Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, quốc tế;
    • Các khoản tiền thưởng phát minh, sáng chế được Nhà nước công nhận hoặc kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng, cũng như các khoản tiền thưởng, giải thưởng có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đều cần đưa vào thuộc diện chịu thuế thu nhập. Điều này cũng giống như Ngân sách Nhà nước trả lương nhưng vẫn có thể thu thuế từ tiền lương này. Tuy nhiên, để tránh tình trạng Nhà nước chi ra xong lại thu về, thì không nên đưa vào diện chịu thuế nói chung, mà thu nhập đến một mức nào đó, chẳng hạn trên 100 triệu đồng/lần thì mới phải nộp thuế. Còn nếu bỏ hẳn những khoản này ra ngoài thì không hợp lý hợp lý và không công bằng.
    • Cần quy định rõ thêm trường hợp thu nhập không chịu thuế tại khoản 6: “Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất”. Nếu một người có 2 căn nhà, giá trị căn nhà thứ nhất là 100 triệu, giá trị căn nhà thứ 2 là 10 tỷ. Họ đồng thời bán 2 căn nhà để mua một căn nhà khác. Nếu bán cùng một ngày thì có được loại trừ thuế 1 căn không. Hoặc ngày bán căn nhà thứ nhất sớm hơn một vài ngày thì căn nhà thứ 2 không bị thu thuế và ngược lại. Mức độ chênh lệch sẽ là rất lớn.
    • Ngoài khoản thu nhập không chịu thuế là “Tiền lãi gửi tiết kiệm” tại khoản 14, cần quy định cả “Tiền lãi gửi các tổ chức tín dụng”. Vì về tính chất, tiền gửi được theo dõi tại tài khoản tiết kiệm hay tài khoản khác như tài khoản thẻ, tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, mua chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu,… cũng đều giống nhau. Nó chỉ khác nhau ở hình thức huy động của các tổ chức tín dụng để nghiệp vụ huy động phong phú, hấp dẫn hơn. Luật cần tránh việc buộc các ngân hàng phải gượng ép đặt tên các loại tiền gửi khác là “tiết kiệm” để giữ Khách hàng. Khoản 1, Điều 3, Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành cũng quy định rõ loại trừ khoản thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng bên cạnh lãi tiền gửi tiết kiệm.
  1. Về Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (Điều 15) và thuế suất (Điều 21):
    • Quy định này cần phải xem lại về cơ sở tính giá bất động sản, vì giá bất động sản chủ yếu là giá đất. Nhà nước đã ban hành khung giá đất để bồi thường, thu thuế sử dụng đất, thì cũng phải tính thuế chuyển nhượng bất động sản, chứ không nên tính giá theo hợp đồng chuyển nhượng.
    • Thuế suất Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản 25% là quá cao. Thu nhập trúng thưởng là khoản thu nhập “trời cho” mà chỉ phải nộp thuế 10%, trong khi hoạt động chuyển nhượng bất động sản và Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn phải nộp 25%.
  2. Về Khoản giảm trừ gia cảnh (Điều 18):
    • Mức tiền giảm trừ gia cảnh được quy định tại khoản 1 chỉ là một con số tương đối, vì vậy, giảm 4 triệu đồng/tháng đối với cá nhân đối tượng nộp thuế (tức là thu nhập trên 4 triệu đồng mới tính thuế) là vừa phải. Tuy nhiên phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng, là thấp, cần tăng lên 2 triệu đồng/tháng (50%). Mặt khác cần quy định rõ thế nào là người phụ thuộc. Định nghĩa tại khoản 6, Điều 3 (Giải thích từ ngữ) “Người phụ thuộc người mà đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật” là chưa rõ ràng. Vì hiện nay pháp luật chưa có quy định thế nào là “nuôi dưỡng, cấp dưỡng” để áp dụng vào trong trường hợp này. Có được trừ như nhau giữa trường hợp “trực tiếp nuôi dưỡng” (theo Điều 610 về Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Điều 628 về Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể), Bộ luật Dân sự năm 2005 và gián tiếp nuôi dưỡng, giữa người được nuôi dưỡng, cấp dưỡng có các khoản thu nhập thường xuyên như trợ cấp, phụ cấp, lương hưu, buôn bán nhỏ; nhất là các khoản thu nhập không chịu thuế từ sản xuất nông nghiệp, từ trồng rừng của chủ hộ nông dân, từ làm muối của chủ hộ diêm dân; từ đánh bắt hải sản của chủ hộ ngư dân (theo khoản 11, Điều 5 về Thu nhập không chịu thuế của Dự thảo Luật) với người được nuôi dưỡng, cấp dưỡng không có khoản thu nhập nào?
    • Về nguyên tắc, người có thu nhập 4-5 triệu/tháng, hay thấp hơn nữa phải nộp thuế thu nhập là công bằng và rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu một người có thu nhập cao, nhưng lại phải chi phí cho chữa bệnh nhiều hơn số thu nhập đó, thì pháp luật không thể nhẫn tâm bắt họ tiếp máu, chạy thận nhân tạo ít hơn chỉ định của bác sĩ để dành tiền nộp thuế cho Nhà nước. Cần hết sức lưu ý đến một thực tế là, người dân Việt Nam không được bảo đảm tối thiểu về an sinh xã hội, do đó Nhà nước cần chấp nhận một khả năng “thất thu” nhất định để bảo đảm cả về pháp lý và đạo lý.
