84a. Cần thay đổi bậc thuế và quy định rõ căn cứ tính thuế.

(ANVI) – Theo đề nghị của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:

  1. Mức khởi điểm chịu thuế là cao hay thấp?

Mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng là không thấp. Đó chỉ là mức bắt đầu nộp một phần thuế. Trong khi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn dưới xa mức này, nên không thể nói rằng, mức thu nhập ấy là chưa đủ sống. Thu nhập trên mức đó đến 5 triệu đồng nữa cũng chỉ phải nộp 5% (tức là thu nhập tổng cộng 9 triệu đồng chỉ phải nộp thuế thu nhập tối đa 250.000 đồng).

Về nguyên tắc, thì mức khởi điểm chịu thuế thấp hơn nữa mới bảo đảm công bằng xã hội và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc nộp thuế. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội chưa cho phép, nên chưa mở rộng đối tượng nộp thuế theo Dự thảo là phù hợp.

  1. Tiền thưởng lớn tại sao lại không có trách nhiệm cao với xã hội?

Theo khoản 3, Điều 5 thì các khoản tiền thưởng đối với sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng; tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, quốc tế đều không thuộc diện chịu thuế. Quy định này là không hợp lý, nhất là trong trường hợp được trao tặng những khoản tiền rất lớn từ nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước. Chỉ nên loại trừ “các khoản tiền thưởng, giải thưởng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”.

  1. Hai phần thu nhập như nhau, tại sao chỉ thu thuế một nửa?

Khoản 14, Điều 5 quy định khoản thu nhập không chịu thuế là “Tiền lãi gửi tiết kiệm”, nhưng lại không loại trừ “Tiền lãi gửi các tổ chức tín dụng” (khoản này đang được loại trừ theo khoản 1, Điều 3, Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành). Về bản chất, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác tại tổ chức tín dụng (thẻ thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu,…) cũng đều giống nhau. Nó chỉ khác nhau ở hình thức huy động của các tổ chức tín dụng. Nếu không đưa thêm “Tiền lãi gửi các tổ chức tín dụng” thuộc diện không chịu thuế, thì sẽ dẫn đến tình trạng các ngân hàng gán cho mọi loại tiền gửi thêm một chữ “tiết kiệm” để “lách luật”.

  1. Thu thuế thu nhập cả trường hợp không có thu nhập?

Nếu thuế suất thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; thuế suất thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn nếu thật sự tính trên thu nhập ròng 25% thì không cao. Nhưng nó sẽ là quá cao, quá bất công so với thuế thu nhập doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã được loại trừ mọi khoản chi phí hợp lý. Trong khi đó thu nhập cá nhân lại chỉ được tính trên số tiền chênh lệch từ một phép trừ giản đơn giữa giá mua và giá bán. Đến thu nhập trúng thưởng là khoản thu nhập “trời cho” mà cũng chỉ phải nộp thuế 10%. Hãy giảm bớt sự bất công với những hoạt động này bằng cách giảm thuế suất.

  1. Là công cụ động viên việc chấp hành pháp luật hay khuyến khích việc coi thường luật pháp?

Cùng với mức thu nhập khởi điểm chịu thuế hiện nay, cần quy định rõ những khoản chi tiêu hợp lý đến một mức nào đó trở lên và có hoá đơn, chứng từ, sẽ được tính vào khoản giảm trừ gia cảnh. Việc này bảo đảm được tính khoa học, kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đồng thời sẽ góp phần giải quyết được một căn bệnh trầm kha, nguy hiểm trong việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn, chứng từ như hiện nay. Ví dụ, một người có thu nhập cao, nhưng lại phải chi phí cho chữa bệnh nhiều hơn số thu nhập đó, thì pháp luật không thể nhẫn tâm bắt họ tiếp máu, chạy thận nhân tạo ít hơn chỉ định của bác sĩ để dành tiền nộp thuế cho Nhà nước. Cần hết sức lưu ý đến một thực tế là, người dân Việt Nam không được bảo đảm tối thiểu về an sinh xã hội, do đó Nhà nước cần chấp nhận một khả năng “thất thu” nhất định để bảo đảm cả về mặt pháp lý và đạo lý.

