841. Giải quyết nợ xấu về đích sớm?

(KTĐT) – Đến 30/9 là thời hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu phải đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Song dù chưa hết tháng 9, nợ xấu tại các NH đã giảm rất nhanh, cơ bản về đích.

Giảm nhanh

Đến thời điểm này, tại hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tín dụng đều tăng mạnh, tốc độ tăng tín dụng đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn, song quan trọng hơn là mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% so với tổng dư nợ cơ bản đã thực hiện được.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối tháng 8, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ. Nếu trừ nợ xấu của các NH bị mua với giá 0 đồng, nợ xấu còn lại trên địa bàn là 32.029 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ. Như vậy, việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã về đích sớm trước một tháng. Còn tại Hà Nội, đến đầu tháng 9, 13/14 Hội sở chính NH TMCP (trừ GPBank) đã xử lý được 32.336 tỷ đồng nợ xấu, đạt 105,1% so với tổng nợ xấu phải xử lý được giao.

Khách hàng giao dịch tại VietcomBank. Ảnh Nguyễn Linh

Hầu hết các NH đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Các NH đã nỗ lực tự xử lý, khi các khoản nợ xấu mà khoản dự phòng rủi ro không đáp ứng được, các NH đã chuyển qua cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Từ quý II/2015, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các thành viên đẩy mạnh việc bán lại nợ xấu VAMC. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, việc xử lý nợ xấu đã hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra. VAMC đã xử lý được 13.320 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD hiện đã được đưa về mức dưới 3% và thậm chí trong vài ngày nữa, tỷ lệ này sẽ ở mức thấp hơn. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao cũng góp phần nhất định co hẹp tỷ lệ nợ xấu. Tính đến đầu tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,23% so với cuối năm 2014; dự kiến cả năm có thể lên tới 17%.

Xử lý nợ xấu không chỉ trên con số

Như vậy, sau 3 năm kể từ khi lập đề án xử lý với tỷ lệ thống kê nợ xấu lên tới 17% vào tháng 9/2012, các NH phải dồn toàn lực để xử lý nợ xấu, và 3% từng được cho là một thách thức đến nay đã về đích. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa nợ xấu về dưới mức 3% đã đạt được nhưng nợ xấu sẽ chỉ giảm về mặt chỉ tiêu, tỷ lệ trên giấy tờ, còn trên thực tế vẫn chưa xử lý được triệt để. Thông thường NH có một số cách xử lý nợ xấu căn bản như sau: Thứ nhất, phát mại tài sản thế chấp để thu hồi một phần nợ vay. Thứ hai, bán nợ lại cho một tổ chức khác. Thứ ba, vốn hóa các khoản nợ, biến thành vốn góp tại DN. Thứ tư, xóa nợ cho khách hàng và đưa ra theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán. Thứ năm, cấu trúc lại thời hạn trả nợ. Trong 5 cách xử lý cơ bản nêu trên, cách thứ nhất là cách xử lý nợ xấu triệt để nhất, tuy nhiên, ngay cả cách này thì việc thu hồi nợ cũng rất khó khăn, buộc NH phải trích lập dự phòng.

Mặc dù đã sớm trích lập dự phòng và ra sức xử lý đưa nợ xấu xuống dưới 3% song nợ xấu có khả năng mất vốn tại các NH lại tăng nhanh, có NH tăng tới 200% so với đầu năm và chiếm tới hơn 50% tổng số nợ xấu. Trong số đó, 13 NH (BIDV, VCB, VietinBank, STB, VIB, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, MB, PGBank, EIB…) đang có 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu. Theo luật sư Trương Thanh Đức, thông thường đối với những khoản nợ quá hạn từ 3 năm trở lên coi như không có khả năng thu hồi, chủ nợ phải sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi. Nếu nợ xấu không được xử lý dứt điểm, càng để lâu NH càng phải trích lập dự phòng lớn ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của NH. Những khoản nợ không đòi lại được sẽ bị trừ vào lợi nhuận.

Trong khi đó, cách bán nợ cho VAMC chỉ là giải pháp tạm thời mang tính số học và trên giấy tờ do VAMC mua nợ không bằng “tiền thật” nên TCTD không có vốn thực để tái cho vay. 3 năm qua, VAMC mới chỉ bán được 7% nợ xấu (13.320 tỷ đồng trong tổng số 211.000 tỷ đồng). Điều này có nghĩa, để được nhấc ra khỏi cân đối tài sản của mỗi NH đang được xử lý bằng cách chuyển từ “kho con” sang “kho tổng” – từ NH sang VAMC. Do đó, dù nợ xấu có giảm đúng như mục tiêu, vẫn có một bộ phận không nhỏ DN bị “treo” nợ xấu, không vay được tín dụng mới để sản xuất, kinh doanh. Con số các DN hoạt động cầm chừng hoặc đình trệ, phá sản không nhỏ trong 8 tháng năm 2015 đã nói lên điều đó.

Nợ xấu vẫn luẩn quẩn dưới chân các ngân hàng
Để bán được nợ, tài sản của VAMC chào ra phải hợp pháp, hợp lệ và bán được. Nhưng từ trước tới nay chưa có tài sản nào (liên quan đến khoản nợ xấu của VAMC mua từ các NH hay nợ của các NH) mà VAMC hoặc NH có thể đến lấy được và bán lại công khai được. Tất cả đều phải qua cơ quan trung gian là tòa án và cơ quan thi hành án. Đây là vướng mắc rất lớn khiến đường đi của tài sản bị tắc. Nợ xấu vì thế vẫn luẩn quẩn dưới chân các NH.
Điều quan trọng là Việt Nam cần giải quyết nợ xấu đang tồn tại và không tạo thêm nợ xấu. Nếu không triệt để giải quyết nợ xấu sẽ không thể khơi thông dòng vốn và DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick

Nguyên Anh

——-

Kinh tế & Đô thị (Thị trường tài chính) 28-9-2015:

http://www.ktdt.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh/2015/09/8102f166/giai-quyet-no-xau-ve-dich-som/

(83/1.180)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,641