    • Do vậy, cùng với mức thu nhập khởi điểm chịu thuế, cần quy định rõ những khoản chi tiêu hợp lý đến một mức nào đó trở lên và có hoá đơn, chứng từ, sẽ được tính vào khoản giảm trừ gia cảnh. Trường hợp không có chứng từ, hoá đơn giá trị gia tăng hợp lệ, thì mới áp dụng mức khoán. Việc này bảo đảm được tính khoa học, kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đồng thời sẽ góp phần giải quyết được một căn bệnh trầm kha, nguy hiểm trong việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn chứng từ như hiện nay.
    • Cần đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng nhất là, thông qua các quy định về khấu trừ, giảm trừ thu nhập chịu thuế, buộc người nộp thuế phải chấp hành đúng chế độ hóa đơn, chứng từ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cần khuyến khích người nộp thuế chủ động tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống gian lận thuế để được quyền lợi là nộp thuế ít hơn, thay vì thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho gian lận thuế như thực trạng lâu nay. Việc này cũng phù hợp với yêu cầu của Luật Quản lý thuế. Đặc biệt là việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế hiện nay chưa thể đạt được mục đích đặt ra của nhà quản lý, bởi cơ quan thuế chỉ tận thu được thuế qua đối tượng nộp thuế chủ yếu là người làm công ăn lương.
  3. Về Biểu thuế luỹ tiến từng phần (Điều 20):
    • Mức thu nhập khởi điểm chịu thuế cần tăng từ 4 lên 5 triệu đồng/tháng. Việc này tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền, triển khai và hành thu, tránh tâm lý phản ứng bị “giảm” mức khởi điểm thu thuế đối với người nộp thuế (mặc dù không đúng). Mức này cũng sẽ phù hợp với mặt bằng thu nhập và giá cả khi Luật có hiệu lực vào năm 2009. Đồng thời, phải quy định cụ thể nguyên tắc nâng mức khởi điểm thu nhập chịu thuế theo chỉ số lạm phát và giá cả, theo đó cũng nâng các mức khác lên một cách tương ứng. Sau khi thực hiện 4-5 năm, mặt bằng giá cả có thể tăng lên khá nhiều, khi đó cần điều chỉnh kịp thời mức này để bảo đảm đúng mục đích, tính chất của sắc thuế, tránh việc tăng thuế “ngầm”.
    • Phần thu nhập tính thuế từ bậc thuế thứ nhất sang bậc thuế thứ hai của Biểu thuế là không hợp lý, vì bậc 1 chỉ tính cho phần thu nhập quá ít là 1 triệu đồng/tháng (trên 4 triệu đến 5 triệu đồng, trong khi khoảng cách bậc 4 là 14, bậc 5 là 20, bậc 6 là 28 triệu đồng – bậc 6 không hiểu tại sao không tính từ 50 mà lại phải là 52 triệu đồng/tháng). Cần mở rộng bậc 1 cho phần thu nhập với khoảng từ trên 4 triệu đến 10 triệu đồng, bậc 2 từ trên 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đặc biệt, nếu duy trì khoảng cách thu nhập tại bậc 1 theo Dự thảo là một nghệ thuật “đánh lừa” người nộp thuế. Rằng mức thuế khởi điểm 5% là rất thấp, nhưng lại chỉ áp dụng trong một dải thu nhập quá hẹp. Mọi đối tượng phải nộp thuế chỉ được nộp trong mức “ưu đãi” này không quá 50.000 đồng. So sánh thu nhập đến 10 và 15 triệu đồng/tháng, theo Dự thảo phải nộp thêm 10% và 15%, tức là tổng cộng 800.000 đồng. Trong khi đó theo Pháp lệnh hiện hành quy định thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng, nộp thuế 10%, tức là thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng, thì chỉ phải nộp thuế 500.000 đồng. Mặc dù mức nộp mới đã được giảm trừ gia cảnh, nhưng cũng vẫn chưa hợp lý. Ngoài ra, theo Pháp lệnh hiện hành, thì khoản thu nhập từ cổ phiếu không phải nộp thuế, nhưng theo Dự thảo Luật thì phải nộp 5% (thu nhập từ đầu tư vốn).
    • Biểu thuế lũy tiến từng phần nêu trong Dự luật đưa ra 8 mức thuế suất là quá nhiều, phức tạp; không cần thiết; khó khăn cho việc nộp thuế cũng như công tác theo dõi, quản lý; không khuyến khích được đối tượng có thu nhập trung bình khá trong xã hội vào những năm tới. Vì vậy, đề nghị đồng thời với việc mở rộng khoảng cách thu nhập ở bậc 1 và 2, cần giảm bớt số bậc thuế xuống 4-5 bậc thay vì 8 bậc như Dự thảo. Ví dụ: Thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng nộp 5%; từ trên 10-30 triệu đồng/tháng nộp 10%; từ trên 30 triệu đến 50 triệu đồng/tháng nộp 15%; từ trên 50 triệu đồng/tháng nộp 20%. Mọi hoạt động dẫn đến thu nhập đều đã phải nộp thuế (thậm chí đã phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ cổ tức), vì vậy không có lý do gì đánh thuế quá cao vào thu nhập chính đáng.
  4. Về một số khái niệm và vấn đề khác:
    • Khoản 2, Điều 3 (Giải thích khái niệm) nêu một trong những cá nhân kinh doanh là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là “Chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể”. Khái niệm này không thống nhất với khái niệm được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp là “Hộ kinh doanh”.
    • Khái niệm “Cá nhân cư trú” trong Dự thảo thực chất cũng tương tự như khái niệm “Người cư trú” trong Pháp lệnh Ngoại hối, nhưng lại được giải thích rất khác nhau. Khái niệm “Cá nhân cư trú” tại khoản 3, Điều 3 (Giải thích khái niệm) là cá nhân có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
  • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch;
  • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam.