Cần đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng nhất là, thông qua các quy định về khấu trừ, giảm trừ thu nhập chịu thuế, tạo cho người nộp thuế phải chấp hành đúng chế độ hóa đơn, chứng từ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cần khuyến khích người nộp thuế chủ động tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống gian lận thuế để được quyền lợi là nộp thuế ít hơn, thay vì thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho gian lận thuế như thực trạng lâu nay để cho người khác không phải nộp thế. Việc này cũng phù hợp với yêu cầu của Luật Quản lý thuế.

  1. Lấy phức tạp thay cho thay cho đơn giản?

Biểu thuế lũy tiến từng phần nêu trong Dự luật đưa ra 7 mức thuế suất là quá nhiều, phức tạp; không cần thiết; khó khăn cho việc nộp thuế cũng như công tác theo dõi, quản lý. Vì vậy, đề nghị đồng thời với việc mở rộng khoảng cách thu nhập ở bậc 1 và 2, cần giảm bớt số bậc thuế xuống 4-5 bậc thay vì 7 bậc như Dự thảo. Mọi hoạt động dẫn đến thu nhập đều đã phải nộp thuế (thậm chí đã phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ cổ tức), vì vậy không có lý do gì đánh thuế quá cao vào thu nhập chính đáng.

  1. Còn nhiều khái niệm và tính huống chưa cụ thể, chính xác:

Khái niệm “Chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể” (khoản 2, Điều 3) trong Dự thảo không thống nhất với khái niệm được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp là “Hộ kinh doanh”.

Khái niệm “Cá nhân cư trú” (khoản 3, Điều 3) trong Dự thảo thực chất cũng tương tự như khái niệm “Người cư trú” trong Pháp lệnh Ngoại hối (khoản 2, Điều 4) nhưng lại được giải thích rất khác nhau. Như vậy sẽ tạo ra sự nhầm lẫn trong việc hiểu và áp dụng pháp luật. Vì vậy, cần xem xét thay đổi khái niệm này trong Pháp lệnh Ngoại hối.

Khái niệm “lợi tức cổ phần” (khoản 3, Điều 4 và khoản 1, Điều 13) cần sửa lại thành “cổ tức”, vì khoản 9, Điều 4 (Giải thích từ ngữ), Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính”.

Một trong những loại phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế là “Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm” (điểm a, khoản 1, Điều 5). Tuy nhiên cần quy định rõ chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm này là theo quy định nào, vì trên thực tế có một số doanh nghiệp tư nhân trả khoản phụ cấp này rất cao hoặc trả phụ cấp đối với cả những công việc mà Nhà nước không quy định được hưởng phụ cấp độc hại nguy hiểm (Pháp luật Lao động không hạn chế).

Cần quy định rõ thêm trường hợp thu nhập không chịu thuế tại khoản 6, Điều 5: “Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất”. Nếu một người có 2 căn nhà, giá trị căn nhà thứ nhất là 100 triệu, giá trị căn nhà thứ 2 là 10 tỷ. Họ đồng thời bán 2 căn nhà để mua một căn nhà khác. Nếu bán cùng một ngày thì có được loại trừ thuế 1 căn không. Hoặc ngày bán căn nhà thứ nhất sớm hơn một vài ngày thì căn nhà thứ 2 không bị thu thuế và ngược lại. Mức độ chênh lệch sẽ là rất lớn.

Cần xem lại quy định tại đoạn 3, Điều 7 (Xác định thu nhập không bằng tiền): “Ngoại tệ được tính theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm có thu nhập bằng ngoại tệ” vì đến một thời điểm nào đó, tỷ giá này được lấy thẳng từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chứ Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần công bố.

Khoản 1, Điều 19 (Thu nhập tính thuế) viết: “Tổng thu nhập chịu thuế… trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp mà đối tượng nộp thuế bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật…” là chưa chính xác, vì loại “bảo hiểm y tế” bắt buộc chính là một phần của “bảo hiểm xã hội” theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,752