Trong khi đó khái niệm “Người cư trú” tại khoản 2, Điều 4 (Giải thích từ ngữ) Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 là:

  • Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam;
  • Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Công dân Việt Nam làm việc tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài; Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức của Việt Nam và cá nhân đi theo họ;
  • Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
  • Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy sẽ tạo ra sự nhầm lẫn trong việc hiểu và áp dụng pháp luật. Vì vậy, cần xem xét sử dụng một khái niệm khác, hoặc quy định thay đổi luôn khái niệm trong Pháp lệnh Ngoại hối.

  • Khoản 3, Điều 4 (Thu nhập chịu thuế) và khoản 1, Điều 13 (Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn) nêu một trong những khoản thu nhập là “lợi tức cổ phần” cần sửa lại là “cổ tức”, vì khoản 9, Điều 4 (Giải thích từ ngữ), Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính”.
  • Cần xem lại quy định tại đoạn 3, Điều 7 (Xác định thu nhập không bằng tiền): “Ngoại tệ được tính theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm có thu nhập bằng ngoại tệ” vì đến một thời điểm nào đó, tỷ giá này được lấy thẳng từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chứ Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần công bố.
  • Khoản 1, Điều 19 (Thu nhập tính thuế) viết: “Tổng thu nhập chịu thuế… trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp mà đối tượng nộp thuế bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật…” là chưa chính xác, vì loại “bảo hiểm y tế” bắt buộc chính là một phần của “bảo hiểm xã hội” theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.—————————–

    Bài được lưu ở đây:

    ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

    FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

    E-mail: duc.tt @anvilaw.com

    Web: www.anvilaw.com

    ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924